Tam Chướng

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Tam Chướng

Liên hệ của Ba Chướng: Nghiệp chướng, Quả chướng và Phiền não chướng.

Nghiệp chướng là những hành động ác, tội lỗi nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống và tâm lí của chúng ta trong cuộc đời này. Tôi hỏi các vị, mình lỡ giết người, dầu là ngộ sát, thì cả đời mình ray rứt không yên, đúng không? Cái đó gọi là nghiệp chướng. Mình lỡ làm cái chuyện mà sau này mình nhớ lại mình ray rứt không nguôi thì đó gọi là nghiệp chướng. Nó ảnh hưởng đến đời sống tâm lí của mình. Cái đó nói nhẹ thôi. Còn nặng là thế nào? Cái tội ác đó nó khiến cho mình không thể đắc Đạo, đắc thiền được trong đời này. Tôi mong rằng ở đây không có ai tạo cái nghiệp chướng này, không có tạo cái nghiệp gì ghê gớm đến mức mà mỗi lần mình nhớ tới mình bị chấn động tâm lí.

Cái thứ hai là quả chướng.

Quả chướng chính là cái tâm đầu thai và những gì được tạo ra bởi nghiệp xấu quá khứ. Ví dụ, trong Kinh nói thế này: Do mình sống bằng tâm sân, tâm tham, tâm si cho nên khi mình chết mình đầu thai bằng cái tâm thấp kém. Vì cái tâm thấp kém mà mình phải làm chó, làm mèo, làm heo, làm ngựa, hoặc làm các con côn trùng như làm kiến, mối... Còn nữa, mình sanh ra mình bị đui mù, câm điếc, tâm thần bẩm sinh, cái đó cũng là quả chướng. Khi mình bị mắc vô mấy cái này coi như đời sống tâm linh mình tiêu. Khi mình đầu thai bằng cái tâm thấp kém thì kiếp đó mình coi như thua, dầu mình được đầu thai làm con người nhưng mình bị mù bẩm sinh là thua. Cái đó cũng gọi là quả chướng. Mình sanh ra với một cái trọng bệnh nan y theo đuổi cả đời, uống thuốc triền miên từ bé đến khi già cũng gọi là quả chướng. Các vị có gặp người đó chưa, cả đời cứ bệnh hoài. Như tôi biết có một cô ở bên Florida, bả đi chơi đâu cũng xách theo máy thở hết. Lúc đó tôi chưa biết đi Uber, mà sáng sớm tôi phải đi bác sĩ, bả nói bả để chở cho. Tôi thấy nhà bả có xe nên tôi nghĩ chắc bả cũng chạy xe thường, nên tôi OK. Ai ngờ nửa đường bả ... lấy hơi. Tôi hỏi "Có gì không cô?" - "Dạ hỏng có gì đâu Sư, quên mang máy thở!". Tôi nghe tôi muốn khóc luôn. Nàng chở tôi đi, xe cộ thì như mắc cưỡi, mà nàng cứ "hước", có nghĩa là nàng khó thở thì tôi cũng hết thở luôn. Mà nàng rất là mê đi chơi. Nàng năm nay bảy mươi rồi. Nàng mê đi chơi. Có tiền nữa mà có điều đi đâu phải xách máy thở. Qúy vị tưởng tượng đi chơi mà xách máy thở thì còn gì là chơi. Nên gọi cái đó là "đi thiệt". Xách máy thở đi chơi mà bửa nào quên máy thở là có ngày "đi thiệt". Đó là quả chướng. Quả chướng có nghĩa là bị mang trong người một cái quả xấu nào đó trong quá khứ và cả kiếp này đi đâu cũng phải mang nó và nó trở thành một chướng ngại tâm linh, một trở ngại cho đời sống, cho niềm vui của mình thì đó được gọi là quả chướng. Và cái quan trọng nhất của quả chướng là gì? Là tâm đầu thai cõi xấu. Và cái râu ria của quả chướng là gì? Là cái tai bay họa gởi. Có ông đó bảy lần bị rớt máy bay mà không chết. Ổng cứ bị cái nghiệp rớt máy bay. Mà ngộ lắm, ổng không chết để rớt nữa. Cái lý do duy nhất ổng rớt mà không chết là tại vì ổng phải sống để rớt nữa; tổng cộng là bảy lần. Còn một ông nữa là thầy tui. Cứ ở đâu mà có thiên tai là có ổng, bão, núi lửa, động đất... Đặc biệt ổng không chết để bị nữa. Lạ như vậy.

