Ngã Mạn

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Ngã Mạn

Bảy cái phiền não này là gì? Là Dục ái, Sân, Kiến, Nghi, Mạn, Hữu ái, Vô minh. Đó là theo thứ tự trong kinh. Nhưng tôi bày cho các vị cái mẹo để nhớ dễ dàng vì đây là 7 thứ phiền não vô cùng quan trọng. Chính cách kể 7 của Đức Thế Tôn nó gắn liền ăn khớp với 4 tầng thánh. 7 Tiềm miên hay vậy đó. Đồng thời đây là những thứ phiền não mà nó có đủ 3 dạng: phát tát, nội kết và tiềm tàng. Đầu tiên mình thay đổi thứ tự một chút để nhớ cho dễ:

Tà Kiến và Hoài Nghi. Cặp này chỉ có ở phàm phu thôi. Thánh Tu đà hoàn đã trừ được 2 cái này.

Tầng thứ hai là giảm nhẹ Dục ái và Sân.

Tầng thứ ba là dứt điểm Dục ái và Sân.

Tà Kiến là hiểu sai. Còn hiểu đúng là hiểu rằng mọi sự ở đời do duyên mà có, có rồi phải mất. Hiểu rằng mọi sự do duyên mà có thì mình trừ được đoạn kiến. Hiểu rằng đã có rồi phải mất đi thì mình trừ được thường kiến. Như vậy Chánh kiến là hiểu rằng mọi sự ở đời do duyên mà có, có rồi phải mất, đó là thấy đúng. Còn cái nào đi ngược lại cái thấy đó được gọi là Tà Kiến.

Chánh kiến là thấy rằng mọi thứ do duyên mà có, ở đời này không có cái gì mà tồn tại độc lập hết. Trong đạo Phật không có gì là 1 hết. Tất cả là composition, là sự cộng hưởng, sự lắp ráp, sự ghép nối của nhiều thứ cộng lại nó mới ra một cái gì đó: cái ly, chén, muỗng, đũa, con người, con chó, con heo, cây cối, đất đá, thảo mộc,... Tất cả là sự cộng ghép của vô số thành tố, cấu tố, nguyên tố, yếu tố, chứ cái gì chỉ có một là không có. Ngay cả một nhân cách khả kính là Đức Phật tổ chánh đẳng chánh giác mà Ngài cũng không phải là một, Ngài không phải là một khối, Ngài là sự cộng hưởng của nhiều đức lành nhiều phước báu khác nhau mới làm nên cái tổng hợp gọi là Đức Phật, chứ từng phần phân tích ra không có gì gọi là Phật hết. Chánh kiến là vậy đó, còn người Tà Kiến là không hiểu những điều nãy giờ tôi vừa nói.

Hoài nghi là hoang mang về bản thân, hoang mang về thiên hạ và hoang mang về thế giới. Hoang mang ấy dựa trên nền tảng của người Tà kiến. Có những hoang mang không dựa trên nền tảng Tà kiến thì không gọi là hoang mang trong trường hợp này.

Thí dụ như một bậc thánh đi tới ngã ba thì vị ấy hoàn toàn có thể hoang mang khi cần quẹo ngã nào. Bậc thánh khi bị bệnh đứng trước cái tủ thuốc vị đó cũng có thể hoang mang với tình trạng bây giờ mình uống cái gì. Vị thánh đang ở trong một ngôi nhà bị cúp điện thình lình nửa đêm, ai hàng xóm cũng có đèn hết mà nhà mình không có điện và vị này không giỏi về điện thì vị này cũng hoang mang bây giờ mình phải làm gì, đèn nó đứt bóng hay cầu chì bị đứt hay dây điện bị chập mạch hay ăn trộm cắt điện để nó leo vô. Vị thánh có thể hoang mang như vậy. Nhưng những hoang mang này không có phải là hoang mang trên nền tảng của nhận thức, trên quan điểm triết học, mà chỉ là trên kiến thức thường nhật. Nhận thức khác và kiến thức khác. Một cái là opinion, idea, concept còn một cái chỉ là knowledge thôi.

Trước kiếp này ở đâu tôi tới, giờ tôi sống đủ trăm tuổi thấy người ta chết chắc chắn tôi cũng chết mà chết rồi tôi đi về đâu? Tôi là cái gì trong trời đất bao la này? Thì những hoang mang đó được gọi là Hoài nghi. Chỉ cần đắc tầng thánh đầu tiên là dứt khoát không còn Tà kiến và Hoài nghi này nữa.

