Sữa Nặn Chanh

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Sữa Nặn Chanh

Buổi chiều đó đức Phật ngồi bên bờ sông, có ông chăn bò đi ngang, ông thấy Ngài ngồi trong nắng chiều vàng vọt, lẻ loi, cô độc, quạnh hiu. Ông mới nói: "Người ta có trâu bò, gia súc, vợ con, có khói bếp buổi chiều, có cơm tối với vợ con, như vậy mới vui. Còn Ngài không vợ con, không gia súc, nhà cửa, không có bữa cơm chiều, khói bếp... lấy gì vui?"

Phật trả lời: "Ngươi an lạc vì ngươi có tài sản, vợ con, có cơm chiều, có khói bếp. Ta an lạc vì Ta không có vợ con, tài sản, cơm chiều, khói bếp."

Trong kinh nói ông lão chăn trâu này là người đã tu nhiều kiếp, nên khi nghe như vậy, ổng ngẫm thấy có lý. Ổng hiểu rằng để có hạnh phúc, ổng đã phải trả rất nhiều cái giá đắt để có được niềm vui đó. Ổng bèn liệng cây gậy chăn bò và quỳ xuống: "Con xin từ nay cho đến ngày tắt thở, là đệ tử của Thế Tôn."

Nói thật là : lấy nhau vui 3 tháng, buồn 3 năm, khổ 1 đời.

Cái cười cái vui trong hôn nhân không có nhiều. Còn những lúc mình gồng gánh nhau nó nhiều lắm. Nếu ở một cự ly nhất định thì hôn nhân cũng hay hay, về cũng thương thương nhớ nhớ. Nhưng có điều sống chung thực tế rồi thì tan nát cũng dữ lắm. Bởi vì mình phải làm bao nhiêu chuyện để giữ được nhau. Giữ được nhau rồi thì sẽ nhiều đêm tự hỏi giữ được nhau để làm cái gì? Hồi mới quen nhau thì tự hỏi câu thứ nhất: làm sao để có được nhau? Có được nhau rồi thì lại hỏi câu thứ 2: làm sao để giữ được nhau? Còn câu thứ ba là: giữ nhau để làm gì? Và cuối cùng là câu thứ 4: làm sao để tống khứ được nhau? Trên đời này có rất nhiều dấu hỏi.

Người Tàu gọi trăng khuyết là sơ nguyệt. Người biết đạo mỗi lần nhìn vầng trăng khuyết ấy lại nhớ rằng đó là 1 dấu hỏi tượng trưng cho những câu hỏi:

* Tôi có mặt trên đời này để làm gì?
* Tôi từ đâu tới?
* Tôi là ai?
* Tôi sẽ đi về đâu? và
* Bây giờ tôi nên sống như thế nào? Nên làm gì?

Rất là quan trọng. Lẽ ra đời sống của chúng ta là một hành trình dày đặc những câu hỏi. Nhưng vì chúng ta đạo nghiệp mong manh, phước duyên lại mỏng nên chúng ta cứ vật lộn, quẩn quanh, quần quật với cơm gạo áo tiền. Rồi chúng ta quên đi rằng: Thật ra, ý nghĩa của đời sống là:

* Đời sống vô nghĩa
* Nếu nó ý nghĩa nào đó thì có chỉ có khi chúng ta quan tâm đến những câu hỏi.

Không có gì vô duyên cho bằng chúng ta sinh ra, khi nhỏ sống với ba mẹ, lớn lên có chồng có vợ, đi làm quần quật, cày như trâu tậu cái nhà bạc triệu rồi mỗi tháng trả bill. Mỗi tuần chỉ thấy cái nhà một hai lần vào cuối tuần. Có nhiều người thậm chí cuối tuần cũng không thấy cái nhà luôn vì bận ngủ, đi party, đám cưới, sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng, tân gia với bạn bè, nhậu nhẹt về mờ trời không thấy cái nhà. Sáng thứ Hai đi làm tiếp. Mấy chục năm trôi qua để trả bill. Rồi đến một buổi nào đó, để cái bill lại cái nhà cho con. Trong đó ghi rõ: pay-off (đã trả xong). Còn nhiều người chưa trả xong thì con tiếp tục trả nợ. Bởi vậy ở Mỹ là vô thường lắm. Có khi để cái nhà lại mà con sợ muốn chết, vì có khi cái nhà đó trả chưa hết. Còn nhiều ông thì ráng trả cho hết. Trả hết rồi thì cái vô duyên lại ở bố mẹ. Cả đời đi làm để được cái nhà, pay-off xong để lại cho con rồi hai ông bà dắt nhau vô trại dưỡng lão ở. Ở được mấy bữa, có người đi trước, người kia ở lại. Nhiều khi vô được mấy bữa bị Alzheimer là quên sạch. Cả đời quần quật làm cho cái gì, bây giờ không nhớ. Cứ thế hệ này sang thế hệ khác. Bản chất của đời sống là vô nghĩa. Và nhiệm vụ của chúng ta là xác định được cái sự vô nghĩa đó của đời sống.

Tu Tứ Niệm Xứ là để xác định sự vô nghĩa của đời sống: Thế giới này là Khổ, Vô Ngã, Vô Thường. Nhưng vì những bức màn che khiến ta không thấy. Chúng ta cứ bị sự liên tục của tiếp nối che khuất khiến cho ta không tin, không ngờ, không tưởng, không biết được rằng mọi thứ là Vô Thường, luôn luôn trôi chảy như 1 dòng nước.

