Hột Lựu

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Hột Lựu

Quý vị biết trái lựu không? Nó có nhiều hột đúng không? Theo Phật pháp mô tả trong A Tỳ Đàm, mỗi vũ trụ nó giống y chang như trái lựu vậy. Nghĩa là mỗi trái lựu nó gồm nhiều hột, mỗi một vũ trụ nó gồm nhiều cõi trong đó. Cõi cho người lành, cõi cho người ác, lành cấp thấp, lành cấp cao, ác cũng có nhiều: ác vừa vừa, ác sương sương, ác dữ dội ... thì tất cả nó làm nên nguyên một trái lựu.

Và có vô số trái lựu như vậy. Ngày hôm nay với bước tiến thần tốc của khoa học hiện đại thì trong trái lựu đó chúng ta chỉ quẩn quanh cái hột của mình thôi. Mình chỉ là một hột trong nhiều cái hột và những cái hột chung quanh nó cách mình tới mấy ngàn năm ánh sáng. Và khoa học hôm nay cũng cho ta biết họ phát hiện ra những vì sao mà muốn bay giáp vòng nó chúng ta phải mất thời gian là 900 năm với vận tốc là 1000km/h. Có những ngôi sao nó lớn như vậy. Có những ngôi sao lùn có chút xíu thôi. Và có những ngôi sao bây giờ nó đang bị tắt, nó teo lại mà cái lõi của nó là một viên kiêm cương có đường kính hơn 1000km.

Tôi kể cho bà con nghe để bà con thấy bao nhiêu chuyện kỳ quái đó nó chỉ diễn ra quẩn quanh trong một trái lựu thôi. Trong A Tỳ Đàm, mỗi trái lựu gồm 31 cõi (thực ra là 27 cõi thôi). Và 27 cõi này mỗi cõi là một cái hột lựu. Từ hột này qua hột kia mất mấy nghìn năm ánh sáng. Có vô số cái hột như vậy, vô số trái lựu như vậy. Trong kinh nói, cứ mỗi trái lựu như vậy trong đó có một mặt trời, mà cứ 1000 trái lựu như vậy gọi là một tiểu thiên thế giới. 2000 tiểu thiên là một trung thiên. 3000 trung thiên là một đại thiên. Cho nên mình mới nghe cái chữ tam thiên, đại thiên thế giới (Tam thiên là 3000).

Một trái lựu gồm có mặt trăng, mặt trời, nó gồm có 9 hành tinh trong đó (Thái Dương Hệ). Mỗi một vị Phật có khu vực là một ngàn tỷ tam thiên, đại thiên. Bắc tông họ nói Phật Thích Ca là sa bà giáo chủ là không phải. Sa bà là cõi này đây. Ngài là "sếp sòng" trong một khu vực Tam Thiên, Đại Thiên. "Sếp sòng" là sao? Tức là địa bàn mà ngài hoằng pháp là như vậy.

Ở đây bà con thắc mắc là tại sao Ngài không đi xa hơn? Nghe kỹ: Khi điểm tương đồng càng lớn thì chúng ta càng gần nhau. Giống nhau quá xá chúng ta làm vợ chồng, làm cha mẹ, con cái, anh em. Giống nhau ít hơn làm bà con. Ít hơn chút nữa làm láng giềng, bè bạn. Ít hơn một chút nữa là cùng xã, huyện, quận, tĩnh, vùng miền, khu vực, quốc gia, châu lục, Nam bán cầu, Bắc bán cầu. Cái giống càng ít là mình càng xa nhau xa nhau. Thế là trong mỗi trái lựu, thì điểm tương đồng trong đó nó đậm hơn là trong một nhóm mười trái lựu. Như vậy chúng sanh ở trong mỗi trái lựu có điểm tương đồng nhiều hơn là chúng sanh trong 1000 trái lựu (Tiểu thiên), đúng không? Và cứ như vậy nó loãng dần đi, nó qua tới một Trung thiên, chúng sanh ở đó có điểm giống như loãng dần ra cho đến trong một khu vực một ngàn tỷ Tam thiên. Đây là lý do tại sao mỗi một Buddha zone chỉ có bao nhiêu đó. Nên nhớ trí tuệ của Đức Phật không có giới hạn, nên Ngài biết rõ thế này: địa bàn hoằng pháp, duyên chúng sanh cộng nghiệp với ngài trong suốt thời gian mà Ngài tu tập qua mấy chục A Tăng Kỳ thì chỉ có những đứa trong đây mới cộng nghiệp với Ngài thôi! Những đứa xa hơn tuy Ngài dư sức thuyết pháp nhưng họ không có cộng nghiệp nên Ngài nói họ không nghe.

Thí dụ khi thầy Viên Minh về đây có nguyên một nhóm đông họ đến nghe, nhưng ít bữa sau thầy Pháp Hòa về cũng có nguyên một nhóm đông khác họ đến nghe. Tại sao? - Cộng nghiệp. Qua tới thầy Giới Đức, thầy Phước Tiến, Thích Thanh Từ ... mỗi thầy về là mang về một làn gió. Cộng nghiệp với ai thì ta hít thở luồng gió ấy.

Trích bài giảng Căn Bản Giáo Lý A Tỳ Đàm
Kalama xin tri ân bạn mslenhung ghi chép


12 Duyên Khởi | | Tu hay Tù?

Trồng Hoa làm Cỏ | | Thế Giới Trong Trái Lựu

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com