Giác Chi

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Giác Chi

Kinh Bất thối tức là kinh Giác chi. Ở đây Đức Phật Ngài dạy rằng cho đến bao giờ ở trong hàng ngũ tăng đoàn chúng tỳ kheo còn thiết tha tu tập Bảy Giác chi thì cho đến khi đó giáo pháp sẽ tiếp tục được hưng thịnh và bản thân của mỗi vị tỳ kheo tu tập 7 Giác chi sẽ được thành tựu đạo nghiệp; ít hay nhiều, cao hay thấp là tùy nhưng ít ra cũng có một cái đạo nghiệp tối thiểu trong đời tu của mình.

KTC 7. (VI) (24) Giác Chi
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi, tu tập trạch pháp giác chi, tu tập tinh tấn giác chi, tu tập hỷ giác chi, tu tập khinh an giác chi, tu tập định giác chi, tu tập xả giác chi, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
AN 7. 3. vajjisattakavagga 26. Bojjhaṅgasutta
‘‘Yāvakīvañca, bhikkhave, bhikkhū satisambojjhaṅgaṃ bhāvessanti, dhammavicayasambojjhaṅgaṃ bhāvessanti, vīriyasambojjhaṅgaṃ bhāvessanti, pītisambojjhaṅgaṃ bhāvessanti, passaddhisambojjhaṅgaṃ bhāvessanti, samādhisambojjhaṅgaṃ bhāvessanti, upekkhāsambojjhaṅgaṃ bhāvessanti; vuddhiyeva, bhikkhave, bhikkhūnaṃ pāṭikaṅkhā, no parihāni.’’

satiức niệm
dhammavicayatrạch pháp
vīriyatinh tấn
pītihỷ lạc
passaddhitĩnh lặng
samādhiđịnh tâm
upekkhāxả

Có một hiểu lầm rất lớn ở những người nghiên cứu kinh Phật không kỹ, họ tưởng rằng Bát chánh đạo là khác hẳn Thất giác chi, mà Thất giác chi khác hẳn Tứ niệm xứ. Người sơ cơ đã đành rồi mà ngay cả người có học chút ít vẫn có thể nghĩ như vậy. Họ nghĩ mấy cái đó khác nhau nhưng thật ra nó như thế này: Tùy trường hợp mà Đức Phật Ngài phân tích con đường giải thoát thành 3 gọi là Tam học; hay thành 4 là 4 Niệm xứ, 4 Chánh cần, 4 Như ý tú; hoặc 5 là Ngũ căn, Ngũ lực; hoặc 7 là là Thất giác chi; hoặc 8 là Bát chánh đạo. Rồi nhiều người họ nghe họ hiểu lầm, họ tưởng là mấy cái đó nó khác nhau. Lại có người coi trong kinh họ hiểu lầm một cái chỗ khác rất là căn cơ, tạo nền tảng cho hiểu lầm. Thí dụ như khi Ngài dạy rằng khi tu 4 Niệm xứ là hỗ trợ cho Thất giác chi. Mình thấy rõ ràng nó khác nhau vì khi Thất giác chi được tu tập có nghĩa là Bát chánh đạo cũng được hỗ trợ, cũng được tu tập. Rồi Bát chánh đạo được tu tập thì Tứ Chánh cần cũng được tu tập. Và từ đó có nhiều người họ đọc cái chỗ đó họ hiểu lầm là Thất giác chi là khác, Tứ Chánh cần là khác. Nhưng thật ra một người tu tập Tam học Giới Định Tuệ ngon lành có nghĩa là người đó đang tu tập Bát chánh đạo. Không bao giờ có cái chuyện một người tu tập Bát chánh đạo mà lại thiếu Thất giác chi. Chuyện đó không bao giờ có. Và cũng không bao giờ có chuyện một người tu tập Thất giác chi ngon lành mà lại thiếu sót về Tứ niệm xứ. Chuyện đó không thể có.

