Chánh Tinh Tấn

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Chánh Tinh Tấn

Đừng có nói với tôi là cụ đó sống được 80 tuổi, hồi trẻ bôn ba tới hồi về già 50-60 tuổi cụ dẹp hết cụ chuyên tâm niệm Phật, tu hành tinh tấn. Mình nghe mình tưởng ngon lắm. Nhưng mà không phải đâu. Trong tinh thần Phật Pháp, cái đoạn cuối đời nó sẽ rất là tuyệt vời khi trước đó mình đã có trớn. Tu học hồi trẻ thì nó có cái trớn đó, thì càng về già thì gừng càng già càng cay. Người mà biết Phật Pháp càng lâu năm, nó cô, nó sắc lại, cái tuổi già của họ nó biến họ thành một món đồ antique, món cổ vật, hiểu không? Còn mà nếu tuổi trẻ mình không có một cái trớn Phật Pháp thì cái tuổi già mà mình biết Phật Pháp, thì dĩ nhiên thì nó vẫn tốt hơn là học tiếp, nhưng mà nó cũng hơi muộn. Lúc bấy giờ mình chỉ là món đồ cũ thôi quí vị. Nhớ nha. Mình sống mà hồi trẻ không có những chuẩn bị tâm linh tinh thần, tì về già mình thành món đồ cũ chớ không phải đồ cổ. Mặc dù hai cái chữ này nghe nó hơi hao hao, nó từa tựa nhau, hơi giống giống nhau vậy, cũ với cổ, nhưng mà khác nhau nhiều lắm. Đồ cổ là người ta có thể băng rừng, vượt suối người ta tới người ta quì, người ta lạy mình để người ta mua lại cái món đồ cổ. Tại quí vị không có chơi quí vị không có biết chuyện đó. Có nhiều cái món đồ cổ mà người ta sẵn sàng bán nhà, bán đất để mà người ta tới, người ta lạy mình để người ta mua lại. Nhưng mà đã nói đồ cũ thì tình hình nó khác đi nhiều lắm.

Cho nên, ở đây chánh tinh tấn là cái gì? Chánh tinh tấn là nỗ lực đúng chỗ, biến từng phút trong đời trở thành ra là những phút giây giá trị. Một tháng một năm trôi qua là một tháng một năm có giá trị vì một tháng một năm ấy có nỗ lực.

Nỗ lực trong hai điều, bỏ đi cái ác và vun bồi cái thiện. Tứ chánh cần gôm gọn còn có hai điều đó thôi: Nỗ lực bỏ cái gì không cần thiết và vun bồi cái cần thiết. Đó gọi là chánh tinh tấn. Người cư sĩ đương nhiên là cái sự nỗ lực tinh tấn nó không giống người xuất gia. Người xuất gia thì tùy cái hạnh nguyện. Có vị thì tinh tấn để gầy dựng đạo tràng, làm trụ trì, có vị trở thành một thiền sư, có vị trở thành một pháp sư, giảng sư, v.v. Nhưng mà nói chung lại tất cả mọi nỗ lực trong Phật Pháp đều phải nhắm đến hai cái tinh thần: một là tự lợi, đem lại lợi ích cho mình đời này và đời sau; thứ hai là lợi tha, có nghĩa là bất cứ một xuất sử nào của tam nghiệp đều phải có thêm ý nghĩa thứ hai nó mới thật sự là trọn vẹn.

Đó là anh làm cái gì lúc nào cũng phải tính đến thiên hạ.

Thí dụ như bây giờ ở trong chùa mình trồng một cái bông, mình cân nhắc mình trồng một cái bụi bông, mình trồng cái bông đó không phải là cho mình. Hoặc trong nhà mình, mình trồng cái bông đó không phải là cho mình, mà mình nghĩ rằng cái bụi này nó lớn lên, cây nguyệt quế, dạ lý mà đêm đêm, người đi ngang chỗ này sẽ nghe mùi thơm.

Cũng giống như bản thân tôi. Từ hồi bé không hiểu vì sao, tiền kiếp như thế nào, mà tôi đặc biệt tôi yêu cái mùi hoa sứ trắng. Yêu lạ lắm, tôi yêu cái mùi sứ trắng, hoa sứ trắng. Mùi thứ hai là mùi hoa lài. Chứ còn mà dạ lý với lại nguyệt quế tôi chịu không nổi, nó hắt, nó nồng lắm. Về Kalama tui sẽ trồng hai cái loại đó, hoa sứ trắng, cái mùi sứ trắng với mùi hoa lài. Loại thứ ba nữa đó là nó xấu, ta nói nó xấu như là Trương Chi mà tui mê nó còn hơn mê Mỵ Nương nữa. Đó là cái hoa ngọc lan. Không biết quý vị có biết cái hoa đó hông? Cái hoa đó, trời ơi, cái cây nó xấu, xấu quằn xấu quại, xấu đau xấu đớn, mà nguyên cái chùm bông nó nhìn như lá vậy đó, mà nó thơm, nó thơm ngọt lắm quí vị, thơm nó thơm ngọt lắm. Đấy, thì khi mà mình chỉ hạ thổ mình trồng một cái cây, mình có nghĩ rồi đây những người đi ngang đây đêm hôm, họ ngồi dưới gốc cây này họ sẽ được thoải mái. Thì đó, chánh tinh tấn là vậy đó. Nó phải hội đủ hai ý nghĩa, một là tự lợi, hai là lợi tha. Chuyện lớn chuyện bé gì cũng phải nghĩ đến hai điều đó, tự lợi và lợi tha.

Như vậy thì cái đời sống mình mỗi phút trôi qua đều có giá trị tuyệt đối, có những người họ chỉ nghĩ đến chuyện tự lợi họ không nghĩ tới người khác. Cái chuyện mà mình vun xới cho người khác thật ra nó cũng là một kiểu vun xới cho bản thân, quí vị biết không? Người không học đạo không biết chỗ này. Mình ăn rồi mình cứ cắm đầu lo cho mình, vợ chồng mình, con cái mình, gia đình mình, dòng họ mình, gia tộc mình. Nhưng mà mình quên một chuyện khi mình nghĩ đến người khác cũng là mình đang nghĩ về mình đó.

Đó gọi là chánh tinh tấn.

Trích bài giảng KTC.7.3 Sức Mạnh
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Tu Trùm Mền | | Rác

Kiến | | Chánh Tư Duy

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com