Đã Có Vừa Mất Chưa Có

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Đã Có Vừa Mất Chưa Có

Thế giới nó quay vòng vòng đi theo ba cái chu kỳ. Bắt đầu là giai đoạn ác nhiều hơn thiện, rồi lên thiện ác bằng nhau, rồi lên thiện nhiều hơn ác, xuống thiện ác bằng nhau, rồi xuống ác nhiều hơn thiện, xong nó lại quay lên trở lại. Nói chung thiện ác bằng nhau là ở giữa, còn ác nhiều hơn thiện là ở đáy, thiện nhiều hơn ác là ở đỉnh. Đáy và đỉnh, lên và xuống. Về vật lý, âm thanh và ánh sáng đều vận hành theo đỉnh và đáy, wave, sóng, rung. Cái đó ở cả bên vật lý lẫn tâm lý. Bởi thế giới này là thế giới của sóng và hạt, lên lên, xuống xuống.

Có người hỏi: "Hiện tại mình đang trong giai đoạn nào?”. Trả lời: Theo trong kinh, mình đang đi xuống. Tức là bây giờ mình đang là giai đoạn ác nhiều hơn thiện, nhưng nó ở mấp mé giai đoạn còn cứu được vì Phật pháp còn. Còn giai đoạn mà ác nhiều hơn thiện mà cứu không được. Tức là nếu mình vẽ trong giai đoạn đang đi lên, ác nhiều hơn thiện nằm khúc giữa, nó có ba phần: cứu được, khó cứu và không thể cứu. Trong mỗi giai đoạn có ba cái mắt nữa. Trong mỗi cây tre có nhiều mắt và trong mỗi mắt có ba phần. Khi mình kể gọn thì chỉ có ba chu kỳ: ác nhiều hơn thiện, thiện ác bằng nhau và thiện nhiều hơn ác. Nhưng đầy đủ trong mỗi chu kỳ có ba phần: cứu được, khó cứu và hết cứu. Trong Kinh nói rất rõ chuyện cầu siêu là y chang như vậy. Có những người thiện nhiều hơn ác không cần hộ niệm, tự động “bốc hơi” về trời. Hạng thứ hai là thiện ác bằng nhau thì phải cần sự hộ niệm, ai cũng được miễn là có hộ niệm. Còn hạng đầu tiên là không cần hộ niệm, tức là lúc ngáp ngáp tự họ xử được, chỉ cần họ gom tâm vào theo dõi hơi thơ rồi họ đi luôn. Còn hạng thứ hai phải có sự hộ niệm của ai đó, bất cứ ai miễn là cho họ nghe kinh là họ đi. Còn hạng thứ ba, ác nhiều hơn thiện thì một là người hộ niệm phải là thứ dữ còn hai là vô phương. Hạng thứ ba là vô phương trừ ra họ gặp các vị Thánh, vị Phật chẳng hạn, họ được cứu, nhưng mà cũng tùy duyên không phải Phật là toàn năng cái gì cũng làm được.

Nhiều người họ hiểu lầm là cái gì Phật cũng làm được thì tôi không tin vì nếu Phật cái gì cũng làm được thì bữa nay mình lên tòa sen ngồi hết rồi. Nên mình khen Ngài cũng khen vừa vừa, khen quá bị trớt quớt. Bởi vì biết bao nhiêu Phật ra đời mà tại sao mình còn lũ khũ ở đây. Tại sao các Ngài không chú nguyện một phát cho nó thành hết? Chuyện đó không được vì các Ngài cũng nằm trong cái vòng quy luật của vũ trụ. Ngài chỉ hà hơi tiếp sức cho người nào đã có căn cơ. Tây có một câu là “Trời chỉ cứu những ai biết tự cứu”. Tức là mình muốn sống, mình muốn bơi và mình có thể bơi nhưng mình bị kiệt sức thì người ta mới liệng cho mình cái phao, cái bè chuối thì mới được. Còn đằng này mình đã không muốn sống người ta có liệng cho mình cái gì mình cũng không có bơi vào bờ. Tức là quý vị không muốn thì làm sao người ta cứu được?