Tiếp theo là Dục ái và Sân. Dục ái là niềm đam mê thích thú, cảm thấy thú vị, cảm thấy ngon, đẹp, thơm trong 5 trần vật chất.

Sân là sự bất mãn là trạng thái tâm lý đối kháng, trốn chạy, muốn xóa sổ trần cảnh trước mắt. Sân là tình trạng tâm lý bất kham trước cái mình ghét, trước cái mình sợ, trước cái mình không thích. Mình hiểu nghĩa Sân kiểu nghèo nàn là giận hờn căm ghét. Không phải, hiểu vậy hẹp lắm. Mình phải hiểu là bao gồm luôn cả tình trạng tâm lý đối kháng, trốn chạy, bất mãn thì gọi là Sân.

Thí dụ mình ngồi mà bực vì muỗi ruồi nó bu vo ve hoài cái đó cũng là Sân. Mình muốn đốt nhà giết cả họ người ta cũng là Sân. Mình nghe một câu nói, mình đọc một tin nhắn mà lòng mình nó hơi khó chịu thoáng qua chút, đó cũng gọi là Sân. Một tí ti nắng, một tí ti gió, một tí ti mùi hôi làm cho mình không thấy thoải mái đó cũng là Sân. Rồi ngồi thiền sao nó đau tê mỏi quá đi, từ cái đau vật chất, từ cái đau thể xác nó chuyển qua cái Sân rất là mau.

Từ sự mát mẻ thoải mái của thân xác nó chuyển qua Dục ái rất là dễ, mình ngồi yên thế này gió chiều riu riu thổi ngang mang theo mùi thơm hoa rừng, ở cuối chân đồi mà tiệm tùng phố xá nó mở cái nhạc khúc mà mình rất thích bây giờ nó đồng vọng lên đồi giữa một chiều nắng đẹp mình nghe được một đoạn nhạc khúc mình thích, đó cũng là Tham. Chứ không phải mình hiểu theo cái nghĩa phải tranh thủ vật chất, đắm đuối tình yêu, quyền lực danh vọng tiếng tăm mới gọi là Tham, hiểu như vậy nghèo lắm.

Mình thấy ngứa quá mình gãi thấy nó đã cũng là Tham, một mùi thơm thoáng qua mũi mình nghe có cái hơi thích cũng là Tham, một cơn gió nhẹ qua cũng là Tham, đang ngồi thiền mà một tia nắng ấm rọi lên chân làm mình thấy dễ chịu đó cũng là Tham. Hành giả tu Tứ niệm xứ là phải ráo riết rốt ráo như vậy, có cái gan đó là Tham. Chứ còn ngồi ấm tôi biết là ấm chứ Tham đâu mà Tham, dạ có Tham trong đó. Niềm đam mê dầu vi tế cách mấy mà đối với trần cảnh vật chất cũng được kể là Dục ái.

Một tí ti mùi phân bò ngay ngáy khai khai dưới đồi nó đưa lên đó cũng là Sân, chứ không nhất thiết là phải căm thù, bất mãn, tống khứ, trốn chạy, đối kháng, đối lập mà là bất kham trước nghịch cảnh thì đó là Sân.

Tầng thánh đầu tiên là Tu đà hoàn đã diệt hẳn Hoài Nghi và Tà Kiến. Ở tầng thánh thứ hai thì giảm nhẹ Dục ái và Sân. Có nghĩa là trên hình thức đời sống mình thấy họ giống như mình vậy nhưng họ không có phiền cái này phiền cái kia lắt nhắt lắt nhắt như mình, không có. Mình còn thích này thích kia, mình ăn uống mình còn thấy ngon còn thấy thích, mở quạt máy máy lạnh cũng còn thấy mát còn thấy thích. Cái vị nhị quả Dục ái của họ rất là nhẹ chứ không còn thô như mình.

