Lửa

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Lửa

Lịch sử nhân loại không biết bao nhiêu lần được dựng lên và đổ sụp xuống hoàn toàn là bởi những trận lửa. Đó là ý tưởng của nhiều triết gia, của các nhà khoa học, các nhà sử học trên thế giới. Cho nên trong đời sống, hãy luôn luôn nhớ rằng mỗi ngày ta đang sống với những ngọn lửa. Hãy cẩn thận, hãy sử dụng nó một cách thông minh để ta được nó giúp đỡ chứ đừng để nó làm hại mình, đừng để nó đốt cháy mình.

Bài kinh này kể chuyện ông Uggatasarìra, một vị Bà-la-môn theo đạo thờ lửa. Như quý vị biết trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung có nhắc tới một đạo đó là Minh giáo của Trương Vô Kỵ. Có mối quan hệ giữa Minh giáo của Trung Quốc với Bái Hỏa giáo của Ba Tư. Tiểu Siêu là một trong những hồng nhan của Trương Vô Kỵ vốn là người Ba Tư, là thánh nữ của Bái Hỏa giáo, là Minh giáo Ba Tư. 24 bí kíp Càn Khôn Đại Na Di được viết trên thánh thư của Bái Hỏa giáo. Bái Hỏa giáo là một tôn giáo lâu đời, được gọi là tôn giáo hàng đầu của thế giới. Bên Ấn độ có đức Phật Thích Ca Mâu Ni, rồi có ông Mahavira giáo chủ đạo Jaina (Kỳ Na giáo) đó là những giáo chủ lâu đời của thế giới. Trong thánh thư của Bái Hỏa giáo có nói có 2 thế lực Ahura và Mazda là thế lực thiện và ác. Thiện thì tượng trưng cho ánh sáng, ánh sáng của lửa, còn ác là biểu tượng của tối, cũng giống như âm dương vậy. Và cái Avesta là cái thánh thư nói về cái đó và vị giáo chủ đầu tiên của nó theo truyền thuyết là ông Zarathustra tiếng Pháp gọi là Zoroaster.

Theo trong kinh điển Pali tín ngưỡng thờ lửa có từ lâu lắm rồi, có từ vô lượng kiếp luân hồi về trước, từ bao nhiêu triệu tỉ vị Phật quá khứ thì người ta đã có tín ngưỡng thờ lửa. Vì lửa có những đặc tính đặt biệt là thấy nó mà không sờ chạm được nó, thấy nó, tiếp cận gần nó thì cảm được hơi ấm của nó mà không thể lấy tay sờ chạm hay nắm bắt được. Nó có mà không, nó không mà có. Và đồng thời nó giúp đỡ cho đời sống của mình quá nhiều, không có nó là không có ánh sáng, không có hơi ấm, không có nấu nướng thức ăn. Đồng thời sức tàn phá của lửa cũng vô cùng lớn, lớn không nói được. Chỉ cần một đám lửa nhỏ nó thổi bay một khu rừng lớn như chơi. Cho nên người ta thờ lửa là vì nó là vật quá lạ lùng. Có mà là không, không mà là có. Vừa lợi vừa hại và cái ranh giới giữa lợi và hại rất mơ hồ, và ranh giới giữa có và không rất là mô hồ, giữa thân thiện và thù địch rất mơ hồ. Đây là lí do người ta thờ nó bởi vì nó dễ kiếm mà lại rất kỳ bí, rất là thần diệu.

Thế là người ta thờ nó, đồng thời người đầu tiên nghĩ ra thờ lửa rất là thông minh. Người ta muốn mượn ngọn lửa làm một thần vật. Để dựa vào đó họ mới tuyên truyền rao giảng những vấn đề về đạo đức, về triết học, về tín ngưỡng và đôi khi kèm theo những tư tưởng chính trị nữa.

