Niddesa

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Niddesa

Chữ niddesa có nghĩa là không còn thêm cái 10 nào nữa. Thời Đức Phật còn tại thế có nhiều tôn phái ngoại đạo, trong đó có phái Nigantha. Một người đồng đạo vừa từ trần theo mình thì gọi là viên tịch. Còn trong phái này thì họ căn cứ vào số năm tu của vị đó trước khi tịch, họ gọi theo cái thuật ngữ. Thí dụ như vị đó tu 10 năm bây giờ chết thì họ gọi vị đó vừa "Niddesa" có nghĩa là vị này đã được 10 năm nhưng không còn thời gian để cho 10 năm tiếp. Nếu vị đó tu 30 năm gọi là "Nittiṃsa" có nghĩa là vị này không có cơ hội để tu hành thêm 30 năm nữa như là 30 năm vừa qua. Đó là chữ chuyên môn, một cách chơi chữ ghép của các vị tu sĩ trong phái Nigantha.

Ở ngoài đời chữ Niddesa có nghĩa là "đặc biệt", là "độc đáo". Còn nghĩa trong từ chuyên môn ở đây là không còn thêm thời gian tu hành nữa. Khi mà có người nhắc chữ này đến Đức Phật thì Ngài dạy rằng ở trong giáo pháp của Ngài thì thời gian tu ít hay nhiều chưa đủ để gọi là thành tựu đạo nghiệp. Miễn là tu đúng và đặc biệt là nếu mà tu đúng mà lại có thành tựu quả vị thì lúc đó mới đáng kể. Thí dụ vị đó tu 80 năm mà không thành tựu đạo nghiệp, không có quả vị đắc chứng nào hết thì vẫn không bằng cái người họ tu trong một ngày.

Cho nên Ngài dạy Niddesa ở đây là thành tựu quả chứng hay sự cao niên lạp trưởng ở đây không tính trên số năm mà tính trên thành tựu tu học. Nhưng ở đây dĩ nhiên là Ngài nói trên từ ngữ thôi, chứ theo sinh hoạt Tăng đoàn thì vị nào lớn hạ vẫn được xem là đầu đàn, được xem là trưởng nhóm. Đúng. Theo hành chánh thì Tăng chúng với nhau phải có tôn ti như vậy. Nhưng xét trên bản thể Tăng già thì giá trị của mỗi cá nhân không phải tính trên hạ lạp mà tính trên những thành tựu sở chứng, trên quả vị chứng đắc.

Xét trên mặt bản thể Tăng có 3.

  1. Một là tăng hành chánh tối thiểu là 4 vị tỳ kheo trở lên, túc số đủ để làm các tăng sự căn cứ theo luật, thì được gọi là tăng.

  2. Hai là tăng suy cử, trong trường hợp đặc biệt nào đó thì chư tăng chỉ cử một vị sa di đến có mặt ở một buổi lễ, buổi trai tăng nào đó. Thí dụ như chùa bữa đó người ta thỉnh mà chư tăng tỳ kheo đi hết rồi không còn vị nào ở chùa hết thì lúc đó sẽ có một vị sa di đi thế thì gọi là tăng suy cử.

  3. Ba là tăng bản thể. Là trường hợp này đây. Là vị tăng có những thành tựu về tâm linh, về quả chứng.

Cho nên nếu hôm nay bà con có bất mãn với một tập thể, một ngôi chùa, một cá nhân nào đó thì các vị hãy hiểu rằng cái tăng mà mình bất mãn ở đây là tăng hành chánh, bất mãn tăng suy cử, tăng cá nhân. Chứ còn nếu tăng bản thể mình gặp, mình lạy không kịp chứ làm gì có chuyện mà mình bất mãn. Một vị chỉ đắc Sơ thiền thôi là họ không có gì để cho mình phiền hết, nói chi là Sơ quả. Cho nên tăng bản thể là nói đến những vị thành tựu pháp thượng nhân. Nói cho rốt ráo thì phải kể là Sơ quả Tu đà hoàn trở lên. Còn tệ tệ cũng là Sơ thiền trở lên.

