Cầu Đạo Giải Thoát

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Cầu Đạo Giải Thoát

Chỉ khi mình thiết tha cầu đạo giải thoát thì mình mới có đủ kiên tâm để mà học giáo lý. Còn không nó nản lắm. Hoặc chính vì không có thiết tha cầu giải thoát cho nên một là làm biếng học, hai là chỉ học những cái gì mà nó đem đi nói được, cái gì mà nó ăn khách. Chứ còn mà học ba cái khô cằn khô cỏi thì cũng khó lòng lắm. Cho nên tại sao quí vị thấy tôi giảng gần như lạc đề. Không có lạc đâu. Có nghĩa là không có sợ sanh tử còn mong đầu thai đời sau kiếp khác thì dễ duôi gớm lắm! Câu này quan trọng lắm: "Ngày nào chúng tỳ kheo không có thiết tha chuyện sanh tử nữa thì ngày đó giáo pháp này mới khá được." Còn hễ không sợ sanh tử thì chuyện học còn khó nói gì hành? Mà không học không hành làm gì có đắc? Nhớ cái đó. Rất quan trọng.

Và theo tôi 100 Phật tử Việt Nam chỉ có 1, 2 người là Phật tử thứ thiệt thôi, tức là họ thật sự biết chán sợ sanh tử. Còn đa phần họ miệng nói sợ đời là bể khổ chẳng qua là họ đang nghèo, họ đang già, họ đang bệnh, họ đang xấu, họ đang thất tình, họ đang làm ăn thua lỗ, họ đang bị tai tiếng, họ đang bị một vấn đề gì đó trong đời sống thì họ mới sợ. Chứ còn nếu "một mai qua cơn mê" rồi cái chuyện đó không còn nữa thì sao? Giả định chuyện đó qua được đi, ngủ một đêm sáng ngày đẹp như tiên, ngủ một đêm sáng ngày thấy mình ngồi trên đống hột xoàn, ngủ một đêm sáng ngày tự nhiên thấy mình nổi tiếng rồi cả thế giới chiêm ngưỡng ái mộ và ghen tỵ thì đố ai mà muốn cầu giải thoát. Mình phải nói thiệt với mình chứ đừng có nói dóc nha.

Và bản thân tôi cũng vậy. Nếu không có sợ cái chuyện mà phải đầu thai vô mấy cái hầm cầu, mấy cái lỗ cống, làm heo làm bò; 3, 4 giờ sáng bị người ta lùa đi người ta đâm chọt. Nếu mà không sợ cái đó thì tôi thấy dòng sanh tử nó vui lắm. Tôi thích Thụy Sĩ lắm các vị có biết không? Sẵn đây tôi nói luôn. Tôi hay khoe Thụy Sĩ đẹp có lý do gì đó chứ không phải khơi khơi mà tôi khoe. Quí vị biết vì lý do làm sao đó mà có nhiều người ở đây mấy chục năm mà họ không có tới được những ngỏ ngách rất lộng lẫy của Thụy Sĩ. Họ không có tới được cho nên họ không biết cái câu nói này của tôi. Hôm qua khi tôi mới lên cái vùng núi Beatenberg, tôi nói với mấy người đi chung "Nếu mà đời đời kiếp kiếp mà đừng có sa đọa trầm luân, đừng có bị cái khổ như thương phải xa, ghét phải gần, muốn mà không được, đừng có bị mấy cái khổ đó, và đặc biệt đừng có bị sa đọa thì tôi đời đời tình nguyện sanh tử, tôi không có muốn niết bàn. Tôi chỉ muốn làm cái ông như thế này với mọi điều kiện sức khỏe, điều kiện tài chánh, điều kiện kiến thức y như vầy không thêm bớt gì hết, cứ như vầy nè". Chứ còn nói sướng thì khỏi nói rồi. Nhưng mọi thứ cứ y chang như vầy, cứ được sống ở những vùng núi này, tôi không muốn niết bàn.