Các sách kinh thư lễ nhạc của Tàu ngày xưa được giới thống trị của Trung Quốc tận dụng triệt để, lấy nó làm nền tảng cương lĩnh trị quốc trị dân, an bang tế thế. Muốn giữ được lòng người thì phải gom thiên hạ về một mối bằng một cái niềm tin vào chính trị, niềm tin tôn giáo. Nhưng phải dựng lên được một thần tượng về chính trị, tôn giáo thì mới thống nhất thiên hạ, gồm thâu thiên hạ về trong tay. Đó là nói về mặt tiêu cực. Còn về mặt tích cực, phải có thần tượng như hình ảnh của đức Phật thì chúng tôi mới nhân danh người giảng kinh, giảng lại lời của Phật xưa thì bà con mới vào bà con nghe, bà con muốn tìm hiểu về Phật.


Ngọn lửa bất tận (tại nhà thờ Zoroastrian vùng Yazd nước Iran)

Thì Bái Hỏa giáo là như vậy, thờ lửa ác liệt lắm. Hạng thờ nhè nhẹ ví dụ như là đền thờ ở Iran. Tương truyền đã có 2500 năm và ngọn lửa ở đó chưa hề tắt. Theo truyền thuyết các thế hệ thay phiên nhau châm dầu, thay tim cho nó không tắt. Còn nặng hơn thì có những tay giáo sĩ muốn kiếm chát qua việc thờ lửa. Như mấy ông bên Tàu bày ra việc đốt vàng mã, vàng bạc, thì mấy ông giáo sĩ Ấn Độ ngày xưa cũng bày ra để kiếm ăn. Họ bày ra đủ thứ. Thờ lửa mà cứ châm dầu, dùng bơ nuôi lửa mới là cấp một thôi. Còn siêu cấp phải cúng bái một cái gì đó cụ thể. Bởi vì thần lửa thì ngài cũng là một cá thể linh thiên chứ không phải là trừu tượng mơ hồ. Mà đã nói là cá thể linh thiên thì cũng là nhận sự cúng dường, chứng chi tấm lòng của tín đồ. Nên mấy ông giáo sĩ mới bày ra cúng nhẹ là đường, sữa, gạo muối, mà nặng hơn chút là gà vịt, heo bò. Còn những buổi cúng quy mô hoành tráng của các bậc đế vương thì gồm có các đồng nam đồng nữ, cột người ta vô rồi cắt cổ dùng máu rảy vô lửa để cúng cho ngài. Bởi vì ngài mà vừa lòng rồi thì đất nước thái bình thịnh trị, nhân dân an cư lạc nghiệp. Tuyên truyền ác liệt như vậy mà muốn bao nhiêu mạng người không có. Mấy ông giáo sĩ ăn chia là mấy ổng nhân danh vua đi gom làng nào, xã nào cũng có trâu bò heo dê hết. Mấy ổng gom ngàn con rồi nộp mớ, giữ lại mớ. Còn khi bị điều tra thì nói là mấy con thú bịnh giữ lại. Khi mà muốn lấy tiền của người dân thì lại nhà bắt con người ta, người ta nộp tiền cho mấy ổng thì trả con lại còn không thì mấy ổng đem giết trong lễ tế của vua. Khổ như vậy đó. Thời nào cũng vậy, mình phải có cái đầu. Còn không là khổ dữ lắm.

Trở lại nói về lễ cúng lửa của ông Bà-la-môn Uggatasarìra này thì là lễ nhẹ, chỉ giết mấy con gia súc thôi. Ổng mới đem chuyện đó trình lại với Đức Phật. Ổng nói là ổng là người thờ lửa, thỉnh thoảng cũng làm những cái tế đàn như vậy. Ổng mới hỏi Ngài nghĩ gì về chuyện đó. Ổng hỏi Ngài có nghe người ta khen chuyện cúng lửa không? Ngài nói Ngài có nghe xong rồi Ngài mới nói với vị Bà-la-môn như thế này:

"Đừng có hỏi ta có nghe người ta nói gì về mấy lễ cúng lửa, hỏi như vậy thì nhiều lắm chỉ nhận câu trả lời của ta là có hay là không thôi. Mà hãy hỏi câu khác quan trọng hơn là cúng lửa như thế nào mới có lợi ích?"

