Samādhi kalyāṇakusalo

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Samādhi kalyāṇakusalo

AN 7. IV. Devatāvaggo - Paṭhamavasasuttaṃ
‘‘Sattahi, bhikkhave, dhammehi samannāgato bhikkhu cittaṃ vase vatteti, no ca bhikkhu cittassa vasena vattati. Katamehi sattahi? Idha, bhikkhave, bhikkhu samādhikusalo hoti, samādhissa samāpattikusalo hoti, samādhissa ṭhitikusalo hoti, samādhissa vuṭṭhānakusalo hoti, samādhissa kalyāṇakusalo hoti, samādhissa gocarakusalo hoti, samādhissa abhinīhārakusalo hoti.’’

KTC 7. IV. Phẩm Chư Thiên - Ðiều Phục
Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo điều phục tâm và không để mình bị tâm điều phục. Thế nào là bảy?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thiện xảo về định, thiện xảo nhập định, thiện xảo an trú định, thiện xảo xuất khỏi định, thiện xảo trong sự thoải mái của định, thiện xảo trong cảnh giới của định, thiện xảo trong dẫn phát đến định.

Thiện xảo trong sự Thoải mái của định gọi là samādhi kalyāṇakusalo. Kalyāṇa có nghĩa là thích nghi, là thích ứng, là "suitable", là "fit", là sao? Có nghĩa là có những tình huống mình phải nhập loại định này mà không nhập loại định khác.

Có những nhu cầu công việc đòi hỏi mình phải nhập loại định nào. Còn bây giờ là mình có khả năng làm cho mình được an lạc, gọi là samādhi kalyāṇakusalo, có nghĩa là khả năng làm cho mình an lạc với loại định nào mà mình muốn.

Thí dụ có những buổi trưa, có những buổi chiều mà Ngài Xá Lợi Phất, có lúc Ngài Mục Kiền Liên, có lúc Ngài Kaccāyana, có lúc Ngài Ca Diếp tới lạy Phật. Đức Phật mới khen "Hôm nay sắc diện của Xá Lợi Phất, sắc diện của Mục Kiền Liên rất là chói sáng". Mình nghe mình tưởng thầy khen trò đẹp trai. Sai. Ngài có ý hết. Ngài khen hôm nay Xá Lợi Phất có sắc diện rất là chói sáng rất là rạng rỡ. Vì sao vậy? Ngài Xá Lợi Phất thưa "Bạch Thế Tôn, trưa nay từ sau giờ ăn cho đến lúc trước khi vào hầu Thế Tôn, con bỏ suốt thời gian đó con để sống trong Vô tướng tâm định giải thoát". Có nghĩa là bình thường khi Ngài rãi lòng đại bi cho chúng sinh, Ngài còn thấy, còn mong cho tất cả chúng sinh nam, nữ, thánh, phàm, siêu, đọa được an lạc, đó là Ngài trú Vô lượng tâm. Hoặc có lúc Ngài niệm hơi thở, Ngài thấy biết rằng hơi thở đang ra, hơi thở đang vào, đó là Ngài còn xài Tướng chế định. Còn "Vô tướng tâm định giải thoát" là Ngài chỉ thuần túy sống trong cảnh chân đế. Ở trong đó, Ngài chỉ thấy cái này sanh, diệt, sanh, diệt, Ngài biết thọ hỷ vừa xuất hiện, thọ hỷ vừa biến mất, thọ xả vừa xuất hiện, thọ xả vừa biến mất, Ngài biết rõ. Ngài chỉ theo dõi thuần túy chân đế. Ở đó không hề có chúng sanh thọ giả. Lúc đó Ngài không còn bận tâm tới chuyện hoằng pháp độ sinh hay chuyện gì phải làm. Không, lúc đó Ngài chỉ thuần túy theo dõi tâm, tâm này là tâm gì xuất hiện, Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Biết rõ đây là tâm dục giới, biết rõ đây là thọ hỷ, thọ lạc, thọ xả của tâm. Biết rõ đây là thọ khổ của thân, vị ấy không còn thọ ưu. Biết rõ đây là tâm gì tâm gì biết rõ. Và chỉ thuần túy như vậy, không hề có nhờ cậy tới cảnh tục đế chế định. Lúc đó được gọi là Vô tướng tâm định giải thoát. Mà khi mình buông hết như vậy, các vị biết, nó nhẹ dữ lắm.

