Lên Xuống và Ra

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Lên Xuống và Ra


Video trích từ bài Thế Giới qua Cảm Thọ ngày 16.01.2020 trên youtube.

Có ba cảm thọ: Khổ, Lạc và Xả. Còn nói rộng là năm thọ: Khổ, Lạc, Ưu, Hỷ, Xả. Cảm giác khó chịu của thân xác gọi là Khổ. Cảm giác dễ chịu của thân thì gọi là Lạc. Có lúc Đức Phật ngài chia cảm giác có ba thôi: Khổ, Lạc, Xả. Nhưng mình phải hiểu ngầm là Khổ ở đây gồm khổ thân và khổ tâm, Lạc là sự dễ chịu của thân và tâm, còn xả là cảm giác hờ hững, lãnh đạm của tâm. Đó là mình nói gọn. Còn khi Đức Phật nói rộng mình phải hiểu khác đi một chút. Khi mà nói rộng thì Khổ ở đây chỉ là sự khó chịu của thân, Ưu là sự khó chịu của tâm, Lạc là sự dễ chịu của thân, Hỷ là sự dễ chịu của tâm. Nêú bà con không học cả hai thì sau này cãi nhau đã luôn. Có người nói Lạc chỉ của thân thôi, có người nói Lạc của thân tâm. Mình phải hiểu là khi nào kể ba thì cái lạc nó mới bao gồm thân và tâm. Còn khi kể năm thì cái Lạc nó chỉ là của thân thôi.

Toàn bộ thế giới này, trước mắt là cái tấm thân này của quý vị, căn phòng này, ngôi nhà này, thành phố này, tiểu bang này đều được vận hành và cấu tạo bởi năm thọ. Tại sao mình có bệnh viện? Là để giải quyết cái đau của bệnh nhân. Và cái đau đó có nằm trong mấy cái thọ này không? Có. Tại sao có viện bảo tàng? Là để cho người ta tới người ta coi. Tại sao có nhà hát? Có phải để giải quyết mấy cái này không? Tại sao có nhà hàng, tiệm nail? Lúc trước nó làm móng, sau này nó có làm wax, foot massage ,... mà không chỉ dành cho phụ nữ mà còn đàn ông nữa. Chỉ riêng cái nail là nó đã phục vụ cho năm cái này rồi. Chỉ việc để tránh cái này, để có cái kia, nó mới lòi ra tiệm nail. Cái lý do để tiệm nail có mặt là năm cái này. Nhà hàng, rạp hát, vũ trường, casino cũng vậy. Ngay cả bệnh viện được lập ra để giải quyết năm cái này, đúng không? Tại sao mùa đông mình phải mặc áo ấm? Cũng để giải quyết mấy cái này. Đúng không? Mùa đông mình không mặc cái này mình chịu không có nổi. Tại sao mùa hè mình không tiếp tục mặc đồ ấm nữa? Lại chỉ để mình giải quyết mấy cái này. Đúng không? Bây giờ tin chưa? Tại sao tóc mình không để lòa xòa, mình lấy kẹp ghim làm cái gì? Mình không có muốn nó phủ lên trán của mình, phủ lên nó khó chịu, nó ngứa lắm. Bởi vậy tui mới cạo tróc lóc nè. Đến cả mái tóc của mình nó cũng có sự can thiệp của năm cái ông này nữa. Rồi chuyện tại sao có người muốn có con, có người không muốn có con, có phải do năm cái này không? Có người họ sợ con nít như là sợ quỷ vậy, quý vị có biết không? Tôi biết có nhiều cuộc hôn nhân người ta ly dị vì ông chồng ổng muốn có con mà bà vợ không muốn. Có nhiều cặp là ông chồng ổng muốn có hai mà bà vợ bả muốn tới bốn, là cũng ly dị nữa, chịu không nổi. Ngoài chuyện có con, còn chuyện mình có xe, có nhà, ... Tôi có biết nhiều chuyện động trời: Chỉ vì cái màu xe mà hai vợ chồng chia tay. Ổng thì mê màu đỏ, màu sport, còn bả thì mê cái màu đằm đằm, rồi từ đó cãi riết rồi phải chia tay. Như vậy mình thấy từ cái thích cái ghét của mình nó đã tạo nên thế giới. Bài học về cảm thọ này tôi cho rất là quan trọng.