Nhưng mà khổ nỗi năm nay 50 rồi và với những tình trạng tim gan phèo phổi, huyết áp, đường trong máu và thể trạng của tôi thì tôi lết được 20 năm nữa là kỳ tích, quí vị có biết không? Vì nghĩ tới cái chuyện ông già 70 lụm cụm, thêm nữa, do bẩm sinh cái xương tay, xương chân của tôi nó rất là nhỏ, khả năng mà tôi đi núi bị xẩy tay bị trượt, bị gẫy, cơ hội đó rất lớn. Sẵn đây tôi nhắc luôn những người trong quí vị đây. Mình lớn tuổi, 50 trở lên, xương thoái hóa, xin nhớ đừng có nhảy lên nhảy xuống, thấy chỗ cao cũng ráng nhảy như hồi trẻ là sai. Nó gãy thì dễ mà lành thì khó, phiền lắm. Rồi mang cái thân tàn phế đi xe lăn, tiêu tiểu tại chỗ, nằm lở lưng, nghĩ tới chỗ đó mới thấy cái sâu của câu "Ngày nào chúng tỳ kheo biết sợ luân hồi, không muốn tác thành đời sống khác thì giáo pháp này mới khá". Tuổi 60 dễ duôi theo kiểu 60, 70 dễ duôi theo kiểu 70, là thua.

Làm gì làm, mình nhớ mình tu tệ là phải biết sợ chết, biết nghĩ đến cái chết để ráng một tí, để chuẩn bị. Còn tu khá một chút phải nghĩ đến vòng sanh tử thì mới sợ. Nhớ 2 cái này: Cái chết và đằng sau cái chết. Nếu không nhớ, không sợ hai cái này thì hết ý kiến. Tôi không nói tu sĩ, tôi đang nói cư sĩ có tóc. Phải nhớ 2 cái đó. Nếu mà không sợ cái chết nó sẽ xảy ra như thế nào thì tối thiểu cũng phải biết sợ là mình chết rồi mình sẽ đi về đâu. Cái thứ mà nó xuống tới lỗ cống, tới hầm cầu rồi nó ngoi lên khó vô cùng.

Quí vị mở Trung bộ kinh có bài Kinh Hiền Ngu, trong đó chính Đức Phật Ngài dạy cái chuyện mà được mang thân người, sanh ra được làm người nó khó như con rùa mù ở dưới biển trăm năm trồi lên một lần mà tình cờ chọt cái đầu vô cái lỗ thủng của miếng ván. Miếng ván nó cũng trôi trên biển mà nó có cái lỗ vừa vặn với đầu con rùa, mà con rùa mù trăm năm nó trồi đầu lên một lần. Thí dụ nó do một sự ngẫu nhiên nào đó mà nó chọt đúng, thì Ngài nói cái ngẫu nhiên ấy nó còn dễ hơn cái chuyện là được mang thân người nữa. Cũng trong bài kinh đó Ngài dạy một khi mà đã đọa rồi cơ hội trở lên rất là khó. Vì sao? Vì "Này các tỳ kheo, khi sanh vào các loại chúng sinh thấp kém thì não trạng của chúng mù mù mịt mịt, mông muội, tăm tối. Ở trong thế giới đó chỉ biết đói ăn, khát uống, chạy trốn nóng lạnh. Trong cảnh giới đó chỉ có lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu." Các vị tưởng tượng đi, một cái thế giới mà chỉ có đói ăn, khát uống, trốn chạy nóng lạnh, trốn chạy những thứ mình sợ và lớn ăn hiếp nhỏ, mạnh ăn hiếp yếu. Trong một thế giới mà tăm tối, mù mịt, mông muội, u minh u mê như vậy thì cơ hội lên là lên ngã nào? Thuyết pháp tôi hay nói mấy con trùn chỉ nhìn giống như bánh hỏi, nó đẻ cả lọn, cả nùi dưới mấy cái ống cống rồi người ta vớt lên để bán cho những người nuôi cá kiểng. Các vị biết mình đã lọt vô cái nùi trùn chỉ đó rồi thì cơ hội để mà đi lên coi như biệt mù. Nhớ cái đó. Rất là quan trọng.

Ở đây Ngài nói ngày nào mà chúng tỳ kheo thiết tha giải thoát vô sanh không cầu sanh tử thì ngày đó giáo pháp này mới có cơ may đi tới. Nhớ cái đó để mà teo.

Trích bài giảng KTC.7.27 Bất Thối
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Trạch Pháp Giác Chi | | Cūlapanthaka

Kammārāmata | | Cửa Trước Cửa Sau

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com