Khi Đức Phật thành Đạo dưới gốc bồ đề Ngài có suy nghĩ thế này: Đạo ta chứng đắc rất là khó, nó đi ngược lại với dòng đời thì làm sao giảng cho chúng sanh nghe hiểu được? Lúc đó Phạm Thiên biết được cái suy nghĩ đó, lập tức có mặt nói: “Bạch Thế Tôn! Chúng sanh trong đời giống như sen trong nước vậy, có cái còn nằm trong sình; có cái ngoi lên được hai tấc, ba tấc; có cái đã qua khỏi mặt nước chỉ chờ nắng, gió, mưa, sương là nó bung. Thì con xin Thế Tôn hãy vì nghĩ đến những đứa mà nó đã ra khỏi mặt nước mà thuyết pháp cho cái đám đó." Lúc đó Thế Tôn dùng Phật nhãn thấy đúng như vậy. Chúng sanh trong đời có đứa bây giờ đang còn nằm trong củ chứ chưa có ra nữa. Có đứa thì nó cách mặt sình mới có hai gang. Có đứa nó cách mặt nước có hai gang. Có đứa nó đã ra khỏi mặt nước hai gang. Thì Ngài rọi nguyên đám đó rồi, cái đám mà nó ngoi lên được. Qúy vị biết bèo cám không? Theo như mô tả trong kinh thì chúng sanh như là những con cá cách mặt nước tám chục lớp bèo cám. Mỗi lần một vị Phật ra đời, các Ngài chỉ ném một hòn sỏi cho ánh nắng xuyên qua nước trong khoảnh khắc rồi các Ngài niết bàn. Trong thời gian các Ngài liệng vậy con nào thấy thì nó vọt lên, còn con nào không thấy thì ... chìm luôn. Tức là thời gian ra đời của Đức Phật nó chỉ ngắn như thời gian của một viên sỏi được ném thôi. Tại sao ngắn như vậy? Bởi vì so với dòng luân hồi thăm thẳm thì bốn mươi lăm năm của Đức Phật dài hay ngắn? Các vị có đi San Antonio, cái chỗ có hang động, để hình thành nên cái đó cả hàng triệu năm. Chỉ riêng cái đó không đã hàng triệu năm. Lấy bốn mươi lăm năm của Đức Phật mà so với cái hang đó thì sao? Tôi mới nói tới cái hang đó, tôi chưa nói đến cái chuyện Trái Đất này bao nhiêu tỷ năm. Tôi chỉ nói nhẹ, cái hang đó mà so với bốn lăm năm thì bốn lăm năm chỉ như một cái búng tay, sá gì với một cái vòng luân hồi thăm thẳm. Hai chục A Tăng Kỳ mà chỉ có hai mươi tám vị Phật. Mà một A Tăng Kỳ là mười lũy thừa một trăm bốn mươi mà chỉ có hai mươi tám vị Phật nên quý vị thấy Phật hiếm cỡ nào.

Tại sao Phật hiếm như vậy?

Mình nói có năm hạng người trên đời này:

