Thấy và Tin

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Thấy và Tin

Có một câu tôi nói hoài mà thấy bà con làm lơ tôi cũng buồn. Cái câu đó rất là quan trọng: Thánh nhân khác phàm phu ở chỗ nào?

Thánh nhân thấy rõ cái điều mình tin nên tin chết bỏ cái điều mình thấy.
Còn phàm phu nói thiện nói ác tùm lum nhưng không thấy rõ lắm cái điều mình tin cho nên không tin lắm cái điều mình thấy.

Một là cái trí phân biệt nhân quả, thiện ác. Nhân đây là nhân lành, nhân xấu. Quả đây là quả lành, quả xấu.

Trí thứ hai là trí của người tu Niệm xứ. Là biết cái nào cũng vô thường hết, cái biết đó để mà biết.

Trí thứ 3 này mới là cái biết mà tôi đang nói ở đây. Là vị thánh biết rõ cái điều mình tin, biết rõ là cái này do duyên mà có, có rồi phải mất. Và cái biết đó là cái biết bằng thánh trí chứ không phải bằng phàm trí. Cho nên vị đó hiểu rõ cái điều mình tin cho nên tin chết bỏ cái điều mình thấy, mình hiểu.

Còn phàm phu chúng ta không hiểu lắm cái điều mình tin. Thí dụ như mình học đạo thì trong kinh nói làm ác bị khổ, làm lành được vui thì mình cũng có tin, nhưng mà kêu là "thấy" thì chưa. Bởi vì các vị biết, thấy có nhiều kiểu thấy. Thấy bằng mắt hay thấy bằng cái đầu, thấy bằng suy diễn, bằng tưởng tượng, hay là thấy bằng chứng minh. Các vị có phân biệt được cái này không? Thấy bằng suy diễn hình dung tưởng tượng mà thiếu cơ sở, hay là thấy bằng sự xác chứng có chứng minh, là thấy bằng cái đầu.

Thấy bằng cái đầu là nó đã có 2: Một là thấy mà chứng minh được. Hai là thấy mà không chứng minh được, cũng gọi là thấy, tức là hiểu. Hiểu cũng có 2: Một là hiểu những cái mình chứng minh được. Hai là hiểu những cái mà cũng nghe thằng Tèo thằng Tý nói vậy thôi, nó nói vậy đó. Cho nên ngay cái hiểu của cái đầu là cũng có 2: Một là hiểu và chứng minh được. Hai là hiểu nặng nhiều về cảm tính; tại vì tôi muốn tin, thế là tôi tin.

Còn cái thấy bằng mắt thì có nhiều cách lắm: Thấy bằng con mắt thịt, thấy bằng thần kinh thị giác. Nhưng mà con mắt đó là con mắt loạn thị, con mắt cận thị, con mắt viễn thị, con mắt ... siêu thị.

Tôi hay nói đùa bà con tưởng tôi nói giỡn. Con mắt siêu thị là ra đường nó không thấy gì hết mà nó thấy toàn chỗ bán đồ hạ giá không hà. Cái chỗ nào 70%, 40% OFF là con mắt nó sáng ngời lên, "Mẹ Việt Nam mắt ngời sáng quắc", trong khi cái gì khác nó cũng không thấy hết. Nhưng mà đặc biệt là mấy tấm bảng giảm giá là nó thấy liền hà.

Còn con mắt cận thị là nó chỉ thấy gần chứ nhìn xa nó phải mang kiếng. Con mắt viễn thị là nhìn xa nó không cần kiếng mà nhìn gần nó phải có kiếng. Còn loạn thị là nó tùm lum hết, nó trông gà hóa cuốc. Chưa kể nó có chứng loạn sắc nữa, là thấy màu này ra màu khác, hoặc nó bị cái chứng mù màu, có những cái màu nó không có thấy, nó bị vô nhiễm trước một số màu.

Chưa hết, ngoài con mắt ra mình phải xài đến những phương tiện hỗ trợ như thấy bằng mắt kính, thấy mà không xài kính, thấy bằng telescope, là kính viễn vọng hay là thấy bằng binoculars, là ống dòm, hoặc là thấy bằng microscope, là kính hiển vi.

Nãy giờ tôi kể các vị thấy không? Thấy bằng trí óc hay là thấy bằng mắt. Thấy bằng trí óc có 2, đó là cái thấy mà chứng minh được và cái thấy mà không chứng minh được, thấy bằng lý trí và thấy bằng cảm tính, đó là thấy bằng óc. Còn thấy bằng mắt thì thấy bằng con mắt tốt không mang kiếng, thấy bằng con mắt cận thị không mang kiếng, loạn thị không mang kiếng, viễn thị không mang kiếng. Rồi thấy bằng mắt kiếng. Rồi thấy bằng viễn vọng kính, thấy bằng ống dòm, thấy bằng kính hiển vi và thấy bằng kính hội tụ, magnifier.