Thí dụ, tôi đang làm cái quyển Nhật tụng Kalama tổng cộng là 1 ngàn 200 trang, dầy lắm. Tức là tôi thu gom trích lục những bài kinh mà tôi cho là có nội dung thu gọn cái cốt lõi tinh hoa của đạo Phật ở trong một chiều dài chấp nhận được, chứ kinh dài quá cũng mệt. Hoặc nếu bài kinh dài quá tôi chỉ lấy khúc nào mà tôi cho là cốt lõi nhất, tôi gom hết những bài hoặc những đoạn quan trọng nhất tôi để một bên là Pali, một bên Tiếng Việt. Mà đương nhiên về mặt kỹ thuật tôi không làm chuyện đó, tôi chỉ có trách nhiệm lựa kinh. Tôi chỉ làm 2 việc thôi, một là tôi lựa kinh, thứ 2 nữa là tôi kiếm cái bản Pali để kế bên. Rồi mấy người cộng sự giúp tôi bằng cách là sắp xếp cho nó đều: đoạn Pali nằm ở đây, đoạn Việt Nam nằm bên đây cho nó cân. Chỗ nào khó thì họ hỏi tôi cái đoạn Pali nào phải đi với đoạn này, còn cái nào dễ thì họ tự làm luôn.

Các vị biết rằng là cái ngày bắt đầu làm thì lâu rồi, nhưng rốt ráo thì gần đây thôi. Có những bài kinh nó phức tạp và dài quá thành ra phải cắt khúc, mà cắt khúc thì rất là mệt, cuối cùng tôi quyết định là bài kinh này để cho cuốn 2. Còn cuốn 1 chỉ giữ lại những bài mình đã sửa xong, tôi muốn in trước khi vô an cư kiết hạ của chư tăng năm nay. Từ hôm nay trở đi trong vòng 6 tháng phải in xong quyển Kalama nhật tụng. In như thế nào mà đến ngày dâng cốc ở Kalama thì phải có cái bộ đó để ra mắt, trình làng với Chư tăng Phật tử cho vui. Có nghĩa là mình đã làm được một số chuyện hoan hỷ. Có nghĩa là trước khi làm lễ động thổ khởi công thì mình đã có được một bộ Kinh nghiệm tuệ quán 1 và 2. Cái ý mình vậy đó, chưa có động thổ là đã có bộ Kinh nghiệm tuệ quán. Mình làm thiền viện mình phải có cái gì cho thiền viện xài chứ.

Theo lệ của người Miến Điện là mình cất trường thiền, cất chùa gì không biết, nhưng cái cốc đầu tiên vừa xong thì họ đều làm cái lễ cúng cốc gọi là Kuti Pūjā để dâng chư tăng; để tượng trưng kể từ đây về sau không cần làm lễ này nữa. Đây là cái cốc đầu tiên của công trình này. Tôi tính lúc đó mình có được bộ Nhật tụng Kalama 1200 trang. Nhật tụng không có nghĩa là "daily chanting" để đọc mỗi ngày. Không phải. Mà là để ngày ngày nghiền ngẫm. Và cứ mỗi khóa tu như vậy chúng tôi chỉ lấy của quí vị đúng 1 giờ mình sẽ nói chuyện với nhau về một bài kinh ở trong bộ Nhật tụng đó. Tại sao phải như vậy? Là bởi vì tôi muốn tránh cái vết đổ của Pa Auk là chỉ thuần về hành trì. Không phải Ngài dở mà tại Ngài thấy bà con về đông, mà đông thì phức tạp. Rồi trong đó có người muốn học có người không muốn học. Cuối cùng thì chìu theo số không muốn học cho nên không có đặt nặng vấn đề giáo lý. Cũng có một số đặc biệt nào đó họ đi tìm học riêng tôi không biết, nhưng đa phần những người Việt tôi biết là đi theo bên Pa Auk 8 năm, 6 năm ra về mặt lý thuyết, về mặt giáo lý không biết gì hết. Tôi biết nói điều này sẽ gây sốc cho rất nhiều người nhưng mình phải nói thật.

