Thối Đọa

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Thối Đọa

(IX) (27) Thối Ðọa
Bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa một nam cư sĩ đến thối đọa. Thế nào là bảy?
Quên, không đến thăm Tỷ-kheo; phóng túng nghe diệu pháp; không tu tập tăng trưởng giới; ít tin tưởng các Tỷ-kheo trưởng lão, trung niên, tân nhập; nghe pháp với tâm cật nạn, tìm tòi các khuyết điểm; tìm người xứng đáng cúng dường ngoài Tăng chúng; tại đấy phục vụ trước.

Một người cư sĩ mà mắc vào những cái này thì đạo nghiệp trong giáo pháp không có đi tới được, gọi là thối đọa. Thối là đi lùi, đọa là bị rớt xuống. Thay vì mình tu là phải đi lên và đi tới, còn đằng này lại thụt lùi và bị rớt xuống.

1. Không đến thăm tăng chúng. Cái này rất dễ hiểu lầm. Ở đây không phải là chư tăng cần quí vị thăm nom, không phải. Nhưng không thường xuyên gặp gỡ người xuất gia thì cái đạo tâm của mình bị mòn đi. Ngay cả một ông sư cũng vậy, dầu bản thân là một ông sư mà lâu quá mình không gặp chư tăng thì cái đạo tâm, cái đạo hạnh của mình nó cũng không có tốt bằng chuyện mình thường xuyên hoặc thỉnh thoảng gặp gỡ tăng chúng. Nói chi là cư sĩ cả một tháng, cả một năm cứ quần quật lăn lộn với đồng tiền bát gạo, với miếng cơm manh áo, với bao nhiêu thứ ở chợ đời phức tạp, cái đầu coi như không còn chỗ cho Tam bảo nữa. Cho nên tối thiểu mỗi lần mình tới gặp chư tăng thì tối thiểu trong lòng mình cũng có Phật một chút. Còn đằng này mình không có tới gặp chư tăng thường xuyên thì coi như cái tối thiểu đó nó cũng không có luôn.

2. Phóng túng nghe diệu pháp. Có nghĩa là nghe pháp một cách hờ hững, chư tăng giảng cái gì đó thì mình ngáp lên ngáp xuống "Mấy ông này có bao nhiêu đó nói hoài hà", hoặc là "Ôi cái đạo này đạo giải thoát cho thánh nhân cao siêu chứ mình làm được bao nhiêu hay nhiêu". Khi mình nghĩ như vậy mình nghe pháp không có sự chuyên tâm, không có lắng nghe, Tiếng Hán kêu là "đế thính" là không có lắng tai.

3. Không thích giữ giới. Như thế này, cư sĩ giới, ngũ giới nó giúp cho mình phân ranh đời sống của nhân thiên và loài đọa lạc vì loài đọa lạc nó không có 5 giới. Cho nên Tàu có một câu dựa theo kinh nguyên thủy đó là "Ngũ giới bất trì nhân thiên lộ triệt" tức là ngũ giới không có giữ là cái đường trời người bị đóng cửa. Ngũ giới nó là lằn ranh giữa nhân thiên và các cõi đọa. Đời sống của người có 5 giới không có giống như loài sa đọa. Khi mình sống giống cái gì thì mai mốt tắt thở mình sẽ về với cái loài đó, cái này quan trọng lắm nha.

Còn bát giới nó phân biệt giữa người sống trong dục và ly dục. Ly dục bậc thấp thì về các cõi dục thiên cao, ly dục bậc cao thì về các cõi phạm thiên. Mà tại sao bát giới được xem là lằn ranh giữa người hưởng dục và ly dục? Các vị thấy rồi, bây giờ ngồi dò lại 8 giới đi, thì coi như giữ đúng 8 giới thì nó triệt sạch đường hưởng thụ của mình rồi, nghĩ coi đúng không?

Và xuất gia giới là lằn ranh giữa phàm và thánh. Vị tỳ kheo đang giữ giới trong sạch là vị ấy đang sống theo kiểu của bậc thánh.

Ngũ giới là lằn ranh giữa nhân thiên dục giới và các cõi đọa.

Bát giới là lằn ranh giữa người hưởng dục và ly dục.

Xuất gia giới là lằn ranh giữa phàm và thánh. Một vị tỳ kheo giữ trọn 227 giới về hình thức của vị này y chang như vị thánh, mình không phân biệt được vị A la hán và vị tỳ kheo giữ 227 giới. Thậm chí trong Tương ưng bộ kinh, Đức Phật cũng từng dạy "Này các tỳ kheo, người giữ bát quan trai là hình thức sống của họ đã có một phần giống La hán rồi, nói chi là giới tỳ kheo.