Năm thứ bảy sau khi thành Phật, Đức Phật ngài thuyết tạng diệu pháp để trả ơn cho bà mẹ của ngài. Trong đó Ngài nhắc cái này: Khi cần thiết thì thế giới này có thể được chia thành ba phần như sau, từ cõi Phạm Thiên cao nhất đến cõi Địa Ngục thấp nhất, sâu nhất, từ tầng địa ngục sâu nhất đến cõi Phạm Thiên cao nhất, chỉ nằm gọn trong ba cái này: một là thiện, hai là ác, ba là không thiện không ác. Chữ "không" ở đây không có nam nữ, đực cái, trống mái, đẹp xấu, cao thấp, dài ngắn, trắng đen, mập ốm mà toàn bộ thế giới này khi cần thiết chỉ có ba cái đó thôi: thiện, ác, không thiện không ác. Ngay cả một con người của quý vị mỗi ngày cũng chỉ gồm ba cái đó, thiện, ác và không thiện không ác. Thiện là gì? Là từ bi, trí tuệ, thiền định, chánh niệm, kham nhẫn. Ác là gì? Chắc khỏi cần tôi kể: tham, sân, si, nhỏ mọn, tị hiềm, thù oán, ganh ghét, toan tính, ích kỷ ... Còn giấc ngủ là không thiện không ác. Cái tấm thân này của mình là thiện hay ác? Tấm thân này là không thiện không ác. Như vậy trong một con người nó có ba phần, thiện, ác, không thiện không ác. Thiện là gồm những hạnh lành. Còn ác là phiền não. Còn không thiện không ác là giấc ngủ và toàn bộ cái thân thể của mình. Có người hỏi: "Phạm thiên có còn ác không?" Trả lời: Phạm thiên họ vẫn còn tham cái thiền, nghĩa là còn cái bất thiện (ác). "Một vị A la hán còn nằm trong ba cái này không?" Trả lời: Còn, vị A la han còn cái thứ bà là "không thiện không ác". Bây giờ tôi thí dụ: mỳ, cơm, pizza và cả thế giới sống chỉ quẩn quanh bằng ba cái này, không ai ra khỏi ba cái này hết. Thằng Ý nó không ăn cơm, nhưng thằng Ý nó ăn pizza. Như vậy tôi nói cả thế giới này đều sống bằng ba cái này được không? Một trong ba. Không phải cả thế giới đều ăn ba cái này, không phải. Ở đây cũng vậy, vị A la hán cũng còn nằm trong ba cái này, nhưng mà Ngài chỉ nằm trong cái thứ ba. Còn mình thì sao? Mình là cả ba.

Tôi nhắc lại lần nữa, Đức Phật ngài dạy khi cần thiết thế giới này chỉ chia làm ba phần: thiện, ác và không thiện không ác. Lúc đó có hàng chục triệu Chư thiên và Phạm thiên đắc Đạo. Ngài nói ở đây không có nam nữ, đực cái, trống mái, đẹp xấu, cao thấp gì hết mà chỉ có thiện, ác, và không thiện không ác. Tiếp theo, khi cần thiết thì thế giới này chỉ còn nằm trong các cảm giác. Đắc thêm mớ nữa. Lúc đó mấy ổng nghe "Ồ! thì ra mình là đồ ráp". Cuộc đời mình mấy chục năm chỉ còn có ba cảm giác là dễ chịu, khó chịu và lưng lững. Lưng lững là xả. Cả thế giới này chỉ được vận hành trong khó chịu và dễ chịu thôi. Để có được cái dễ chịu người ta làm đủ thứ chuyện. Để tránh cái khó chịu người ta làm đủ thứ chuyện. Và cả cuộc đời mấy chục năm của mình chỉ để giải quyết hai cái đó. Mấy chục năm trong đời của quý vị là tiến sĩ, kỹ sư ...tôi không cần biết. Tôi chỉ biết trong đời của mỗi người chỉ để giải quyết có hai chuyện thôi, đó là giải quyết cái thích và cái ghét. Tại sao mình không mặc cái quần cho nó xột soạt mà mặc cái vải mềm? Tại mình ghét cái xột soạt. Chỉ riêng cái quần thôi là mình thấy cái bài học này ở trỏng rồi. Tại sao mình lựa cái nón này mình không lựa cái nón kia? Có phải mình giải quyết cái thích và cái ghét không? Tại sao mình không lấy ông khác mà mình lấy cái ông áo vàng này? Ông này tại sao không lấy bà khác mà lấy cái bà áo trắng đó? Có phải giải quyết cái thích và cái ghét không?

