Kiến

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Kiến

KTC (VI) (112) Thỏa Mãn
Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba? Thỏa mãn kiến, tùy ngã kiến, tà kiến. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Ðể đoạn tận ba pháp đó, này các Tỷ-kheo, ba pháp cần phải tu tập. Thế nào là ba? Ðể đoạn tận thỏa mãn kiến, tưởng vô thường cần phải tu tập. Ðể đoạn tận tùy ngã kiến, tưởng vô ngã cần phải tu tập. Ðể đoạn tận tà kiến, chánh kiến cần phải tu tập. Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này phải tu tập.
AN 6. 112. Assādasuttaṃ
‘‘Tayome, bhikkhave, dhammā. Katame tayo? Assādadiṭṭhi, attānudiṭṭhi, micchādiṭṭhi. Ime kho, bhikkhave, tayo dhammā. Imesaṃ kho, bhikkhave, tiṇṇaṃ dhammānaṃ pahānāya tayo dhammā bhāvetabbā. Katame tayo? Assādadiṭṭhiyā pahānāya aniccasaññā bhāvetabbā, attānudiṭṭhiyā pahānāya anattasaññā bhāvetabbā, micchādiṭṭhiyā pahānāya sammādiṭṭhi bhāvetabbā. Imesaṃ kho, bhikkhave, tiṇṇaṃ dhammānaṃ pahānāya ime tayo dhammā bhāvetabbā’’

Thỏa mãn kiến là cái gì? Assāda là vị ngọt, Assādadiṭṭhi gọi là cam vị, "cam vị kiến". Nhưng ở đây Assādadiṭṭhi khỏi dịch cho nó mệt, mình để là thường kiến.

Assādadiṭṭhi là thường kiến.

Attānudiṭṭhi là thân kiến.

Micchādiṭṭhi là tà kiến. Ở đây là ám chỉ chung cho 62 tà kiến trong Kinh Phạm võng Trường bộ. Còn cái bản Tiếng Việt thì mệt lắm, tiếng Việt là "thỏa mãn kiến", rồi "tùy ngã kiến".

Bây giờ mình mới giải thích như vầy:

Thường kiến là sao? Thường kiến gồm có 3:

  1. Tin rằng có một cái "tôi" trong hình thức linh hồn, hay là cái bản ngã mà nó đi từ đời này sang đời khác. Thân này có bề gì nó giống như cái lồng chim mà bị hư, bị sút ra rồi con chim trong cái lồng đó nó bay qua cái lồng khác. Nghĩa là có một con chim nó đi từ cái lồng này qua cái lồng khác. Mình tin như vậy, mình tin có một cái tôi, có một cái linh hồn mà nó đi từ kiếp này sang kiếp khác, từ hình hài này sang hình hài khác.

    Vậy thường kiến đầu tiên là gì? Là tin có một cái tôi bất tử, thường hằng, vĩnh cửu, tồn tại xuyên suốt qua mọi không gian, thời gian. Tôi đọc lại: Cái thường kiến đầu tiên là nó tin tưởng có một cái tôi, nó trường cửu, nó hằng tại, nó bất biến, nó lưu chuyển, nó lăn trôi từ cái đời này sang kiếp khác, theo cách của một con chim mà bỏ lồng này sang lồng khác nhưng vẫn là con chim ấy.

  2. Tin rằng có một cái cõi vĩnh hằng, Tây phương hay là thiên đàng. Ở đây tôi không có ý bài xích, nhưng mà có rất nhiều bà con hiểu lầm về cái cõi vĩnh hằng. Theo kinh điển mình ghi rất rõ là không hề có một cái cõi nào gọi là vĩnh hằng. Không có vĩnh hằng. Có là có cái Nghĩa trang Vĩnh Hằng thì ở Việt nam thôi. Chứ cõi là không có cõi vĩnh hằng. Mình tin là có cõi thiên đàng nào đó, hỏa ngục đời đời, thiên đàng vĩnh cửu. Nhưng thực ra là không có. Trong kinh nói chung, A tỳ đàm nói riêng là không hề nhìn nhận có cái chuyện đó. Không có cái cõi nào mà vĩnh hằng hết. Nhưng do thường kiến mình ráng mình tin là có một cái cảnh giới vĩnh hằng.

  3. Tin vào cái sự hiện hữu, cái sự tồn tại của một cái đấng gọi là đấng chí tôn, đấng sáng tạo muôn loài an bài mọi thứ.

Thì 3 cái đó cộng lại được gọi là thường kiến.

Còn thân kiến là cái gì? Thân kiến là thấy rằng thân tâm này là của mình, mình chính là cái thân tâm này, buồn vui này là của mình, mình đang có buồn vui, kinh nghiệm kiến thức này là của mình, mình có rất là nhiều kinh nghiệm kiến thức, những cảm xúc này là của mình, tâm trạng này là của mình, những thiện ác này là của mình.

Viết xuống dùm 3 cái này:

  1. tammaya: tôi là người hành động thiện ác.

  2. ahaṃkāra: tôi là người thế này thế nọ.

  3. mamankāra: cái này là của tôi, tôi là chủ cái này.

Ba cái này: tammaya, ahamkara, mamankara, gọi là thân kiến.

Tà kiến là gì? Trong Kinh Phạm võng, Phật dạy điều kiện cho 62 tà kiến nằm trong 2 điều:

  1. paraghosa: do tác động từ người khác.

  2. ayoniso manasikara: do tự mình suy tư không hợp lý, không đúng mức.