Ở đây chữ Niddesa là sao? Duyên sự của bài kinh này là Ngài Xá Lợi Phất đi bát rồi Ngài ghé vào thăm mấy vị du sĩ ngoại đạo bên tôn giáo bạn.

Cho tôi nói sự thật, ngày nay mối quan hệ giữa các tôn giáo không có đẹp như ngày xưa. Bởi vì tôn giáo ngày nay gắn liền với yếu tố chính trị. Thí dụ như bên Cơ đốc, Tin lành đó là những tôn giáo mà yếu tố chính trị rất nặng, mình dây dưa với họ rất có thể đó là thái độ chính trị. Và chính trị hôm nay nó là một phạm trù rất nhạy cảm cho nên phải cẩn thận. Thêm nữa trong cái giao tình tâm linh giữa các tôn giáo ngày nay kém hơn ngày xưa nhiều lắm. Thí dụ như hôm nay một vị tu sĩ Bắc tông đặt chân vào chùa Nam tông hay một ông sư Nam tông mà đặt chân vào chùa Bắc tông hay Khất sĩ thì nếu không phải chỗ quen biết trước thì nó cũng lỡ cỡ, gượng gạo và miễn cưỡng lắm. Nó khó vì không có gì để nói với nhau. Chưa nói đến một vị tu sĩ Nam hay Bắc truyền đặt chân vào thánh thất Cao đài hay Hòa hảo thì nó mệt mỏi lắm.

Nhưng thời Đức Phật lại khác. Cái giao tình giữa các tôn giáo, các hệ thống tư tưởng nó gần lắm. Phải cho tôi nói thật một câu là thời đó tôn giáo có ý nghĩa tâm linh lớn lắm. Còn tôn giáo ngày nay bị lạm dụng quá nặng. Ngày nay phải nói cái nội hàm của chùa miễu, của người tu có vấn đề, lý tưởng khoác áo tu hôm nay có vấn đề.

Thời Đức Phật tình hình có khác cho nên chuyện qua lại giữa chư tăng đối với các giáo phái ngoại đạo là chuyện bình thường. Ngay cả Đức Thế Tôn cũng vậy. Có rất nhiều lần trên đường đi bát thì Ngài cũng có ghé vào các tu viện hoặc là những chỗ họp mặt của các tu sĩ thời đó. Bởi vì đối với Đức Phật thì hơi đặc biệt một chút. Ngài biết sự có mặt của Ngài ở chỗ nào cũng sẽ đem lại lợi ích như thế nào cho người khác thì khỏi nói. Riêng chư tăng, các vị tỳ kheo đệ tử của Ngài rất nhiều vị cũng như vậy. Trên đường du hóa hành đạo thì các vị cũng qua lại rất là thường xuyên và thân thiết với các vị ngoại giáo.