Khi mình có học Đạo mình mới ngộ ra một chuyện là cả thế giới này đem phân tích ra thì nó tan hoang không còn cái gì hết. Vậy thế giới này có lúc phân tích ra chỉ có ba thứ thôi: thiện, ác, không thiện không ác. Có lúc thế giới này phân tích nó ra chỉ còn có ba thứ thôi là dễ chịu, khó chịu và lưng lửng.

Cái thứ ba, có lúc thế giới này phân tích nó ra nó chỉ gồm có ba đường để đi: đi lên, đi xuống và đi ra. Mỗi ngày lái xe đi làm hãy hỏi lòng mình "Mình đang đi lên, đi xuống hay là đi ra?".

"Đi xuống" là sao? Sống bằng tham, bằng sân, bằng si, bằng danh, bằng lợi, bằng tình cảm.

"Đi lên" là sao? Là tư bi, là trí tuệ, là chia sẻ, là bao dung.

Còn "Đi ra" là sao? Cầu giải thoát.

Tôi nói luôn, ngày chưa biết Đạo ta chỉ theo đuổi cái thích và trốn chạy cái ghét, biết Đạo rồi ta không quan trọng thích ghét mà ta chỉ quan trọng làm lành lánh dữ. Ngày xưa là trốn cái ghét đi theo cái thích, còn giờ là trốn các ác đi theo cái thiện. Cuối cùng đi thêm một bước nữa, khi tu tập Tứ Niệm Xứ, mình thấy rằng thiện tạo ra cái thích, cái ác nó tạo ra cái ghét, mà cả thích ghét đều là khổ, cho nên thiện ác đều là nhân sanh khổ. Cho nên đến lúc mình chỉ cầu không còn sanh tử nữa. Toàn bộ thế giới này nó có ba đường để đi: đi lên, đi xuống và đi ra. Cho nên mỗi ngày tự mình xét coi mình đi cái hướng nào. Khi Ngài nói cái đó xong, đắc thêm mớ nữa. Còn mình mình nghe xong mình ngáp rách miệng luôn tại vì thấy nó mơ hồ quá. Ngài giảng trên cõi trời, cho Chư Thiên, Ngài không có giải thích, còn ở đây tôi giảng muốn banh cái ổ họng luôn. Ngài chỉ nói "Toàn bộ thế giới này là đi lên, đi xuống và đi ra" là họ đắc cái đùng liền! Nhưng mà xin lỗi, họ không phải hay hơn mình vì họ đã nghe tám trăm ngàn kiếp rồi. Cứ gặp Phật pháp là họ nhào vô họ nghe, mới đầu họ nghe không hiểu, nhưng nghe đến lần tám trăm ngàn cái thì họ hiểu. Cái vấn đề là cái duyên mình có đủ để mình gặp Phật, gặp Thánh mình nghe mình có đắc hay không. Cho nên mình coi kinh mình thấy thời Phật sao nhiều người họ đắc thấy dễ quá. Đừng mặc cảm! Bởi vì họ đã học cực như mình quá trời kiếp rồi. Khi họ gặp Phật là cái duyên họ nó chín, mà cái người giảng cho họ là ai? Đã duyên chín mà gặp ông thầy cỡ đó không đắc mới lạ. Còn quý vị hôm nay, duyên còn chưa có hường nữa, gặp ông thầy trời ơi như tôi nữa, làm sao mà đắc? Nếu đắc mới lạ! Cho nên đừng có mặc cảm "Sư ơi sư, sao hồi xưa đắc dễ?". Nếu đủ duyên là mình đã đi rồi. Vì mình không đủ duyên nên mình mới lọt ở đây. Nhưng mà trong kinh an ủi mình cái này. Có ba hạng người khi nghe Pháp, khi hành thiền không đắc Đạo. Mình cũng hy vọng mình không đến nỗi tệ.