  1. Hạng thứ nhất: chỉ biết mình không biết nghĩ tới ai. Hạng này là đông nhất thế giới.

  2. Hạng thứ hai: ngoài quan tâm về mình họ còn quan tâm đến người nào tốt với họ. Hạng này Đức Phật nói khó kiếm. Hạng người biết tri ân Đức Phật nói đã khó kiếm rồi. Tại sao trong kinh nói hạng thứ hai là hiếm? Mấy người có lòng tri ơn rất là hiếm. Có người họ nghe tôi nói vậy, họ nói "Làm gì tệ vậy Sư?". Tôi nhớ tôi có từng giải thích. Qúy vị nghe cho kỹ nè. Ví dụ có vị Sư cô này, mười năm nay mỗi ngày tôi nấu cho bả ăn những món đắt tiền nhất, vừa miệng bả nhất. Mỗi ngày tôi đưa bả mười ngàn đô la để bả xài, tối trước khi bả ngủ tôi nấu nước ấm cho bả ngâm chân, tôi lau chân khô rồi mới để cho bả đi ngủ và tôi để trong phòng bả cái chuông khi nào cần thì kêu tôi. Mỗi ngày nấu nướng giặt giũ tôi làm hết suốt mười năm. Tới năm thứ mười một, tôi ngưng không làm như vậy nữa. Tôi không có chọc giận gì bả, tôi chỉ im lặng tôi xoay qua tôi lo cho cái bà ngồi sau lưng bả. Theo quý vị thì bà Sư cô này bả có còn tiếp tục thương tôi không? Dĩ nhiên là không. Bả Giận! Mười năm qua là coi như zero, tin tôi đi! Nó thiệt như vậy đó! Mười năm tôi hầu bả còn hơn má tôi nữa mà đến năm thứ mười một tôi chuyển qua tôi lo cái bà ngồi đằng sau lưng. Mà trước khi chuyển tôi không có gây gỗ với bả. Tôi chỉ lặng lẽ nói "Cô ơi, con đi nha cô, chắc tháng này con không có về, con qua con lo cho cô kia". Rồi tôi đi. Bây giờ quý vị có tin tri ơn là khó chưa? Mười năm như bát nước đầy, mỗi ngày mười ngàn đô la, nấu tất cả những gì bả muốn, tối nào cũng phải ngâm chân thuốc bắc hết, lau cho khô, quạt nồng ấm lạnh, để cái chuông "Cô cần gì kêu nha cô". "Mười năm chưa mặc mà quần đã cũ". Bả sẽ ghét tôi mà ghét luôn cái bà kia luôn. Không hề nhìn mặt nữa. Bây giờ mình mới hiểu tại sao Phật nói cái người tri ơn nó hiếm. Chỉ cần phạm một cái lỗi nhỏ thôi là xù! Mười năm đâu phải ít quý vị. Nhiều lắm, dài lắm, hầu mỗi ngày mà, cơm bưng nước rót, mười năm như thế, mười năm tôi không có đi du lịch, không đi đâu hết, toàn bộ thời gian tôi dành hết cho bả, fulltime luôn, tất cả cuộc vui trần thế tôi bỏ lại hết tôi về tập trung lo cho bả mười năm. Đến năm thứ mười một tôi lễ phép tôi chào bả "Con đi nha cô, con qua lo cho cô kia". Xong! Nó khó vô cùng! Hạng thứ hai này nó đã hiếm thì làm gì có hạng thứ ba. Trong đây có nhiều người lặng lẽ không nói mà nghĩ "Tôi không cần biết đâu, lâu lâu tôi cũng cho tiền mấy người homeless vậy". Cái đó không có kể, cho rồi quên mất tiêu đừng có kể.

  3. Hạng thứ ba: là có thể quan tâm thêm cái người không ân oán với mình (người dưng nước lã).

  4. Hạng thứ tư: là người có khả năng thương bạn của kẻ thù. Có nhiều người chống Cộng cực đoan, họ ghét luôn cả những người đi về nước, họ ghét luôn cả mấy người gửi tiền về nước. Nghĩa là mình "Thương ai thương cả đường đi, Ghét ai ghét cả tông chi họ hàng". Có nhiều khi mình không thích cái chùa đó mà chỉ cần nghe ông Sư ổng ở cái chùa đó là mình ghét lây luôn. Tôi biết có người như vậy. Họ không biết gì ông sư đó, chỉ cần nghe ông sư ổng ở cái chùa đó, hoặc ông đó là cháu của cái bà nào đó là họ ghét luôn.

  5. Hạng thứ năm: là thương được kẻ thù. Tổng cộng là năm hạng và chỉ có hạng thứ năm này mới có nguyện thành Phật. Nội cái nhân tuyển nguyện thành Phật đã khó kiếm rồi. Nó giết cha mình trước mặt mình mà mình vẫn làm tô mỳ gói cho nó ăn, lái xe đưa nó về nhà, qúy vị làm nổi không? Chuyện mình là người hạng thứ năm là đã hiếm. Ngoài ra, theo đuổi cái nguyện thành Phật khi gặp thử thách hay cám dỗ vẫn không buông. Cái này hiếm không? Quá hiếm. Thử thách và cám dỗ khó vượt qua lắm. Rất là khó!

Cho nên ai hỏi "Tại sao Phật là khó?". Đơn giản thôi tại vì có năm hạng người, mình thấy cái hạng đó hiếm tự nhiên họ hiếm theo.

