Cọng Dây Kẽm

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Cọng Dây Kẽm

Năm chi thiền là cái gì? Đó là những thành tố tâm lý vốn dĩ có đủ ở mỗi người chúng ta kể cả cái người tào lao nhất như ăn nhậu, trác táng, đua xe, chích hút, họ vẫn có đủ 5 thành tố này. Nhưng vì sao 5 thành tố này được gọi là chi thiền? Là bởi vì khi nó được đặt vào lòng, đặt vào tâm tư của một người tu tập thiền định thì nó trở thành 5 thứ lợi khí.

Thí dụ như một cọng kẽm, trước khi mà mình cắt nó ra thành một khúc thì nó nằm ở trong cuộn dây kẽm dài cả trăm mét thì mình chỉ có thể dùng nó làm hàng rào hoặc sào phơi đồ thôi. Mình cắt nó ra một khúc khoảng chừng một gang tay thì mình dùng nó vào việc gì? Nó cũng là cái cọng kẽm, hồi nãy nói nó là cuộn kẽm, là sợi dây kẽm, bây giờ mình cắt một khúc thì nó thành một khúc kẽm. Nhưng một khúc đó nếu mà các vị đập dẹp một đầu rồi mài bén hoặc là mình mài nhọn một đầu thì bấy giờ nó trở thành một dụng cụ để làm việc. Đặc biệt là những người điêu khắc, những người khắc gỗ hay nắn tượng đất sét họ rất là cần những dụng cụ đó. Dĩ nhiên có tiền các vị mua nguyên một bộ đồ điêu khắc đặc biệt, còn đằng này nếu mà nghèo thì người ta xài như vậy. Ngày xưa ở Việt Nam tôi có một vị sư bạn rất khéo tay vị này có thể khắc tượng Phật lên các khúc gỗ vụn bằng cách là sử dụng những cái món hồi nãy tôi mới nói. Tức là lấy cọng kẽm hơi lớn một chút đập dẹp một đầu rồi mài bén. Rồi cọng thứ 2 thì mài nhọn. Vị đó làm 3, 4 cọng vậy là đủ bộ đồ nghề để khắc tượng rồi. Giỏi lắm!

Cho nên một người như chúng ta không có tu tập thiền định gì, chúng ta chỉ chạy theo mắt muốn nhìn, tai muốn nghe, mũi muốn ngửi mùi thơm, lưỡi muốn ăn này nọ, thân muốn được mịn màng êm ấm. Thì người cứ sống với 5 cái này thì 5 thành tố kia, trở thành 5 phương tiện để hưởng dục, 5 điều kiện tâm lý lúc bấy giờ thành 5 điều kiện hưởng dục. Nó là 5 điều kiện tâm lý bình thường không có gì đặc biệt. Nhưng một ngày kia các vị chán không muốn hưởng thụ nữa và thấy đó là tội lỗi, các vị mới chuyển sang tu tập thiền định.

Tôi đã nói nhiều lần thiền định là tập trung tư tưởng vào một cái đề mục nào đó. Để một cái tô nước rồi niệm hoài, niệm "nước, nước, nước, nước,....". Niệm tới chừng nào nhắm mắt lại mà nước hiển hiện ra trước mặt. Lúc đầu nước là hình ảnh, sau thành ra ấn tượng y chang như tô nước thật. Thêm một bước nữa, ấn tượng đó không còn là tô nước thiệt nữa mà lúc bấy giờ nó thành ra là một vầng sáng giống như cái đĩa bằng vàng. Lên thêm một bước nữa, nó chói rực giống như mặt trời. Qua giai đoạn đó nếu đủ duyên lành thì bà con đắc được Sơ Nhị Tam Tứ thiền bằng đề mục tô nước đó. Và khi đắc được thiền bằng đề mục nước đó thì bà con có được mấy cái lợi sau đây:

1. Khi nào thấy mệt mỏi chỉ việc niệm "nước, nước, nước, nước,...." . Và tùy mình muốn có thể 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày mình chỉ chìm sâu trong đề mục đó. Khiếp như vậy. Không có biết bên ngoài nắng gió mưa sương, không biết đói lạnh là gì hết. Chỉ an lạc trong đó. Bởi vì lúc đó phiền não đã vắng mặt vì mình đã chìm sâu trong đề mục nước đó thôi.

2. Nếu đủ duyên lành thì khả năng đắc định bằng đề mục nước đó sẽ cho các vị khả năng thần thông. Có nghĩa là các vị có thể tạo ra nước như ý muốn, tạo ra một giọt nước, một chén nước, một lu nước, một ao nước, một hồ nước lớn. Các vị tạo ra biển cả, các vị có thể tạo ra mây, mưa như ý mình muốn. Chỉ riêng đề mục nước thôi đó.

Trước khi muốn đắc định, các vị phải bỏ 5 triền cái, đó là không còn đam mê trong vật chất, không có bất mãn trong ngũ dục, không có còn ray rứt chuyện cũ, không có còn buồn ngủ, lười biếng, không có hoang mang nghi hoặc con đường mà mình đang đi. Khi bỏ được 5 cái đó thì tự nhiên các vị được 5 thành tố tâm lý. Nói "được" cũng không đúng, 5 thành tố tâm lý đó đã có sẵn từ xưa tới giờ trong tâm lý ai cũng có hết. Như hồi nãy tôi nói trong tâm ai cũng có mấy cọng kẽm, trong nhà ai cũng có mấy cọng kẽm giống nhau hết. Nhưng khi lấy cọng kẽm đó đập dẹp ra mình mài bén hoặc là mình để nguyên rồi mài nhọn thì lúc bấy giờ nó không còn là cọng kẽm vô dụng, vô nghĩa, tầm thường, ruồi bu nữa mà lúc bấy giờ nó là một dụng cụ làm việc.

