sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com | ||||
| ||||
Tham Ái trong Hơi Thở Video trích từ bài KTC Pháp Bất Thối ngày 23.12.2019 trên youtube.
Ngày nào chúng tỳ kheo không có bị Ác dục chi phối. Trong chú giải nói Ác dục là sao? Là không thanh tịnh mà lại ham muốn quá nhiều. Nói như vậy không có nghĩa là mình thanh tịnh rồi mình có quyền ham muốn, không phải, nhưng mà ít ra mình thanh tịnh nhưng mà mình cũng còn thích được người ta lễ bái, thì cái đó không gọi là Ác dục. Còn cái này mình không thanh tịnh, thích sống như phàm mà mong người khác coi mình là thánh thì đó mới là Ác dục. Sống như phàm mà muốn coi là thánh thì đó là Ác dục, chú giải nói như vậy. Bè bạn với ác dục, thân tín ác dục có nghĩa là sao? Có nghĩa là luôn luôn sống kề cận, sống cọ xát với nó thì được gọi là bè bạn với ác dục, kề cận với ác dục.
Trong 4 oai nghi đi đứng nằm ngồi mà vị đó thường xuyên sống trong tham ái thì được gọi là đang kết bạn với dục, đang thân tình với dục. Sẵn đây tôi nói luôn, một hành giả tu tập tứ niệm xứ ngộ ra nhiều điều mà đó giờ mình không có ngờ. Mình không có học giáo lý, mình không có tu tứ niệm xứ mình đâu có ngờ rằng một ngày của mình mình sống vật lộn với 2 đế, đó là Khổ và Tập đế. Phải định nghĩa Tập đế trước. Tập đế là niềm đam mê thích thú, vừa lòng, vừa ý, mong mỏi, thích ý, hứng thú, hứng khởi, thú vị, mong đợi, chờ trông với bất cứ cái gì đó. Thì được gọi là Tham Ái. Tham Ái chính là gốc của Khổ. Ngoài Tham Ái ra thì toàn bộ đời sống của phàm phu chỉ còn lại Khổ đế thôi. Cái định nghĩa này quan trọng.
Khi mình sống trong Chánh niệm mình mới thấy. Mỗi lần mình thích cái gì đó mình biết đây là Tập đế. Chưa học giáo lý, chưa tu tứ niệm xứ mình tưởng Tham Ái là khi nào thích ăn, thích ngủ, thích mặc đồ đẹp, thích chăn êm nệm ấm, thích nhà cao cửa rộng, thích sinh hoạt tiện nghi vừa ý thì cái đó mới là Tham Ái. Không, hiểu như vậy thì nghèo quá. Hiểu như vậy thì một vị tỳ kheo sống khổ hạnh thanh tu trong rừng không lẽ mấy vị đó không tham ái à? Sai. Tham Ái là thích trong cái gì đó.
Sống thân tín với dục có nghĩa là sao? Là thường xuyên sống thích cái này cái kia, những cái li ti mà mình không có ngờ được. Thí dụ có sống Chánh niệm mình mới thấy: Ngồi lâu tự nhiên muốn đi, cái muốn đó là Tham Ái. Đi nhiều quá muốn ngồi, đó là Tham Ái. Ngồi lâu quá muốn nằm, đó là Tham Ái. Nằm thấy đã thấy sướng, đó là Tham Ái. Nằm lâu quá muốn ngủ, đó là Tham Ái. Nằm lâu quá thấy quẩn chân muốn bật dậy để làm chuyện gì đó, đó là Tham Ái. Ngồi lâu quá muốn đi, đó là Tham Ái. Rồi muốn ăn, muốn uống, đó là Tham Ái. Nực quá, muốn cho mát là Tham Ái. Lạnh quá, muốn ấm là Tham Ái.
Chưa hết, hơi thở thật ra chỉ là nhu cầu thuần sinh lý, một vị Chánh đẳng giác cũng phải thở ra thở vào. Tuy nhiên ở phàm phu đa phần chúng ta thở bằng Tham Ái. Để ý đi, cái này có Chánh niệm mới thấy. Đó là kinh nói chứ không phải tôi nói. Trong kinh nói khi mình theo dõi mình mới thấy tại sao mình thở ra? Là vì phổi có nhu cầu đẩy carbonic ra, thở vào vì phổi có nhu cầu nạp oxygen vào, nạp dưỡng khí vào. Đúng ra, đó là chuyện của thân thể, thân xác, mà thuần túy là vấn đề thể lý. Nhưng vì phàm phu mình tâm Tham nó dầy đặc cho nên nó đã can thiệp luôn trong hơi thở - trừ phi lúc ta ngủ.
