Bốn Vô Ngại Giải

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Bốn Vô Ngại Giải

  1. Attha-patisambhidā. Thường dịch là "Nghĩa" Vô Ngại Giải nhưng ta phải hiểu rằng chữ attha có nhiều nghĩa. Attha ở đây có nghĩa là nghĩa lý, là kết quả, là điểm cuối, điểm kết thúc. Nghĩa vô ngại giải ở đây có 2 nghĩa: Nghe ai nói gì cũng hiểu và có thể nhìn quả suy ra nhân.

  2. "Pháp" Vô Ngại Giải. Dhamma-patisambhidā là nhìn đâu hay nghe gì cũng thấy ra Phật pháp, và nhìn nhân có thể suy ra quả.

  3. "Biện" Vô Ngại Giải. Patibhana-patisambhidā thường bị dịch là biện tài nhưng trong bốn trí vô ngại giải phải hiểu là vừa biện tài mà vừa là khả năng ứng khẩu tại chỗ.

  4. Nirutti-patisambhidā. "Từ" Vô Ngại Giải cũng có 2 nghĩa:
    1. Không thiếu ngôn từ diễn đạt.
    2. Trong trường hợp đặc biệt thì còn có khả năng khó tin về ngoại ngữ. Có nghĩa là vị đó chưa từng học thứ tiếng đó nhưng nghe người ta nói vị đó hiểu. Trường hợp này chỉ có những vị thánh đặc biệt. Và trường hợp phổ biến trong ngôn ngữ mẹ đẻ vị này không gặp khó khăn. Chúng ta phải nhìn nhận rằng cái thứ ba này không phải ai muốn cũng được.

Đừng có nói với tôi anh là người Việt Nam thì anh nói và viết tiếng Việt một cách tự tại, tôi không tin. Có nhiều người nói thông thạo nhưng mà viết dở ẹc. Có người viết rất hay nhưng nói rất tệ. Có người nói viết đều tệ. Có người nói viết đều hay. Các vị vào trong YouTube đánh giùm tôi chữ Phạm Duy và Phạm Thiên Thư, trong đó người ta sẽ dắt các vị đến clip trong buổi thơ nhạc của Phạm Duy, họ hát lại mấy bài của Phạm Thiên Thư được Phạm Duy phổ nhạc. Tôi không tin, không có tưởng được đó là nhà thơ mà tôi thờ đó là Phạm Thiên Thư. Ông nói dở ẹc. Dở đến mức mà tôi nghĩ ông này biết chữ, biết đọc, biết viết là đã giỏi rồi, khủng khiếp như vậy. Có nghĩa là đừng có ai nói với tôi đó là Phạm Thiên Thư thì tôi sẽ nghĩ ông này cục mịch lắm, chân quê chân phương lắm. Ông nói chỉ có hai, ba câu cảm ơn thiên hạ, ông cầm tờ giấy đọc mà cũng không xong, ngộ thiệt! Có ai ngờ là khi ông làm thơ ông giống như bị nhập đồng. Tôi là gì trong cái làng thơ ca Việt Nam mà tôi dám nhận xét về các bậc cây đa cây đề. Nhưng tôi phải nói Phạm Thiên Thư nếu nói về thơ thì ông thuộc về hiện tượng mà tôi gọi là lên đồng nhập đồng của Việt Nam. Ngày xưa thì có Nguyễn Du, đời nay thì có Phạm Thiên Thư. Ông có giọng rất lạ. Giọng của Nguyễn Du không lẫn vào đâu được và giọng Phạm Thiên Thư cũng không lẫn vào đâu được. Mình đọc ông mình có cảm giác ông làm thơ dễ như là lấy trong túi ra vậy, ấy vậy mà khi chàng nói thì chỉ có trời cứu.

Từ Vô Ngại Giải là vị này có khả năng diễn đạt không giới hạn, tự tại, vô ngại, đại bi, tâm đà la ni. Có điểm đặc biệt là khả năng sử dụng ngôn ngữ của các bậc thánh luôn giống nhau là tránh gây sự hiểu lầm.

Đây là lý do vì đâu mà khi Đức Phật định nghĩa một vấn đề, Ngài Xá Lợi Phất nhắc lại y chang không mất một dấu phẩy. Và Ngài Xá Lợi Phất đã nói rồi thì một vị Sadi 7 tuổi phải nhắc lại y chang. Và vị Sadi đã nhắc rồi mai mốt bà Visakha có nhắc lại cũng không dám bỏ dấu phẩy. Là vì chữ đó đức Thế Tôn Ngài đã có cân nhắc; vì đâu dùng chữ A mà không dùng chữ B; tại sao dùng chữ đó, hạn chế tối đã khả năng gây hiểu lầm. Trong kinh cứ nói về Khổ Đế, từ lúc thời pháp Thế Tôn chuyển pháp luân đầu tiên cho đến khi Ngài Niết-Bàn, khi Ngài nói Khổ Đế là luôn luôn một công thức đó. Là vì trong Phật trí của Phật nói như vậy là cách nói tốt nhất. Từng chữ có thể đem ra giải thích, từng chữ trong mỗi câu nói của Ngài đá động đến mỗi khía cạnh của vấn đề. Có thể nhiều người trong quý vị không tin nhưng đó là phước phần của quí vị, quí vị ráng chịu. Nhưng các vị có đọc nguyên văn Pali mới tin điều này. Từng chữ của Phật dùng trong mỗi context đều có dụng ý và chủ ý, không phải tuỳ tiện như ta nghĩ. Còn một điểm đọc Chú giải tới chỗ này, da gà, da vịt, da ngỗng, da đà điểu nó nổi lên cuồn cuộn. Khi Ngài nhìn vào tâm của người đối diện Ngài biết người này chỉ có 3 giây để nghe. Bởi vì 3 giây đó là 3 giây ba-la-mật của họ, nó đang làm việc hết công sức. Ngài nói như thế nào mà nó vừa khít trong thời lượng đó thôi. Trong thời gian đó Ngài nói cái gì nó chạm vào yếu huyệt tâm lý, ngay thời điểm của họ.