Đi một vòng để cho quý vị thấy tại sao mà mình phải chia thế giới ra từng phần. Như hồi nãy tôi nói, Đức Phật ngài nói là thế giới này có lúc chia ra từng phần như là thiện ác, cảm giác, lối đi. Nhưng tới cái tôi sắp nói mới là ngán.

Ngài nói "toàn bộ thế giới này là những cái đã có, đang có và chưa có." Chư Thiên họ đắc thêm một trận nữa.

Thế giới này khi cần phân tích chỉ còn có ba cái thôi: những gì đã có, đang có và chưa có. Những cái đã có thì không còn nữa. Những cái đang có thì vừa mất đi. Vừa mất chứ không phải đang mất. Và những cái sẽ có thì nó chưa có. Khi mà hành giả thấy như vậy thì mới buông được cái lòng tham chấp.

Toàn bộ thế giới này chỉ gồm có ba cái: đã có, đang có và chưa có. Những cái đã có thì không còn nữa, những cái đang có thì vừa mất đi, những cái sẽ có thì chưa có.

Đọc như là thần chú vậy. Nếu ai đủ duyên thì sẽ đắc Thánh quả với câu này. Và vô số vị A La Hán thời Đức Phật đã đắc quả bằng câu này. "Những gì đã có thì không còn nữa, những gì đang có thì vừa mất đi, những cái sẽ có thì chưa có." Mà chưa có thì đồng nghĩa với không có. Đúng không? Chưa có là không có chứ gì nữa! Bà con không có hành thiền bà con không thấy câu này nó hay nhưng mà hành thiền bà con mới thấy. Khi mà ta phát hiện rằng ta đang bực mình thì cái tâm phát hiện đó là tâm thiện hay tâm ác? Khi mà tôi phát hiện rằng tôi vừa có cái tâm ác thì cái tâm phát hiện đó là tâm thiện hay tâm ác? Tâm thiện. Trong kinh nói rõ "Không bao giờ hai tâm có mặt cùng một lúc." Có cái này thì cái kia phải mất. Vậy khi tôi nói "Tôi biết rằng tâm tham đang có mặt" là tôi đã nói sai, đúng không? Phải nói là "tâm tham vừa biến mất để nó nhường chỗ cho cái tâm nhận biết tâm tham đó." Vì tụi nó không thể có mặt hai cái đồng thời được. Cho nên khi mình biết rằng tâm tham đang có mặt thực ra mình phải biết là tâm tham đó vừa biến mất. Vì mình không học A Tỳ Đàm, không học giáo lý mình không có biết rằng cái thân này của mình nó vô ngã, vô thường đến cái mức độ nào, kinh khủng. Chớp tắt chớp tắt, vừa nhận diện được nó thì nó không còn nữa và nhờ vô minh nên mình thấy nó đẹp. Cái may mắn là mình u mê nên mình thấy đời nó đẹp. Một vị Thánh tại sao họ không thiết tha đời sống nữa là bởi vì họ không có gì để họ thích nhưng mà họ không có làm chuyện tự sát.

Tôi có nói bốn hạng nghe Pháp:

  1. Hạng thứ nhất: nghe rồi trớt quớt, coi như không nghe.

  2. Hạng thứ hai: nghe rồi treo toòng teng đó. Lâu lâu đụng chuyện móc ra xài một cái, xài xong máng lên trở lại. Nghe rồi lâu lâu đi đám ma bắt đầu mới suy niệm "đúng là đời vô thường!". Nhưng mà vừa niệm xong móc cái phone ra "Hôm nay Galleria 70% off! OK! Go!" Cái hạng này là nghe rồi máng lên tường lâu lâu đụng chuyện kéo xuống xài, xong rồi móc lên trở lại.

  3. Hạng thứ ba: Học Đạo, hành Đạo và bị đốt nóng bởi những thứ mình đã học. Tức là tu thì chuyên tâm lắm nhưng mà làm khổ mình khổ người. Tôi nói hoài có nhiều người họ ăn chay mình nhìn mình khó chịu, có nhiều người họ Bát Quan mình khó chịu. Có nhiều "kiểu tu" mình nhìn thấy ghét lắm. Tu như vậy là đốt nóng mình và đốt nóng người.