KTC 7. IV. Phẩm Chư Thiên (IX) (39) Sự Thù Diệu
Rồi Tôn giả Sàriputta, sau khi khất thực ở Sàvatthì xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, vào buổi sáng, con đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthì để khất thực. Rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Thật là quá sớm để đi khất thực ở Sàvatthì, vậy ta hãy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo". Rồi bạch Thế Tôn, con đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo; sau khi đến, nói lên với các du sĩ ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi, con ngồi xuống một bên. Lúc bấy giờ, bạch Thế Tôn, các du sĩ ngoại đạo ấy đang ngồi tụ họp và câu chuyện sau đây được khởi lên: "Này chư Hiền, ai sống mười hai năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: 'Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán'". Rồi bạch Thế Tôn, con không tùy hỷ, không chỉ trích lời nói của các du sĩ ngoại đạo ấy; không tùy hỷ, không chỉ trích, con từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi với ý nghĩ: "Ta sẽ rõ biết ý nghĩa này từ Thế Tôn". Bạch Thế Tôn, trong Pháp và Luật này, có thể nêu rõ một Tỷ-kheo đáng được tán thán, hoàn toàn do đếm số năm chăng?
- Này Sàriputta, trong Pháp, và Luật này, không có thể nêu rõ một Tỷ-kheo đáng được tán thán, hoàn toàn do đếm số năm. Bảy sự thù diệu này, này Sàriputta, sau khi với thắng trí, Ta tự chứng ngộ, chứng đạt, an trú, và tuyên thuyết. Thế nào là bảy?
Ở đây, này Sàriputta, Tỷ-kheo tha thiết hành trì học pháp và trong tương lai khát vọng hành trì học pháp; tha thiết quán pháp và trong tương lai khát vọng quán pháp; tha thiết nhiếp phục lòng dục; và trong tương lai khát vọng nhiếp phục lòng dục, tha thiết Thiền tịnh, trong tương lai khát vọng Thiền tịnh; tha thiết tinh cần tinh tấn và trong tương lai khát vọng tinh cần tinh tấn; tha thiết niệm tuệ và trong tương lai khát vọng niệm tuệ; tha thiết thể nhập tri kiến và trong tương lai khát vọng thể nhập tri kiến.
Này Sàriputta, bảy thù diệu sự này được Ta tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt, an trú và tuyên thuyết.

Trong bài kinh này Ngài Xá Lợi Phất làm chuyện đó. Trên đường đi bát thấy thời gian còn hơi sớm, Ngài ghé thăm họ một tí. Khi ghé thăm như vậy thì Ngài có nghe cái chuyện mà nãy giờ tôi kể: Họ nói là tu 10 năm mà chết thì được gọi là Niddesa là bởi vì không còn thêm 10 năm như vậy nữa. Nếu tu 20 năm mà chết thì được gọi là Nivīsa có nghĩa là không còn 20 năm như vậy, 30 năm mà chết thì gọi là Nittiṃsa là không còn 30 năm như vậy. Với trí tuệ của mình nghe như vậy, Ngài biết rằng cái này mà đem về trình lên Đức Phật thế nào mình cũng được nghe một pháp thoại hay. Khi trở về Ngài thưa chuyện đó với Đức Phật thì Đức Phật mới giải thích như trên.

Ngài nói rằng trong giáo pháp của Ngài, đạo nghiệp không được đánh giá qua thời gian là bao nhiêu năm. Một người dầu cho tu một ngày, một giây khắc mà có thành tựu, có quả chứng thì cũng kể là trọn vẹn đạo nghiệp rồi. Và Ngài mới nói thêm một vị tỳ kheo trong giáo pháp của Ngài mà có được mấy pháp này thì tu bao lâu đi nữa cũng có thể kể là cao niên lạp trưởng. Tôi chỉ gom gọn có mấy cái: Thiết tha học pháp, thiết tha sống suy tư trong pháp, thiết tha thiền định và thiết tha sống tuệ quán.

Thiết tha học pháp. Chuyện tu học rất là khó. Cạo cái đầu khoát y lên dễ lắm. Ra đường ra Cầu Ông Lãnh, Cầu Muối, Chương dương, Khánh hội, Quận Tư Tôn Đản, Lữ gia, Cây Da Xà, lượm đại mấy ông đầu trọc có sẵn rồi, lượm về đắp y lên trong vòng 3 nốt nhạc là có ngay một ông sư. Nhưng vấn đề ở chỗ là có lần đó có người hỏi Ngài Xá Lợi Phất "Chuyện gì khó thực hiện trong giáo pháp này?". Ngài mới nói: Người đến với giáo pháp này có 3 chuyện khó. Chuyện thứ nhất, sống đời xuất gia đúng mức. Thứ hai, vui được với đời sống xuất gia. Thứ ba, vui được trong chuyện hành trì. Đó là 3 chuyện khó.