Mặc dù nó có trường hợp này tức là chữ Định. Có người cái Định của họ là đắc được các tầng thiền, Sơ Nhị Tam Tứ thiền. Có những hành giả Tứ niệm xứ thì họ không có đắc thiền ("có những" chứ không phải là "tất cả"). Thì mình thấy rõ ràng cái Định của A với B nó khác nhau. Nhưng khác là ở các tầng thiền chứng, chớ còn cái Định để mà đủ để xài cho Tứ niệm xứ thì bắt buộc phải có.

Và ở đây tôi cũng phải nói thêm là Định được chia thành 3 là Sát na Định, Cận Định và Kiên cố Định. Định từ Sơ thiền trở lên thì được gọi là Kiên cố Định. Ngon lành nhất là Kiên cố Định. Tu thiền chỉ samatha mà đắc từ Sơ thiền trở lên thì được kể là Kiên cố Định. Tuy nhiên trong lúc tu tập Tuệ quán thì Định mà chúng ta xài không có cần tới Kiên cố Định mà mình chỉ cần Sát na Định thôi. Dĩ nhiên cái người có đắc thiền thì cái Sát na Định của họ ngon lành hơn người không có đắc thiền.

Nhắc lại: Tu Tứ niệm xứ mình không có xài tới cái Định trong các tầng thiền. Mình xài cái Sát na Định tức là cái Định tạm thời trong từng phút từng phút. Cái Định đó ở cái người có đắc thiền nó tốt hơn là của người không đắc thiền. Tương tự như hai con dao, một bên là họ lấy ra từ kho nhà giàu còn một bên là lấy ra từ bếp nhà nghèo. Cả 2 đều là con dao, con dao nào cũng cắt được hết nhưng mà dĩ nhiên mình phải hiểu ngầm là con dao mà ở trong kho nhà giàu thì nó ngon lành hơn.

Bây giờ tôi chỉ ôn lại một chút đó là ở đây Ngài dạy rằng: Ngày nào chúng tỳ kheo mà còn tu tập Thất giác chi thì ngày đó bản thân vị ấy có được một đạo nghiệp và Phật Pháp cũng nhờ vậy mà được hưng thịnh ở đời. Tại sao vậy? Vì cái gọi là Phật Pháp là sự cộng hưởng, sự hợp tác của nhiều cái điều kiện trong đó có tứ chúng, có tăng ni, có cư sĩ. Và nếu mà mỗi cá nhân bệ rạc, sa đọa, không có những thành tựu, không có những sở chứng thì đó là một tập thể ô hợp. Nhưng nếu đó là một tập thể mà có pháp học, pháp hành và có chứng ngộ thì đó là một tập thể số một, khỏi nói rồi. Cho nên nếu mỗi cá nhân tu tập Thất giác chi cũng có nghĩa là mỗi cá nhân đang tu tập toàn bộ Phật Pháp và cho đến bao giờ mà người tin Phật, học Phật lại có thể tu tập một cách ngon lành thì cho đến khi ấy sự tồn tại của giáo pháp càng thêm phần vững chải bởi vì Phật Pháp không thể tồn tại trên lý thuyết.

Tôi nói rất là nhiều lần, hôm nay chúng ta không có đủ duyên lành để có thể gặp được Đức Phật. Tuy nhiên không có một bức tượng Phật nào đẹp và sống động cho bằng cái hình ảnh của những người tu Phật ngon lành, cái chữ ngon lành này tôi viết bằng mực đỏ và có gạch dưới! Vì sao vậy? Vì chúng ta biết rằng không có một bức tượng, bức tranh nào mà vẽ cho đúng cái nét đẹp của Đức Phật. Có đẹp lắm cũng chỉ để nhìn ra một hình ảnh vô hồn thôi. Trong khi đó một vị hành giả dầu ngoại hình có vấn đề trục trặc nhưng mà đi đứng nói năng sinh hoạt trong chánh niệm trong trí tuệ trong từ tâm trong bi mẫn, thì khi nhìn hành giả đó người ta ít nhiều cũng có thể hình dung ra Đức Phật, hình dung ra thánh chúng. Các vị có bao giờ các vị được tiếp xúc với những vị hành giả mà tạm gọi là ngon lành chưa? Tôi đâu có biết ai đắc đâu, làm sao tôi biết được? Nhưng cái chữ ngon lành đây có nghĩa là vầy: Mình ghé thiền viện trong vòng 2 tuần. Lần đầu tiên mình gặp họ như thế nào: nói năng, sinh hoạt, ánh mắt, cử chỉ, âm lượng trong lúc nói chuyện vừa chừng để nghe thôi. Rồi 4 ngày sau, 8 ngày sau, 15 ngày sau mình trở lại họ cũng như vậy. Chỉ có 2 tuần lễ thôi.

