Hành Giả Đúng Mức

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Hành Giả Đúng Mức

Thế nào là một hành giả đúng mức?

Điều kiện quan trọng nhất để trở thành một hành giả đúng nghĩa theo lời Phật là đương sự phải biết xác định mục đích tu tập của mình. Có mục đích đúng đắn thì mới đi đúng đường.

Mục đích đúng đắn của việc tu tập là gì? Đức Phật đã nhiều lần xác định rằng lời dạy của ngài nhắm đến mục đích thoát khổ. Thoát khổ chính là mục đích tu tập của hành giả. Điều này vô cùng quan trọng vì ai cũng biết rằng phiền não chính là gốc khổ. Nên muốn thoát khổ thì phải lìa bỏ phiền não. Phiền não có nhiều thứ, qua nhiều cách kể. Chẳng hạn Tham, Sân, Si, Mạn, Tà kiến, Hoài nghi, Hôn thụy, Phóng dật, Vô tàm, Vô úy. Hành giả phải luôn nhớ rằng chuyện duy nhất mà mình cần làm là đào thải phiền não. Hành trình tu tập Chỉ Quán chính là từng bước xa rời sự ảnh hưởng của phiền não.

Tam Học là cách trình bày ngắn gọn về con đường lìa bỏ phiền não. Phiền não có cái đáng sợ là chúng có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức và trong nhiều hoàn cảnh khó ngờ nhất. Người không biết tu tập thì đầy dẫy phiền não đã đành, mà đối với một hành giả tinh tấn bậc nhất cũng dễ dàng rơi vào những cạm bẫy ngọt ngào của phiền não trong ngay từng phút giây tu tập của mình. Trong kinh Lõi Cây (Trung Bộ) Đức Phật đã dạy rằng ngày đến một người dốc lòng cầu giải thoát cũng vẫn có thể bị sa ngã và cám dỗ bởi các thứ gặp phải trên đường tu, từ thô thiẻn như danh lợi cho đền vi tế như sự thành tưu giới hạnh, tri kiến thiền định. Chỉ cần vị tỳ kheo lơ là một chút rồi đem lòng thỏa mạn với những thứ mình đang có, cho đó là cái hay ho, đáng quý rồi dừng lại ở đó không đi xa hơn nữa. Vị tỳ kheo trong trường hợp này giống hệt như kẻ đi tìm lõi cây nhưng lại bị quyến rũ bởi những thứ hoa lá cành vô nghĩa, vô bổ và không giá trị. Thích cái nào cũng là tham, tham tế haythô cũng là tham. Bất mãn cái gì cũng là sân, tế hay thô cũng là sân.

Như đã nói thì mục đích cao nhất của hành giả phải là sự thoát khổ và để thoát khổ thì phải lìa bỏ nguồn khổ là phiền não. Tu tập Chỉ Quán là con đường lìa bỏ phiền não. Một hành giả tỉnh táo cứ thấy mình còn phiền não, dầu trong hình thức nào, với đối tượng nào, ở mức độ nào, thì cũng phải tự hiểu rằng mình còn phải đi tới, còn nhiều việc phải làm, đến lúc này mình vẫn chỉ là người trên đường. Bởi vì cứu cánh của giải thoát chính là lõi cây của Phạm hạnh. Cho đến bao giờ chưa tìm thấy lõi cây thì bất cứ thứ gì ngoài ra cũng không đáng để ta mất thời giờ yêu thích, trân quý.

Hành giả phải nhớ rằng ngày nào chưa là thánh thì dầu nội tâm có thanh tịnh cách mấy, bao lâu và kiểu nào thì đó cũng chỉ là sự vắng mặt tạm thời của phiền não. Nghĩa là ta chỉ mới tạm thời hết khổ trong ít lâu. Chỉ có sự thanh tịnh của vị La Hán mới được xem là giải thoát bất động và chỉ có vị này mới được xem là vĩnh viễn lìa bỏ phiền não, vĩnh viễn thoát khổ, đi đến điểm tận cùng của mục đích tu tập. Hiểu được và nhớ được những điều mà tôi vừa nói thì ta mới là một hành giả đúng mức.

Trích "Hỏi & Đáp"
Kinh Nghiệm Tuệ Quán (Tập I)
Sư Giác Nguyên dịch Việt

Kinh Lõi Cây (Trung Bộ)

Và này Bà-la-môn, những pháp gì cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến?

Ở đây, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc, do ly dục sanh, có tầm có tứ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến.

Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến.

Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến.

Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến.

Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, Tỷ-kheo nghĩ rằng: "Hư không là vô biên", chứng và trú Không vô biên xứ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến.

Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt lên mọi Không vô biên xứ, nghĩ rằng: "Thức là vô biên", chứng và trú Thức vô biên xứ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến.

Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: "Không có vật gì", chứng và trú Vô sở hữu xứ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến.

Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt mọi Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng Phi phi tưởng xứ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến.

Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt lên mọi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng (định), sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn trừ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến. Này Bà-la-môn, các pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến.

Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, lấy và mang đi và tự biết đó là lõi cây. Và người ấy đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu. Này Bà-la-môn, Ta nói rằng người này giống như ví dụ ấy.

Như vậy, này Bà-la-môn, phạm hạnh này không phải vì lợi ích, lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu Thiền định, không phải vì lợi ích tri kiến. Và này Bà-la-môn, tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh này, là lõi cây của phạm hạnh, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh.


Ai Chẳng Là Dân Việt | | Bóng Tối và Ánh Sáng

Căn Tánh | | Người Hạ Căn

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com