4. Không có niềm tin vào các vị tăng. Có nghĩa là gặp người lớn tuổi cứ nghĩ rằng chắc ổng lẫn rồi, hoặc là ổng lẫn ổng nhớ hỏng nhiều, hoặc già sanh tật, hoặc bây giờ ổng già ổng bệnh rồi chắc ổng đang cần mình chăm sóc ổng đây. Còn hễ gặp ông nào mới tu thì mình nói ông này ổng không biết cái gì, còn ông nào trung niên thì mình nói mấy ông này tu gì đâu hỏng thấy mà thấy hoạt động nhiều quá, khổ vậy đó. Một khi mình đã có lòng bất tín rồi thì cở nào, ông sư mà ù lì hỏng biết gì hết thì mình chê dốt, bất tài. Còn ông sư có nhiều hoạt động thì mình nói sao mà tu. Còn ông sư trưởng lão lớn tuổi thì mình nói là bạc nhược, là hết pin, là vô dụng. Kiểu đó thì không có ai để mình nể hết.

5. Nghe pháp với tâm không phải cầu pháp mà nghe pháp với cái tâm cật nạn tìm chỗ sơ hở để mà vặn bẻ… Thì mình không thể nào tiến bộ được trong Phật Pháp. Mình không thích thì đừng có nghe, không nhất thiết phải mất thời gian để nghe pháp với nội tâm xung đột, mâu thuẫn, hung hăng, hiếu chiến như vậy.

6.Tìm người xứng đáng cúng dường ngoài Tăng chúng Có nghĩa là không có giáo lý ổn định. Do đó niềm tin nơi Tam bảo cũng không kiên định, do đó đạo nào cũng theo và trên trán lúc nào cũng có câu này "Đạo nào cũng dạy làm lành lánh dữ, đạo nào cũng là tốt và đường nào cũng về La Mã". Đó là những câu huề vốn. Và tôi cũng đã có dịp để gặp những người như vậy. Tôi nhắc lại một lần nữa, tôi không có ý bài xích hệ phái nào hết, nhưng các vị thử tưởng tượng đi. Mỗi một hệ phái có những đặc điểm về nhận thức và đặc điểm hành trì khác nhau chứ. Mà coi như mình cứ lăng xăng mình không tìm ra được cái gì thích hợp nhất cho mình. Rồi mình cứ nay thầy bà này, mai thầy bà kia, thì người Phật tử như vậy không có thể đi xa được. Tức là mình đang theo đuổi cái ông thầy này mình uống được 2 thang, mình nhào qua ông thầy khác uống 2 thang, rồi ông thầy này cấm mình ăn muối, ông thầy kia cấm mình ăn chua, ông thầy nọ cấm mình ăn ngọt. Cứ như vậy uống bên này 2 thang, qua bên kia uống 2 thang, thì tôi không biết cuối cùng cái bệnh của mình nó sẽ đi về đâu. Mình phải có tìm hiểu, mình phải có theo đuổi người ta một ít lâu trong một thời gian tối thiểu nào đó. Còn đằng này cứ ông này 2 thang, ông kia 3 thang, coi như một tháng mình đi tới 8 thầy, các vị tưởng tượng cuối cùng nó ra cái gì? Cho nên đi tìm đối tượng ngoài tăng chúng là vậy đó.

7. Tại đấy phục vụ trước. Có nghĩa là chạy lăng xăng nhưng mà cuối cùng vẫn ưu tiên cho những đối tượng ngoài tăng bảo.

Lạ lắm, có người họ chịu tôi không nỗi. Họ nói tại sao mà nghe ổng giảng có lúc nghe giống như ổng chửi, có lúc giống như ổng biết chuyện của mình rồi ổng chọt, nhột quá, hỏng biết chuyện của mình có ai kể ổng nghe hay không mà sao ổng biết. Hoặc là ổng đem ra ổng giảng vầy cầu trời ổng đừng có nói tên mình ra. Không. Các vị yên tâm chuyện đó không có, nhưng mà nhiều khi cần minh họa thì phải xài chuyện thứ thiệt.