Các vị thấy nãy giờ tôi nói có bao nhiêu kiểu thấy thì chắc chắn là kết quả không giống nhau. Cho nên cái Trạch pháp giác chi của chúng ta nó tùy thuộc vào cái duyên lành quá khứ cộng với huynh hướng tâm lý và khả năng hiện tại chúng ta đang có cái gì. Cái trình độ kiến thức bách khoa của chúng ta, kiến thức Phật học của chúng ta, khả năng suy tư của chúng ta, sự hỗ trợ từ thầy bạn mà ta có ít hay nhiều.

Đây là lý do tại sao mà trong bộ Patisambhida magga nói rằng giả sử 2 vị thánh đều đắc 4 Trí vô ngại hết mà hễ là một vị A la hán thì 4 Trí vô ngại của vị đó ngon lành hơn 4 Trí vô ngại của vị hữu học Sơ, Nhị, Tam quả. Chưa hết, 2 vị đều là Sơ quả hết, đều là Tam quả hết, đều ngang tầng thánh với nhau nhưng mà vị nào tu Ba la mật nhiều, lâu đời thì 4 Trí vô ngại ngon hơn cái vị kia. Vị nào ngay hiện tại mà thường xuyên đàm luận, trao đổi suy tư, quán sát giáo pháp thì vị đó được cái sức bén nhạy hơn vị kia dầu cả 2 đều được gọi là 4 Trí vô ngại, nhưng mà có một vị trong đó cái trí đi bằng tốc độ âm thanh, có một vị cái trí đi bằng tốc độ ánh sáng. Các vị có hiểu không? Cũng là nhanh đó, nhanh hơn người bình thường rất là nhiều. Tốc độ âm thanh chia ra mach 1, mach 2, là nó bằng với âm thanh hay là gấp 2 lần âm thanh, gấp 3 lần âm thanh.

Cho nên cái Trạch pháp giác chi là như vậy đó. Là khả năng trí tuệ, phân biệt được cái gì là thiện, cái gì là ác, cái gì nên thêm, cái gì nên bớt, cái gì nên nâng lên, cái gì nên giảm xuống. Và những khả năng này nó tùy thuộc vào các điều kiện nãy giờ tôi mới vừa nói. Cho nên khi mình tu chưa là hành giả tu tập chỉ quán, chỉ mới có bố thí trì giới, mới có cái dạo đầu thôi, mới có tới hàng ba mái hiên cái thềm ngoài thôi, thì mình đã phải cần đến Trạch pháp giác chi.

Mình sơ cơ mà mình nhào vô chùa là mình thấy mỗi người có một cái kiểu khác nhau. Tôi có nói rồi. Có người sơ cơ nghĩa là mới vô chùa lần đầu là nhào vô bếp liền, kiếm cái gì dơ cái gì nặng làm, khoái phục vụ. Có người vừa nhào vô chùa là lên chánh điện bóc cây nhang lên đốt liền. Khấn cả buổi luôn, cầu cho thế giới hòa bình, chúng sanh an cư lạc nghiệp, ăn nên làm ra, gia đạo bình yên, tình duyên như ý, cầu cho nhang tàn nước lạnh thôi. Còn có người vô chùa là bay vô thư viện coi cho bằng được bao nhiêu kinh sách đọc như là con mối. Có tên vô chùa là kiếm chỗ nào vắng là xếp bằng nhắm mắt, khoái thiền lắm, hỏng biết gì cũng ráng đi kiếm hỏi đầu này đầu kia. Có người vô chùa khoái phục vụ. Có người thì thích cầu nguyện. Có người thì thích sách vở. Có người thích thiền định. Có người thích đàm luận. Cũng có hạng người thích vô chùa đâm thọt cho nó banh cái đạo tràng đi, cái thứ đó hơi bị nhiều.

Tùy vào căn cơ của chúng sanh mà cái Trạch pháp giác chi nó không giống nhau. Và khi tu tập Tuệ quán cũng vậy, cũng tu Tứ niệm xứ mà có người ôm chặt cuốn kinh để rồi hiểu lầm be bét.

"Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan" - tức là ôm sát kinh hiểu từng chữ là nói oan Chư Phật. Nhưng có một điều là

"Ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết" - nếu tu tập mà rời kinh một chữ thôi đã là tu theo đường của ma rồi. Khổ như vậy.

Nên Trạch pháp giác chi là khả năng trí tuệ biện biệt trong cả lý thuyết lẫn thực hành, trong cái đường học tập lẫn cái đường hành trì bắt buộc phải có trí tuệ để phân biệt cái gì nên và không nên. Nhớ như vậy. Đó là Trạch pháp giác chi.

Trích bài giảng KTC.7.28 Thất Giác Chi
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Diệt Đoạn | | Bốn giải pháp

Dao cán gỗ | | Sữa Nặn Chanh

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com