sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com | ||||
| ||||
Bốn hạng học ĐạoSáng nay tôi xin nói một chuyện mà tôi cho là quan trọng. Nó cũng có nội dung là bắt đầu cho một lớp học. Có tất cả là bốn trường hợp học Đạo. Trường hợp thứ nhất: Cũng được tiếng là đi học giáo lý nhưng mà học cho biết vậy thôi. Giống như người ta học yoga, khí công, có dự lớp yoga, có dự lớp nấu ăn, có dự lớp thể dục nhịp điệu, thể dục thẩm mỹ, nhưng dự xong về không có tập và cuộc sống của người đó cũng vẫn như cũ không có gì thay đổi. Có một số người học giáo lý bằng cách đó. Cũng ghi chép, cũng cặm cụi ghê gớm lắm nhưng họ đi về đời sống họ cũng y chang như vậy. Đó là hạng một. Trường hợp thứ hai: Có học giáo lý nhưng mà không có sống thiết tha trong cái học mà chỉ thỉnh thoảng thôi. Khi nào gặp chuyện, thí dụ như thăm bệnh, đi dự lễ tang hoặc có chứng kiến cảnh gia đạo ai trục trặc thì mình có phút chạnh lòng, có suy tư. Nhưng mà chỉ thỉnh thoảng. Đó là loại hai. Còn loại một là quá tệ, nghe Đạo cho vui thôi chứ còn không thay đổi được gì hết. Còn loại hai học Đạo nhưng chỉ nhớ đến Đạo khi hữu sự, cũng có hành Thiền nhưng ngoài những phút đặc biệt ấy ra coi như xong. Hạng thứ nhất, học xong rồi quên sạch. Hạng thứ hai, học để lâu lâu khi hữu sự móc ra xài chút rồi đem xếp xó. Còn Hạng thứ ba: Sau khi học Đạo rồi, tự đốt cháy mình trong cái mình đã học. Cái hạng này thường được Phật Tử Việt Nam khen là tinh tấn dữ lắm. Tức là cái cách họ giữ giới mình nhìn mình mệt dữ lắm. Quý vị có thấy những người ăn dưỡng sinh không? Nhìn họ mình khó chịu lắm. Đi đâu họ đem theo gói riêng một hộp; nêm nếm không có dám đường, không có dám muối. Nói ra nó hơi kì, chứ rớt xuống con chó nó không có ngửi luôn, dở ẹc. Tôi gặp mấy người ăn kiêng mà tôi sợ. Người tu cũng vậy. Có nhiều người họ học, họ tu xong, tự họ đốt nóng họ và cũng đốt nóng luôn người kế bên luôn. Các vị có hiểu không? Cái cách mà họ ngồi thiền, họ đi đâu, cái cách họ ngồi, cách họ ăn uống kiêng khem, cách họ giữ giới, mình nhìn thấy họ mình mệt. Họ mệt cho họ mà người bên cạnh cũng nhột nữa. Kiểu như bà con người ta đang ngồi như vầy, mình tới ngồi nhắm mắt thẳng lưng. Theo tôi thì cái đó cũng hay, nhưng một hai lần thôi chứ mình làm quá mấy người kia người ta đang nói chuyện họ thấy họ nhột. Họ thấy cái cách mình ngồi vậy (ngồi thiền) họ nhột. Người ta đang nói chuyện vui vẻ mình muốn ngồi thì mình kiếm chỗ khác mình ngồi, chứ đừng cứ đè đám đông mà chen vô mình ngồi. Sẵn tôi cũng nhắc lại một cái chuyện mà tôi ghét lắm, tôi hy vọng tôi không có gặp nhiều. Lên xe, năm, sáu người đang đi, tự nhiên có một người móc cái phone ra "Alô!". Mấy người kia lịch sự họ im. Các vị có biết nửa tiếng đồng hồ cả xe im lặng cho bà ấy nói phone mà nói chuyện tầm bậy không. Hỏi chuyện bà má bên Việt Nam, cô Tám bên Cali, dì Út ... mà cả xe im lặng để cho bả nói chuyện. Ở đây cũng vậy, trường hợp mình tu như thế nào mà bản thân mình bị đốt nóng và người bên cạnh mình cũng bị đốt nóng. Hạng thứ nhất, học cho vui rồi sau quên hết, Phật pháp không ảnh hưởng gì đến họ hết. Hạng thứ hai, học và chỉ quay lại với Đạo vào những thời khắc nhất định nào đó trong những cơ hộ đặc biệt nào đó. Và hạng thứ ba, là chìm sâu trong cái mình tu học nhưng có một điều trong cách chìm sâu đó là tự mình đốt nóng mình. Và cái cuối cùng là hạng thứ tư, là cái đáng quý nhất. Học Đạo và thường xuyên sống trong Đạo nhưng an lạc với cái mình học, an lạc với cái mình hành và không khiến cho mình bị khó, bị khổ với cái mình học và không khiến những người khác bị khó bị khổ. Nghĩa là hạng thứ tư này là chìm sâu trong cái mình học nhưng an lạc với riêng mình và khiến cho mọi người chung quanh được an lạc. Còn cái hạng thứ ba, chìm sâu trong cái mình học và tự đốt nóng mình và đốt nóng luôn những người chung quanh. Còn cái hạng thứ hai, học nhưng chỉ nhớ, chỉ về với Đạo trong những thời khắc nhất định nào đó thôi. Còn hạng thứ nhất, không cần nói nữa. Hạng này có rất là nhiều.
Trích bài giảng Bốn Hạng Học Đạo
|
zoom ||
tk ||
youtube ||
facebook ||
bài giảng ||
suy gẫm ||
hỏi & đáp
kalama ||
hình ảnh ||
sách ||
english