Đa Văn

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Đa Văn

KTC VII. III. Phẩm Vajjì ( Bạt Kỳ) (IX) (27) Thối Ðọa
Bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa một nam cư sĩ đến không thối đọa. Thế nào là bảy?
Không quên đến thăm vị Tỷ-kheo; không phóng túng nghe diệu pháp; tu tập tăng thượng giới; nhiều tin tưởng đối với các Tỷ-kheo trưởng lão, trung niên, tân nhập; nghe pháp với tâm không cật nạn, không tìm tòi các khuyết điểm; không tìm người xứng đáng cúng dường ngoài Tăng chúng; ở đấy phục vụ trước.
Kinh Trường A-Hàm 10. Thập Thượng
Thế nào là bảy thành pháp? Đó là bảy tài sản: tín là tài sản, giới là tài sản, tàm là tài sản, quí là tài sản, đa văn là tài sản, huệ thí là tài sản.
Thế nào là bảy tăng pháp? Đó là bảy Chánh pháp: ở đây Tỳ-kheo có tín, có tàm, có quí, đa văn, không biếng nhác, nhớ dai, có trí.

Đa văn có 2 cái định nghĩa: Một là học nhiều, biết nhiều, hiếu học mà lại có sức chứa. Định nghĩa Hai: Đức Phật Ngài không có định nghĩa Đa văn là nhiều, mà Ngài định nghĩa Đa văn ở đây là hiểu rốt ráo. Nghĩa là học một bài kinh, học một câu kệ mà hiểu tận cùng rốt ráo ý nghĩa của nó. Tận cùng theo sức của mình, hiểu rốt ráo ý nghĩa của bài kinh.

Các vị để ý khi tôi giảng kinh, bài kinh nào tôi cũng muốn cho bà con thấy ngoài cái ý cốt lõi của bài kinh đó nó còn có một cái hướng phổ quát. Có nghĩa là bài kinh nào đi nữa thì cũng có thể mở ra cho mình một cái nhìn đủ để mình định vị là bài kinh này nằm chỗ nào trong cái giáo pháp này, và khi mình thực hiện bài kinh này thì mình đang có mặt chỗ nào ở trong hàng ngũ đệ tử Phật. Phải có tính phổ quát chứ không phải học bài kinh đó chỉ co cụm.

Thí dụ bữa hổm mình học về 7 hạng thánh, thì trong đó Ngài chỉ kể 7 hạng thánh thôi. Nhưng mà mình không chỉ hiểu đơn giản từng hạng trong 7 hạng thánh đó là cái gì mà mình phải hiểu sâu hơn nữa. Đó là Ngài kể 4 hạng thánh nhưng mà Ngài muốn mình phải nhớ là vì đâu mà mỗi người đắc đạo theo một kiểu khác nhau trong 7 kiểu này. Cái nhận thức của mình, cái kiểu sống của mình, cái thái độ, tinh thần hành trì của mình nó sẽ dẫn đến cái chuyện mai này mình đắc đạo cái kiểu nào. Trong trường hợp đó hiểu như vậy được gọi là Đa văn, hiểu sâu và hiểu rộng một vấn đề giáo lý dầu chỉ là một bài kinh hay là một câu kệ 4 dòng.

Tôi định nghĩa lại. Đa văn có 2 nghĩa. Một là biết quá trời nhiều, nhớ quá trời nhiều thì cái đó được gọi là Đa văn. Cái đó tốt hay xấu quí vị tự biết chứ tôi đâu có nói dùm được. Nhưng mà cái Đa văn thứ hai là Ngài dạy rằng biết rốt ráo một bài kệ, một câu kinh thì cái đó được gọi là Đa văn. Cái biết mà đủ để mình hành đạo và chứng đạo thì cái biết đó được gọi là Đa văn. Thì tùy bà con nha.