Trở lại bài kinh này, Đức Phật Ngài dạy rằng cái giá trị, cái thành tựu đạo nghiệp của một tăng sĩ không có tính trên thời gian, trên đơn vị năm tháng, mà phải tính trên đạo nghiệp, tính trên quả chứng. Và cái đạo nghiệp, quả chứng ấy không phải tự nhiên trên trời nó rớt xuống mà rất là khó nó phải đến từ 7 con đường này.

Chuyện đầu tiên là phải thiết tha trong chuyện học hỏi giáo lý. Cái này không phải dễ đâu. Học nhằm cái môn mình không thích là dễ thua. Học nhằm cái ông thầy mà mình không thích cũng thua. Học vào thời điểm mà mình không thấy tiện lắm cũng thua. Kiếm được cái môn mình thích, thí dụ mình muốn học A tỳ đàm mà ông thầy không có dạy, hoặc mình không thích học A tỳ đàm mà ông thầy lại dạy A tỳ đàm, mình vô chùa mình muốn học giáo lý căn bản mà ông thầy cứ bắt học tụng kinh Pali, các vị có chịu nỗi không? Chưa biết Phật Pháp gì hết, cứ vô là đè ra tụng "Imehi dīpadhū pādisakkārehi" để làm chi? Mình muốn học giáo lý mà đè ra bắt học kinh; sao học nỗi?

Học được môn mình muốn là đã khó rồi, đã vậy cái người truyền thụ cho mình giáo lý không phải ông thầy nào cũng có thể giúp được mình chuyện đó. Đừng có nói ông thầy đó giỏi bằng trời rồi ai cũng thích. Tôi ví dụ như Ôn Làng Mai tức là hòa thượng Nhất Hạnh thì tôi mà còn mê. Tôi mê, tôi quí kính Ngài lắm. Nhưng đâu có ai cũng được như hòa thượng. Mà tôi biết có người thích, có người không. Cho nên cái môn A tỳ đàm nó cao siêu thật nhưng đâu phải ai cũng thích. Thứ hai, tìm được cái môn mình thích đâu phải ông thầy nào mình cũng thích. Thứ ba, tìm được môn mình thích, tìm được ông thầy mình thích, nhưng thời gian có cho phép không? Sức khỏe của mình có cho phép không? Công việc có cho phép không? Có sức khỏe mà bận quá, hoặc là rãnh rỗi mà bệnh nhiều lắm.

Cho nên để làm được cái điều đầu tiên là thiết tha trong việc học pháp là đã khó. Tìm được người thiết tha rồi học lại chán lắm. Khi đã gặp được người siêng mà họ có hội đủ những điều kiện mà tôi vừa nói hay không? Mà người thiết tha hiếu học thật thì hoàn cảnh thế nào họ cũng ráng cắn răng, bậm môi để họ học hết.

Trong kinh Khu rừng, Vanapattha sutta của Trung bộ kinh, Đức Phật Ngài dạy rằng ở một nơi chốn nào, kề cận bên cạnh người nào mà cái chuyện tu học của mình được phát triển thì dầu có bị xua đuổi cũng tìm mọi cách để xin ở lại. Còn nơi chốn nào, bên cạnh người nào mà sự tu học của mình bị thụt lùi, thì nếu có thể bỏ đi ngay trong đêm thì cũng nên đi chứ đừng có nói là ban ngày. Bởi vì nếu nấn ná thì mình chỉ mất thêm thời gian thôi. Mà cái đó đúng. Hồi còn bé tôi đọc thấy kỳ kỳ "Ủa sao mà ghê vậy, sáng ra đi không được hay sao?". Tới hồi ở tuổi này tôi mới thấy một khi cái lòng của mình nó đã bất an, bất ổn thì ở lại chỉ mất thời gian thôi. Mình muốn "trốn nhà đi theo tiếng gọi con tim" mà b8a1t chờ từ 1 giờ khuya cho tới 5 giờ sáng, các vị biết, lòng như lửa đốt, mà là chuyện tầm bậy đó. Mình đã thương người ta, đã sách hoạch, trù liệu trốn nhà đi theo người ta thì phải làm liền. Chứ còn cà rờ mất thời gian; chưa kể là đêm dài lắm mộng, sáng ra rồi bao nhiêu trở ngại, bất trắc ai biết được.

