Ca Uống Nước

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Ca Uống Nước

Sự có mặt của mình nói riêng và của vạn vật trên đời nói chung phải lệ thuộc vô số yếu tố, điều kiện nhân duyên thì mới có mặt được.

Tôi ví dụ. Không phải khơi khơi mà mình có được cái ca uống nước trong nhà mình. Không phải đâu. Chuyện đầu tiên là bản thân cái ca trước cái đã. Ở đâu mà nó ra cái ca đó? Ai đó, sau bao nhiêu năm tháng học hành hoặc là lăn lóc trong đời sống xã hội, một ngày kia họ mới nhận ra xã hội đang có nhu cầu sử dụng một cái ca giống như vậy. Trước hết phải có ý tưởng, nhưng người đó phải có đủ điều kiện sức khoẻ, đủ điều kiện tài chánh, đủ điều kiện suy nghĩ cộng lại mới có thể sản xuất được cái ca cho mình uống nước. Nhưng người ta làm xong rồi, người ta để ở chỗ sản xuất, làm sao cái ca đó tới tay mình được? Nó phải đi về cái chỗ nào đó, rồi từ chỗ đó mới phân phối ra khắp nơi. Rồi mình là người có nhu cầu mới ra chỗ chợ, quán hay tiệm để rước nó về. Mà đâu phải ai muốn cái ca đó cũng được, người đó phải có tiền, mà ở đâu có tiền đó đây? Lại lớn chuyện nữa. Anh làm sao mà anh có tiền, rồi anh mới ra ngoài đó anh tha cái ca đó về nhà của anh. Do đó hôm nay ở trong cái nhà này có cái ca. Các vị thấy dễ sợ chưa? Chỉ một cái ca uống nước trong nhà thôi mà nó phải cần vô số điều kiện như vậy.

Rồi đến một nụ cười trên môi của mình. Không phải môi của mình, miệng của mình, răng của mình, là mình muốn cười là mình cười. Sai, sai bét. Không phải lúc nào mình muốn cười cũng được đâu qúi vị. Không phải đâu. Bị tiêu chảy làm sao mà cười? Nhức đầu chóng mặt làm sao mà cười? Nhức răng làm sao mà cười? Nhà đang có chuyện làm sao mà cười? Vợ mình, chồng mình, con mình, cháu mình, cha mẹ mình, ông bà mình, thân nhân quyến thuộc của mình họ đang có chuyện thì làm sao mình cười? Đất nước, xã hội của mình đang có sự cố, sự kiện, chẳng hạn như mình thấy báo đăng Việt Nam mình năm nay Tết là coi như không có thịt ăn, nếu mình là người nội trợ mình nghĩ tới đó làm sao mình cười? Thí dụ như vậy. Cho nên mình đừng có tưởng là nụ cười trên môi trên miệng của mình là lúc nào muốn là nó cứ ra như hoa là sai. Mà mình phải coi sức khỏe của mình, tình trạng gia đình của mình, tình trạng tài chánh của mình, bối cảnh xã hội v.v và v.v... Chứ các vị nghĩ làm sao mà các vị có thể cười trong một bối cảnh thiên tai bão lụt, chinh chiến can qua, tên bay đạn lạc làm sao mà cười? Cho nên mình tưởng chắc là nụ cười trên môi của tôi thì tôi nó muốn ra lúc nào nó ra. Sai. Chỉ trừ ra anh khùng thôi. Chứ anh là một người bình thường không phải dễ đâu, không phải là muốn cười là cười đâu qúi vị.

Nhắc lại chúng ta có 3 cái Khổ:

Khổ khổ, Hành khổ và Hoại khổ.

Cái Khổ thứ 3 mới là khó hiểu. Đó là bản thân sự có mặt đã là Khổ vì mọi hiện hữu ở đời này nó phải luôn luôn lệ thuộc vô số điều kiện, thì cái tính chất lệ thuộc ấy được gọi là Khổ. Lúc bấy giờ cái Khổ nó không còn cái nghĩa là cảm giác, cảm xúc mà nó là Khổ trên bản chất.

Mình thấy một người con gái nhà quê đi lấy chồng xa xứ. Mình chưa thấy cổ buồn, không cần nhìn cổ buồn, không cần nhìn cổ khóc, mình chỉ hình dung ra mình đã thấy Khổ rồi. Chữ nghĩa không có, tiền bạc cũng không, phải đi lấy một người xa lạ chỉ để giải quyết một món nợ của gia đình. Nếu mình chỉ biết chừng đó là mình đã đủ hình dung ra được cái Khổ của cổ rồi, chứ không cần phải nghe cổ nói, không cần phải nhìn cổ khóc. Chỉ cần hình dung ra cái tính chất, cái nội dung của sự kiện, của vấn đề là mình đã thấy cái Khổ. Khổ đây là Khổ trên bản chất chứ không cần cảm xúc, cảm giác ở đây.

Như vậy sự thật đầu tiên là Khổ, mọi hiện hữu là Khổ.

Sự thật thứ 2 là bất cứ cái gì mình thích cũng là thích trong Khổ. Mình thích có một cái nhà hay là mình thích có bờ môi mọng, mình thích có mái tóc đẹp, mình thích có một chiếc xe, mình thích có một đôi giày, đôi dép, thích cái gì từ lớn tới bé thảy đều là muốn hết. Thì những cái muốn đó đều là muốn trong Khổ. Và hễ còn thích trong Khổ có nghĩa là mình còn đang đầu tư trong Khổ bằng cách này hay cách khác. Ngay bây giờ thì mình không có thấy, mình thấy tôi thích nhà cao cửa rộng rồi tôi đi làm vui quá, thu nhập tôi cao vui quá, tôi có nhà cao cửa rộng tôi vui quá thì Khổ ở đâu? Chưa hết đâu, trước mắt thì có người họ thấy, có người phải đợi về lâu về dài họ mới thấy. Có nghĩa là khi anh đầu tư một thứ anh thích là anh đang chuốc Khổ. Khổ ở chỗ nào? Không phải khơi khơi mà tiền ở trên trời nó rớt xuống, phải muối mặt mà đi vào chợ đời để kiếm đồng tiền bát gạo. Hành trình kiếm tìm là một cái Khổ. Kiếm tìm không được là một cái Khổ. Mà được rồi phải bảo trì, gìn giữ là một cái Khổ. Mà giữ không được lại là một cái Khổ khác. Nhớ như vậy.

Trích bài giảng KTC.7.4 Tư Lương
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Hai Con Một Hột | | Cồn Ngã Mạn

Dhammacārī | | Kiến

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com