Khoảnh Khắc

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Khoảnh Khắc

Trong Kinh nói như một bờ cát không có chỗ đọng nước thì nước đánh lên rồi nước rút đi, bờ cát phẳng lì như cũ. Khi trên bờ cát có những chỗ đọng nước thì nước đánh lên có chỗ nó đọng. Có nhiều người giống như bờ cát phẳng, nước đánh lên mà không có chỗ cho nó đọng. Đối với Phật Pháp thì mình cần có chỗ mình chứa nước, chứa Pháp. Nhưng đối với chuyện đời mình có nên để nó đọng lại không? Cho nên người Phật tử có lúc phải giữ cái tâm mình như nền nhà bằng đất, có lúc phải giữ tâm mình như nền nhà bằng gạch.

Giữ tâm như nền đất là sao? Là có bao nhiêu bụi rớt trên đó nó cũng không làm phiền gia chủ vì đất và bụi nó là một, một cha một mẹ. Có lúc ta phải giữ tâm như nền nhà bằng đất, để chi? Để chuyện đời nó ra sao mình vẫn dửng dưng. Nhưng có lúc ta phải giữ tâm như nền gạch. Tại sao? Vì trên cái nền nhà gạch một tí cát, một tí bụi, một tí rác ta thấy ngay. Nhưng có những nơi chốn một tí bụi, một tí rác ta không thấy. Thí dụ như mình ở ngoài bãi cỏ rộng, một nắm cỏ khô mình không phát hiện được, vì cỏ tươi và cỏ khô là một và nhất là một nắm cỏ trên một bãi cỏ nó không đáng gì hết. Nhưng nếu trên bãi cỏ đó có một tờ giấy, một bao nylon, một cái chai, cái lon nước mình thấy liền vì những thứ đó với cỏ là khác nhau.

Nếu mà mình sống nhiều bằng tâm thiện thì khi cái tâm bất thiện xuất hiện thì nó trở thành cái bao nylon trên sân cỏ. Còn nếu mình sống nhiều bằng tâm bất thiện thì giống như một nắm cỏ rớt trên sân cỏ. Cho nên điều quan trong đối với hành giả tôi vẫn luôn kêu gọi là sống chánh niệm, dầu các vị theo truyền thống tuệ quán Tứ Niệm Xứ nào. Trong Tương Ưng Bộ kinh, phần Tương ưng Niệm xứ, Đức Phật dạy rất rõ rằng chư Phật ba đời mười phương nhờ Tứ Niệm Xứ mà đắc Đạo và khi đắc rồi chư Phật ba đời mười phương cũng sống trong Bốn Niệm Xứ. Lý do đơn giản là một người liễu Đạo không thể sống thất niệm. Điều thứ hai là ngoài đời sống chánh niệm ra không còn đời sống khác. Chỉ vậy thôi không có gì cao siêu hết. Một là một người sống chánh niệm không thể sống thất niệm. Thất niệm là một thứ phiền não mà giờ họ hết phiền não rồi làm sao họ sống thất niệm được? Rõ ràng cũng không còn một đời sống nào khác dành cho người đã đắc Đạo.

Và cái chuyện thứ ba, cái này khó nói lắm. Các vị nghĩ sao nếu tôi nói toàn bộ vũ trụ này chỉ tồn tại trong từng giây, quý vị có tin không? Cái vũ trụ này nó chỉ tồn tại trong từng sát na, từng khoảnh khắc thôi. Thế giới nó có hai góc độ để mình nhìn, góc độ từ khía cạnh hiện tượng và khía cạnh bản chất. Xưa giờ quý vị chỉ sống trong khía cạnh hiện tượng thôi. Các vị nhìn quạt máy nó quạt nhanh quá các vị không biết nó có ba hay bốn cánh, đúng không? Các vị chỉ có thể thấy nó là một cái quầng đục có thể là màu xanh, màu xám hay màu hồng. Các vị không có biết với tốc độ quay đó, cái quầng màu đó được tạo nên từ ba hay bốn cánh quạt vì nó quay nhanh quá. Ở đây cũng vậy, cả hôm nay thế giới khoa học cũng nhìn nhận rằng thế giới này không có đứng yên, các phân tử, nguyên tử, quang tử, điện tử, những proton, photon, electron liên tục hoạt động. Vì mình không thấy nên mình chỉ nhìn thế giới này qua hiện tượng thôi. Các vị có biết không hề có một ánh sáng nào tồn tại quá một phút không? Nó tiếp nối liên tục, mình nhìn không thấy. Và tôi đã nói không biết bao nhiêu lần một bức tranh mà mình thấy đẹp thật ra nó là cộng ghép của hàng triệu cái dấu chấm. Chấm chấm chấm ... Bây giờ quý vị phóng bức tranh trên tường thì sao? Bức tranh nãy giờ tôi thích lắm, nó rất là đẹp, thứ nhất vì màu nó hợp lý, thứ hai mình nhìn bức tranh đó mình muốn nghĩ ra cái gì cũng được. Nhưng mà nếu mình phóng bức tranh đó ra một triệu lần thì bức tranh đó không có gì để nhìn hết vì nó toàn là mấy cái hột không à. Bậc Thánh khi mà họ quan sát thế giới này họ quan sát kiểu đó. Họ thấy một là nó chớp tắt chớp tắt, còn hai thì thấy toàn là hột không à.

