Tình Nghĩa

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Tình Nghĩa

Tại sao mình khổ? Là vì mình có attachment. Khi bắt đầu thấy ghét cái gì đó, là quý vị bắt đầu có attachment. Ở đây chắc nhiều người không tin. Mình thích nó thì là attachment thì đúng rồi. Nhưng mà mình bắt đầu có ý ghét, mình cũng có attachment. Có nghĩa là mình đã treo hình ảnh người đó ở trong đầu thì đó là attachment. Cho nên trong Kinh Tăng Chi, Phật dạy một câu sâu vô cùng:

Đừng tìm chi cái ghét, đừng tìm chi cái thương.
Thương phải xa là khổ, ghét phải gần là khổ.

Bắt đầu mình chớm có ác cảm với người hay vật nào đó là mình bậy rồi đó. Phải biết đó là điên đảo mộng tưởng. Bởi vì bắt đầu ghét - thương là bắt đầu gánh khổ. Bắt đầu thích một người hay một vật là đã bắt đầu khổ. Và trong sự tỉnh táo nhất, chúng ta phải nói với nhau thế này:

Chúng ta không có lý do gì để phải thương một người. Chúng ta có lý do để từ bi với một người thì có. Nhưng mà thương theo cái kiểu mà lo ở ngoài đời, thì không nên. Vì do tập khí nhiều đời, nam thì thích nữ, nữ thì thích nam. Hoặc là do xu hướng tâm lý nhiều đời mình thích đoan trang thùy mị, tóc dài, mắt buồn, yêu màu tím, nghe Trường Vũ, ... Chứ thiệt ra chúng ta không có lý do gì mà chúng ta rước một tên về để gọi đó là em với anh rồi ở với nó rồi đêm đêm nhìn cái mặt mốc của nhau. Chúng ta không có lý do làm vậy.

Tôi nói cái câu này nó bạc vô cùng, bạc lắm, mà phải nói thiệt: Mình lo cho cái cục này chưa xong, hơi đâu là lo cho cái cục đó? Đó là điều thứ nhất. Lo cho cái cục này chưa xong, đêm nay rồi không biết sáng mai dậy nó còn hoạt động nữa hay không? Mà lại đi vác thêm cái của nợ đó về.

Điều thứ hai: Nếu mình thích cái đẹp, thì 7 tỷ người trên hành tinh này biết bao nhiêu người đẹp hơn cô này; tại sao lại chọn cô ấy? Câu thứ hai nghe rất là bậy. Nhưng mà mình tu thì mình phải dùng bao nhiêu suy nghĩ để mình thoát ra thôi. Có biết bao nhiêu người hơn, mà tại sao mình lại chết vì cái bà này? Đó là điều thứ hai.

Điều thứ ba: Cái này mới lạnh xương sống. Hôm nay thấy nó vậy, ngày mai chắc nó còn như vậy hay không? Tôi từng tụng kinh cho mấy người nằm liệt, tôi sợ lắm. Ngày nào nó ngon lành, nó phổng phao, nó cơ bắp, sắc vóc. Tới lúc mà nằm lâu quá, nó tái tái kỳ lắm. Mà nằm lâu quá nó có cái mùi ngộ. Tôi nói pháp cho tôi nói thiệt nghen: Mấy người lớn tuổi có cái mùi rất là đặc trưng!

Lúc thương thì nói: You có làm sao thì tôi cũng là người đẩy xe lăn cho you đi đến cùng trời cuối đất. You ở đâu, xe ở đâu thì tôi ở đó. Nhưng sẽ có một ngày, xe một nơi, you một ngả, tôi thì ... Thội mình giao vô nhà già (dưỡng lão) để viện họ chăm. Nó ngán lắm quý vị. Mình gượng, mình gồng. Ngày xưa vì tình, bây giờ vì nghĩa với nhau. Chứ còn nói thiệt ... ớn lắm.

Trong khi bao nhiêu réo gọi, hấp dẫn bên ngoài mà mình phải ngồi đây trong phòng để chăm sóc một người tàn phế. Tôi biết nói như vầy nhiều người hiểu lầm, tưởng là tôi xúi mấy ông mấy bà bạc lòng với người hôn phối. Không phải! Mà tôi muốn nói bản chất đời sống nó là như vậy đó. Chứ còn tôi không có kêu gọi quý vị về xử cái người đang nằm một đống ngáp ngáp đó. Tôi không chịu trách nhiệm. OK? Nó bạc dữ lắm.

Cho nên khi mà mình xé nhỏ thế giới này ra, phanh phui nó ra đó, nó ngán dữ lắm.

Nói đến đây tôi nhớ 1 câu chuyện tào lao.

Đệ tử hỏi: - Sư phụ, vậy chứ người xuất gia có yêu không Sư phụ?
Đáp: - Có!
Đệ tử nói: - Vậy có khác gì đâu?
Đáp: - Có khác. Người ngoài đời yêu sợ đổ vỡ, còn người tu yêu sợ đổ bể.

Trích bài giảng Khái Niệm Về Vô Thường Vô Ngã Hành Giả Tứ Niệm Xứ
Kalama xin tri ân bạn dieulienhoa67 ghi chép


Dục & Xúc | | Kaṭhina

Māna | | Hạnh Phúc U Mê

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com