Cho nên chuyện đầu tiên là lòng thiết tha học hỏi giáo lý là cái chuyện đặc biệt trong giáo pháp này. Không phải ai mà cạo đầu đắp y có mặt trong tăng viện, trong tu viện trên đầu nói là thờ kính Tam bảo rồi ai cũng siêng học, tôi tuyệt đối không tin. Bởi vì cái đạo này nó kỳ lắm. Giáo pháp của Đức Phật có điểm đặc biệt thế này: Anh phải dò được cái tầng số nào đó anh mới đi vô được chứ còn anh không có dò được, anh không có tìm được hứng thú trong đó thì chua lắm!

Bao nhiêu người dân quê, họ ở trên vùng sông nước mà đâu phải ai cũng thích đi câu cá. Không phải ai cũng thích đi câu cá đâu. Trong đám người đang câu cá có người thích bắt cá, có người họ kiên nhẫn họ ngồi họ câu hàng giờ, có người họ xách cái chài họ đi họ liệng chừng vài cái là đủ rồi, có người họ xách cái thau với cái rổ họ đi tác mương, tác đìa trong đồng sâu. Thì mình thấy ngay trong chuyện bắt cá của nông dân miền quê, là có người ở quê mà không thích bắt cá, rồi mỗi người thích bắt một kiểu, có người thích đặt lờ, lợp, đăng, đó, dớn, côn cũng trúng. Có người thì thích chài, thích giăng lưới, giăng câu. Có người thích nhắp lươn, bắt cua, bắt ếch, bắt rắn, xông khói hang chuột v.v...

Cho nên cái chuyện học cũng y chang như vậy, cái chuyện khó đầu tiên là không phải ở môi trường đó ai cũng thích như nhau hết.

Thiết tha sống suy tư trong pháp. Học cho có vậy thôi, học ba mớ để bung ra làm thầy sớm, trường hợp này có không ít. Các vị biết có một chuyện này khó tin vô cùng nhưng có thật. Ở đây tôi không nói tư kiến là mỗi người hiểu theo một cách. Tôi không nói vì tư kiến là muôn trùng. Mình dựa theo kinh điển, cũng một bài kinh đó, Chánh tạng rồi đi vào Chú giải của mỗi bài kinh. Trong Chú giải của mỗi bài kinh giải thích giống nhau thôi. Thí dụ như tôi và quí vị cùng đọc Trường bộ số 8. Rồi tôi không hiểu nên tôi vào Chú giải tôi đọc và quí vị cũng vậy. Nhưng sau khi đọc Chánh tạng và Chú giải xong thì cái nhận thức của chúng ta chưa chắc là giống nhau là vì cái nền tảng của 2 người mình vốn dĩ không giống nhau.

Nền tảng đó là gì ? Nó rộng lắm. Trước khi tôi đọc Trường bộ tôi có biết qua những giáo lý khác hay không, tôi không biết mà quí vị biết như vậy nền tảng của chúng ta khác nhau. Chưa kể kiến thức bách khoa của chúng ta vốn dĩ không giống nhau. Trên nền tảng thế học và đạo học ấy, khi đối diện với một bài kinh thì nhận thức của chúng ta về bài kinh ấy đương nhiên là không có giống nhau.