Có lần đó tôi về Yangon tôi đến tôi thăm một người quen tu ở trong một thiền viện, tôi đến có mấy lần thôi. Lần nào cũng như lần nấy, tôi gặp các hành giả, mình nhìn họ mình nghĩ: Cái này mới đúng là hình Phật nè. Mặt dù họ xấu hoắc hà. Ông tây có, bà đầm có, châu Á, Tàu, Lào, Nhật, Đại Hàn, Việt Nam có đủ hết. Mặt mũi đủ thành phần hết. Nhưng nhìn họ mình không còn nhớ đến cái ngoại diện của họ nữa, mình không còn nhớ cái mắt mũi của họ nó ra sao, nó đủ chuẩn chưa mình không có để ý. Mà mình chỉ để ý một chuyện thôi là cái ánh mắt của họ, cái nụ cười của họ, giọng nói của họ, cách đi đứng, cách sinh hoạt của họ, cách cầm lên để xuống của họ đẹp quá. Cho nên một người tu tập Thất giác chi chính là người đó đang kéo dài tuổi thọ của chánh pháp, người đó đang vun bồi đạo nghiệp cho mình và đồng thời người đó đang làm hưng thịnh Phật Pháp.

Tôi mới vừa nói sơ sơ về mấy hành giả tóc tai đầy đủ, mình chưa nói tới tăng ni rốt ráo, chỉ nói đến những người cư sĩ họ học tu khoảng tầm chừng một tuần, hai tuần là đi biến mất rồi. Nhưng phải nói nhìn họ mình thấy đúng là thánh chúng ngày xưa là một tập thể cỡ này (dĩ nhiên nhân lên 50 lần). Cũng cái dạng như vậy tức là cái gì cũng trong cái sự chừng mực vừa đủ, luôn luôn mọi thứ ở trong mức cần và đủ. Cần là sao? Là không có cái thừa. Mà đủ là sao? Là không dư không thiếu. Ngày hôm qua tôi có nói, trong đời sống mình là chỉ cần và đủ. Cần có nghĩa là chỉ có cái gì thiếu không được. Còn đủ là thêm không được, bớt không được. Thiếu không được thì gọi là cần, mà không thêm được nữa không bớt được nữa thì gọi là đủ.

Một đời sống, một sinh hoạt dầu là tâm tư cá nhân hay là sinh hoạt thường nhật, hay là sinh hoạt của một cộng đồng, một đoàn thể, một đám đông, một tổ chức, một tập đoàn mà có được 2 cái tiêu chí này: Cần và Đủ, thì cái hội chúng đó là số một. Cho nên Đức Phật đã gọi các đấng Như Lai là "Lưỡng túc tôn" đứng đầu trong loài 2 chân.