Hạng thứ nhất, do có nguyện lớn mà khi hành thiền hoặc nghe Pháp không đắc Đạo được. Nguyện lớn thí dụ như Bồ Tát Thích Ca Mâu Ni trong vô số kiếp Ngài gặp biết bao nhiêu vị Phật, bao nhiêu hiền thánh mà Ngài không có cách gì mà Ngài đắc được bởi vì cái nguyện của Ngài là thành Phật. Cái hạnh Ngài là trở thành professor trong Đại học, là tiến sĩ, bác sĩ, cho nên Ngài không thể đi học hai năm, ba năm cao đẳng, đại họ để đi dạy mấy đứa "cháu lên ba cháu đi mẫu giáo ..." là không có được. Cho nên Ngài không thể rời trường sớm. Hoặc ngài Xá Lợi Phất cũng vậy. Ngài gặp biết bao nhiêu Phật, cái chuyện hành giả mà tu thiền Ngài tu không biết là bao nhiêu kiếp nhưng không có tài nào Ngài đắc. Là tại sao? Vì Ngài có cái nguyện lớn là thành đệ nhất trí tuệ. Nhân vật số hai trong một ngàn tỉ vũ trụ, chỉ đứng sau Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác thôi. Có cái nguyện lớn như vậy không có cửa nào đắc lẻ tẻ. Bến nhỏ không có chỗ ghé cho tàu lớn. Còn cái đám của mình ở đây là chỗ nào cũng ghé được hết trơn, tại vì mình là xuồng ba lá. Xuồng ba lá chỉ cần có cái chỗ nào có bụi cỏ nào mình cột cái dây bằng ngón tay là mình đã neo vô rồi. Còn cỡ ngài Ca Diếp là hàng công khổ hạm, phải cảng nước sâu cỡ Cam Ranh Ngài vô mới nổi. Cho nên là bến nhỏ không có chỗ đón tàu lớn. Cho nên cái hạng đầu tiên nghe Pháp, ngồi thiền mà không có đắc được là do kẹt cái nguyện lớn.

Hạng thứ hai, ba la mật ít quá, cái túc duyên giải thoát, cái vốn nó không có đủ, cho nên có nghe bằng trời, đè nó ra mà đốt mấy cuốn kinh thành tro rồi mình nhồi nhét vô, cũng không đắc nổi, vì cái duyên nó không đủ.

Hạng thứ ba thì phải quay lại cái tôi nói: tiền nghệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống. Cái hạng thứ ba này dính tới cái môi trường sống và tiền nghiệp. Thí dụ trong Trường Bộ Kinh, bài Sa Môn Quả, ông vua A Xà Thế. Ông này giết cha để lên ngôi. Khi ổng đến gặp Phật, Phật thuyết cho ổng nghe bài pháp xong ổng lạy Phật rồi ổng đi về. Thì Phật dạy "Này các tỳ kheo, nếu mà A Xà Thế kiếp này không bị nghiệp chướng (nghiệp chướng là một trọng nghiệp nào đó nó đủ để ảnh hưởng đến tâm linh của mình) không do cái nghiệp giết cha là đã đắc Tu Đà Hoàn rồi". Vì ổng bị cái đó nên đi không nổi, không đắc được, mà chính vì không đắc được nó dẫn đến một cái hệ lụy khác. Sau khi Trái đất này hoại, là suốt một A Tăng Kỳ đại kiếp không có Phật ra đời, thì lúc đó ông A Xà Thế đâu có cơ hội gặp Phật vì Phật đâu có đâu mà gặp. Hiện giờ ổng có ba la mật rất nhiều đủ để ổng đắc được Tu Đà Hoàn, lâu quá không gặp Phật thì sao, ổng chuyển sang Độc Giác. Mà muốn thành Độc Giác thì thời gian nó mất tới hai A Tăng Kỳ, gấp đôi Ngài Xá Lợi Phất. Mà ông A Xà Thế ổng đã tu một trăm ngàn đại kiếp rồi, cho nên ổng đã xong cái số lẻ mà số chẵn ổng còn nguyên, tức là hai mươi hai năm ổng mới tu có hai năm còn nợ lạ hai chục năm. Còn ông Đề Bà Đạt Đa là xong cái số chẵn còn nợ lại số lẻ. Ổng đã tu xong hai A Tăng Kỳ, còn một trăm ngàn đại kiếp nữa ổng mới đắc Độc Giác. Còn mình tới nay còn nguyên, chẳn lẻ gì còn nguyên! Đi đã luôn, cho nên tụi mình còn gặp nhau dài dài! Khiếp như vậy đó!

Cho nên cái trọng nghiệp nó nguy hiểm lắm, nó ám mình khiếp lắm, mình không có ra khỏi.

Trích bài giảng Thế Giới Qua Cảm Thọ
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép


Trách Nhiệm và Tranh Công | | Cuốn Sổ Tay

Người Hạ Căn | | Giải Thoát

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com