Nói xong ngài mới giải thích cho vị Bà-la-môn rằng:

"Cúng lửa hay là cúng thần nào bất cứ cái mục đích đầu tiên và duy nhất ai cũng hiểu đó là mong có được sự phù hộ của các đấng thần linh, của các đấng siêu hình, để có được những điều tốt đẹp trong đời sống. Tốt đẹp đâu không thấy mà chỉ thấy chuyện đầu tiên là mỗi một lễ cúng như vậy hao tốn vô ích vô nghĩa về thời gian, tiền bạc, công sức lại còn là những dịp để cho xảy ra cảnh máu đổ, thịt rơi, tàn sát sinh linh. Loài nào cũng tham sống sợ chết. Mình là con người mà vì mưu cầu hạnh phúc, điều tốt đẹp cho mình mình bất kể sinh mạng của loài khác. Có ai trên đời này có thể nói loài trâu bò không biết đau? Heo, dê nó không có biết sợ chết? Ai ai cũng biết. Con nào cũng sợ đau, con nào cũng sợ chết hết. Vậy mà mình nhân danh chuyện cúng thần để mà tước đoạt mạng sống của người khác thì chuyện đó có nên không?"

Trong những buổi lễ người ta phải dùng đao kiếm để lấy máu những con gia súc để cúng tế. Thì ngài nói rằng những cái lưỡi gươm lưỡi kiếm, vũ khí (satha: vũ khí bén nhọn nói chung) đó ai cũng cầm để làm hại chúng sinh trong những buổi lễ. Ai cũng thấy đó là những món đồ cần thiết cho nghi thức tôn giáo. Nhưng ngài nói rằng mấy món vũ khí đó nếu đem phân tích ra thì nó chính là vũ khí thân, vũ khí khẩu, vũ khí ý. Ngài nói rằng khi mình sống bằng cái tâm bất thiện thì lúc đó chính mình đang dùng ba cái thứ vũ khí tham, sân, si qua ba cái ngã gọi là thân, khẩu, ý để tàn hại chúng sinh khác. Bất cứ khi nào chúng ta dùng thân, dùng khẩu, dùng ý của mình để làm khổ chúng sinh khác, nghĩa là lúc đó mình đang sử dụng vũ khí.

Ngài nói rằng cúng bái cái gì chưa thấy mà chuyện đầu tiên là thấy dùng vũ khí bén nhọn để hại loài khác, thì tế đàn như vậy có đáng hay không? Có đáng để tổ chức hay không? Và liệu những người có trí tuệ, những bậc hiền nhân trên đời này sẽ nói gì về những lễ cúng bất nhân, phi nhân tính như vậy. Ngài nói chuyện đó là phản tác dụng, muốn được vui mà lại đi làm toàn chuyện gieo khổ cho mình và gieo khổ cho người. Đó là một hành động xuẩn độc, thiếu trí, phản tác dụng, tự hại mình, hại người, tự lấy đá đè lên chân mà không biết.

Ngài dạy thêm, cái lửa mà người dùng cúng thần lửa đó bản thân cái lửa đó là vật vô tri. Nó không đáng để thờ lạy. Đàng này mình lại cúng tế nó bằng ba thứ lửa khác. Đó là lửa thân, lửa khẩu, lửa ý hoặc là lửa tham, lửa sân, lửa si. Lấy mấy thứ lửa này để đi thờ cúng một thứ lửa vô ích thì có nên không?

Và cuối cùng ngài đúc kết ở trong giáo pháp của thánh nhân. Trong quan điểm, trong lập trường, trong nhận xét, trong nhận thức của thánh nhân thì cái lửa phải được hiểu theo nghĩa khác. Đó là lửa cha mẹ, lửa gia đình, lửa thánh hiền thì nên thờ lạy. Thờ lạy thì nên thờ lạy 3 loại lửa này. Tại sao như vậy?