Cho nên, tôi mới nói nhiều lần. Cả thế giới này người không biết Đạo thấy nó là một cái "line", một cái đường thẳng, đường thẳng đó là 50 năm, 70 năm. Biết Đạo ba mớ mình sẽ thấy nó là "spot", từng đốm nhưng cuối cùng nó chỉ còn lại là "dot", chỉ như dấu chấm thôi. Một tiếng đồng hồ nó có bao nhiêu chấm, chấm thiện, chấm ác, chấm buồn, chấm vui. Thiện, ác, buồn, vui. Thiện là nhân lành cho vui kiếp sau. Ác là nhân xấu cho kiếp sau. Cái vui bây giờ là quả của lành của kiếp trước. Khổ bây giờ là quả của ác kiếp trước. Như vậy trong mỗi một giây một tiếng đồng hồ trôi qua chúng ta phải sống với nhân lành tương lai và quả lành quá khứ, nhân xấu tương lai và quả xấu quá khứ. Cho nên trong một giờ đồng hồ trôi qua chúng ta lúc thiện lúc ác, lúc buồn lúc vui. Đó là lý do tại sao trong kinh nói thế giới này chỉ tồn tại trong từng sát na và đó là lý do tại sao phải sống chánh niệm. Bởi vì, chỉ có người sống chánh niệm là người mới kịp thời thấy được mình đang sống và cái người đó mới đúng là người sống.

Bây giờ mới hiểu trong kinh nói rằng người thất niệm là người chết rồi mà chưa chôn. Tức là họ ăn toàn đồ nguội, đồ cũ, nó qua rồi, bị nổi mốc rồi họ sống trở lại. Người thất niệm là người sống và chết trong những chuyện tình đã mất. Người tình xưa đã đi lấy chồng, đã sang sông, đã đẻ ra tám đứa cháu ngoại. Còn mình vẫn còn ngồi ôm một trang thơ màu tím, ngồi trên bến sông xưa, cây đa, bến đò cũ thương nhớ người xưa mà người xưa đã ... có cháu ngoại tám đứa rồi. Người thất niệm là người như vậy đó.

Các vị biết tôi biết tôi nói cái này cả thế giới đang nghe tôi: Tôi gặp cái người chung tình tôi sợ lắm. Mặc dù nếu tôi có yêu một người tôi mong người đó chung tình với tôi. Đó là cái khốn nạn của phàm phu. Tôi thấy ai chung tình tôi sợ lắm vì họ phải sống với một quá khứ không còn nữa và họ thấy nó là hay. Tôi sợ bốn chữ tiết, hạnh, khả, phong của thời xưa. Tôi biết sau khi tôi chết người đàn bà mà tôi thương sẽ ở vậy tôn thờ hình bóng của tôi, tôi xúc động lắm nhưng mà đó là lúc tôi còn sống. Còn khi tôi chết rồi tôi làm con trùng con dế tôi đâu có cần. Thứ hai, mình ích kỷ mình mong người ta tôn thờ hình bóng của mình nhưng mà thực ra nếu bây giờ mình nhìn một người nào đó họ tôn thờ hình bóng của một người đã mất mà người đó không phải là mình, mình thấy nó tội nghiệp lắm, nó kỳ lắm, đúng không? Nó rất là bệnh hoạn, rất là tật nguyền.

Nếu để tôn thờ một hình bóng đã mất, quý vị có biết ai đáng nhất? Đức Phật. Chỉ có con người đó khi đã đi rồi mà mỗi lần mình nhớ đến là mình được lợi ích.