Thí dụ như họ hỏi Ngài "Ở đâu con có mặt ở đời? Từ đâu con có mặt ở đời?". Ngài chỉ nói một chuyện "Do duyên con đến và do duyên con đi." Không dư một chữ. Thì chừng đó chữ, chừng đó âm thanh âm lượng và thời lượng nó gắn vào vừa khít nội tâm của người nghe. Nói tới đây tôi nổi da gà.

Trong kinh kể khi Đức Thế Tôn Ngài đang đi bát ông Bāhiya ông quỳ dưới chân Phật, ông nói "Bạch Thế Tôn thuyết pháp cho con, xin thiện thệ hãy thuyết pháp cho con." Đức Phật từ chối và nói "Phi thời rồi, Như Lai đang đi bát không thể thuyết pháp." Ông nói thế này "Bạch Thế Tôn không biết rồi Thế Tôn sẽ viên tịch hay là con sẽ qua đời trước khi con được nghe pháp." Tại sao Đức Phật từ chối? Thật ra buổi sáng hôm đó Ngài đã biết rồi. Ngài biết bữa nay ta đi bát đến quãng đường đó sẽ gặp con người đó; con người này đã tu tập một trăm ngàn đại kiếp được xem khả năng tốc chứng đắc nhanh nhất trong đệ tử của ta và người này gặp ta; ta phải nói cái gì; người này đắc La Hán xong là chết liền không kịp để gặp ta. Ngài biết hết. Nhưng mọi sự diễn ra giống như tình cờ. Ông năn nỉ Ngài 3 lần mà tại sao Ngài từ chối? Vì ông chỉ mới nhìn dung nghi ngoại diện của Ngài niềm hoan hỷ của ông dâng trào. Khi 5 quyền của ông dâng trào thì tín, tấn, niệm, định, tuệ của ông không cân bằng. Bởi vì khi nó trào như vậy cái định nó nằm ở đâu? Cái niệm nó nằm ở đâu? Ngài thấy không được nên Ngài từ chối. Khi Ngài từ chối tâm ông lắng xuống, ngay lúc lắng đó Ngài nói vắn tắt "Thấy chỉ là thấy, ở đây không có ai thấy. Nghe chỉ là nghe, ở đây không có ai nghe. Ngửi, Nếm, Đụng chạm và Suy nghĩ cũng vậy. Chỉ có sự thấy, sự nghe, sự ngửi, sự nếm, sự đụng chạm mà không có ai thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm. Có thấy như vậy thì con mới không bị mắc kẹt trong ở đây kiếp này kiếp sau. Và khi con không bị kẹt trong quá khứ, hiện tại và vị lai thì con không còn chỗ nào để tái sanh nữa." Ngài nói xong ôm bát Ngài đi. Ông Bāhiya nghe như vậy ông bước vào lề đường vô gốc cây ngồi xếp chân, gió thổi lá rụng xuống và ông đắc vừa khít không dư không thiếu. Mình không có duyên gặp Phật và không có duyên xem kinh chánh tạng bằng chữ gốc cho nên mình không ngờ được là kinh điển từng chữ như vậy.

Khuddakanikāye - Udānapāḷi - 10. Bāhiyasuttaṃ

‘‘Tasmātiha te, bāhiya, evaṃ sikkhitabbaṃ – ‘diṭṭhe diṭṭhamattaṃ bhavissati, sute sutamattaṃ bhavissati, mute mutamattaṃ bhavissati, viññāte viññātamattaṃ bhavissatī’ti. Evañhi te, bāhiya, sikkhitabbaṃ. Yato kho te, bāhiya, diṭṭhe diṭṭhamattaṃ bhavissati, sute sutamattaṃ bhavissati, mute mutamattaṃ bhavissati, viññāte viññātamattaṃ bhavissati, tato tvaṃ, bāhiya, na tena; yato tvaṃ, bāhiya, na tena tato tvaṃ, bāhiya, na tattha; yato tvaṃ, bāhiya, na tattha, tato tvaṃ, bāhiya, nevidha na huraṃ na ubhayamantarena. Esevanto dukkhassā’’ti.

