Nặng Nhẹ

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Nặng Nhẹ

Con chim khác con người ở chỗ khi đậu lên nhánh cây, con chim tin vào đôi cánh, còn con người tin vào nhánh cây. Đây là pháp tu. Cái nào an toàn hơn? Đôi cánh. Nghĩa là mình tin vào chính mình thì chắc ăn hơn. Trong khi phật tử ngày nay tu kiểu con chim hoặc không có hoặc rất ít. Nghĩa là mình cứ trông đợi ở ông Thầy, trông đợi cái gì đó bên ngoài. Điều này rất là quan trọng. Đối với con chim, có những nhánh cây đã mục, đã giòn, con chim vẫn đậu được, khi nó vỗ cánh bay đi thì cành cây gãy nhưng con chim vẫn vô sự. Còn mình thì sao? Trăm sự đổ hết cho nhánh cây. Nó OK mình sống, nó không OK, mình đứt bóng. Tu hành là phải đặt vấn đề cội rễ ở ngay bản thân mình chứ không đổ cho người khác được. Ví dụ chúng ta trông đợi là chết thế nào sư phụ cũng tới hộ niệm. Vậy lỡ sư phụ chết trước thì ai hộ niệm cho? Chưa kể phần sư phụ, không biết ai hộ cho sư phụ kìa. Cái bậy nhất là trông đợi vào người khác.

Tôi nói không biết bao nhiêu lần. Khi ta sống bằng một tâm hồn nhẹ nhàng thanh tịnh thì ta như nước ở thể khí (air); luôn luôn tìm dịp để bốc hơi. Nước ở thể lỏng luôn tìm chỗ thấp để về. Ngay trong lúc còn sống, chúng ta biến tâm mình thành thể air (khí) hay liquid (thể lỏng) là do bản thân chúng ta. Khi tắt thở mà là thể air thì tự động bốc hơi, nếu là liquid thì tìm chỗ thấp chui xuống. Vấn đề rất là khoa học; khỏi có thầy bà nào tụng. Ngay người tụng cũng không chắc vị đó là liquid hay air. Nếu liquid mà tụng cho liquid thì kéo nhau xuống còn sâu nữa. Cho nên quan trọng là lúc bình sinh sống cho nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng là như thế nào? Là "no attachment" - không dính mắc. Attachment là sự đính kèm, dính mắc, nặng nề. Có quá nhiều cái để bất mãn, thương thích. Lúc đó sẽ trở nên nặng nề. Có những loài chim bay được nhưng cũng có những loài lông vũ suốt đời lạch bạch. Do tỷ trọng cơ thể khác nhau. Có loài mỡ thịt nhiều hơn lông, ví dụ như con vịt. Có những loài vịt bay được và có những loài vịt không bay được. Và vịt dù bay được, cũng không thể bay như chim, vì sao? Vì mỡ và thịt của nó nhiều hơn lông. Còn chim cánh cụt thì cả đời không bay được. Trong khi có loài chim nặng chỉ khoảng hai trăm gram; có thể bay liền một lúc cả ngàn cây số không dừng lại, không nghỉ. Một lần ăn nó tiêu thụ lượng thực phẩm tương đương với cơ thể của nó.

Có những người như loài chim cả đời không biết bay vì attachment của họ nhiều quá, có quá nhiều cái để họ thích và đồng thời đương nhiên sẽ có rất nhiều cái để ghét. Thích ấm thì sợ lạnh, thích mát thì sợ nực. Và những người có quá nhiều dính mắc thì sẽ rất nặng nề, khi tắt thở dễ đọa, khó siêu thoát.

Người nào sống quên mình, nghĩ đến người khác thì tâm hồn bớt nặng.

Trong Kinh có một câu:

Ta chỉ nên nghĩ về mình để Chánh Niệm và buông bỏ. Và chỉ nên nghĩ về người khác để yêu thương và tha thứ. Nếu làm ngược lại thì thua. Đối với mình phải nghiêm khắc, đối với người phải rộng lượng dễ dàng. Ai sống được như vậy thì tâm hồn sẽ nhẹ nhàng.