Nhưng bây giờ cái quan trọng nhất là sau khi tôi thấy có một số bài kinh làm cho tôi mệt quá, chỉ cần tôi quyết định thôi. Quyết định là lấy ra khỏi cuốn 1 dồn vô cuốn 2, miễn là trước mùa an cư in đủ 2 cuốn là được rồi. Thì khi tôi quyết định là lấy ra khỏi cuốn 1 thì lòng nó nhẹ liền. Ở đây nhập định cũng vậy, khi mình muốn nhập định tự tại là biết thời điểm này nên nhập loại định nào, không nhập loại định nào, lúc đó liền an lạc.

Có thời kỳ hòa thượng Nhất Hạnh có thuê 2 chiếc tàu đi ở ngoài biển Đông để vớt bà con trong nước vượt biên ra. Lúc đó hòa thượng đang ở trong bờ. Có lúc thì ở Mã Lai, có lúc thì ở Philippines. Có những bữa mưa gió, giông tố tưng bừng ngoài khơi, hòa thượng lo lắm. Ngoài đó báo vô bão lớn quá, bản thân 2 chiếc này trục vớt nó cũng đang bị khó khăn là Ngài đã mệt rồi. Có lúc họ báo vô họ đã vớt được 1, 2 chiếc ghe rồi nhưng gió lớn quá bây giờ phải làm sao? Ngài nói lúc đó lòng như lửa đốt, không yên, hòa thượng kể như vậy.

Nhưng lúc đó Ngài mới chực nhớ lại chuyện ngày xưa trước 75 thầy ở Phương bối am (Lá thơm), Bảo Lộc, khi thầy còn ở chung với Ôn Thanh Từ, Ôn ở cốc Thiền duyệt. Trên đó, đèn ngủ của hòa thượng bằng giấy, hòa thượng có viết 4 chữ "Dục an tất an", có nghĩa là "Muốn yên thì lòng nó yên". Hòa thượng viết năm 1964 ở Phương bối am, Bảo Lộc, đường về Đà Lạt. Năm 1982 Ngài nhớ lại kỹ niệm của năm 1964: Tại sao hồi đó mình biết sống với 4 chữ này mà hôm nay mình lớn tuổi, tuổi đời tuổi đạo mình già mà tại sao không biết xài? Thế là hòa thượng viết 4 chữ đó lên trên một tờ giấy treo trước mặt mình "Dục an tất an". Muốn yên thì nó sẽ yên. Bây giờ mình lăn đùng ra mình chết thì trái đất nó vẫn quay và thế giới này nó vẫn tiếp tục hoạt động, nó vận hành mà nó chẳng cần gì đến sự có mặt của mình.

Dĩ nhiên mình sống phải có trách nhiệm, nhưng mình không thể để cái trách nhiệm đó đồng nghĩa với chữ gánh nặng. Hai cái đó khác nhau. Thương con, lo cho con đó là trách nhiệm nhưng để cái nỗi lo ấy trở thành một tảng đá đè lên óc, đè lên tim để cho mình bị nghẹt thở, ngủ không được, thì đó là mình đã chuyển từ trách nhiệm qua bên gánh nặng rồi. Không được. Trách nhiệm là trách nhiệm mà gánh nặng là gánh nặng. Đức Phật Ngài có trách nhiệm đối với chúng sinh, mặc dù trách nhiệm đó là do tự Ngài chọn lựa chứ không phải ai ép buộc Ngài. Nhưng mà Ngài chỉ dừng lại đúng ở trách nhiệm thôi chứ Ngài không có đi quá như người phàm mình; từ trách nhiệm chuyển qua gánh nặng hồi nào không hay.

