Nghiệm

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Nghiệm

Con người cũ đầu tiên của mình là trốn khổ tìm vui, theo cái thích và trốn cái ghét. Con người thứ 2 khá hơn, đó là làm lành lánh dữ. Con người thứ 3 là gì? Là con mgười thể nhập tri kiến, con người đó thấy rằng thiện ác, buồn vui đều quẩn quanh trong cõi sanh tử.

Có ông đó đang ở Việt Nam làm thầy ở trong chùa ổng bị sốc khi nghe tôi giảng chỉ có 1% Phật tử Việt Nam là Phật tử đúng nghĩa. Chỉ có 1% Phật tử Việt Nam là sợ sanh tử. Nếu bây giờ cho các vị có đầy đủ nhan sắc, sức khỏe, tiền bạc, tình cảm, cho các vị sống một tỷ năm coi các vị có tu không? Sống hết một tỷ năm đi về đâu thì chưa biết. Thì ổng nghe cái đó ổng sốc. Ổng nói đó là cực đoan. Theo ý của ổng tu để cầu giải thoát không còn hiện hữu là cực đoan. Theo ổng là tiếp tục hiện hữu để phục vụ chúng sanh, để kiến tạo cái thiên đường tại thế, làm cực lạc tại tiền. Nhưng mà đó là dành cho mấy người dư hơi, chớ nếu nói rốt ráo ra thì tuổi già nó đang sầm sập tiến tới, cái chết nó đang lừng lững tiến tới. Bây giờ mà nằm liệt một chỗ lở lưng, lở mông, hôi rình, ăn không được, nước dãi chảy ròng ròng, mỗi ngày người ta thọc cái ống để đổ thức ăn vô, thì lúc đó còn cái hào khí Lam sơn để nghĩ tới chuyện lật ngược càn khôn, thay trời đổi đất hay không? Lúc mình đang sung thì mình làm đã lắm. Ở tuổi 50 này tôi nhìn tất cả những văn nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ tôi thấy họ đúng là dư hơi. Họ phải nhìn cuộc đời từ góc cạnh nào đó nó hơi hoang tưởng một tí thì họ mới có đủ cái chất nhựa văn nghệ để cho ra đời tác phẩm của họ.

Có người hiểu lầm là tôi làm thơ chắc tại tôi cũng có máu nghệ sĩ. Sai. Nói cái này dễ ghét tôi cũng phải nói. Tôi chưa bao giờ dại dột mà tôi nói tôi làm thơ hay hết. Tôi chưa bao giờ dám nhận là tôi biết làm thơ hết. Nhưng có một điều là loại thơ 3 xu, thơ con cóc của tôi, tôi làm dễ ẹc hà. Có những lúc tôi muốn diễn đạt một suy tưởng nào đó, tự nhiên nó trào ra không phải văn xuôi mà là văn vần, tôi chép nó xuống. Người ta thích thì gọi đó là thơ, còn không thì các vị gọi đó là vết cóc nhảy cũng được. Mà tôi chưa bao giờ dại dột nói là tôi biết làm thơ. Bởi vì muốn làm thơ phải biết niêm luật, mà tôi không biết niêm luật gì hết, chữ nghĩa của tôi gà què ăn quẩn cối xay vậy đó, cho nên đừng có tưởng tôi làm thơ vì tôi có máu văn nghệ. Thứ hai, tôi phải nói mạnh miệng rằng tất cả bài thơ của tôi, kể cả những bài các vị nghe cái mùi có hơi tục lụy, luôn luôn tôi kết thúc bằng tiếng chuông chùa hết, đọc kỹ lại đi. Bất cứ bài thơ nào, tôi dám nói mạnh miệng như vậy. Lỡ một mai mà tôi có phải lòng ai ở tuổi 50 này, tôi có chọn bài thơ nếu đọc kỹ lại cuối cùng cũng là một nén nhang hoặc là một tiếng chuông trong đó. Tôi chưa bao giờ có một bài thơ nào xúi dại đẩy người ta vào trong cõi tục lụy trần ai, khoai củ hết.

Cho nên mình hiểu Phật giáo tới nơi tới chốn thì khỏi nói rồi, nhưng ở một mức độ nào đó mình sẽ thấy cái chuyện ca ngợi cuộc đời là một thứ dư hơi. Dệt mộng để mà xây dựng thiên đàng tại thế là một kiểu dư hơi. Các vị hỏi tôi "Nói như vậy sư muốn mọi người chết sạch hay sao?". Không. Chưa làm thánh thì phải tiếp tục sống mà sống trong tỉnh thức, sống trong nhận thức.

Hôm qua khi viết lời tựa cho quyển Nhật tụng Kalama tôi có nói. Gọi là nhật tụng nhưng đây không phải là những bài kinh để khẩu tụng mỗi ngày, mà là để mình nghiền ngẫm mỗi ngày. Kinh Phật không phải để khẩu tụng mà kinh Phật là lời, là tiếng nói của người thực chứng cho nên tối thiểu nó phải được nhận thức, được hiểu biết thông qua sự thực nghiệm. Thứ hai, không hề có chuyện linh nghiệm hiểu theo kiểu đời ở trong đạo Phật, mà nếu có cái gì đó mà mình thấy làm như hơi linh nghiệm thì phải hiểu đó là tính hiệu nghiệm của người hành trì, chứ không phải là sự linh nghiệm của người tụng đọc.

Cho nên trong đạo Phật đừng có nói linh nghiệm mà nói phải nói đến thể nghiệm, chứng nghiệm, thực nghiệm và hiệu nghiệm. Vì lời Phật là lời của người thực chứng nên phải được thực nghiệm. Xin nhớ cái đó, rất quan trọng. Kinh Phật không có linh nghiệm qua tụng đọc mà chỉ có hiệu nghiệm qua hành trì. Nếu ai cầm lấy cuốn kinh mà nhớ điều này thì tốt quá...

Nội dung trong Nhật tụng Kalama đó là tôi gom dùm cho quí vị những bài kinh, nếu mà mẹ tôi còn tại tiền thì tôi cũng muốn ngồi bên giường tôi đọc cho mẹ tôi nghe hết mấy bài đó. Nếu các hoà thượng bổn sư của tôi còn thì tôi cũng muốn đọc cho họ nghe hết mấy bài kinh đó. Vì đó là mấy bài kinh mà tôi cho là tinh hoa của kinh điển. Mặc dù nếu kinh Phật là một khu rừng thì bất cứ cây cối hoa cỏ nào thì cũng là của khu rừng đó, không có cái nào hơn cái nào kém hết.

Không thể nói gỗ lim hơn bằng lăng hay cà chất hay thao lao, mình khó nói như vậy. Có nhiều danh mộc mà chỉ để đốt thôi, để làm chùm gỗ, để làm nhà, làm đồ nội thất khó nói lắm.

Trích bài giảng KTC.7.39 Sự Thù Diệu
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Tàm Úy | | Giác Chi

Hóa Kiếp | | Nhàm Chán

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com