Thời Đức Phật có một cô tiểu thư cổ đẹp coi như thằn lằn nhìn cổ nó rớt. "Hoa ghen sắc thắm, liễu hờn kém xinh". Có một điều lạ là đàn ông nào nhìn cổ là có ba giây thôi là nó mê như điếu đổ mà đến giây thứ tư là nó liệng điếu chạy luôn. Nó lạ như vậy. Mà bả lấy tất cả sáu đời chồng, bả giàu quá sức giàu, bả đẹp quá sức đẹp. Ban đầu còn sính lễ về sau đàn gái sính lễ ngược lại đàn trai. Lấy vợ có thưởng mà không ai lấy. Người Ấn Độ xưa mà. Cuối cùng ông bố mới nói: "Sau này ba má chết rồi, con cu ki vậy không được. Tài sản nhiều quá, bây giờ phải làm sao cho con có được một đứa con, chồng nó bỏ con cũng được, miễn sao tuổi già con có người bên cạnh." Ổng mới ra thông báo là đàn ông mà muốn vợ thì cứ tới nhà này. Một là ổng thích, hai là con gái ổng thích, là có cơ hội làm rể chứ không cần tiêu chuẩn gì đặc biệt. Thế là một rừng nó tràn về, trong đó có rất nhiều vị là homeless, cái đám công tử thứ dữ nó nghe con gái qua sáu đời nó hơi khớp. Nhưng trong đó hầu như là dân homeless, cùi đui, sứt mẻ, bèo dạt hoa trôi không à. Cổ thì cổ lại chấm được một người, người ăn mày. Ông bố vợ cưng biết bao nhiêu, còn bả bả hầu như ông cố nội vậy. Qúy vị biết không, ổng ở được có hai tuần, đến cái ngày rằm trăng sáng là thằng rễ nó vô trong kho moi bộ đồ rách bửa hổm nó mặc vô, rồi nó lên kiếm cha vợ hỏi cái cây gậy với cái bị của nó đâu. Cha vợ hỏi "Cái gì vậy, con giỡn hả con?" - "Không, thiệt. Tôi trở lại đời cũ chứ tôi không ở với bả nữa". Ổng hỏi "Chứ nó có lỗi lầm gì?" - "Dạ không, lỗi là lỗi ở con. Con có mắt mà không tròng, vợ đẹp mà con không thấy, con ớn chè đậu quá, mà chè thiu luôn!" - "Con đã nghĩ kĩ chưa?" - "Con đã nghĩ kĩ nửa tháng rồi. Sau cái đêm hợp cẩn là con biết trên đời này không có người đàn bà nào hơn vợ con nhưng kêu con ở nữa thì con không ở nổi. Con lạy cha trả con lại cái gậy với cái bị." Ông bố nghe vậy quay lại thấy nàng đứng khuất sau rèm, nước mắt chảy xuống. Lắc đầu, đến ăn mày mà nó chê, rồi nó bỏ nó đi. Nàng buồn lắm nên nàng đi tu, xuất gia và đắc A la hán. Đã không? Khi đắt A la hán rồi nàng mới nhớ lại mười bốn kiếp về trước nàng là một công tử đệ nhất đào hoa, mà coi như là đàn bà mà gặp chàng có chồng hay chưa chồng là chàng xài hết, miễn mặt mũi coi được. Do cái nghiệp tà dâm đó chàng chết đi vào địa ngục xong trở lên làm thú bị thiến. Nếu không làm thú bị thiến thì làm thân nữ với điểm đặc biệt là "thiên hạ đệ nhất vô duyên". Nàng tu nhiều kiếp lắm nên nàng sanh ra nàng rất là đẹp nhưng mà vô duyên. Vô duyên ở đây là ăn nói sao mà nó trớt quớt nghe chịu không có nổi. Do cái nghiệp nó khiến mình thành cái loại người như vậy. Quả chướng là như vậy đó quý vị. Nghiệp chướng đó là một cái trọng nghiệp nào đó mà nó đủ mạnh để trở thành một gánh nặng, ám ảnh tâm lý, một ấn tượng nề trên dời sống của mình. Còn quả chướng nó có hai cái. Một là cái tâm đầu thai, mình đã sanh làm con chó, con heo, Phật có ra đời mình cũng thua. Hai là quả chướng gồm những tai bay họa gởi, những cái xui lắc léo mà mình mang theo cả đời.

Phiền não chướng là một thứ phiền não đặc biệt nào đó của mỗi người mà nó có thể vô hiệu hóa khả năng tâm linh của mình. Ví dụ: Nhiều người họ rất là thông minh nhưng họ bị một cái tật rất là thường là cái tánh ghen ghét. Thông minh bằng trời nhưng mà hễ cơn ghen nó lên thì cái gì mà bậy nhất thì họ lựa cái đó để làm. Có người thông minh bằng trời mà lại bị cái máu "kẹo". Tức là cái chuyện đó phải hành động theo hướng A, hướng B nhưng bả chỉ cần thấy nó tốn một cái rồi là bả dẹp, bả lựa cái cách nào mà nó ít tốn nhất. Ai nhìn vào cũng thấy bả làm vậy là bả ngu nhưng mà bả thì không thấy, miễn không tốn tiền là được. Vô chùa anh học Đạo rất là giỏi, tâm từ, thương người, hành thiền, trí tuệ coi như ba ngày không nhúc nhích nhưng mà chỉ có cái tội là ganh tị. Chỉ cần thấy ai đẹp hơn mình, giỏi hơn mình, sư phụ có đối xử tốt với ai khác là coi như mình nổi điên lên, không làm ăn gì được hết. Thì cái đó gọi là ganh tị phiền não chướng. Có người họ do cái tật háo sắc, có người tánh nóng nảy, có người bị khẩu dục tức là thích ăn ngon. Những người họ hoàn hảo mà chỉ bị một cái đó thôi thì gọi là phiền não chướng, tức là cái đó nó ám cho họ banh chành hết. Tu hành rất là tốt nhưng chỉ có một cái tội là thích ăn ngon. Có người cái gì cũng tốt nhưng tánh rất là nóng, ai cũng có thể làm cho họ nổi giận hết. Đó là những cái thứ phiền não đặc biệt của mỗi người, đủ để vô hiệu hóa khả năng tâm linh của họ.

Trích bài giảng Thế Giới Qua Tứ Thục
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép


Hành Đạo và Chứng Đạo | | Akkosaka

Nhật Tụng Kalama | | Bưởi Witchy

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com