Trách nhiệm là chuyện phải làm còn gánh nặng là cái phải vác. Hai cái nó khác nhau. Đắp mền cũng là một nghệ thuật các vị có biết không. Mền là để đắp cho ấm chứ không phải là để trùm cho ngộp. Phật Pháp tu học cũng vậy, Phật Pháp là cái mền đắp cho ấm. Chứ còn anh làm phước anh giữ giới anh ngồi thiền làm sao mà bản thân anh không có an lạc. Rồi anh tu cái gì không biết mà người ngồi kế bên anh họ cũng không an lạc vì cái tu của anh thì ... Tới giờ mình ngồi thiền mà người phòng kế bên họ lụp cụp là mình ra mình cự, mình gây. Từ đó về sau mỗi lần người ta thấy mình vô trong cốc đóng cửa lại, bên ngoài dĩ nhiên người ta phải biết ý sinh hoạt nhẹ tay nhưng cái cách của mình làm cho người ta khó chịu. Trước sau người ta cũng giữ ý nhưng mình nói sao đó mà người ta giữ ý một cách tự nguyện vui vẻ tôn trọng thương yêu quí mến, còn mình nói làm sao đó mà người ta cũng giữ, người ta cũng nhẹ nhàng nhưng trong sự khó chịu. Mỗi lần người ta thấy mình đóng cửa lại là người ta rầu, mất tự do. Các vị có hiểu không?

Anh nên tu làm sao mà anh trở thành cây cao bóng cả cho người khác. Anh nên tu làm sao mà đạo nghiệp của anh người ta có thể ké được, người ta được an lạc lây. Còn anh tu cái kiểu gì mà anh giữ giới làm cho người ta khó chịu. Ông sư nếu mà giữ nghiêm túc thì quá ngọ không ăn, nhưng mà có những tình huống mà mình nghiêm khắc quá tội nghiệp người ta lắm. Trễ 15 phút mà người ta đâu có muốn, mà mình lại làm mặt lạnh "Không, sư thà chết sư không có ăn". Mà gia đình họ áy náy dữ lắm, tại vì họ biết ông sư này sáng mai mới ăn mà chỉ vì mình trễ chút bây giờ ông sư ổng đói. Đói mà uống ly sữa vô chua loét nó phá bao tử nữa, làm gia đình người ta khổ. Trong khi đó, cái giới ăn chiều mình phải hiểu ý nghĩa của nó là mình đừng có ăn một ngày nó nhiều bữa, mà chỉ cần một bữa chánh thôi. Dĩ nhiên nếu trễ quá thì không tốt nhưng mà theo tôi, nói cái này tôi chịu trách nhiệm, cái tầm một tiếng đồng hồ trở lại mà trễ do technical, về mặt kỹ thuật mà trễ chứ không phải do mình muốn trễ. Không phải mình muốn ăn bánh xèo rồi mình làm mất thời gian nó lây qua một tiếng sau, cái đó không nên. Vì thèm ăn bánh xèo, thèm ăn gỏi cuốn, chả giò mà thời gian chuẩn bị nó lâu nên trễ, cái đó là chuyện khác. Còn cái này do công việc nó đẩy về trễ, mình giữ giới mình làm mặt lớn mặt nhỏ, giữ giới kiểu đó nó đốt nóng mình mà nó đốt người khác nữa. Hoặc là tỳ kheo không được rời tam y, rời tăng già lê qua đêm không có nên, nếu mình kỹ thì mình để bên cạnh mình. Còn lỡ quên thì thôi mắc gì phải ép người ta chở mình đi lấy cái tăng già lê vắt lên trên người vì sợ phạm. Thì tôi nghĩ tu kiểu đó là khổ mình khổ người. Mà mình không hiểu tại sao mà cấm không cho tỳ kheo xa tam y qua đêm. Tại sao? Khi mình hiểu mình không có giữ cực đoan như vậy.