Tôi biết hiện nay đang tồn tại một tình trạng rất là lạ. Là trong cư sĩ có những vị đang âm thầm hình thành một nhóm tiêu chí là có tóc học cùng nhau vì họ nghĩ mấy ông sư về học vị làm sao bằng nhóm chị em mình. Cô này cũng 4 năm đại học, cô kia dược sĩ, cô nọ bác sĩ, cô nào dốt dốt cũng 4 năm y tá, rồi kỹ sư về hưu, có ông luật sư nữa. Về hưu, thôi bây giờ mình ra tiêu chí là có tóc học với nhau, có nghĩa là mấy ông thầy chùa thì cũng hoàn cảnh sao mới đi tu mà đa phần là dốt nát, ăn nói thì lượm thượm, Phật Pháp thì cũng mơ màng, mà tại sao phải đi hầu mấy ổng chi cho mệt, nói hươu nói vượn mệt quá, còn bái lạy quì xưng con xưng trò mệt quá. Mà trong khi cái đám mình thì thời internet có sách vở đầy đủ trên mạng, mắc cái chứng gì phải đến để cho mấy ổng ban cho cái gì thì nhận cái đó, rồi thêm cái vô duyên nhất, tu học nguyên đám đều là con Phật hết mà bây giờ cái đám người này phải đi cung phụng cho cái người kia ăn uống cơm nước dâng tận miệng, kiểu đó thì bất công quá. Đều cùng nhau tu và học, thôi thì cái đám có tóc mình gom thành một nhóm không có cần mấy ổng nữa. Thế là nó hình thành ra một trào lưu, một phong trào bây giờ nó đang có vẻ là nở rộ trong, ngoài Việt Nam và đặc biệt là ở nước ngoài. Như tôi biết bên Đài Loan đang hình thành cái nhóm là quy y Nhị bảo, tương đương với Tịnh độ cư sĩ của Việt Nam hoặc có cái nhóm còn cực đoan giống như Hòa hảo vậy đó, thờ Phật rồi thờ sư phụ của mình thôi, sư phụ có thể là người có tóc nữa nhưng đặc biệt là không đụng tới người không tóc, thấy không tóc là đóng cửa từ xa.

Ở đây tôi cũng phải xác định tôi không có kêu gọi quí vị nhắm mắt thờ lạy mấy ông sư, nhưng mà nên cẩn thận là có những quan điểm cực đoan không có nên.

Cho rằng tu học bắt buộc phải theo đuổi một tăng ni nào đó, thiếu tăng ni là không được thì cái đó tôi cho là cực đoan. Nhưng mà phủ nhận cái vai trò linh hướng của các vị tu sĩ thì tôi e ngại đó cũng là suy nghĩ cực đoan. Bởi vì tăng chúng thì con nhiều cha mà; có người vầy người khác. Và phải nói chúng tôi là một tu sĩ cũng nhiều năm, bản thân chúng tôi luôn luôn nhận được sự gia trì rất nhiều, rất mạnh từ những vị tôn túc, mà đó là những nguồn năng lượng lành mà chúng tôi không có tài nào tìm thấy ở người cư sĩ hết.

Cho nên tôi gợi ý cho quí vị thôi. Mai này về Thái, về Miến Điện hay Tích Lan thì dầu mình có bất mãn chư tăng Việt Nam đến mức nào thì cũng nên tìm đến những đối tượng khác để mà tìm hiểu, để biết rằng trên đời này thì tăng cũng có nhiều cỡ tăng. Trong chư tăng Việt Nam cũng có vị này vị khác, chư tăng quốc tế cũng có vị này vị khác, trong cư sĩ bạn bè của mình hay những người xa lạ cũng có người này người khác, nhớ cái đó. Một cực đoan là cho rằng là phải có chư tăng tôi mới chịu tu. Nhưng phủ nhận cái vai trò linh hướng của chư tăng thì tôi cũng cho rằng đó là một cực đoan.

Một người cư sĩ mà đối với tăng chúng có một thái độ như hồi nãy giờ thì chỉ có con đường đi xuống. Và với cái người cư sĩ như vậy thì trong kinh có dùng một thuật ngữ là pattaniukkujjana là úp bát, có nghĩa là tăng chúng không có nhận sự cúng dường hộ trì của những người này nữa. Ở đây không phải là hờn dỗi hay trừng phạt. Không phải vậy. Nhưng đó là một cách lên tiếng cho thấy rằng giữa chúng ta không còn duyên nữa. Chỉ vậy thôi, chỉ nhẹ nhàng vậy thôi. Đó là một cách lên tiếng trong thầm lặng rằng là giữa chúng ta không có còn duyên nữa, chúng ta không có cần thiết phải làm mất thời gian cho nhau nữa, chúng ta không có cần thiết phải làm "hiu hắt đời nhau".

Trích bài giảng KTC.7.19 Bạt Kỳ
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Phật Pháp Tăng | | Lịch Sự

Giây phút Hộ Niệm | | Giảng Kinh

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com