Thứ nhất dù không có Phật Pháp thì thời nào cũng như thời nào con cái phải biết kính lễ hiếu thảo với cha mẹ. Đó là con đường sinh thiên, đồng thời đó cũng là một trong những cái giềng mối quan trọng của xã hội. Đời xưa, thời phong kiến Tàu và Việt, anh giỏi bằng trời mà chỉ cần triều đình điều tra làng xã địa phương, nói anh là đứa con bất hiếu là anh coi như tiêu, họ không dùng đứa con bất hiếu. Trong khi nếu anh bị thiếu điểm chút đỉnh nếu mà làng xã chứng minh được anh là một đứa con chí hiếu thì người ta cũng vớt điểm cho anh. Bởi vì người họ lý luận, đứa con có hiếu là đứa con sống có cội nguồn, có lòng tri ơn. Người mà không có lòng tri ơn là xài không được. Mà tri ơn ai? Ở đời này ai tốt với mình, mình cũng phải tri ơn hết. Có hai có người tốt nhất mà mình không tri ơn được thì mình là đồ vứt đi. Đó là cha và mẹ. Người xưa cho rằng, đứa con có hiếu là người có đạo đức. Nói trên mặt sự thì người có hiếu còn có chỗ để ký tên dùng được. Còn nói trên lý thì nếu nó có hiếu thì lỡ nó có chuyện gì thì mình về nhờ bố mẹ thương lượng được với nó. Vì vậy hiếu thảo là chuyện rất quan trọng trong xã hội xưa. Còn nói trong kinh Phật thì dù trong thời kỳ không có thánh nhân ra đời, anh có hiếu thì anh vẫn có khả năng sanh thiên. Thứ hai là dầu cha mẹ có tệ bằng trời đi chăng nữa thì chín chục phần trăm các bậc cha mẹ trong đời đều có lòng thương con cái hết. Cho nên, hễ hiếu kính cha mẹ là thấy khỏe. Nghĩa là sử dụng thông minh ngọn lửa. Còn nếu mà mình quờ quạng ẩu xị, bất kính bất hiếu với cha mẹ thì đó là đường sa đọa.

Lửa thứ hai là lửa gia đình. Giềng mối gia đạo trong một gia đình mà mình không giữ nổi, mình có những hành xử bất xứng lẫn nhau thì sớm muộn gì cũng tan nhà nát cửa. Đây là lý do Phật dạy: Gia đạo cũng là lửa.

Lửa thứ ba là lửa thánh hiền. Ngài nói rõ những bậc hiền thánh ở đời chính họ là ánh sáng của thế giới. Tôi không biết mức khả kính dễ thương của Lão Tử, Trang Tử, của ông Gandhi, bà Teresa tới đâu tôi không có biết, tôi chỉ có thể nói rằng chính nhờ họ là những hiền nhân. Các vị từng thấy thế giới này được họ dắt dẫn như thế nào. Đọc sách danh ngôn thế giới mới thấy ông Dostoyevsky nói đúng: "Chính cái đẹp đã cứu rỗi thế giới". Cái đẹp ở đây là gì? Cái đẹp trong nghệ thuật, mĩ thuật và cái đẹp trong tâm linh, tinh thần tư tưởng của nhân loại. Và ai là người cung cấp những cái đẹp đó? Đó chính là những bậc hiền nhân đã cứu rỗi thế giới. Họ có những suy nghĩ là làm cho bao nhiêu cuộc đời được cứu rỗi. Bản thân họ không phải là giáo chủ, bản thân họ không phải là thánh thần, mà chỉ là những câu nói của họ thôi đã cứu rỗi bao nhiêu mảnh đời từ bóng tối bước ra ánh sáng, từ sình lầy mà bước vào con đường cái quan, thênh thang đi về phía ánh sáng mặt trời. Nhờ đâu? Nhờ những câu nói thông mình của những bậc hiền nhân trong đời. Những hiền nhân ấy gồm có hai hạng: một là những hiền nhân có đời sống, nhân cách hiền nhân; loại hiền nhân thứ hai là bình thường họ cũng có tào lao, nhưng mà họ có những suy nghĩ minh triết, thoảng hoặc đôi khi đủ để có những đóng góp đẹp vào vườn hoa tâm linh - tinh thần của thế giới. Đó là mới nói đến hiền nhân, chưa nói đến thánh nhân.

Thánh nhân là người tự điều phục kiểm soát được bản thân, không thích những cái ngọt, không còn bất mãn những cái đắng. Trước mặt họ mình chỉ có một cái cúi đầu cũng đủ sinh thiên, một câu chào đủ sinh thiên, nói gì một miếng cháo, một củ khoai, một củ sắn cúng dường cho họ. Do đó họ chính là lửa. Lửa ở đây đang nói về hướng tích cực. Còn tiêu cực là ở đây trước những bậc khả kính ấy nếu chúng ta buông lời bất kính, xúc xiển, phạm thượng bán bổ, thì tội đó là tội tày đình.