Ngoài ra không có một cuộc tình nào, một bóng hình nào mình nhớ tới mà mình được lợi ích hết. Một là nhớ để hờn, ghen, tức tối, tiếc thương. Tôi nhớ tôi đã từng đọc trong Kim Dung một đoạn sốc lắm. Đó là hai vị nữ hiệp cao thủ chạm mặt nhau và đánh nhau trọng thương hấp hối. Một cô là A, cô là B. Trước khi chết họ mới nói thiệt "Tôi biết bà là bồ của ổng nhưng mà tôi nói cho bà biết bà bị lừa rồi. Bấy nhiêu năm nay tôi mới là người số một". Bả mới móc trong người ra một tín vật, một cây sao hay một cái khăn gì đó. Bà kia mới nói "Bà mới bị gạt, tôi cũng có vật giống vậy". Trong khi hai người đang đau lắm thì ổng xuất hiện. Hai người sắp chết năn nỉ ổng "Tụi tui sớm muộn cũng đi. Ông nói đi! Đứa nào nói đúng?" Ổng đời nào ổng nói, ổng còn cầu trời cho hai bà đi hết cho khỏe. Có nghĩa là có một lúc nào đó trong đời mình phải có gan mình nhìn ra được sự thật. Có nhiều khi mình ghen không phải là mình yêu mà là mình tự ái, mình muốn biết là cái người đó có phụ bạc mình không, chỉ vậy thôi. Chỉ vì tự ái không phải vì yêu. Và theo tôi biết, cái ghen nó có nhiều trường hợp. Một, là do mình yêu người đó quá, mình xứng đáng với người đó quá, cho nên mình rất là sốc khi thấy người ta không xứng đáng với tình cảm của mình. Trường hợp hai, mình ghen bởi mình tự ái, mình nghĩ mình vậy tại sao nó đi theo một người thua mình. Trường hợp ba, tại vì mình quá lăng nhăng cho nên mình thấy người kia mình cũng sợ họ lăng nhăng như mình. Tức là, mỗi lần mình có cơ hội là mình ngoại tình cho nên khi mình thấy người chồng hoặc người vợ của mình họ đang ở vào một hoàn cảnh nào đó mình thấy là có "điều kiện" là bắt đầu mình sôi gan lên, mình nghĩ nó cũng đang như mình, chắc bây giờ nó cũng đang lén lén ...

Cho nên Đức Phật ngài dạy thế giới này nó tồn tại trong từng khoảnh khắc. Người nào không sống chánh niệm là họ sống bằng toàn nỗi hoài niệm về quá khứ. Đã nói là quá khứ thì nó là vô tận, tha hồ mà khổ. Chỉ có người sống trong hiện tại vì hiện tại rất là ngắn. Cái mẹo nó nằm ở đây. Tại sao sống trong hiện tại được hạnh phúc? Là bởi vì hiện tại nó quá ngắn. Còn quá khứ là vô tận và tương lai cũng là vô tận. Đời thì chuyện buồn nhiều hơn chuyện vui. Mình bơi vào cái biển của chuyện buồn, của nổi khổ niềm đau làm sao mình không đau khổ được. Trong khi mình sống trong hiện tại là mình sống trong từng khoảnh khắc mà khoảnh khắc thì nó ngắn lắm. Thứ nhất nói về mặt lý, sống bằng chánh niệm không có cơ hội cho phiền não xuất hiện. Thứ hai nói về tình, anh tập trung vào hiện tại mà hiện tại nó quá ngắn đi nên anh khổ bằng cách nào? Khi anh tập trung vào hơi thở ra vào, tập trung vào cảm giác đang có trong thân tâm, anh đang tập trung vào tâm trạng đang diễn ra, anh khổ với cái gì? Anh đang nhìn những thứ đang diễn ra, anh đang khổ cái gì? Cái mà người ta khổ là người ta đã lìa cái hiện tại để trôi về quá khứ và quá khứ đó đủ dài để cho người ta khổ. Và tương ai cũng vậy, mình dệt mộng, tưởng tượng về tương lai, nó quá dài và độ dài đó nó đủ chỗ để cho mình khổ. Nhưng khi mình sống tập trung vào hiện tại mình không khổ vì hai lý do. Một, khi mình có chánh niệm thì phiền não nó không có lọt vô được. Thứ hai, vì thời gian của hiện tại nó quá ngắn nên chúng ta không có thời gian để mà đau khổ.

Trích bài giảng Bốn Hạng Học Đạo
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép


Tứ Diệu Đế | | Cồn Ngã Mạn

Tự do trong Tự chế | | Chung thủy

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com