Cho nên mình mới vừa học ba mớ mình bung ra làm thầy quá sớm mà mình quên cái chuyện cũng bài kinh đó mà mức sâu cạn của mỗi người không giống nhau thì mình liệu cái độ sâu, độ rộng của mình có đủ để ra làm thầy chưa? Và các vị phải đồng ý với tôi một chuyện là cũng cái bài kinh Trường bộ số 8 mà Ngài Xá Lợi Phất giảng chắc chắn là Ngài có cách giải thích không giống với chúng ta rồi. Điều đó cho thấy nội dung của mỗi bài kinh không đơn giản trên mặt chữ mà nó còn bao nhiêu tầng, bao nhiêu lớp ở dưới nữa.

Cái độ sâu, độ rộng và chiều cao của mỗi bài kinh còn tùy thuộc vào khả năng của chúng ta. Tôi không có sợ sai khi tôi nói rằng chúng ta có sống 1000 năm thì mỗi bài kinh như vậy vẫn còn những chuyện để chúng ta đào xới. Cái nghĩa căn bản bài kinh thì mất chừng 15, 20 phút thôi, nhưng cái chi tiết sâu rộng và chiều cao của mỗi bài kinh nó cần rất là nhiều điều kiện.

Cho nên, anh học xong anh có thích không, có hứng thú trong chuyện suy xét nghiền ngẫm thấm thía tiêu hóa gậm nhấm bài kinh đó hay không. Cái này lại là chuyện khác. Chứ còn mình học bài kinh đó cho là xong rồi nhưng chưa đâu, quí vị. Mình phải có hứng thú để mà suy gẫm thấm thía tới một cái mức mà cũng một bài kinh đó mà mỗi một ngày chúng ta có thể nói đến một số khía cạnh khác nhau. Thí dụ như bài kinh Thù diệu này, chúng ta có thể nói bài kinh này suốt một tuần lễ không trùng thì đó mới đúng là hiểu kinh. Lời Phật sâu lắm. Không phải tôi là một tu sĩ tôi nghiên cứu kinh điển rồi tôi thổi phồng vấn đề. Lời Phật rất là sâu, sâu lắm. Bằng chứng là có người họ nghe bài kinh này họ đắc đạo mà.

Trong Chú giải có nói thêm là sự đa văn trong Phật Pháp có 2 nghĩa.

  1. nghe nhiều, biết nhiều, nắm giữ được nhiều dữ kiện, nhiều vấn đề được gọi là đa văn.
  2. thấu suốt tới nơi, tới chốn, đến đầu đến đũa một bài kệ ngắn cũng được gọi là đa văn.

Thuở nào, trẻ người non dạ tôi đọc cái này tôi khó chịu lắm "Sao kỳ vậy, đa văn là mình phải biết nhiều dữ kiện, nhiều thông tin chứ". Nhưng bây giờ tuổi già rồi tôi đồng ý với cái nghĩa thứ 2. Anh hiểu tới nơi tới chốn một bài kinh, một câu kệ cũng gọi là đa văn. Là vì sao? Vì anh không đủ chiều rộng thì làm sao anh có thể hiểu được chiều sâu của bài kinh được? Anh phải có đủ dữ liệu, dữ kiện, thông tin để anh có thể đào sâu một vấn đề. Lúc bấy giờ là chiều rộng nó không phải là vô ích, vô nghĩa nữa. Anh phải có một nền tảng như thế nào đó, anh mới có thể đào sâu bài kinh đến mức độ như vậy.

Cho nên Ngài nói có được chiều rộng cũng được gọi là đa văn, có được chiều sâu cũng là đa văn. Cho nên ở đây là ngoài chuyện thích học giáo lý còn cái thứ 2 là thiết tha trong chuyện suy tư, gậm nhấm, nghiền ngẫm, thấm thía, tiêu hóa giáo lý.

Trích bài giảng KTC.7.39 Sự Thù Diệu
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Bước Chân Bằng Cả Gia Tài | | Bhavanga

Thinh Văn | | Công Cầm Vàng

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com