Tưởng

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Tưởng

Chúng ta sống trong 3 cái tưởng: Dục tưởng, Thiền tưởng và Quán tưởng.

Dục tưởng là những hồi ức, những ấn tượng, những kinh nghiệm, những kiến thức của chúng ta về thế giới 5 trần vật chất kể cả thế giới tình cảm. Nói chung là trong cõi dục.

Thế giới của Thiền tưởng là một người đã chán dục, không muốn vật chất nữa. Họ nhìn thế giới này chỉ gom gọn trong 6 thứ hoặc 10 thứ. Nếu kể 6 ở đây về vật chất là đất, nước, lửa, gió, hư không và về tâm linh là ý thức, là tâm thức của con người, của chúng sinh. Còn nếu kể 10 thì cả thế giới này đối với họ chỉ có đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không và ánh sáng. Tại sao tôi nói như vậy? Vì người chuyên tu thiền định thì họ nhìn thế giới này chỉ có 10 thứ đó thôi. Họ cứ niệm "đất đất đất đất", "nước nước nước nước", "lửa lửa lửa lửa", "gió gió gió gió". Gió có 2 là gió bên ngoài và gió hơi thở, gom chung gọi là gió. Họ kiếm miếng màu tròn tròn họ để trước mặt họ niệm: "xanh xanh xanh xanh", "vàng vàng vàng vàng", "đỏ đỏ đỏ đỏ", "trắng trắng trắng trắng". Họ cứ niệm như vậy gắn bó với 1 trong các màu. Như vậy đất + nước + lửa + gió + 4 màu + hư không + ánh sáng = 10. Tu hư không là khoét cái lỗ nhìn xuyên qua đó niệm "hư không hư không hư không". Niệm gắn liền như vậy đến khi đắc thần thông thì cái chuyện mình đi xuyên qua các chướng ngại vật không thành vấn đề. Niệm ánh sáng thì đốt một ngọn đèn khoét một cái lỗ rồi chú niệm vào trong đó, niệm "ánh sáng ánh sáng ánh sáng" Niệm hoài, khi niệm tập trung "ánh sáng ánh sáng ánh sáng" (tiếng Pali "Aloko Aloko Aloko Aloko") cứ niệm như vậy khi mà đắc thiền thì mình có khả năng biến mọi thứ thành màu trắng, biến mọi thứ thành ánh sáng như ý mình muốn, mình có thể biến đêm thành ngày, mình có thể soi rọi bất cứ một góc tối nào sâu khuất cách mấy vẫn làm được. Cỡ như hang Sơn đoòng mà mình bước vô đó mình nói “sáng đi” là nó sáng trưng, hang hóc ngỏ hẽm tối mịch mình bước vô chỉ nói “sáng đi” là nó sáng rực, đại khái như vậy.

Người mà sống trong sự tập trung vào các đề mục được gọi là Thiền tưởng, vì cái đó là tưởng tượng thôi, nhưng đừng có nghe vậy mà hiểu lầm là tưởng tượng của người tu thiền và người không tu thiền giống nhau. Một người không tu Thiền tưởng tượng mơ mộng nó khác, ngồi nghĩ tới một ngày rồi mình được cái này được cái kia, một ngày mình được voi rồi mình có được 2 Bà Trưng Bà Triệu, thí dụ vậy thì đó là tưởng tượng của một người không có tu. Còn Thiền tưởng đây không phải là ngồi tưởng tượng mà nó là tập trung tư tưởng. Tập trung cho đến một lúc nào đó khi nó đủ mạnh rồi thì mình có thể biến những cái không thành có.

Và tôi nhắc lại toàn bộ thế giới này chúng ta chỉ sống trong cái Tưởng, trong những cái "concepts" qúi vị biết không? Tại sao người Nhật họ thấy cái kimono là đẹp, tại sao người Nhật họ thấy cái tempura, sake, sushi là ngon? Tại sao người Ý họ thấy spaghetti, họ thấy pizza là ngon? Tại sao người Mỹ họ lại thấy cái hamburger, cái Burger King, cái sandwich là ngon? Mà tại sao người Việt Nam mình thấy bún, hủ tiếu, chả giò, tiết canh là ngon? Đó là những concepts, những ý tưởng, những khái niệm được hình thành từ các điều kiện, yếu tố tâm sinh lý xã hội đời này và kiếp trước. Những concepts ấy ở mỗi người được hình thành từ các điều kiện tâm sinh lý bản thân và xã hội đời này kiếp khác.

Tâm sinh lý ở đây có nghĩa là từ kiếp trước mình đã có sở thích như thế nào? Từ sở thích, từ khuynh hướng tâm lý, chúng ta đã tạo ra những cái nghiệp gì? Cho nên ở đây mình có tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và cái môi trường sống, là cái bối cảnh sinh trưởng. Chúng ta lớn lên trong cái gia đình nào, xã hội nào, đất nước nào, nền văn hoá văn minh như thế nào, cái tâm thức xã hội ở đó ra sao? Mình gọi là tâm thức xã hội, lớn chuyện lắm.