Sau khi vị Bà-la-môn thờ lửa nghe Đức Phật nói về lửa như vậy thì ông lập tức phát nguyện trước mặt Thế Tôn là ông trở thành một người cư sĩ.

Các vị hiền nhân trong xã hội đã đáng kính nhường nào, nói chi là các vị thánh nhân thỉnh thoảng mới xuất hiện trong trời đất bao la. Chúng ta có thời gian suy tư nghiền ngẫm về mấy bài kinh này, chắc chắn chúng ta có những thay đổi lớn.

Như tôi đã nói không biết bao nhiêu lần: Thế giới này chính là những gì chúng ta nhìn thấy, chúng ta nhận thức qua cái não trạng của mình, dựa trên nền tảng mà chúng ta đã xây dựng từ kiếp trước, đến kiếp hiện tại thông qua môi trường sinh trưởng giáo dục. Và Phật giáo lại cung cấp cho ta tư liệu, tài liệu, thông tin nền tảng để chúng ta có một nhận thức khác về thế giới qua một chiều kích khác, qua một tầm cao khác, qua một vị thế, một góc độ của một góc nhìn khác.

Điều đặc biệt của Phật giáo là Ngài đại kị cái nhìn phiến diện, cái nhìn một chiều, cái nhìn lệch lạc, biên kiến. Đức Phật dạy mình nhìn cái gì thì phải nhìn trên nhìn xuống, ở dưới nhìn lên, ở trong nhìn ra, ở ngoài nhìn vào. Đó là cái nhìn của người thờ Phật, học Phật, tu Phật và hiểu Phật. Ví dụ như Ngài có thể nói cho mình nghe về con đường sinh thiên, Ngài nói rành rẽ. Ngài nói cho mình cái cách xây dựng một đời sống cư sĩ an lành ở nhiều nghĩa. Đừng nói Ngài chỉ biết dạy đạo giải thoát. Nói vậy là sai. Ngài dạy cho mình làm một người chồng tốt, một người vợ tốt, một đứa con tốt, một người mẹ tốt, một người bạn tốt, một người thầy tốt, một người trò tốt, một công dân tốt, một con người tốt, một thành viên tốt. Ngài dạy cho mình đầy đủ hết. Nhưng cuối cùng rốt ráo trên hết Ngài vẫn dạy rằng: Chỉ cần còn dính trong cái tốt cái xấu là còn sanh tử, và hễ còn sanh tử là còn khổ.

Cho nên tốt hơn hết thì cái xấu không nên có đã đành mà cái tốt cũng dẹp luôn. Mà dẹp bằng cách nào? Cái xấu mình dẹp nó bằng cái tốt, còn cái tốt mình dẹp nó bằng cách chán nó luôn. Hoặc nói nôm na là ta dẹp cái ác bằng cách là mình chán sợ nó. Qua tới cái tốt thì ta cũng dẹp nó bằng sự chán sợ. Nhưng cái sự chán sợ cái tốt phải là cái sự chán sợ bằng cách nhận thức chín chắn, chứ không phải chán sợ bằng cách là mình không muốn sống thiện nữa để mà trở về với cái sống ác thì không đúng. Cái chán ác là phải dành cho người yêu cái thiện. Còn cái chán thiện không phải dành cho người yêu ác mà dành chỉ dành cho người không còn muốn sanh tử nữa.

Có một câu chữ Hán rất là quan trọng:

“Thiện diệc lãn vi hà huống ác,
phú phi sở nguyện khởi ưu bần!”

Cái việc thiện mà còn làm biếng làm thì nói gì đến việc ác?
Cái giàu mình không ham thì cái nghèo cũng không phải là cái chuyện để cho mình phải lo.

Tại sao mình lo cái nghèo? Là bởi vì mình ham giàu. Tại sao mình ham giàu? Là bởi vì mình lo cái nghèo. Phải nhớ cái đó.

Trích bài giảng KTC.7.43 Bảy Ngọn Lửa
Kalama xin tri ân bạn buithithuthuy ghi chép


Xe Đạp | | Xá Lợi Pháp

Tôn ti trật tự | | Tịch hay Tịt

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com