Và quí vị phải đồng ý với tôi là thở nó cũng ngon, vì ngon nên có Tham Ái. Ngon là sao? Nó ngon là vầy, mình nực quá, được mát cũng là một cái kiểu ngon. Khát nước uống mới ngon. Đói ăn mới ngon. Ngứa gãi mới ngon. Ngon là vậy đó. Khi các vị sống Chánh niệm, các vị mới thấy cái này, hít vào đến một lúc nào đó đầy phổi, nó ngưng lại một chút tí ti, bắt đầu nó có nhu cầu đi ra mà đúng ra nhu cầu đó là của thân xác này thôi nhưng mà lúc đó mình có thấy nó đã, có thấy nó sướng. Có. Mà cái tên chánh niệm mới thấy cái này chứ cái tên mà lơ tơ mơ thì không thấy. Nó nói "Đó là do cơ thể làm, gì có sướng?" Có. Khi anh không thấy rằng anh thở bằng tâm Tham thì chỉ có 2 đường thôi: Một, lúc đó anh là A la hán. Hai, là do anh thất niệm. Chớ còn hơi thở của mình là thường xuyên nó gắn liền với tâm Tham. Khổ như vậy đó. Hít vô thấy đã tại vì nó có nhu cầu.
Cho nên Đức Phật dạy "Vấn đề của thân này hãy để ở thân đừng kéo vào tâm" là chỗ đó. "Khi mà thân đau đừng để tâm đau. Thân bị bệnh đừng để tâm bị bệnh" là cái ý này đây. Đói bụng thì A la hán cũng phải đi ăn nhưng cái ăn ở đây chỉ thuần túy là giải quyết cái nhu cầu vật chất cho cái thân này thôi. Còn mình thì sao? Lúc cơ thể có nhu cầu ăn thì lúc đó mình bèn cho nào là Tham, nào là Sân có mặt để nó sánh vai với cái nhu cầu của sinh lý lúc đó. Và khi có được đồ ăn vừa miệng rồi thì miệng ăn để nuốt vào, cái ý nghĩa tối hậu của nó là đáp ứng cái nhu cầu của cơ thể nhưng mà lúc đó là cái tâm Tham, tâm Sân của mình nó phải có mặt. Có mặt để làm chi? Để thấy cái này ngon nè. Cái này cay; cay cỡ này ngon, mà cay hơn nữa là xé lưỡi nè. Chua cỡ này thì ngon mà chua hơn là điếc con rái nè. Cái này coi bộ hơi tanh à. Cái này thì nó hơi khai nè, hơi nồng nè. Cái này hơi thiếu rau thơm. Cái này hơi nhạt nè. Cái này để muối hơi lỡ tay. Cái này để giấm hơi nhiều. Ừ, cái này không có, cái này thiếu tiêu. Đại khái liên tục và liên tục cứ là Tham Sân có mặt bên cạnh cái động tác ăn của mình. Mà lẽ ra một vị A la hán cũng ăn, Chư Phật Chánh đẳng giác tới giờ các Ngài cũng ăn, nhưng các Ngài để vấn đề của thân xác qua một bên, ăn thì nhu cầu cần phải ăn, tới giờ. Trong kinh gọi là xức thuốc, đắp thuốc cho vết thương thì các Ngài đắp thuốc, chứ các Ngài coi chuyện ăn uống chỉ là đắp thuốc cho vết thương, thuần túy là như vậy. Vì cái miệng mình nó giống như cái miệng vết thương vậy. Tới giờ đắp thuốc, tới giờ bao tử nó cần cái gì đó thì mình phải đắp thức ăn vô.
Thân tín với Ác dục vọng có nghĩa là sao? Thường xuyên sống trong Niệm và Tuệ thì mình mới thấy rằng mình liên tục sánh vai với Tham ái. Trong các tư thế sinh hoạt: đi đứng nằm ngồi là đại oai nghi, co duỗi nhúc nhích quờ quạng sờ chạm là tiểu oai nghi, là những động thái vô danh, thì tất thảy đều được điều động bởi Tham ái, bởi cái mình thích hết. Khi mình ở trong một tình trạng bất toại không như ý mình muốn thoát khỏi, còn khi mình ở trong tình trạng vừa ý thì mình muốn kéo dài liên tục. Cái này phải có Chánh niệm mới có thể làm được cái chuyện đó. Và khi anh sống với chánh niệm thì anh mới thấy "Ồ, thì ra mình sống với 2 thứ Khổ đế và Tập đế". Tập đế là thích trốn chạy, thích kiếm tìm, buông cái này, bắt cái kia, ... . Đó là Tham ái. Ngoài nó ra, cái gì cũng là Khổ hết. Người không có học đạo nghe cái này thấy nó khô, nhưng tại sao thấy khô? Bởi vì họ không sợ sinh tử, họ không có chuẩn bị cho cái chết. Chứ người mà có lòng chán sợ tái sinh, sợ cảnh xuống hầm cầu, ổ cống thì thấy cái chuyện tu tập rất là cần thiết.
Trích bài giảng ngày 22.12.2019 KTC 7.27. Bất Thối
|
zoom ||
tk ||
youtube ||
facebook ||
bài giảng ||
suy gẫm ||
hỏi & đáp
kalama ||
hình ảnh ||
sách ||
english