  4. Hạng thứ tư: học Đạo, hành Đạo và biến nó thành suối nguồn an lạc cho mình và cho người khác. Mình tu làm sao mà bản thân mình càng ngày càng an lạc và trong mắt mọi người họ gặp mình họ muốn gần mình. Cái đó mới đúng là người tu và nếu quý vị hiểu tu là đóng khung, là khắc kĩ, thì các vị A La Hán chắc không ai gần nổi đâu. Trí tuệ, đạo hạnh cao như ngài Xá Lợi Phất chắc ở một mình luôn nhưng mà không, trong kinh nói rằng ngài Xá Lợi Phất cực kì dễ gần, cực kì dễ thương, dễ mến. Phải nói là "cực kì". Đến một lúc nào đó người ta trở nên dễ thương như người ta không biết gì. Bởi vậy ngài Ca Chiên Diên ngài mới nói là "trí nhiều làm như ngu, sức nhiều làm như yếu, có mắt làm như mù, có tai làm như điếc". Nghe nói mà nổi da gà. Rất là độc. Ngài nói trí mà thượng thừa như thằng ngu, thằng khờ. "Có mắt làm như mù" tức là không có dòm ngó ai mặc dù chuyện gì cũng biết. "Có tai như điếc", không nghe chuyện tầm bậy của đời mặc dù chuyện gì cũng nghe được, nhưng mà không ngóng. "Có sức làm như yếu" tức là không có cạnh tranh đấu đá với đời. Có trí làm như ngu, có mắt làm như mù, có tai là như điếc, có sức làm như liệt. Đó là cái pháp tu thượng thừa Đạo Phật.

Còn mình mới được có ba mớ là bắt đầu thấy ghét rồi, muốn đúc tòa sen rồi. Tôi kể hoài về mấy cái người tôi gặp khi đi dạy học. Họ gặp tôi, đặc biệt khi một mình họ với tôi thì họ không bao giờ hỏi Đạo. Họ lại luôn luôn hỏi trước đám đông. Hỏi để cho người ta biết họ đã tới "cảnh giới" đó rồi. Có nhiều lúc không phải là hỏi mà họ bắt tôi phải nghe thành tích của họ.

"Con nghe Sư về, con hoan hỷ, con tới con hỏi Sư một hai chuyện con thắc mắc từ lâu" - "Cô hỏi đi cô!" -

"Dạ con sau này con không có biết giận ai, ai nói gì con cũng thấy thương người ta quá! Mà con bố thì không có tiếc, có nhiêu bố hết vậy đó. Còn ngồi thiền coi như ba tiếng không có biết mỏi. Không biết nó là sao?".

Tôi mới nói "Cái đó giờ về mua xi măng đúc tòa ngồi chứ đâu có thắc mắc gì nữa!".

Họ nổ, kiếp trước họ làm pháo nên bây giờ họ nổ, can không kịp! Tu như vậy làm khổ người ta quá. Mình tu là phải làm cho người ta thấy dễ gần.

Tôi nói hoài: có những người sống lâu thành đồ cũ, có những người sống lâu thành đồ cổ. Cái đồ cổ càng lâu nó càng quý. Có nhiều người họ sống lâu, đem ra garage sale người ta còn không muốn lấy nữa. Có nhiều món chỉ ra tới yard sale, garage sale, nhưng có nhiều món đáng đưa vào museum, vào antique shop. Cho nên sống lâu thành đồ cũ và sống lâu thành đồ cổ, hai cái khác nhau.

Có những người đời sống của họ chỉ là sự góp mặt chứ không phải là đóng góp và từ đó có những cái chết chỉ là sự vắng mặt, không phải là sự mất mát trong đời. Lý do tại sao? Là bởi vì lúc họ sống họ chỉ là sự góp mặt thôi, chỉ là góp phần chen lấn thôi chứ không phải là sự đóng góp. Sống phải là đóng góp thì chết mới là sự mất mát và người được như vậy thì sống càng lâu mới là "đồ cổ", không được như vậy càng lâu thành "đồ cũ".

Trích bài giảng Thế Giới Qua Cảm Thọ
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép


Trí Tuệ Thật Sự | | Bhavanga

Giải Thoát | | Vấn Đề

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com