Các vị còn nhớ câu chuyện Khắc Chu Cầu Kiếm không?

Một cậu công tử đi trên chiếc thuyền qua sông. Đến giữa sông làm rớt thanh gươm. Kêu đầy tớ nhảy xuống mò. Người đầy tớ nói: sông sâu, nước chảy xiết; nhảy xuống là chết. Không sao, để con đánh dấu trên thuyền chỗ thanh gươm rớt, chờ vào bờ rồi xuống mò cho chắc ăn. Ông chủ mới nói: sao mày ngu vậy? Nó rớt ở đâu? Mày mò ở đâu? Mình đọc câu chuyện đó, có người nói đó là câu chuyện cười. Có người cười không nổi. Họ nói trên đời làm gì có người ngu dữ vậy? Nhưng họ quên rằng có ai trong chúng ta mà không ngu như tên đầy tớ ấy? Tại sao? Thanh gươm rớt ở đây. Nước thì chảy xiết. Thanh gươm rơi xuống đáy nước theo chiều xiên. Vì đó là một vật dài. Gươm rớt ở đâu mà nhảy xuống đó tìm thì đã nan giải. Huống chi là rớt ở giữa sông mà vô bờ tìm làm sao ra? Nghĩa là rớt một nơi, tìm một nẻo. Mình chửi tên đầy tớ là ngu nhưng mình cũng y chang như vậy.

Khi mình thương là thương người A mà khi mình cưới là cưới người B, quý vị có biết không?

Người mình quen, thấy dễ thương là một người khác. Cái người mà mình cõng về, cưới về là một người khác.

Cho nên người ta nói: Khi lấy nhau, đàn bà mong người chồng thay đổi, đừng như trước; đừng gặp ai cũng nhe răng ra cười. Còn đàn ông thì khi lấy nhau mong người vợ như trước; đừng thay đổi. Nghĩa là người đàn bà khi lấy chồng mong rằng chồng mình đừng ham chơi, lêu lổng như trước, đừng gặp cô nào cũng nhe răng ra cười. Họ mong rằng đàn ông sẽ thay đổi tốt hơn trước khi lấy mình. Nhưng riêng đàn ông thì khi cưới vợ về, họ mong rằng nàng cứ tiếp tục thùy mị đoan trang như hồi mới quen. Khi lấy về nàng mới lòi mấy cái nanh mà nàng đã giấu rất kỹ.

Tại sao tôi biết rành về phụ nữ như vậy?

Vì hấu hết những người hỗ trợ, nuôi cơm tui toàn là mấy bà. 40 năm. Trên dưới 40 năm!

Người nuôi tui là phật tử, người dưng mà trong đó đa phần là phụ nữ.

Cái thuở vô danh, đói nhăn răng, mình biết họ qua một bối cảnh cánh. Bây giờ có làm việc, có dự án, có plan, có project... mình biết họ qua một bối cảnh khác. Kinh dị lắm.

Họ có cái lạ là thà để mình đói nhăn răng, nhưng mà hễ có tên nào mà thò tay vô giúp mình là họ muốn giết cái tên đó. Mà khi tên đó rút lui rồi thì họ lại để mình đói tiếp. Đừng tưởng họ thương mình mà vì bản chất của họ là như vậy.

Tôi nói mà tôi đang rất là nản. Tôi mà thuyết 1 tuần là tôi bị diarrhea 5 ngày; toàn là đi re ban đêm. Lý do:

Mỗi khi tôi giảng như vầy là: 1 ly nước mía, 1 ly rau má, nước ngọt, ... đem vô. Mà nếu tôi uống cái ly gần nhất , không uống những ly còn lại là họ không có vui.

Cho nên là uống cho hết rau má, nước mía, nước ngọt ... Có người còn ở Việt Nam cho uống sữa ông thọ mà đập đá bỏ vô. Mà cái thứ này là thầy của đi re... coi như là thuốc imodium mà gặp thì cũng ngả nón từ xa.

Có lần đó tôi ngán quá mới nói thiệt: "Cô ơi, sữa ông thọ nó kỵ nước đá. Bỏ đá vô là nó đi đã lắm." Thì bà đó nói: "À quên ... quên nặn chanh!!!"

"Nặn chanh vô như vậy là nó thành ... Yogurt!!!" Khi mình nói như vậy thì thay vì nàng dẹp nàng không dẹp, mà nàng vẫn chơi tái bản có sửa đổi nội dung. Nàng chỉ đổi bìa thôi. Nàng làm sữa rồi nặn chanh vô.

Mà phải biết là nước chanh thì chỉ có tôi tự pha tôi uống. Người khác pha tôi ngán dữ lắm. Vì sao? Vì mấy người hay để móng tay. Mỗi lần họ năn chanh là mỗi lần họ rửa móng. Ớn muốn chết. Mà như tôi từng nói. Transparency là gì? Là sự minh bạch. Cái móng mà không sơn, nó dơ hay đóng đất mình còn thấy được. Còn cái thứ mà nó lấy sơn bôi lên rồi thì bà cố tôi không biết cái gì trong đó. Trước khi nặn chanh, tay nó dơ. Khi nó nặn xong tôi uống, tay nó sạch. Vậy thì cái dơ nó đi đâu?


Trích bài giảng tại Sydney Khái Niệm Về Vô Thường Vô Ngã Hành Giả Tứ Niệm Xứ
Kalama xin tri ân bạn dieulienhoa ghi chép


Thinh Văn | | Vivatta

Thấy và Tin | | Trăng

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com