Các vị hỏi nhẹ cỡ nào thì tôi có thể thí dụ trong bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Chung quanh mình toàn là bệnh lao, bệnh phổi, bệnh truyền nhiễm, rồi đàm xanh; có nội quy cấm khạc nhổ chứ họ khạc tùm lum hết. Rồi hút thuốc lén vứt tàn, xả rác tùm lum. Trong sân bệnh viện thì mấy con ruồi xanh con nào con nấy nó to đùng, nó bu những bãi đàm xanh phẹt tùm lum trong đó, mình ngồi nhìn mình gớm muốn chết ghê vậy đó. Thì thỉnh thoảng lâu lâu có một cơn gió trưa nó thổi nhẹ ngang rồi có mùi hoa sứ ở cuối sân bệnh viện đưa ngang mũi mình mình cũng thấy thích chứ. Tuy cái thích đó nó không có nồng nàn không có cháy bỏng như là mình nghe mùi hương đó trên thiền viện Trúc lâm Đà lạt hay trong sân chùa Xá Lợi hay ở một chùa quê mà 4 bề là đồng không mông quạnh sạch sẽ vệ sinh thoáng khí trong lành. Một mùi hương thơm trong bệnh viện PNT nó đi chung với ruồi, đi chung với bãi đàm, bãi nước miếng, đi chung với rác, đi chung với ám ảnh về bệnh viện. Lúc bấy giờ mình nghe thơm mình cũng có thấy thích nhưng cái thích đó rất là ít, yếu bởi cái ám ảnh của mình, cái ấn tượng của mình về những cái tiêu cực nó quá nặng đi. Hoặc là mình nhìn thấy một hàm răng đẹp mà trên đó có dính tí rau thì răng đẹp mình cũng thích nhưng cọng rau nó nằm xanh lè thấy ớn quá. Mình chưa kịp ngắm nghía chiêm ngưỡng hàm răng đẹp đó thì mình đã thấy cọng rau nó ám rồi.

Ở đây, vị nhị quả đối với Dục ái và Sân họ cũng như vậy. Họ cũng còn thích chứ, nghe mùi thơm họ cũng thích, ăn ngon họ cũng thích nhưng cái thích của họ là cái thích của một người mà ấn tượng của vị này về niết bàn, ấn tượng của vị này về sanh tử nó quá rõ đi. Còn với mình nói đến niết bàn là dịu vợi nghìn trùng, còn nói tới sanh tử thì cũng nghìn trùng dịu vợi. Mình nghe nói cõi đọa cũng sợ sợ chút đỉnh, cho tới lúc mình đã nổi cơn phiền não lên thì ba cái niết bàn sanh tử đi chỗ khác chơi hết đi, mình cứ tiếp tục Sân, tiếp tục Tham. Còn riêng vị nhị quả thì không, hễ nói đến quả niết bàn là họ biết rất rõ nó là cái gì, nói đến sanh tử là họ biết rất rõ nó là cái gì, có điều là cái biết của vị Tư đà hàm chưa có bằng các vị ở tầng thánh cao hơn cho nên cái biết còn có chỗ khiếm khuyết. Và từ đó cái thấy của họ về cõi luân hồi cũng còn có một chỗ bất toàn chưa có được trọn vẹn, còn có tí ti thích nhưng cái thích của họ nhẹ lắm.

Như vậy trong 7 cái phiền não này, 2 thứ đầu là Tà kiến và Hoài nghi thì vị Tu đà hoàn không còn nữa, 2 cái tiếp theo là Dục ái và Sân. Ở đâu có đam mê vật chất thì cái đó được gọi là Dục ái, mà ở đâu có đam mê Dục ái thì ở đó có bất mãn, ở đó có Sân. Cho nên kẻ nào trong đời sống càng có nhiều nhu cầu vật chất thì hạnh phúc của kẻ đó rất là mong manh, vì sao? Vì khi mình bị lệ thuộc quá nhiều vào những nhu cầu, những tiện nghi vật chất thì chỉ cần mai này một trong những tiện nghi ấy không còn nữa thì mình chịu không nỗi.

Trong một căn nhà mấy triệu đô la có một cái view thật là đẹp, lối đi lên ra đàng sau núi, ra ngoài rừng, đi xuống hồ, cái gì cũng tuyệt vời, chỉ cần có một bãi phân chó là mình cụt hứng liền. Mình bực mình là bởi vì mình đang quá mê cái nhà, mình quá mê khu vườn của mình nên trong khu vườn ấy, trong bối cảnh lộng lẫy nguy nga ấy, ngon lành đẹp đẻ ấy mà nó có xuất hiện một tí ti sự cố là mình bị sốc ngay. Còn nếu mà lòng mình nó đã nguội lạnh rồi thì hình ảnh của đống phân chó nó không làm mình sốc dữ vậy đâu.

