Tội Lỗi

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Tội Lỗi

Sáu căn vốn dĩ không tội lỗi, sáu trần vốn dĩ không tội lỗi. Nhưng chính vì cái Ái nó gắn kết hai cái này lại mà nó trở thành tội lỗi. Thích một cái gì đó là một tội lỗi. Bất mãn trong một cái gì đó cũng là một tội lỗi. Mặc dù nói theo ngôn ngữ thế gian thường tình, tội lỗi ngoài đời nó khác. Tội lỗi là cái gì đó mà xã hội lên án, đạo đức lên án, pháp luật lên án, dư luận, quan điểm của quần chúng, thiên hạ lên án, cái đó mới gọi là tội lỗi.

Nhưng riêng trong Phật pháp, cái gì mà nó do phiền não thúc đẩy, cái gì mà có thể tạo ra quả xấu ở đời sau thì cái đó được gọi là tội lỗi. Gọi là akusala kamma. Đạo Phật rốt ráo như vậy đó. Theo như trong kinh Phật một ruộng muối cũng là muối, một lu muối cũng là muối, một muỗng muối cũng là muối, một hạt muối cũng là muối. Đó là Phật pháp. Còn cái kiểu ngoài đời họ nói chữ tội lỗi phải là một tô muối, một thùng muối, một lu muối, một ruộng muối mới là muối, còn một muỗng muối, một hạt muối thì họ không kể. Nhưng đừng có coi thường một muỗng muối. Có vị nào coi thường, các vị hãy tưởng tượng, trong một ly nước lọc, người ta bỏ vô một muỗng muối, đối với mình một muỗng muối nó nhiều hay ít? Khó nói lắm. Ly nước lọc mà bỏ một muỗng muối vô thì hình như hơi nhiều. Còn một hạt muối nhiều hay ít? Tôi nghĩ cũng tùy chỗ, có nhiều chỗ cũng lớn lắm không phải nhỏ. Thí dụ các vị đang ngủ, mà tôi bỏ một miếng muối hột trong miệng các vị, thì một miếng muối hột là hơi nhiều. Hoặc trong con mắt của mình, mình chỉ dính một xíu muối bột thôi là mình thấy 12 ông trời. Cho nên muối muôn thuở đều là muối, dù ít cách mấy, dù nhiều cách mấy cũng là muối. Tội lỗi dầu ít hay dầu nhiều cũng là tội lỗi. Nhớ rõ điều đó.

Từ nay về sau mình khỏi hoang mang thắc mắc, mình không biết mình đi chùa mà mình bực mình như vậy mình có tội hay không? Khỏi cần thắc mắc chỉ cần nhớ: "Một muỗng muối để cạnh một lu đường thì muỗng muối ấy vẫn cứ là muỗng muối, một muỗng đường nằm cạnh một lu muối thì muỗng đường ấy vẫn cứ là muỗng đường." Đây là công thức rất là khoa học.

Cho nên chính vì không có trí tuệ nhận thức hiểu biết trong bốn đế, không biết được mọi sự đều là khổ, không biết thích cái gì cũng là thích trong khổ, nên người ta mới tiếp tục đầu tư trong khổ. Chẳng qua là người ta trốn cái khổ này đi tìm một lối thoát bằng cách là đến với một cái khổ khác mà thôi. Điều này nếu không học Phật pháp thì ta không có biết. Cho nên xúc là một phần riêng biệt. Và cái niềm đam mê trong xúc cũng là một phần riêng biệt. Mà sao lại có niềm đam mê ấy? Chính là vì có tham ái kết nối mọi thứ với nhau.

Trích Hatthisariputta
Kalama xin tri ân bạn chanvinghiem ghi chép bài giảng


Bảy món nợ | | Nguyện

Bốn Vô Ngại Giải | | Tâm Ác

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com