Ta có thương, có từ bi một tỉ người thì lòng ta không vì vậy mà nặng hơn. Nhưng ta chỉ cần nghĩ về mình một tí thôi thì sẽ làm cho lòng ta nặng hơn, vì khi ta thương một tỉ người với lòng bi ta thương bằng trái tim mở nên nhẹ nhàng, còn khi ta thương bản thân, ta thương bằng một trái tim khép nên nặng nề. Đa phần chúng ta coi trọng người tình hơn tình người.

Một anh đệ tử học võ xong, sư phụ tiễn xuống núi. Sư phụ nắm tay lại và nói:

"Mình là con nhà võ, mình chinh phục thiên hạ bằng nắm tay. Đúng không con?" Học trò đáp: "Dạ đúng sư phụ."

Sư phụ: "Nhưng con nhớ như thế này, cái nằm trong nắm tay luôn luôn ít hơn cái trong vòng tay. Và cái trong vòng tay nhỏ hơn cái trong tầm mắt. Cái mà sư phụ muốn là con dùng tầm mắt, cái view, tầm nhìn."

Tóm lại, khi ta sống bằng tâm thái như thế nào, thì tâm hồn của chúng ta sẽ trở nên nặng hay nhẹ tương ứng. Ta có đem một tỉ người vào tim, thì đó là trái tim mở nên vẫn nhẹ, không có trọng lượng. Và số người ta thương càng nhiều, từ bi càng nhiều thì tâm hồn ta càng nhẹ đi.

Có một câu chuyện. Ngày kia Quan Âm Bồ Tát nhìn xuống thế gian thấy một đám người bị nấu trong cái chảo dầu sôi sục. Bồ tát mới thòng một sợi dây nhện xuống cho ai bám được thì bám. Thế là người ta xúm lại bám vào sợi tơ nhện ấy. Một lát sau, Bồ tát mới bảo đã đủ rồi và Ngài kéo lên. Người cuối cùng bám được vào sợi tơ nhện ấy, có người bám vào chân anh ta để cùng được kéo lên thì anh ta đạp người ấy xuống. Vừa đạp xong thì anh ta rớt xuống luôn. Từ trên trời giọng Bồ tát vẳng xuống: "Lẽ ra sợi tơ nhện này kéo lên được cả 2 nếu con cho người ấy nắm chân của con. Vì ta là Quan Âm. Nhưng lòng ích kỷ của con đã làm cho con trở nên nặng hơn nên sợi tơ nhện chịu con không nổi."

Đây là câu chuyện ngụ ngôn nhưng ý nghĩa rất sâu. Hàm ý trọng lượng tâm hồn ta sẽ nặng nề hơn khi ta nghĩ về mình. Theo Kinh Phật thì bằng một trái tim mở, một bàn tay mở, ta có cả thế giới. Bằng một trái tim khép, một bàn tay đóng, ta chỉ có chút xíu.

Đạo Phật có nhiều cái lạ: Bỏ tất cả, bạn sẽ được tất cả. Ôm tất cả, bạn sẽ không có gì. Vì nắm tay của mình rất nhỏ, vòng ôm của mình rất nhỏ so với trời đất. Quay lại câu chuyện sư phụ dạy võ tiễn học trò xuống núi, mười năm sau anh ta mở được năm võ đường, nhờ cái tầm nhìn xa (view) chứ không phải nhờ nắm đấm.

Khi chúng ta nắm giữ cái gì đó với attachment thì chúng ta đã nhốt tù vật ấy. Ví dụ hoa nở ngoài vườn cứ để tự nhiên thì sẽ đẹp lâu bền hơn . Còn nếu cắt đem về chưng trong bình thì sẽ vô duyên hơn và mau héo hơn. Cụ Nguyễn Hiến Lê có nói thế này: "Tất thảy mọi công trình nghệ thuật có bàn tay con người thì chỉ là trò hề so với thiên nhiên." Ví dụ như bonsai hay giả sơn, dù khéo cách mấy cũng không đẹp bằng thiên nhiên.

Trích bài giảng Khái Niệm Về Vô Thường Vô Ngã Hành Giả Tứ Niệm Xứ
Kalama xin tri ân bạn dieulienhoa67 ghi chép


Thích và Ghét | | Tùy Niệm Thí

Tự Điển Pali | | Suy Tư Mùa Đại Dịch

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com