Ở xứ Tàu trước năm 1949 nó không giống như nước Tàu sau năm 1949. Mà nước Tàu sau năm 1981, từ lúc mở cửa của Đặng Tiểu Bình nó khác, khác nhiều lắm, rồi cứ vậy đến cái đời của ông Hồ Cẩm Đào, rồi nước Tàu từ đời ông Tập Cẩn Bình nó lại khác. Nước Mỹ trước đệ nhất thế chiến nó khác, hậu chiến sau đệ nhị thế chiến nó khác, rồi nước Mỹ sau chiến tranh Việt Nam nó khác, nước Mỹ sau cái thời ông Obama nó khác. Như vậy mình đừng có nói rằng cái thế giới này nó không phải là cái môi trường cho mình, mình nghĩ mình chỉ là một con người bé mọn, sai. Nước Mỹ ảnh hưởng toàn cầu, nước Nga cũng ảnh hưởng toàn cầu, Nước Tàu ảnh hưởng toàn cầu. Trong cái bối cảnh hành tinh như vậy, trong bối cảnh văn hóa chính trị tôn giáo ấy, cái nhận thức, cái tâm thức xã hội của chúng ta cũng ít nhiều được thiết lập nền tảng trên đó.

Tiếp theo là bối cảnh sinh trưởng mà chúng ta lấy từ cái cận thân nhất đó là nhà của mình, ông bà cha mẹ anh chị, chòm xóm láng giềng, bè bạn, người đồng sở đồng nghiệp của mình, chính những cái sự tác động của họ nó đã làm cho mình có những nhận thức khác về thế giới này. Có thể các vị hỏi tôi “Giống chứ, anh em tôi sanh trong nhà”. Sai. Nó giống là chỗ cùng cha cùng mẹ lớn lên cùng một mâm ăn, cùng một giường ngủ, đúng, nhưng nó khác cái chỗ tiền nghiệp và khuynh hướng tâm lý không giống.

Cho nên tôi nhắc lại một chút ít kiến thức trong hội họa nha. Màu A + màu B = màu C. Nhưng màu C + màu A = màu F. Màu F + màu A = màu N. Màu N + màu A = màu M. Ở đây cũng vậy, mình thấy môi trường nó giống nhau nhưng thật ra cái hành trang của mỗi người vốn dĩ đã khác nhau. Cho nên từ đó nó mới hình thành ra cái nhận thức không giống nhau. Bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp mình chơi với ai cho nên bây giờ mình sanh ra mình có cái Tưởng không có giống nhau. Cái mà mình thấy là đẹp nhiều người chung quanh họ nói nó xấu. Cái mà mình ghét người chung quanh họ thấy thích. Cái thích đó có thể được biểu lộ qua văn hóa dân tộc, qua văn hóa vùng miền khu vực, qua văn hóa gia đình và qua từng ranh giới của các cá nhân.

Cho nên nhận biết được rằng ta đang sống bằng cái Tưởng gì, cái đó quan trọng lắm. Bởi vì anh phải biết rõ rằng anh đang sống với cái nền tảng tâm thức như thế nào, anh đang sống với những ấn tượng, những kinh nghiệm về quá khứ ra sao. Thì ở đây nói đó là quan điểm tri kiến. Nói biết rõ rằng mình đang sống với Thọ gì thì ở đây các Ngài nói rằng phải hiểu ngầm là mình đang sống với thứ Tham ái gì. Còn khi mình đang sống với cái Tưởng tri nào thì phải biết rằng, phải hiểu là mình đang sống với thứ tri kiến gì. Tri kiến nói gọn có 2, gồm Thường kiến và Đoạn kiến. Còn nói có 3 là Thường kiến, Đoạn kiến và Chánh kiến.

Thường kiến là tin vào một sự hiện hữu trường tồn lâu bền của một cái gì đó, mình cũng lén lén mình tin là mình còn sống lâu, mình lén lén tin rằng kiếp sau mình không có tệ mà nó cũng giống như kiếp này vậy, mình tin là có một cảnh giới cực lạc thiên đàng nào đó để mình về mình ở đời đời sung sướng, mình tin là có một đấng tối cao vô thượng sáng tạo muôn loài và bản thân ngài đời đời bất tử, mình tin vào sự vĩnh cữu của một cái tôi, của một cảnh giới, của một thế giới, của một cá nhân, của một đấng chí tôn nào đó. Thì 3 cái này cộng lại gọi là Thường kiến.

Còn Đoạn kiến gồm có 3:

Vô hành kiến (Akiriyā diṭṭhi) tức là không thấy ác và thiện nó khác nhau chỗ nào hết. Có nghĩa thích thì làm thôi, làm sao đừng để bị người ta chém, đừng để bị pháp luật nó sờ gáy, chứ còn thiện ác vốn dĩ không có khác nhau về bản chất, có nghĩa trong đầu người này không có nhân quả báo ứng.