Thí dụ như tôi nè chứ không đâu xa hết. Tôi có cái tật tôi gặp mấy cái bãi cỏ mà xanh, sạch tự nhiên tôi khoái nằm, không biết kiếp trước mình là con bò hay cầu thủ mà thấy cái sân cỏ xanh tôi thích lắm. Chỗ đó người ta cấm dẫm lên thì thôi mình không có đụng tới, nhưng mà có nhiều chỗ người ta không cấm rồi mình tính ngã lưng lên đó mà mình thấy có cái gì nó hơi ngộ ngộ mình ớn không dám nằm, không dám ngồi lên thì lúc đó nó có sự khó chịu. Trong khi đó mình đi ngang những chỗ mà cỏ không đẹp, không có gì cuốn hút, thì nó có cái gì tôi cũng mặc xác nó, tôi chớ có bận tâm, tôi không hề thấy khó chịu. Bởi vì đối với tôi nó đã xấu đã dơ thì tôi không có gì thích, mà tôi đã không thích thì nó có ra sao thì mặc xác nó. Nhưng khi mà tôi đã trao cho nó niềm tin yêu, tôi gọi đó là bãi cỏ xanh, là lối dẫn về thiên đường, nó là một phần của buổi chiều muộn, tôi thấy tia nắng vàng lấp lánh trên đó, tôi thấy nó là một phần đời của tôi, tôi đang trao gởi cho nó bao nhiêu là thứ tâm tình cảm xúc thì bèn nhận ra trong đó có một bãi đàm xanh, một bãi phân chó, các vị nghĩ coi tôi có bị sốc hay không? Cho nên ở đâu có Dục ái là có Sân là như vậy.

Mình mê ăn rau sống bây giờ mình mới vừa hốt nắm rau thấy sâu lúc nhúc trong đó, quí vị có chịu nỗi không? Đại khái tôi thí dụ cho các vị hiểu. Dục ái ở đâu thì Sân ở đó, hễ còn có thích thì còn có ghét, đó là thích trong Dục vật chất.

Còn thích trong thiền thì lại khác, đam mê trong Thiền nó không đủ để dẫn tới bất mãn, bởi vì cảnh thiền trước sau nó như vậy, nó không thay đổi. Đồng thời người vui được cảnh thiền là người đã diệt trừ được 5 triền cái, đã là một người trưởng thành có một đời sống tâm linh kiên định, chừng mực.

Còn riêng người đam mê trong cảnh Dục thì trình độ phải nói là cực kỳ non kém. Vì khi mình đam mê trong cảnh Dục thì cái đầu của mình so với cái đầu của loài động vật cấp thấp không có xa nhau bao nhiêu. Tôi biết nói cái này nhiều người sốc, hễ còn có thích là còn có bất mãn, mà nói rõ là thích trong cảnh Dục thôi, chứ còn cảnh Thiền thì trước sau như một. Cảnh Dục lúc vầy lúc khác. Lúc mình chưa chán nó thì nó đã thay đổi, còn không nó chưa kịp thay đổi thì lòng mình đã thay đổi. Mà tại sao thay đổi? Vạn pháp vô thường, cái đam mê nào cũng có lúc phải kết thúc, tình yêu nào cũng có lúc phải lìa tan, cuộc vui nào cũng tàn, cục nước đá nào cũng tan. Cho nên đối với cảnh Dục là: nó có vấn đề trước khi mình chán nó, hai là mình chán nó trước khi nó có vấn đề. Mình chán nó có 2 lý do: Một là do tâm vô thường. Hai là do có cảnh thứ 3, thứ 4 mình thích hơn.

Chỉ có cảnh Dục nó mới éo le ngang trái đó chứ cảnh Thiền không có. Cái người mà họ nhập thiền 100 năm thì lần đầu tiên họ đắc thiền họ nhập định cho đến lần thứ 80 ngàn cảm giác như một không bao giờ thay đổi. Cảnh Thiền và cảm giác nhập định trong 80 ngàn lần trong 100 năm đó không có khác nhau. Không khác đây không phải là không vô thường mà là mỗi lần nhập thiền cảm giác y chang như vậy.

