Ngộ Mộ Nộ

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Ngộ Mộ Nộ

Tùy cái căn cơ của chúng sinh trong đời, có người thì ham thích tùm lum hết thì trong kinh gọi là người nhiều dục tánh. Rồi có người hay quạu cọ, bất mãn trong kinh gọi là người nộ tánh. Có người thì lăng xăng buông bắt thì trong kinh gọi là đãng tánh. Có người thì có cái thông minh, có cái huệ căn nghe hiểu nhanh lẹ hơn người khác, hiểu được chỗ kín khuất trong lời Phật thì cái người đó được gọi là ngộ tánh. Có những người nói hoài không hiểu, cầm cuốn kinh lên cứ đè cái nào sai là hiểu lầm không hà, gọi là là độn tánh, tức là thiếu ngộ tánh. Có người thì mộ tánh, tức là người nhiều đức tin, nghĩa là cũng tu hành vậy nhưng mà lúc nào cái lòng cũng nặng về đức tin.

Thí dụ vô hành thiền: Nghe cái "beng!", người ta cũng ngồi thiền như mình, cũng theo dõi hơi thở như mình. Khi đi kinh hành thì người ta cũng đi như mình vậy đó, nhưng người ta đi người ta tập trung vô chánh niệm, đi biết là đi, biết rõ, mỗi bước đều có Chánh niệm. Còn mình thì không. Vì đức tin mình nhiều quá nên lúc đó mình nghĩ toàn là mấy chuyện phước đức công quả không hà. Đang đi bắt đầu suy nghĩ "Trời ơi cái con đường này nó cũ quá, chắc mình về kiếm tiền làm mới con đường kinh hành này", "Cái cốc này nó bị dột tội nghiệp quá, để về mình sửa cái cốc đó lại". Rồi mình thấy tăng ni hành giả đi cùng mình nghĩ "Chắc ngày mai hay ngày cuối tuần mình trai tăng, hoan hỷ quá", "Cúng cơm cho đại chúng tu hành tốt quá, quí quá". Rồi dòm qua tượng Phật thấy cái y sơn bị phai bị tróc cũng phát tâm "Chắc chuyến này về xin tiền nhà lên sơn lại tượng Phật, thương quá, dãi nắng dầm mưa". Những cái suy nghĩ đó nó tốt vô cùng, nó hay vô cùng nhưng mà nó không phải chỗ! Các vị có biết không? Bởi vì cái đầu của người đức tin nhiều như vậy đó, kiếm ba cái chuyện vậy đó để mà nghĩ ngợi.

Còn cái ông nặng về nộ tánh thì luôn luôn bất mãn "Con đường gì đâu mà nó ọp ẹp"; trong khi cái ông đức tin thì ổng đi ọp ẹp ổng lại muốn sửa, ổng nghĩ đến chuyện mai mốt sửa lại con đường này. Còn cái ông nộ tánh thì ổng lại bực mình "Nhận người ta biết là bao nhiêu tiền bây giờ không chịu sửa" ....

Trích bài giảng KTC.7.28 Thất Giác Chi
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép

Carita

Cơ tánh ở đây là những khuynh hướng tâm lý của chúng sinh. Nói rộng thì có 63, nói gọn thì là 6 cơ tánh sau đây:

  1. Tham cơ tánh (rāgacarita): Là người có lòng tham nổi trội. Nếu tu tập thiền Chỉ tịnh, hạng này thích hợp với các đề mục Tử Thi và Thể Trược.

  2. Sân cơ tánh (dosacarita): Là người có lòng sân hận nổi trội. Hạng này thích hợp với đề mục bốn Phạm Trú và các đề mục màu sắc (dù màu trắng cũng là màu ưa thích của người nhiều ngộ tánh, vì nó đơn giản và sạch sẽ).

  3. Si cơ tánh (mohacarita): Là hạng độn căn, chậm chạp. Hạng này thích hợp với đề mục Hơi Thở, vì đề mục này thích hợp cho tất cả các cơ tánh.

  4. Tầm cơ tánh (vitakkacarita): Là người có bản tánh hướng ngoại một cách sôi nổi. Cũng tu chung đề mục với người tánh si.

  5. Tín cơ tánh (saddhacarita): Là người có niềm tin nổi trội, thích hợp với 6 đề mục Tùy Niệm (Tam Bảo và Thí, Giới, Thiên tùy niệm).

  6. Ngộ tánh (buddhicarita): Là hạng người có trí tuệ nổi trội. Hạng này thích hợp với các đề mục niệm Chết, Níp-bàn, Bất Tịnh Thực và Tứ Đại Tưởng. Đây là những đề mục sâu sắc, vi tế nên cần đến sự bén nhạy của trí tuệ.

(Trích Giáo lý A Tỳ Đàm (1) tr 253)


Chùa to Phật lớn | | Cồn Ngã Mạn

Phóng dật | | Chìm Nổi

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com