Có cái khác nhau giữa người này và người kia trong chuyện học đạo là vầy. Có người lớp nào cũng theo học hết, lớp ở ngoài, lớp trên mạng, học 20 năm mà không có hệ thống hóa những cái vấn đề giáo lý mình đã học, không có biết tạo một cái sợi chỉ xuyên suốt để tìm ra cái sự nhất quán, cái nào cũng chớp chớp. Nói chung là học cái kiểu mà lượm ve chai, lượm đồng nát, lượm phế liệu. Tức là cái nào cũng lượm, thấy cái nào recycle được là lượm: Bao nylon, đồ nhôm, đồ giấy, đồ plastic, đồ nhựa, đồ sắt, đồ đồng, cái nào cũng đem gom về hết. Trong khi đó cũng có những người họ cũng đi tiệm đồ cũ, cũng đi chợ trời, cũng đi mua phế liệu nhưng mà họ biết mình lấy cái nào, nay mua món này, mai mua món kia, mua để ráp thành chiếc xe đạp, mua để ráp thành cái quạt máy, mua để ráp thành một cái gì đó để xài được trong nhà. Còn cái hạng kia là đi gom một đống về để mà cân ký. Thì quí vị thấy 2 cái đó nó khác nhau nhiều lắm, đúng không? Cũng là kiểu gom góp phế liệu nhưng có một anh ảnh gom về để ảnh có cái quạt máy, ảnh gom về để ảnh có cái máy may, có được cái máy cassette, cái máy hát đĩa 5 vòng 3 vòng. Còn có anh là coi như chỉ lượm ba cái đồ cũng ba cái đồ đồng nát, ba cái linh kiện phụ tùng đem về để cân ký bán thôi.

Thì giáo pháp cũng có 2 kiểu học. Kiểu của người lượm ve chai là chất cho một đống rồi đem cần ký, lượm toàn bạc cắc không hà. Còn cái anh kia ảnh học ít nhưng mà ảnh học cái nào ra cái đó. Ảnh học sơ sơ là ảnh về ảnh có một cái nền tảng đủ để ảnh tu thiền. Đọc sơ sơ xong là ảnh có một cái khái niệm: Giáo lý dạy cái gì, giáo lý A tỳ đàm dạy cái gì, Tạng kinh nói cái gì, Tạng luật nói cái gì, giáo lý duyên khởi nói cái gì, giáo lý duyên hệ dạy cái gì, v.v... Họ phải học như vậy đó. Lượm sơ sơ về mà có cái quạt máy, lượm sơ sơ về có được cái máy hát đĩa đời 1940, đã không? Nghe chán đem bán lấy tiền. Còn cái anh mà chỉ lo lượm ve chai về chất đống thì coi như thua.

Nãy giờ tôi đang giảng rộng chữ Đa văn, thì tùy bà con muốn lựa cái nào thì lựa. Muốn lượm về cân ký cũng được, hay muốn lượm về để ráp đồ xài cũng được.

Tôi còn biết nhiều cái chuyện thương tâm lắm là cái thời đánh tư sản, rồi kiểm kê tài sản, rồi giải quyết triệt tiêu văn hóa đồi trụy độc hại, nó đi một lúc luôn. Lúc đó là coi như sách báo trước 75 ở Saigon người ta đem cân ký người ta bán. Nhưng sau này tôi có biết một chuyện. Tôi đọc một vài nhân vật lớn ở trong giới văn nghệ sĩ họ kể. Họ nghèo họ không có tiền mua sách nhưng không ngờ là vì nhà họ nghèo quá họ phải nằm trong cái đám buôn ve chai sách cũ. Và qua đó họ được đọc những cuốn sách mà trước giờ họ chưa từng biết tới, trong cái đống giấy đó. Ảnh kể đèn khuya mà ảnh ngồi ảnh đọc mà bà má ảnh bả chửi quá. Bả kêu ảnh xé sách dán làm bao giấy bỏ mối cho người ta. Mà ảnh vừa dán mà ảnh vừa đọc, ảnh xé ra ảnh không có nỡ. Ảnh thấy cái cuốn đó đã quá ảnh đẩy qua một bên, ảnh lượm cuốn khác ảnh xé, mà 2 cái cuốn đó cái khổ nó không có vừa nhau cho nên, cái cuốn mà ảnh đang xé được mấy trang thì ảnh liệng qua một bên, còn cái cuốn má ảnh xé phân nửa thấy hay quá ảnh cũng cất. Vừa đọc, vừa xé, vừa dán, đọc, xé, dán. Cuối cùng về sau ảnh trở thành một tay viết lách. Có anh là trau dồi Tiếng Việt, tự học Tiếng Hán và trở thành một tay dịch giả Tiếng Hán của Việt Nam bây giờ, mà cũng trưởng thành từ cái đống phế liệu, từ đống giấy ve chai đó. Thì đó gọi là Đa văn. Đa văn là học để mà xài được. Nhớ vậy.

Trích bài giảng KTC.7.27 Bất Thối
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Xúc | | Dựa

Tịch hay Tịt | | Phóng dật

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com