Cho nên mình tu sao mình được an lạc. Thiền cũng vậy, anh đắc tùm lum hết trơn nhưng lúc đụng chuyện, khi cần anh có thể an lạc với cái thiền mà anh chứng thì anh mới ngon. Còn đằng này anh đắc tùm lum hết nhưng mà anh không có khả năng an lạc với cái thiền, với cái mà anh có thì chưa khá.

Mấy cái này thì Ngài Xá Lợi Phất cực kỳ siêu cấp. Các vị khác đắc y như Ngài; cũng ngũ thiền bát định như Ngài vậy nhưng có những vị an lạc nhiều, có những vị an lạc ít. Ngài Xá Lợi Phất có lúc Ngài chỉ có một giờ đồng hồ là Ngài có thể nhập thiền diệt. Trong kinh có ghi rõ chỉ cần một phút cũng đủ để nhập thiền diệt rồi. Bằng chứng là Đức Phật trước khi niết bàn 500 tỳ kheo đang ngồi chung quanh mà Ngài vào Sơ, ra khỏi Sơ, nhập Nhị Ngài lên 2 triệu 400 ngàn lần chỉ trừ lần cuối cùng là Ngài niết bàn ở Tứ thiền, chứ còn 2 triệu 400 ngàn lần trước đó là Ngài cứ lên tới phi tưởng phi phi tưởng rồi nhập thiền diệt, ra khỏi thiền diệt Ngài mới nhập lại Sơ, Nhị, Tam, Tứ. Cứ như vậy lên tới phi tưởng phi phi tưởng tầng vô sắc cao nhất Ngài nhập vô thiền diệt, có nghĩa là nhanh lắm, thời gian tính theo kinh mô tả trong vòng nửa giờ đồng hồ mà 2 triệu 400 ngàn lần. Lúc đó Ngài Anan quan sát sắc diện Đức Thế Tôn, các vị biết mà Tứ thiền không còn thở vì thời gian quá nhanh đi cho nên Ngài Anan quan sát Thế Tôn không còn hơi thở nên Ngài mới nói với Ngài Anuruddha đang ngồi kế bên "Thưa tôn giả, Thế Tôn đã viên tịch rồi". Ngài Anuruddha nói "Không, Thế Tôn đang nhập thiền diệt chứ không phải là Thế Tôn đã viên tịch". Một lát sau, sau khi đủ 2 triệu 400 ngàn lần, cuối cùng thì Ngài nhập Sơ thiền, ra Sơ, nhập Nhị, ra Nhị, nhập Tam, ra Tam, nhập Tứ, ra Tứ, Thế Tôn lập tức diệt độ lúc ra khỏi Tứ thiền lần cuối cùng.

Thế là Ngài niết bàn ở lơ lửng giữa sắc giới và vô sắc giới, ra khỏi sắc giới là Ngài niết bàn liền, không tiếp tục nhập lên không vô biên. Đọc tới lúc đó mình mới nổi da gà. Trong đời của Chư Phật có điểm đặc biệt là luôn luôn ở biên giới, có những sự kiện lớn của Chư Phật không có diễn ra dưới mái che. Thí dụ như đản sanh là ở ngoài trời, thành đạo là cũng ngoài trời, niết bàn, chuyển pháp luân cũng ở ngoài trời. Vì cái nhân cách vĩ đại đó, phước huệ trời biển đó không có cái mái che nào mà gánh nỗi hết, tất cả đều phải diễn ra ngoài trời hết. Một điều nữa là mọi chuyện của Chư Phật đều diễn ra ở biên giới giữa nước này và nước kia.

Và khi niết bàn cũng vậy, không thuộc về phía nào hết. Chư Phật luôn luôn ở giữa. Vừa ra khỏi thiền sắc giới là lập tức diệt độ, không có qua vô sắc mà cũng không có còn kẹt lại bên sắc, đó là điểm đặc biệt.

Thì trường hợp đó được gọi là samādhi kalyāṇakusalo.

Trích bài giảng KTC.7.38. Điều Phục
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Cửa Trước Cửa Sau | | Thân hành niệm

Tâm Ác | | Thinh Văn

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com