Vô nhân kiến (Ahetuka diṭṭhi) tức là không chịu hiểu rằng vạn hữu ở đời này từ chúng sinh cho đến vật vô tri đều do các nhân tố, các điều kiện mà tạo nên. Ngày nào các điều kiện hội đủ thì mọi thứ có mặt, ngày nào những điều kiện ấy nó trục trặc, thiếu sót hoặc là không có thì sự hiện hữu đó biến mất, mình phải tin rằng mọi thứ ở đời do các duyên mà có. Còn cái Vô nhân kiến nó không có quan tâm tới cái đó mà nó nói mọi thứ ngẫu nhiên mà có rồi nó cũng sẽ ra đi không để lại dấu vết. Cái quan điểm này bây giờ đang rất phổ biến, không có nghĩ đến kiếp trước, kiếp sau, cứ nghĩ là “Đời nó vậy bận tâm chi, tại cái kiểu nó như vậy, khi chết rồi là hết, trở về với cát bụi là xong”. Không hiểu rằng thế giới này do các duyên mà có rồi cũng sẽ do các duyên mà mất, duyên còn thì nó còn tái hiện, duyên hết rồi thì nó đi luôn.

Vô hữu kiến (Naṭṭhika diṭṭhi). Tại sao tôi phải nói Tiếng Pali ở đây? Là tại vì có những người viết được là họ viết cho bà con thấy, thấy rồi bà con mới vô trong google bà con tìm, chứ còn nói mà bà con không biết cái gốc nó nằm ở đâu cũng khổ. Vô hữu kiến là sao? Là phủ nhận triệt để, phủ nhận toàn tập những gì mà mình không thấy được, không hiểu được, không chứng minh được thì bèn cho cái đó là không có. Rất là nguy hiểm. Thí dụ như tôi không thấy ma qủy, không thấy hạng vô hình khuất mặt, có nghĩa là cái đó ba xạo, do người ta một cái thứ tâm thức mông muội vì sợ hải mà thêu dệt để tự mình nhát mình. Cách nói nghe rất là cao siêu, rất là trí thức, nhưng mà nó độc hơn cái gì hết thảy. Bởi vì nó là một cách nói rất là phản khoa học, phản ở chỗ nào? Anh muốn tin anh phải có bằng chứng, mà anh muốn bác anh cũng phải có bằng chứng. Nhiều người cứ tưởng mình trí thức, cứ nói tôi là dân trí thức tôi không có tin bậy bạ, nhưng mà họ quên một chuyện là một đứa trung học mà cái đầu nó hơi sáng sáng một chút là nó đã thấy mình nói bậy rồi. “Tôi không tin ma vì tôi không từng thấy ma.” Cái chuyện mà anh không thấy chưa đủ là bằng chứng để nói rằng nó không có. Cái chuyện mà tôi không thấy chưa đủ để gọi là bằng chứng cho tôi phủ nhận.

Thí dụ như bây giờ qúi vị nói với tôi “Từ nhỏ tới lớn 70 tuổi, cái viên kim cương mà to nhất mà tôi biết là 8 li, lớn nữa là tôi không tin.” Nhưng mà các vị biết tôi từng gặp viên 20 ka ra không? Ngay con mắt phàm mắt thịt của tôi, tôi từng gặp ở viện bảo tàng Smithsonian, Washingon DC, cái viên 20 karats nó to đùng, to hơn cái trứng cút. Nhưng mà các vị không tin, các vị nghĩ rằng kim cương hột xoàn khoảng 10 li là lớn lắm rồi. Giả định mà có viên 3 karats đeo vô là tay có tật luôn bởi nó nặng dữ lắm, nhưng mà không, cái chuyện nó nặng là chuyện của nó, nhưng mà quả thật trên đời có tồn tại những cái viên như vậy. Bên Anh thì vô khối, cái tháp London Tower hay trên cái vương miện của bà nữ hoàng Elizabeth đệ nhị có cái viên to đùng, gọi là cái viên Jubilee của vua Thái Lan to đùng mà mình không có biết mà mình chỉ có biết 10 li thôi. Từ cái chuyện mà mình không có thấy mình bèn phán rằng những cái đó không có tồn tại, các vị nghĩ có bệnh không? Quá bệnh luôn, phải không?

Cho nên Đoạn kiến có 3: Vô hành kiến là phủ nhận thiện ác, Vô nhân kiến là phủ nhận cái vai trò của các yếu tố duyên sinh duyên khởi, Vô hữu kiến là phủ nhận triệt để tất thảy những gì mình không thấy, không hiểu được, không chứng minh được.

Như vậy tôi vừa giải thích xong Thường và Đoạn kiến. Và không mắc vào Thường, không mắc vào Đoạn thì được gọi là Chánh kiến.

Trích bài giảng KTC.7.39 Vô Ngại Giải
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Diệt Đoạn | | Trợ Sinh Và Trợ Lực

Biếng Lười | | Nhận và Cho

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com