Giữ Giới

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Giữ Giới


Video trích từ bài Luân Hồi và Giải Thoát (1) ngày 18.01.2020 trên youtube.

Luân hồi là sự sanh tử từ kiếp này sang kiếp khác, từ thấp lên cao hay cao xuống thấp. Thế nào là cao? Thế nào là thấp? Hồi trước tôi không có giới, bây giờ tôi giữ ngũ giới thì như vậy là tôi đang từ thấp lên cao. Nhưng mà tới đó đủ chưa? Chưa. Còn phải thêm một tháng tám ngày giới nữa. Nhưng mà đủ chưa? Chưa. Còn thêm trong một năm an cư với chư tăng có ba tháng bát quan. Như vậy giữ ngũ giới thì hơn người không giữ giới nhưng không bằng bát quan giới. Rồi bát quan giới một tháng tám ngày không bằng ba tháng bát quan an cư với chư tăng. Nhưng mà như vậy cũng vẫn chưa đủ. Phải sáu tháng, chín tháng, một năm bát quan an cư với chư tăng.

Dĩ nhiên so với ăn chay thì bát quan khó hơn. Vì ăn chay dễ quen mà bát quan khó quen. Khi ăn chay ròng rã hai, ba năm thì quý vị sẽ giống như mấy bà có bầu vậy; không thể ăn tôm ăn cá. Lúc đó cho dù quý vị có đổi qua đạo khác không cần ăn chay thì quý vị cũng sẽ phải tiếp tục ăn chay vì thấy thịt cá nó tanh dữ lắm. Nhưng mà giữ giới không có như vậy. Dĩ nhiên có những người giữ giới lâu nên quen. Nhưng mà số người giữ giới quen như vậy ít hơn số người giữ giới mà phải gồng, phải ráng.

Thí dụ từ đó giờ mình giữ giới mình không coi phim, nghe nhạc. Tới lúc mình không còn giữ giới nữa thì mình quay lại với phim nhạc rất là dễ. Có những bộ phim mình không thích nhưng những bộ phim hay mình vẫn coi. Cũng vậy, người giữ bát quan bỏ bát quan thì dễ hơn là người ăn chay trường bỏ ăn chay trường. Tôi đang nói là ăn chay ròng rã. Chứ cái thứ ăn chay mà mua chao về nấu vịt thì tôi không nói tới.

Khi ăn chay miên mật, ròng rã như vậy riết nó quen và nó dần không còn ý nghĩa tâm linh nữa. Thấy thì hay lắm nhưng mà phải hiểu rằng ăn chay riết nó quen. Tức là nó đến cái mức sinh lý chứ không còn tâm lý nữa. Lúc đó cơ thể mình nó đã quen nếp, nó không thể nạp cái thứ đồ ăn đó vô được nữa.

Nhưng giữ giới thì lại khác. Giữ giới là mình phải liên tục, phấn đấu, đấu tranh với bản thân để mình giữ trọn cái tám giới. Sẵn đây tôi nói luôn một chuyện vô cùng quan trọng. Đó là:

Không phạm giới chưa chắc là giữ giới.

Nghĩa là sao? Khi đứng trước một cái thử thách, một cái cám dỗ mà anh không phạm thì cái đó mới gọi là giữ giới. Giữ giới ở đây phải là "intentionally" (cố tình, cố ý).

Thí dụ như cô này sáng giờ cổ ở nhà cổ may cái áo thì cổ đâu có cơ hội để cổ sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, ca vũ nhạc kịch, phấn son, nữ trang, mỹ phẩm. Cổ không có điều kiện để mà phạm giới. Đúng không? Như vậy mình nói cô này giữ giới thì có được không? Rồi cái người bại liệt trong coma mình cho là họ giữ giới có đúng không? Họ đâu có phạm gì được nữa. Rồi mấy đứa nằm ngửa bú bình nó đâu có phạm đâu. Vậy là nó đang giữ giới hay sao? Quý vị hiểu chưa?

Cho nên cái kiểu mà cạo đầu, mặc áo tu nữ, cất cái am, thờ tượng Phật rồi tự nghĩ mình là nữ tu trì bát giới. Sai! Không phải. Phải thường xuyên sống trong chánh niệm. Phải biết đây là tham, đây là sân, đây là si, đây là thiện, đây là ác. Phải đấu tranh với chính mình, quán chiếu liên tục thì cái đó mới gọi là giữ giới. Mai này đứng trước một cái thử thách, một cái cám dỗ mà không vượt rào thì mới gọi là giữ giới.

Thí dụ: Kiến nhiều quá. Một phát một là nó chết sạch. Nhưng ta không giết. Ta tìm cách thương lượng, hòa hoãn, hòa giải dân tộc. Chỉ bôi thuốc ngừa gián từ xa, bôi thuốc ngừa kiến từ xa. Còn em nào đang sống là cứ để cho nó sống. Đó mới là giữ giới. Muỗi đang nằm trên má, quất một phát là nó đi rồi. Nhưng mà không. Tìm cách giải quyết nó. Chịu khó chịu cực, không giết là không giết. Đó mới là giữ giới. Chiều đang đói bụng nghe chiên xào vẫn gồng chịu đựng. [Chịu không nổi thì ... order pizza.]

Chứ còn đằng nay, tự nhiên phê phê đi tới lui, đứng ngồi, coi phim, chưng bông, rồi thêu thùa may vá rồi kêu đó là giữ giới thì không được.

Tôi cũng gặp trường hợp đó nhiều. Cho phép tôi nói luôn. Có rất nhiều người tu sĩ có cái suy tưởng như vậy. Cứ ngày ngày hai buổi công phu, xong ra quét lá, rồi vô mặc y mặc áo, kiếm chỗ nằm ngáp ngáp, mệt thì ngủ một chút, trưa chiều dậy cũng coi một hai trang sách ... Vậy đó. Đời tu nó cứ trôi qua trong cái vô vị tẻ nhạt nhàm chán. Rồi cho đó là tu! Con lạy bố. Bố hiểu sai rồi. Nằm yên không làm bậy nhưng mà cái đầu nó vẫn tầm bậy, nó vẫn là "wrong way". Rồi cứ thế mà hiểu lầm. Cứ tưởng là quất cái đầu không tóc vô cho nó bóng là tu. Không phải!

Phật Pháp nằm ở cái chữ so sánh. Làm sao mà không còn so sánh nữa, không còn thích, không còn ghét. Cái đó mới là tu. Làm sao đứng trước một cái cám dỗ, một cái thử thách mà vẫn tu được. Cái đó mới là tu.

Nói tới luân hồi thì mình nói về cái thấp cái cao. Thì trong cái quẩn quanh thiện ác mình phải vượt lên trên. Thuyền đi trên sông phải đi về phía trước, chứ chiếc thuyền không nên ở yên một chỗ. Tiếng Mỹ có một câu rất hay: "Thuyền nằm trong bến cảng thì an toàn hơn khi ra khơi, nhưng sự an toàn ấy không phải là lý do để người ta đóng thuyền."

A Ship In Harbor Is Safe, But That Is Not What Ships Are Built For.

‐ John A. Shedd


Sống Rốt Ráo | | Tâm Dục Giới

Luân Hồi | | Thích và Ghét

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com