Thì 5 chi thiền y chang như vậy. Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Định. Bình thường trong những cái này thì Tầm, Tứ ai mà không có? Con chó còn có mà. Hỷ, Lạc ai mà không có? Loài nào mà không có? Rồi cái loài nào mà không có Định? Các vị thấy con cò, con vịt không? Lúc đứng nó rút một chân lên, thì đó không là Định thì là cái gì? Nhưng mà cái Định đó là Định tào lao, đó là Tà định. Lúc đó cái Định được dùng cho cái chuyện tào lao. Nhưng riêng người tu thiền thì sự tập trung tư tưởng đó được dùng để tu tập thiền định giải trừ phiền não. Nó khác nhau chỗ đó.

Cho nên 5 chi thiền không phải gì cao siêu hết mà nó trở nên giá trị, nó trở nên đáng nói, đáng kể khi mà nó được người tu thiền vận dụng nó để mà đối phó với các phiền não. Cũng cái cọng kẽm đó, có lúc nó là cọng kẽm nhưng có lúc nó là thứ dụng cụ làm việc hoặc có thể nó là thứ vũ khí để hộ thân. Nếu mình tra nó vào một cái cán gỗ, cái đầu kia mình mài nhọn thì nó là thứ vũ khí để phòng thân rất là tuyệt vời. Báo chí Việt Nam cũng đăng, lâu lâu công an trong nước họ cũng bắt mấy băng đảng giang hồ cùng với một số vũ khí tự chế. Thí dụ như cái nhíp xe hơi; cái thép đó tốt lắm. Người ta đập dẹp nó ra mài làm thành kiếm Nhật, mã tấu. Hoặc là cái ống nước một khúc vậy thì nó không có ghê. Nhưng mà nếu một đầu thì để bằng để cầm còn đầu kia vạt xéo nó nhọn hoắc. Cái ống nước thường làm bằng thép pha gang nên nó cứng lắm. Trước khi được mài dũa thay hình đổi dạng, thì một cái chỉ là nhíp xe, một cái chỉ là ống nước thôi, nhưng khi được người ta tính toán thu xếp lại thì nó là 2 món lợi khí, món vũ khí và nếu có gây án thì nó trở thành món hung khí.

Ở đây cũng vậy, 5 chi thiền này không có gì cao siêu hết. Nó chỉ là những thành tố tâm lý ai cũng có hết. Nhưng khi tu tập thiền định thì nó trở thành 5 chi thiền. Tác dụng của nó là gì? Là đối phó với những thứ phiền não mà làm cho mình bị đau khổ, tán tâm, làm cho mình không có phát huy, tận dụng, khai thác triệt để sức mạnh của nội tâm. Tâm mình nó mạnh lắm, nó làm được bao nhiêu chuyện nhưng vì mình sống vật lộn, chung chạ với phiền não cho nên không làm được gì hết.

Thì cái đầu tiên là Thiện xảo về thiền định là vậy đó. Là biết rõ 5 chi thiền.

Nhớ đừng có nghĩ ai đắc thiền cũng rành như nhau. Sai. Vị có lợi căn khi mà họ đắc thiền thì họ mới có khả năng thấy rằng cái tầng thiền mình vừa đắc chưa tới đâu hết mà còn có cái cao hơn. Dựa vào đâu mà họ biết có cái cao hơn? Là bởi họ thấy cái tâm họ còn thô, còn phải xài tới 5 cái này. Bây giờ muốn bỏ Sơ thiền là phải diệt Tầm, diệt đây là không xài nó nữa chỉ xài Tứ thôi. Cái này phải học, cái này trong room sơ cơ nghe điếc luôn. Tầm là trạng thái hướng tìm cảnh, còn Tứ chỉ quan sát thôi. Khi mà tâm còn thô, để nhận biết cái gì đó nó phải xài tới 2 thành tố này, một cái là hướng tìm, một cái là quan sát.

Nếu các vị muốn tôi có thể cho ví dụ. Cái gì mình rành quá thì mình không cần trải qua nhiều công đoạn. Như khi mình may vá hay mình dệt vải trên cái khung cửi. Lúc mình mớm sợi tơ cho cái khung nó cuốn đi, vì mình rành mình không cần nhìn, mình cứ lùa vô, lùa vô. Thợ may lành nghề và chuyên nghiệp họ vô chỉ mình nhìn biết liền, thấy ngọt lắm. Tức là họ bỏ qua một số công đoạn mà cái anh sơ cơ ảnh phải có, ảnh không thể bỏ sót. Còn mình rành rồi mình bỏ qua một số công đoạn. Cái chuyện bỏ qua một số công đoạn đó chính là cái chuyện mà mình càng lên cao thì mình bỏ bớt chi thiền. Đại khái như vậy, bỏ bớt công đoạn, quen rồi không thèm nhìn nữa, cứ lùa vô lùa vô là dính.

Hoặc là giống con nít, nó ăn dính đầy miệng, rớt đầy người. Mình lớn mình ăn trong bóng tối vẫn OK. Khi mình sử dụng đũa muỗng rành rồi, các vị có thấy ai lùa cơm mà lùa rớt ra ngoài không? Lùa chính xác nó vô miệng hết. Còn người bệnh, con nít, người khùng, người già, người run tay Parkinsonism họ ăn đổ rớt tùm lum. Người trẻ khỏe, đầu óc tỉnh táo thì ăn gọn lắm. Chỉ vậy thôi.

Trích bài giảng KTC.7.38. Điều Phục
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Thích và Ghét | | Xá Lợi

Tam Tứ Ngũ Thất Bát | | Ví Dụ Cụt Chân

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com