Tự Điển Pali

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Tự Điển Pali

Pali là tên gọi đặc biệt trong kinh điển Phật giáo ám chỉ ngôn ngữ Ma Kiệt Đà (Magadhi hay Magadhabhàsà) trong trường hợp được sử dụng để chuyển tải lời Phật.

Mặc cho bao nhiêu ý kiến bài xích, người muốn học lời Phật ngay gốc thì bắt buộc phải tiếp cận kinh điển ngay trên nguyên bản tiếng Pali. Tất cả bản dịch Tam Tạng bằng các thứ tiếng khác đều đã qua một tá những màng lọc như ngôn ngữ, văn hóa, trình độ và quan điểm của người dịch (riêng phần này đã rối như canh hẹ),...

Có nhiều học giả cho rằng kinh Phật nguyên thủy không chỉ có trong tiếng Pali, mà còn có các phương ngữ Cổ Ấn như Prakrit, Gandhari, Sanskrit hỗn chủng (Hybrid Sanskrit), thậm chí cả tiếng Tamil.

Nhưng nhìn vào thực tế mà nói, ngoài một số không nhiều những phần kinh điển rời rạc còn sót lại bằng các thứ tiếng vừa kể, hiện nay không một nguồn kinh Phật nào bằng cổ ngữ Ấn Độ còn nguyên vẹn đầy đủ như Tam Tạng Pali vốn được bảo lưu, truyền thừa từ hơn hai mươi thế kỷ nay tại Tích Lan và Miến Điện.

Vì nhiều lý do, người học Phật hôm nay hầu hết không mặn mà với việc học hỏi tiếng Pali và từ đó dẫn đến việc khan hiếm tài liệu khảo cứu ngôn ngữ này và tệ hại nhất là việc tùy tiện dịch sai hiểu lầm vì nhìn trước sau chỉ có vài cuốn từ điển.

Trước mắt, chúng ta chỉ có thể điểm sơ qua những bộ từ điển Pali lớn nhỏ mà không phải ai cũng có thể sử dụng hay sở hữu: Pali-Anh 750 trang của hội Pali Text Society (do W. Stede và Rhys Davids biên soạn), Pali-Đức 438 trang của Klaus Mylius, Pali-Pháp 351 trang (chủ yếu thuật ngữ Phật học, không có từ phổ thông) của Michel Henri Dufour, 2 cuốn Pali-Anh (tổng cộng khoảng 2000 trang, nhưng trọn bộ phải 4 cuốn) của Cone và bộ từ điển Pali-Miến 19 cuốn ( mỗi cuốn trung bình 500 trang, nhưng thường là sách photocopy).

Bộ từ điển Pali Tam Tạng của Phật giáo Miến Điện dĩ nhiên không nằm trong khả năng tham khảo của hầu hết người ngoại quốc. Chỉ cần có bản dịch tiếng Việt của bộ kỳ thư này thì coi như Phật giáo Việt Nam đã có một đôi hia bảy dặm. Nhưng ngày đó còn xa. Chúng ta còn đang có nhiều chuyện khác phải lo !

Để lấp đầy chỗ thiếu hụt này, tạm thời chỉ có một cách duy nhất là tìm vào Sớ Giải Pali của từng bài chánh kinh trong Tam Tạng. Rất nhiều trường hợp cũng chữ đó nhưng ở mỗi nơi có một nghĩa khác nhau. Gom hết các định nghĩa khác biệt ấy lại thì ta mới có được một bộ từ điển Pali đủ dùng cho việc tham cứu kinh điển.

Cuốn từ điển Pali giải tự (Sabdaviggaha) này là một phần của công trình ấy. Với nó trong tay, những từ ngữ xưa giờ tưởng chừng ai cũng biết lại có được những định nghĩa chuyên biệt hơn. Chúng tôi hi vọng và tin tưởng cuốn từ điển này (với trên 7000 câu giải tự bằng tiếng Pali cho gần 5000 danh từ Pali) sẽ là một đóng góp cần thiết cho nhu cầu nghiên cứu kinh Phật ngày một lớn của người Việt ta hôm nay.

Xin cảm ơn những giúp đỡ, hỗ trợ quan trọng của các vị ẩn danh đứng sau công trình này. Kẻ cho tiền ấn hành, người ra sức chăm sóc bản thảo. Mong tất cả luôn an lành.