    Không đúng mức có 2:

    1. là mình ngồi suy diễn, tưởng tượng, lý luận bằng cái nền tảng kiến thức của mình.

    2. là có tu chứng, có sở chứng, có sở đắc, chớ không phải tưởng tượng. Thí dụ như những cái gì mà các vị đắc thiền họ thấy, cái đó hoàn toàn không phải là tưởng tượng. Họ thấy rõ ràng là có đời sau kiếp khác, có cõi trời, có địa ngục, có các loài khuất mày khuất mặt, có kiếp trước kiếp sau, có luân hồi, có nhân quả báo ứng. Họ thấy hết, chỉ có một cái là họ tiếp tục tà kiến trên cái nền tảng xuất sắc ấy.

Mà chúng ta cũng có thấy rồi. Có nghĩa là có biết bao nhiêu người họ cũng là bác sĩ nhưng mà họ có những ngộ nhận cực kỳ nghiêm trọng về chính trị, về văn hóa, về tôn giáo. Chớ đừng có nói với tôi là chỉ có mấy thằng dốt, mấy thằng thất học nó mới nghĩ bậy, chớ mấy thằng cha trí thức làm gì có. Không, trí thức nó có kiểu ngộ nhận kiểu của trí thức. Có biết bao nhiêu người, bây giờ nói trước 75 đi, có biết bao nhiêu trí thức Việt nam đứng về phía lý tưởng cộng sản miền Bắc, có biết bao nhiêu trí thức lại đứng về tinh thần quốc gia của miền Nam. Cả hai bên, bên nào cũng trí thức trùng trùng.

Thí dụ như là Ôn Thiện Châu ở bên Pháp, lúc đó Ôn du học, Ôn cũng là cộng sản nằm vùng, thí dụ như vậy. Rồi giáo sư Hoàng Xuân Hãn, rồi ông giáo sư Trần Văn Khê, trí thức như vậy, họ vẫn có cảm tình với miền Bắc. Trong Nam mình thấy như giáo sư Trần Ngọc Ninh, rồi ông Lê Tôn Nghiêm, rồi ông Kim Định, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, toàn là trí thức của miền Nam. Rồi biết bao nhiêu trí thức di cư như là cái nhóm Sáng tạo, như là mấy cái ông nhà văn như Mai Thảo, Tạ Tỵ, mấy cái tay đó từ miền ngoài vào. Cho nên là trình độ nào thì họ cũng có kiểu ngộ nhận của cái trình độ đó. Đây tôi không nói ai đúng ai sai, mà tôi nói phe nào cũng có trí thức đứng chung hết trơn.

Cho nên Tàu có một câu thế này: "Khổng tử còn có người chống, Đạo Chích còn có người theo". Cái chữ Đạo Chích nhiều người tưởng lầm, họ hiểu đạo chích là ăn cắp nhưng hỏng phải. Thật ra là Đạo Chích là tên của một tay đại tướng cướp giống như Từ Hải vậy đó. Thời xưa, thời Khổng tử, người ta kêu là Đạo Chích; rồi sau này họ mới lấy cái chữ đó họ gọi chung cho cái phường trộm đạo.

Cũng giống như cái chữ "sở khanh", thật ra người họ Sở tên Khanh, giống như cái tên Toại Khanh vậy thôi. Nó hỏng tốt hỏng xấu gì hết, nhưng mà nó xui là ở trong Truyện Kiều, cái chuyện mà Sở Khanh làm chuyện đó nó kỳ quá đi. Cho nên từ đó về sau người ta mới lấy cái tên Sở Khanh đó người ta gọi cho những người mà có sở hành, hành trạng giống như là Sở Khanh, rồi họ mới gọi những người đó bằng cái tên là Sở Khanh. Sở khanh là cái người lừa tình lừa tiền, được việc xong là quất ngựa truy phong, thí dụ như vậy. Nhưng thật ra cái đó là gọi theo điển thôi. Cho nên ở đây mình thấy người ta nói: "Khổng tử còn có người chống, Đạo chích còn có người theo" là vậy đó.

Thì ở đây mình thấy là cái tà kiến nó gồm có 3 trường hợp đó. Nhiều cách kể lắm. Kể 2: là thường kiến và đoạn kiến. Còn cái thứ 3 là tà kiến thì có 2. Một là do mình tưởng tượng suông, lý luận suông. Và thứ hai, tà kiến nó đến từ cái gì? Từ kết quả tu chứng nửa vời, chưa đúng mức. Nhưng cái này phải kể riêng; không được kể chung.

Trích bài giảng KTC.6.105 Hữu Bhava
Kalama tri ân bạn elteetee ghi chép

Kinh Phạm Võng

Các tà thuyết được phân loại như sau:

  • 18 luận chấp về quá khứ gồm có:

    • 4 thường trú luận.

    • 4 một phần thường trú, một phần vô thường luận.

    • 4 hữu vô biên luận.

    • 4 ngụy biện luận.

    • 2 Vô nhân luận.

  • 44 luận chấp về tương lai:

    • 16 luận chấp có tưởng sau khi chết.

    • 8 luận chấp vô tưởng sau khi chết.

    • 8 luận chấp không phải có tưởng, không phải không có tưởng sau khi chết.

    • 7 đoạn diệt luận.

    • 5 hiện tại Niết-bàn luận.


Cửa Trước Cửa Sau | | Đoàn Thực

Ca Uống Nước | | Chánh Tinh Tấn

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com