Trong khi cái Dục nó lại khác, thí dụ tôi rất thích ăn bánh xèo nhưng tôi chỉ thích trong một số điều kiện nhất định nào đó tôi mới thích: Một là lâu lắm rồi không được ăn. Hai là bánh xèo phải do cao thủ làm từ bột tới nhân tới rau nước chấm phải OK. Ba là cái bụng của tôi không bị no quá. Chính vì vậy cảnh Dục nó chỉ dành cho cái tầm thô, người thích trong cảnh Dục thì còn khả năng bất mãn.

Trong 7 phiền não thì Tà kiến và Hoài nghi là vị Tu đà hoàn dứt sạch. Dục ái và Sân thì vị Tam quả dứt sạch. Còn lại 3 phiền não sau là Ngã mạn, Hữu ái và Vô minh thì phải tới tầng La hán mới hết.

Ngã mạn là cái tâm trạng so sánh hơn, bằng, thua giữa người này với người kia. Nói như vậy thì tự ti, mặc cảm cũng là Ngã mạn vì mình có so sánh bằng cái tâm trạng, vị thế của người thua kém. Khi mình sống bằng cái mặc cảm, tự ti thì đó cũng là một thứ Ngã mạn, gọi là so thua.

Tự cao tự đại đó là so hơn, không ai bằng tôi hết, có ai bằng tôi đâu.

Còn so bằng là tình trạng yên lòng, thỏa mãn quá sớm về mình. Nghĩa là người ta sao tui vậy, tui không có ngán ai, người ta tới đâu tôi tới đó, nó cũng cỡ tui chứ làm sao hơn tui được, nó giỏi cỡ tui, nó đẹp cỡ tui, nó giàu cỡ tui, cái ghế cái chức vụ nó cũng cỡ tui thôi chứ có gì đâu.

Một vị thánh A la hán không có còn tâm trạng đó, tâm trạng so sánh mình với người. Vị Tu đà hoàn không còn thân kiến, không còn chấp đây là tôi, đây là của tôi. Nhưng trong những phút giây thất niệm thì vị đó vẫn thấy rằng mình vẫn còn một chút so đo là mình phước nhiều hơn người kia, người kia trí nhiều hơn mình, thí dụ vậy.

Lên tới Tư đà hàm thì sự so sánh ấy nó ít đi một tí, nhưng nói còn Ngã mạn là còn một tí ti thôi. Thí dụ người ta ngồi nói chuyện với mình người ta biết rõ rằng người ta cũng có một chút so sánh mình thua người ta hoặc hơn người ta. Nói chung trong so sánh và còn thấy trong đó một chút gì đó quan trọng thì được gọi là Ngã mạn.

Còn lên tới vị A la hán thì vị ấy không còn so sánh cái kiểu mà thấy quan trọng nữa, mặc dù các Ngài biết rất rõ cái người này trí nhiều hơn người này, cái người này tâm từ bi nhiều hơn người này, cái người này thiền định nhiều hơn người này. Nhưng cái biết một cách thanh thản, không hề nặng lòng, không thấy nó là quan trọng. Lúc bấy giờ nó không phải là sự so sánh nữa.

Tôi ví dụ mình thấy con của mình so với con của bà hàng xóm thì cái đó so sánh có đính kèm với Ngã mạn. Nhưng nếu mình thấy 2 đứa bé xa lạ nó ngồi cạnh nhau mình cũng có khả năng phân biệt 2 đứa nó khác nhau chứ, nhưng cái phân biệt đó nó nhẹ lắm, nó nhẹ hơn là mình so sánh con mình với con người khác.

Tức là các phàm phu và các bậc thánh thấp có so sánh và còn thấy một chút quan trọng trong sự so sánh đó. Nhưng các vị A la hán thì khác, các Ngài không thấy gì quan trọng hết. Thí dụ mình thấy 2 chiếc lá, mình thấy cái lá này nó to hơn lá kia, mình thấy cái lá này nó khô, lá kia cũng rụng rồi nhưng nó còn hơi tươi một chút. Thì sự so sánh đó rất là nhẹ nhàng, cái lòng mình rất nhẹ nhàng, không có cái gì mà nặng nề trong đó. Nhưng khi mà mình so sánh có chút nặng lòng, so sánh để mà có thích và ghét trong đó thì sự so sánh đó mới gọi là Ngã mạn.