Giáo pháp của Ngài là ly dục tôn. Trong tất cả hệ thống triết học, tôn giáo, tín ngưỡng trong cuộc đời này không có một hệ thống nào chủ trương ly dục rốt ráo như giáo pháp của Chư Phật. Chuyện đó không có. Thí dụ như họ dạy cho mình sanh về cõi này cõi kia, rồi được sống chung với đấng này đấng nọ, được về trời, thiên đàng, cảnh này cảnh nọ. Nhưng không có một hệ thống giáo lý chủ trương buông bỏ, xả ly, ly dục rốt ráo như đạo Phật. Tôi đang nói đạo Phật nguyên thủy. Cái độc đáo của đạo Phật nguyên thủy là gì? Kêu người ta buông hết mọi thứ nhưng cũng không ngừng kêu gọi người ta nên sống có trách nhiệm. Kêu gọi người ta chán sợ sanh tử nhưng luôn luôn không ngừng kêu gọi người ta sống có từ tâm với chúng sinh. Chán sợ sanh tử, không có thiết tha chuyện đời nhưng luôn yêu thương chúng sinh. Luôn luôn chủ trương kêu gọi buông bỏ mọi thứ nhưng luôn luốn sống trách nhiệm. Buông bỏ mọi thứ, không có lòng đầu tư tích lũy kiếm chác nhưng phải luôn luôn sống trách nhiệm. Chứ không phải buông bỏ là liệng hết thì không phải. Buông bỏ là về phía mình nhưng đối với đời là phải sống có trách nhiệm. Đạo Phật luôn luôn dạy mình chán sợ mọi thứ trong cuộc đời sanh tử. Chán sợ là không thiết tha cái gì hết nhưng mà luôn luôn phải có lòng yêu thương chúng sinh. Đó là đặc điểm của Phật Pháp, chính vì lẽ đó cho nên Chánh pháp được gọi là Ly dục tôn.

Còn Tăng chúng đệ tử đoàn thể tăng đoàn của tất cả Chư Phật thì được gọi là Chúng trung tôn; nghĩa là thù thắng hơn hết tất cả các hội chúng trên đời. Bởi vì thánh chúng ở đây là một hội chúng mà có đông bao nhiêu đi nữa thì cũng giống như nước biển chỉ có cùng một vị mà thôi.

Ở các hệ thống tôn giáo, triết học, tín ngưỡng khác thì có thể nói là trong 3 người là đã có 3 cái cách suy nghĩ khác nhau rồi. Nhưng trong thánh chúng đạo Phật thì không như vậy. Một tỷ, tức là 9 con số 0, một tỷ vị Tu đà hoàn mà ngồi cạnh nhau thì cái suy nghĩ của họ giống hệt nhau về cuộc đời, về con đương tu hành giải thoát, về cái đạo tâm, về cái đạo tình ... giống y chang nhau không có khác nhau một gram nào hết. Một tỷ vị La hán ngồi cạnh nhau thì não trạng của các vị đó y chang như nhau, suy nghĩ y chang như nhau, buông hết mà thương hết, thương mà không có luyến, chán hết mà không có bất mãn. Một tỷ A la hán y chang như vậy. Gọi là "Chúng trung tôn" là chỗ đó. Đây là một hội chúng độc đáo và không phải dễ dàng có mặt trong hội chúng đó, dầu chúng ta làm đủ cách để có mặt, mà chỉ cần có phẩm chất không giống những vị đó thì mình cũng giống như cái cọng rác nằm trong đống vàng vậy đó, như bãi đờm nằm trong đống ngọc vậy, không có ăn chung gì hết. Hội chúng đặc biệt như vậy.

Trong kinh nói biển có điểm đặc biệt là không có chứa cái phiêu vật là cái thứ tào lao, sớm muộn gì, một là nó tự hủy trong lòng biển, hai là nó bị đánh dạt vào bờ, biển không có dung chứa. Cũng vậy Thánh chúng không có xua đuổi ai nhưng chính cái nội dung của thánh chúng vốn dĩ không có chấp nhận, không có hòa tan, không có đan xen, không có hòa quyện với mấy cái thứ tào lao. Đặc biệt như vậy, gọi là Chúng trung tôn.

Thì ở đây một người tu tập Thất giác chi được xem là vun bồi đạo nghiệp bản thân đồng thời gìn giữ giềng mối của giáo pháp không để cho tiêu mất ở đời.

Trích bài giảng KTC.7.28 Thất Giác Chi
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Tu Quán | | Lokantarika

Ba cái ngu | | Chánh Niệm

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com