Beatenberg, 2020

Toai Khanh


Để có sách xin liên lạc

☎ Cô Trần Thị Ngọc-Tuyết:

0934183043 (Việt Nam)

☎ Cô Nuôi Bùi:

816-521-8080 (Mỹ)

→ Xem thêm danh mục Thư Viện Toại Khanh


Từ Điển Pali

Cuốn từ điển này lúc đầu chỉ là bản dịch cuốn Saddaviggahadīpanī của ngài Mahabodhivamsa (Thái Lan) nhưng trong lúc tra cứu để dịch thì chúng tôi lại có dịp bổ sung thêm nhiều chữ mới từ các nguồn tài liệu đây đó (sẽ được kể rõ trong phần tài liệu tham khảo).

Trước mắt chúng tôi làm riêng một cuốn về danh từ, những chữ thông dụng nhưng cần có một định nghĩa chính thống và chuyên nghiệp. Về mặt này, không định nghĩa ngoại ngữ nào hơn được các định nghĩa bằng chính tiếng Pāli mà từ chuyên môn gọi là Viggaha, các giải tự cho từng từ Pāli.

Ở đây có vài điều cần lưu ý về nội dung cuốn từ điển:

-Ở mỗi chữ trong sách này, bên cạnh một hay vài câu giải tự, sẽ có các từ tham khảo (được viết tắt là TTK).

Mấy từ tham khảo này có thể là chữ đồng nghĩa hoặc đôi khi là những chữ liên quan cần biết thêm. Chẳng hạn sau chữ Rukkha (cây cối), sẽ có các từ tham khảo như cành, gốc, ngọn, vỏ, giác, lõi cây.

-Đôi khi chúng tôi dồn hết các nghĩa khác nhau cho một từ Pāli, vì đó là những nghĩa đơn giản ngắn gọn và có chung một câu giải tự. Riêng trường hợp một từ có nhiều nghĩa dài dòng, và ở mỗi nghĩa lại có một câu giải tự riêng thì chúng tôi phải xem là những chữ khác nhau. Chẳng hạn quý vị tìm xem chữ Attha sẽ thấy rõ chuyện này.

-Ở một số tên gọi sinh vật, chúng tôi cùng lúc giữ lại chữ dịch của các nguồn khả tín. Đó là lý do vì sao nhiều chỗ chỉ một tên gọi Pàli mà có đến vài ba nghĩa Việt, vừa là cây này cũng là cây kia, là con này lại cũng là con khác. Chúng tôi giữ nguyên để người dùng tự điển rộng đường sử dụng.

-Chúng tôi để nguyên không dịch riêng các câu giải tự Pāli vì hai lý do: Người có nhu cầu tìm hiểu mấy câu giải tự đó phải là người đủ sức đọc hiểu không cần ai dịch và lý do thứ hai là các câu giải tự ấy thường khi là giải thích cách cấu tạo mỗi từ Pāli từ góc độ ngôn ngữ học, nên nếu dịch ra sẽ rất ngờ nghệch và gượng gạo. Chẳng hạn ở chữ Amba trong nghĩa Cây Xoài, Trái Xoài ta sẽ thấy câu giải tự này: Phalakàmehi janehi amīyati gamīyatīti ambo (Là thứ quả mà những người thích ăn trái cây đều mê).

-Riêng những câu giải tự có nội dung quan trọng thì chúng tôi sẽ dịch trong ngoặc kép và để hẳn ở phía trên.

-Nội dung cuốn từ điển này gồm 3 phần: Phần đầu gồm các danh từ Pāli phổ thông được giải thích bằng các câu giải tự, phần hai gồm các thuật ngữ chuyên dụng trong Luật tạng Pāli và phần cuối là ngữ căn Pāli, tức chữ gốc để từ đó cấu tạo nên các từ loại Pāli.

-Với nội dung đặc thù như vậy, một người ngoại quốc nếu đọc hiểu được tiếng Pāli thì dù không biết tiếng Việt cũng hoàn toàn có thể sử dụng cuốn từ điển này. Vì mỗi từ Pāli ở đây đều có phần giải thích bằng tiếng Pāli, và đặc biệt với các tên gọi Sinh Vật Học thì ở mỗi mục từ đều có tên khoa học bằng tiếng Latin. Phần này được sự giúp sức của một Phật tử dược sĩ ở Thụy Sĩ.

Với chiều dày gần 700 trang và xen khoảng 1200 thuật ngữ Sinh Vật Học, cuốn từ điển này rất đáng được có mặt trong tủ sách của bất cứ ai có nhu cầu nghiên cứu Phật giáo, tiếng Pāli và cả văn hoá Nam Á.