Còn so sánh sự thật nó ra sao thì biết như vậy, thì cái đó trong ngôn từ mình thích mình gọi là so sánh, chứ thật ra vị A la hán không có so sánh, vị ấy chỉ biết thôi: Biết cái này hơn cái này, biết cái lá này nó bự hơn cái lá này. Chuyện gì trong mắt của Ngài cũng chỉ là 2 chiếc lá, lá này màu xanh, lá kia màu vàng, lá này lá khô, lá kia lá úa, hết.

Còn sống trong sự so đo là còn sống trong sự Ngã mạn. Ngã mạn thì có nhiều, có dịp tôi nói chuyện với bà con về Ngã mạn này tôi nghĩ là một ngày chưa có hết, nó cao siêu lắm, cái chữ Ngã mạn nó hay không có tưởng tượng nỗi. Các vị nghĩ là tôi đã quá lời khi nói chỉ riêng cái chữ Ngã mạn đã nói một ngày, thế nào cũng có người ngạc nhiên "Ổng nói có quá không ta, cái gì ghê vậy ta".

Các vị nghe cho kỹ: Người sống khiêm tốn biết tôn trọng người khác, đời đời sanh ra ngồi trên đầu của thiên hạ. Khiêm tốn thật lòng không phải giả vờ, thấy ai cũng hay, thấy ai cũng tốt. Quí trọng cái hay cái tốt cái khả kính của người ta, nhìn người ta từ những góc độ tích cực là khiêm tốn thứ thiệt. Người khiêm tốn như vậy đó đời đời sanh ra lúc nào cũng làm ông hoàng, bà chúa ngồi trên đầu của thiên hạ. Tuy nhiên khi mà ngồi ở ngai cao chót vót chỉ cần sơ sẩy một chút thôi, có một cư xử bất xứng thiếu tôn trọng đối với kẻ dưới mình là mình đang gieo cái duyên để đời sau mình xuống thấp hơn thiên hạ.

Mình siêng học hỏi thì đời sau sanh ra mình có trí huệ. Mình siêng bố thí, sống bằng cái lòng hào sảng thì đời sau sanh ra mình giàu sanh thoải mái vật chất. Mình có tâm phục vụ, có lòng thương người đời sau sanh ra có nhan sắc, có sức khỏe. Mình có lòng tùy hỷ với người khác thì đời sau sanh ra có nhiều quyến thuộc nhiều quyền lực. Tuy nhiên cái nhân lành cho quả lành là mới bước một nhưng bước hai mới ghê: Khi mình được hưởng quả lành mình hưởng bằng cái tâm trạng như thế nào? Tự tôn tự đại là đi ra từ đó.

Nói về tự ti, trong tiền kiếp mình đã tạo phước ít quá. Cho nên đời đời sanh ra mình bị vấn đề về nhan sắc, về trí tuệ, về vật chất, về quyền lực, về tình cảm, nói chung mình bị thiếu tùm lum hết. Và do nhiều đời sanh ra bị thiếu, rồi bị cuộc đời nó chèn ép lấn lướt quen rồi, đâm ra nó có mang cái thứ mà tôi gọi là "tâm thức nô lệ". Cái đó có, cái tâm thức này nó độc lắm. Nhẹ là mình chỉ bị mặc cảm tự ti thôi, lúc nào mình cũng khép nép, khúm núm, lấm lét, sợ sệt, lúc nào cũng thấy người ta trên mình, nịnh được thì nịnh, sợ được thì sợ.

Nhưng "tâm thức nô lệ" nó còn một cái dạng nữa kinh khủng lắm. Đó là nguyên thủy những con cá mà hôm nay mình nuôi trong những cái bể kiếng, nguyên thủy không có con nào nuôi trong nhà hết mà đều ở ngoài rừng rậm sông suối hết, rồi có ai đó tiện tay họ vớt nó về nuôi. Rồi từ từ cái văn hóa cá cảnh nó được hình thành và bắt đầu từ nước nào mình không biết, mà mình chỉ biết văn hóa chơi cá cảnh nó đã khắp nơi trên thế giới rồi như Nhật, Tàu, Thái, Việt, Singapore, Mã Lai, Đức…

Do phước xưa đời này sanh ra được này được nọ rồi sanh tâm kiêu ngạo, so bằng, so hơn. Do thiếu phước nên thường xuyên bị người khác đè đầu, bóp cổ cho nên lòi ra cái tánh tự ti mặc cảm. Trong tự ti mặc cảm có 2 loại: tâm thức nô lệ vi mô và tâm thức nô lệ vĩ mô. Vi mô là mặc cảm giữa cá nhân và cá nhân, tôi biết tôi thua anh, tôi biết anh ngon hơn tôi.

