Giải Thoát

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Giải Thoát

Video trích từ bài Luân hồi và Giải thoát ngày 18.01.2020 trên youtube.


Giải thoát có hai: giải thoát ra khỏi quả xấu và giải thoát ra khỏi nhân xấu.

Quả xấu là những quả được tạo từ những nhân xấu quá khứ. Những cái gì làm cho mình đau khổ khó chịu về thân về tâm thì cái đó được gọi là quả xấu. Khi mình ra khỏi cái đó thì gọi là giải thoát. Giải thoát khỏi nhân xấu là khi mình đang đắm đuối đê mê một cái gì đó mà bây giờ mình buông được nó. Quý vị có từng yêu một ai đó mà khi quý vị buông được họ, quên được họ, quý vị có thấy cái đó là một giải thoát không? Đừng có vì quê mà chối, tôi nghĩ là có. Khi mình quên được một cái người nào đó là điều mình mừng lắm. Hoặc khi giận người nào đó cũng vậy. "Đã quê thì khó huề mà đã huề vẫn còn quê." Nhiều khi mình quên được một cái giận, quên được một người mình thương mình phải quỳ lạy tạ ơn trời đất.

Napoleon có nói một câu rất là hay: "Trong chiến trường, thương trường, chính trường, kẻ bỏ chạy là người thất bại nhưng trong tình trường người biết bỏ cuộc lại là bậc chứng thánh." Đôi khi cái bỏ chạy lại là cái hay.

Nhắc lại, giải thoát quả xấu là ra khỏi được những cái đau khổ khó chịu tạo ra từ nghiệp trong quá khứ. Còn giải thoát nhân xấu có nghĩa là tránh được những cái phiền não nào đó, lìa bỏ được một cái gì mà mình đã một thời yêu mê, lìa bỏ được một cơn giận, một sự hiểu lầm.

Bồ tát sợ nhân
chúng sanh sợ quả.

Đối với bậc thượng trí thì giải thoát quả xấu không quan trọng bằng giải thoát nhân xấu. Đối với người hiểu đạo thì chuyện mình hết bệnh không đáng mừng bằng thấy được mình giảm được tâm tham, tâm sân. Trước giờ mình không có khả năng ngồi thiền hay sống chánh niệm trong một giờ hai giờ hay một ngày nhưng bây giờ mình có khả năng đó thì mình thấy điều đó đáng mừng hơn là mình giàu hơn xưa, đáng mừng hơn là mình đẹp hơn xưa, đáng mừng hơn là đời mình sung sướng hơn xưa. Những thành tựu về thiện pháp mới là những cái mình thực sự đáng mừng.

Có câu chuyện một ông vua bên Tàu muốn xâm chiếm nước láng giềng. Ổng tính toán tới lui lo lắng hoài riết ổng ngã bệnh luôn. Ổng mời các vị thái y tới chữa mà chẳng khỏi.

Thì có một ông thầy thuốc tới bắt mạch xong nói với vị vua:

"Ngài muốn chữa bằng cách nào? Có ba cách chữa. Cách một là chữa kiểu "bá đạo" là đau đâu chữa đó nhưng không dứt gốc bệnh. Sáng hết đau chỗ này nhưng chiều có thể lại đau chỗ khác. Tức là chỉ làm giảm đau cấp thời thôi. Cách hai là "vương đạo" là chữa hết bệnh nhưng không biết bao lâu sau thì bệnh có thể tái phát. Cách ba là "đế đạo" là chữa bệnh trước mắt đồng thời ngừa luôn bệnh sau này, bệnh không bào giờ tái phát nữa."

Ông vua mới nói: "Hỏi gì kỳ vậy? Dĩ nhiên là ta chọn đế đạo rồi!"

Ông thầy thuốc mới nói: "Thần chỉ biết về chữa bệnh thôi nhưng thần cũng muốn nhắc bệ hạ là cái cách chữa bệnh cũng như chuyện chính trị vậy. Nhiều khi vì mình chỉ muốn giải quyết tức thời mà mình không nghĩ đến cái hậu quả về sau thì cũng như cách chữa bá đạo vậy."

Vua nói: "Ta hiểu rồi. Ngươi đến đây không phải để chữa bệnh mà để khuyên ta đừng đi đánh xứ người phải không?"

Thầy thuốc nói:" Dạ tùy bệ hạ hiểu sao cũng được." Tức là ông thầy thuốc đã chữa tận gốc cho vị vua.


Địa Ngục | | How & What

Lên Xuống và Ra | | Đã Có Vừa Mất Chưa Có

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com