Điều cuối cùng phải thưa rõ ở đây là trong lúc thực hiện cuốn từ điển này chúng tôi đã phải tra cứu nhiều nguồn tài liệu và ai cũng hiểu rằng tài liệu tham khảo, tra cứu nào cũng có những hạn chế nhất định, và bản thân người tra cứu cũng có những hạn chế lừng lững.

Người dùng từ điển này chắc chắn sẽ có những chỗ không đồng ý với chúng tôi, nhưng nếu bắt tay vào thực hiện một công trình tương tự thì quý vị sẽ hiểu ngay những vấn đề mà chúng tôi đã gặp phải trong lúc thực hiện cuốn từ điển này.

Bản thảo cuốn từ điển đã hoàn chỉnh từ tháng 8, chuyện trước mắt trước mắt chỉ là vấn đề hành chánh trong nước. Hi vọng chúng ta sẽ có được sách trên tay trước tết Nguyên Đán năm nay.

Beatenberg tháng 9 năm 2020

TOẠI KHANH

THÔNG BÁO 05/01/2021

Sau bốn tháng chờ đợi, đến hôm nay (ngày 5 tháng 1.2021), cuốn từ điển Pāli Từ Nguyên và Giải Tự của chúng tôi mới được in xong và đang được phát hành chính thức tại Việt Nam.

Lẽ đương nhiên là cuốn từ điển này còn có nhiều chỗ khiếm khuyết, nhưng tính đến thời điểm hiện tại thì vẫn có thể được xem là cuốn từ điển Pāli đầu tiên của Phật giáo Theravāda có nội dung thế này trong tự dạng Latin.

Từ điển Pāli trong các thứ tiếng Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan thì có rất nhiều nhưng không thể phổ cập cho tất cả mọi người, bởi không phải ai cũng đọc được các thứ tiếng ấy. Đồng thời, ở các từ điển Pāli của người Châu Á, phần tên gọi khoa học của các giống sinh vật hầu như bị bỏ qua.

Số trang trong sách buổi đầu là trên 700 trang, sau được nén lại nên giảm đi khoảng trăm trang. Nội dung sách được in ba màu, và lẽ ra còn có thêm phần ảnh màu minh họa cho mỗi mục từ sinh vật học. Chỉ tiếc rằng do vài chướng duyên phút cuối nên việc đó không thực hiện được, phải chờ đến lần tái bản.

Cuốn từ điển Pāli nầy (và một cuốn nữa sẽ ra năm 2021) cộng với 2 cuốn Kinh Nghiệm Tuệ Quán, 2 cuốn Nghiên Cứu A Tỳ Đàm và một bộ 3 cuốn Nhật Tụng Kālāma được xem là tài liệu hỗ trợ cho nội dung tu học ở trung tâm Kālāma mai này.

Xin lưu ý, từ sau cuốn Nhật Tụng Kālāma, tất cả sách của chúng tôi (Toại Khanh) đều sẽ được in trong khổ 18x26 cho đồng bộ. Và khổ sách này là dấu hiệu đặc biệt cho biết nội dung bên trong đã được hiệu đính.

Về việc cúng sách cho TĂNG NI SINH CÁC HỌC VIỆN, điểm phát hành không thể đóng gói gửi đến từng vị. Xin các tăng ni sinh mỗi học viện làm một danh sách cụ thể (đính kèm số phone, địa chỉ học viện) rồi cho người đến nhận giùm. Xin cảm ơn quý vị.

Nội dung cuốn từ điển này gồm 3 phần: Phần đầu gồm các danh từ Pāli phổ thông được giải thích bằng các câu giải tự, phần hai gồm các thuật ngữ chuyên dụng trong Luật tạng Pāli và phần cuối là ngữ căn Pāli, tức chữ gốc để từ đó cấu tạo nên các từ loại Pāli.

-Với nội dung đặc thù như vậy, một người ngoại quốc nếu đọc hiểu được tiếng Pāli thì dù không biết tiếng Việt cũng hoàn toàn có thể sử dụng cuốn từ điển này. Vì mỗi từ Pāli ở đây đều có phần giải thích bằng tiếng Pāli, và đặc biệt với các tên gọi Sinh Vật Học thì ở mỗi mục từ đều có tên khoa học bằng tiếng Latin.

Với chiều dày gần 700 trang và xen khoảng 1500 thuật ngữ Sinh Vật Học, cuốn từ điển này rất đáng được có mặt trong tủ sách của bất cứ ai có nhu cầu nghiên cứu Phật giáo, tiếng Pāli và cả văn hoá Nam Á.


Cõi lành dục giới | | 7 javana

Hạnh Phúc U Mê | | Nặng Nhẹ

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com