Còn cấp vĩ mô là của cả một dân tộc. Qua một thời gian quá dài sống trong một đất nước, trong một chế độ, trong một thể chế mà mình không có được thoải mái, lâu ngày mình sẽ sống bằng cái tâm thức nô lệ: sợ hãi, nịnh bợ và lừa dối. Có nghĩa là mình luôn luôn cảm giác suy nghĩ là cái gì mà nó theo cái lề trái, suy nghĩ không theo đường lối chính thống, thì mình sẽ là một tội đồ, mình sẽ là thành phần bị gạt qua lề xã hội,v.v... Lâu ngày mình có mặt trong cái đoàn thể tôn giáo hay là trong một đất nước, một bối cảnh chính trị nói chung, ... đừng có nói tôi đang phản động. Không phải, tôi đang nói chung, chính trị, văn hóa, tôn giáo, v,v... Thì khi mình sống trong đó quá lâu và mình không có được cái khả năng tư duy độc lập thì từ đó cũng hình thành ở mình một cái thứ tâm thức gọi là tâm thức nô lệ. Tức là luôn luôn lấp ló lấp ló không dám phản biện, không dám có cái nhìn độc lập, lúc nào cũng nhút nhát, không dám nói. Các vị biết có những cái xứ Hồi giáo cực đoan nói mà léng phéng là nó đè ra nó giết. Hoặc là Cơ đốc thời trung cổ, thời mà tòa án dị giáo, thời thập tự chinh, trong thời đó xui mà chỉ cần nó gặp trong nhà mình mà có con quạ chết là mình mệt rồi, người ta nói có quạ chết mà nó còn thấy 1, 2 món đồ là nó nói mình phù thủy, mà phù thủy là coi như dị giáo, là coi như nó đè ra giết, độc lắm.

Khi mà sống trong bầu không khí đè nén, áp bức, rình rập, theo dõi, nghi kỵ trong một thời gian dài như vậy thì tự động những người sống trong bối cảnh đó lúc này họ hình thành một thứ tâm lý mà mình gọi là tâm thức nô lệ. Đời đời sanh ra lúc nào cũng nhút nhát sợ hãi hết. Thì đó gọi là so thua.

Cho nên mình sống làm sao, làm phước thế nào để đời đời mình có điều kiện tu học đi tới con đường giải thoát, chứ không phải làm phước để đời đời sanh ra để ngồi trên đầu người ta rồi từ đó hình thành cái thứ Ngã mạn so bằng, so hơn. Đồng thời làm phước để đời đời sanh ra đừng có bị mắc vào cái thứ tâm thức nô lệ, nó độc dữ lắm. Bởi vậy tôi mới nói tất cả nghiệp thiện ác, thích và ghét của chúng ta nó đều hình thành từ 3 nhân tố: tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống.

Chỉ riêng cái khoảng tiền nghiệp là mình đã thấy mệt rồi. Chính vì tiền nghiệp nó mới đẩy anh đi về một phương trời nào đó, tại sao anh đi về đất nước này mà anh không đi về đất nước kia, tại sao anh phải có mặt trong đoàn thể A mà không có trong đoàn thể B, tại sao anh lại có mặt ở một nơi chốn mà anh không có cái quyền phản biện, anh không có quyền tư duy độc lập, anh không có quyền đi lề trái, anh không có khả năng suy tư như một con người mà anh phải sống bằng cái tâm thức nô lệ, tâm thức bầy đàn. Là sao? Lớn chuyện lắm. Cho nên riêng cái khoảng Ngã mạn lớn chuyện lắm, nói một ngày chưa hết đâu.

Trích bài giảng KTC.7.8 Các Kiết Sử
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Ngon Lành | | Kaṭhina

Rồi Một Hôm Nào | | Tâm thức Nô lệ

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com