Tâm thức Nô lệ

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Tâm thức Nô lệ

Đừng có vội vã chống báng ai, cũng đừng có vội vã tôn thờ ai chỉ vì một lý do là "tôi tin thầy của tôi, thầy tôi nói sao tôi tin vậy." Nếu quí vị nói với tôi là thầy quí vị dạy làm sao quí vị nghe như vậy thì quí vị nghe tôi hỏi câu thứ 2: Các vị có chắc là đời này quí vị chỉ có một thầy không? Chắc chắn là không. Một khi mình đi tầm đạo bằng cái tâm thức nô lệ, tức là chỉ nhắm mắt thờ lạy mà không có phản biện, kế thừa mà không biết phê phán, mình thờ thầy kiểu như vậy thì phải tự hỏi mình: Mình có chắc là đời này mình không có sanh lòng kính tin vị khác hay không? Có chắc là mình không có thầy thứ 2, thứ 3, thứ 5 hay không? Nếu chưa gì hết mà mình nói: "Không, đời này vĩnh viễn tôi không có mở cửa đón thầy khác vào lòng tôi nữa", thì bản thân thái độ đó đã là một thái độ có vấn đề.

Mình chưa làm thánh, cũng chưa biết ông thầy dạy mình là ai, mà mình đã phán:

"Không, đời này tôi chỉ một thầy thôi, gái chính chuyên chỉ có một chồng."

"Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết?
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng."

"Tôi là một hành giả kiên trinh, kiên định thì tôi không có thờ thầy thứ 2."

Mình nổ cho nó banh xác mà cuối cùng ngộ nhỡ một ngày nào mình tìm thấy một vị thầy khác tâm đắc hơn thì mình phải làm sao? Vì đó giờ mình đâu có khả năng phản biện, mình đâu có khả năng độc lập tư duy, đúng không? Hồi đó giờ mình lỡ ôm quá sâu, quá sát một ông thầy bây giờ lòi ra ông thứ 2 mình phải làm sao? Hai ông đó mà nói giống nhau thì đỡ; còn 2 ông nói mà chỏi nhau thì mình làm sao? Bên nghĩa bên tình, bên tình bên hiếu, thì làm sao? Trong khi đó nếu lâu nay mà mình có phản biện, có tư duy độc lập, dám có một cái nhìn riêng tư, có cái nhìn lề trái, thì hôm nay cớ sự nó đâu có ra nông nỗi can tràng tan nát như vậy. Các vị có hiểu không?

Cho nên mình học đạo phải nhớ một điều chúng ta không phải là con chuột bạch cho bất cứ ai hết. Người ta có khả kính bằng trời đi nữa thì mình phải nhớ thế này: Dầu người ta có nắm trong tay cả một vườn rau, vườn thuốc thì cái thứ rau, thứ thuốc mà nó hợp với mình chỉ là một ít trong đó thôi. Không lẽ nào vì mình mê, mình thương, mình quí, mình kính, mình sùng bái, mình thần tượng một ai đó rồi mình hái hết bao nhiêu thuốc, bao nhiêu rau trong vườn người ta mình đem về mình uống. Tôi nghĩ như vậy chắc là tâm thần rồi.

Dầu có giỏi cách mấy thì cái mà thầy có thể trao ra cho mình chỉ là một phần nhỏ của ổng thôi. Mà phần nhỏ đó có đủ cho cái đạo nghiệp của mình hay chưa? Chưa. Mình cũng phải kiếm thêm bằng những vị thầy khác, bằng những công phu khác, bằng những góc nhìn khác, bằng những thái độ lập trường quan điểm khác.

Không có gì đau cho bằng sanh ra trên tay không có xiềng, dưới chân không có xích mà lớn lên đi vào đời bị tôn giáo, văn hóa, chính trị nó xiềng mình.

Chính trị nó quất cho mình một cặp xiềng ở chân, rồi tôn giáo nó chụp cái vòng kim cô trên đầu của mình, rồi văn hóa xã hội nó chơi cho mình 2 cái còng trên tay. Các vị tưởng tượng nếu mình là mẹ mình sanh con ra mình hiểu được cái đó mình có đau không? Mình sanh nó ra, nó té nó trầy mình thương đứt ruột, mà bây giờ lớn lên tự nó đưa đầu cho cái đám thầy chùa tu sĩ chụp cái vòng kim cô lên, bị những quan điểm chính trị nó xiềng cái chân, rồi bị quan điểm xã hội văn hóa chơi thêm cái còng nữa thì coi như một đứa tật nguyền toàn tập chỉ vì 4 chữ "tâm thức nô lệ" mà thôi.

Kalama xin cảm ơn bạn elteetee ghi chép bài giảng KTC.7.8 Các Kiết Sử


Nhẹ Dạ | | Nền Đất Nền Gạch

Ngã Mạn | | Ohitabhāra

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com