Tôi gợi ý này cho các vị tin. Thí dụ như thơ lục bát. Nếu mình nói bằng văn xuôi, văn trường hàng thì mình muốn nói gì nói, muốn xài chữ gì thì xài, nhưng trong lục bát thì không. Khi mình đã làm thơ, thơ thất ngôn tứ cú, hay thơ ngũ ngôn hay lục bát, thì nếu hàng đó là hàng sáu, thì quí vị chỉ ráng mò ghép làm sao mà 6 chữ thôi, phía sau là câu 8, các vị chỉ có 8 chữ để diễn ý dó thôi. Tôi ví dụ như câu thơ của Đồng Đức Bốn :

Vắng em ra ngõ kéo diều,
Ai ngờ được mảnh trăng chiều trên tay.

Ý của nó sâu lắm, ông nói được chuyện tình nhớ gái, nói được chuyện yêu trăng, ông nói được ý và tả được cái tình chỉ trong 2 câu. Còn câu nào hay hơn như vậy nữa? Và trời cho ông chỉ được 14 chữ chia hai, hàng trên 6 hàng dưới 8. Anh phải lay hoay làm sao trong 14 chữ đó anh phải gói được chừng ấy tâm, tình, niềm, nỗi của anh trong đó.

Rồi một câu khác :

Giữa trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa biết để làm gì
Ăn mày bỏ túi rồi đi ăn mày.

Bốn câu đó của Đồng Đức Bốn, tôi mê lắm. Tôi mê ông nói được bao nhiêu tâm tình của tôi. Tôi đi dạy đạo một đời rồi cuối cùng thì sao? Tôi là ông thầy chùa trong ngôi chùa đó, ngôi chùa mà ăn mày là quí Phật tử đến xin pháp. Quí vị yêu cầu dạy thì tôi dạy, yêu cầu giảng thì tôi giảng. Rồi thì sao? Vào nghe pháp cho đã rồi họ cũng quay trở lại cuộc đời phàm tình, rồi vẫn tiếp tục u mê như cũ. Ngày qua tháng lại quay vào chùa nghe pháp tiếp. Mình kêu nhớ nhe cái này quan trọng, cái này xăm lên trán, lấy son viết trong toilet. Mình dặn mỏi mòn mà rồi cuối cùng cũng y như cũ. Y như câu thơ của tác giả. “Lá bùa biết để làm gì, ăn mày bỏ túi rồi đi ăn mày" Gọn lắm. Chỉ có mấy chữ thôi.

Hoặc như Kiều của Nguyễn Du chỉ có một câu rất tục nhưng rất thanh:

“Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên.”

Chỉ có tám chữ. Nó bậy vô cùng, sạch vô cùng, sang vô cùng, đẹp vô cùng, gợi tình gợi cảm vô cùng, chỉ có 8 chữ của Kiều thôi. Đó là tác phẩm của phàm phu tham sân si còn một núi, mà nó hay như vậy huống chi là ngôn từ của bậc thánh quí vị?

Bốn trí này không phải vị thánh nào cũng có. Chỉ có ở người nào từng trau dồi thiện pháp tương ứng. Bốn trí vô ngại nói riêng và những thành tựu khác nói chung chỉ có ở vị thánh nào từng tạo ba-la-mật tương ứng.

Thí dụ như muốn có bốn trí vô ngại là vị này từng có nhiều kiếp lưu ý quan tâm thích thú trong việc học hỏi Phật ngôn thì khi vị đó ra đời mới có được pháp vô ngại và nghĩa vô ngại. Vị nào từng quan tâm đến diễn đạt ngôn từ cho người khác hiểu nhanh hiểu dễ, thì đời sau sanh ra khi mình chứng thánh mình mới có được từ vô ngại giải. Khi có được pháp vô ngại giải, nghĩa vô ngại giải, từ vô ngại giải thì tự nhiên sẽ có được ứng khẩu vô ngại. Có nghĩa là vị này nói chạm vô là bật ra một cách suôn sẻ, rành rọt, thao thao bất tuyệt, không bị chướng ngại và đồng thời hiểu trí. Thông ba trí trước thì được gọi là trí thứ tư. Bốn trí vô ngại ở đây mình học được một chuyện đó là trong đường giải thoát nó không phải là số một nhưng nếu vị thánh nào có thì đúng là lợi mình lợi người.

Vị nào có duyên chứng được bốn trí này thì không làm khó thầy dạy mình và cũng giúp nhiều cho người mình dạy. Thí dụ như Ngài Xá Lợi Phất, Ngài gặp Ngài Assaji nói có một câu là xong, chứ không có đày đoạ ông thầy nổi điên lên rồi mới chịu đắc. Mình học đạo không làm khó thầy dạy mình và sau này mình đắc mình cũng giúp nhiều cho người mình dạy.

Bài giảng của Sư Giác Nguyên ngày 1-8-2018
(X) (140) Hạng Thuyết Trình 10. Vādīsuttaṃ
Nguồn: Facebook Simsapa


Si | | Vô Thủy

Ví Dụ Cụt Chân | | Tội Lỗi

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com