Vấn Đề

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Vấn Đề


Video trích từ bài Thế Giới Qua Cảm Thọ
giảng tại Houston ngày 16.01.2020.

Tu hành buổi đầu là mình đốt lửa để mình bỏ đi cái không cần. Sau cùng là mình đốt sạch vì không có cái gì cần. Hễ còn có là còn vấn đề. Trong kinh nói câu này rất là hay

"Còn có hiện hữu là còn có vấn đề."
Vì mọi hiện hữu nó chỉ tồn tại trên những vấn đề. Thí dụ tại sao mình có cái xác này? Là bởi vì trước đây có một cặp nam nữ họ yêu nhau, họ gần nhau mới có mình. Rồi cái cặp đó giờ già chết ngắt rồi. Cái thân này được tạo ra đời, nó tồn tại bằng ăn, bằng uống, bằng áo quần, sự chăm sóc, nhiệt độ thích hợp. Và chỉ cần những cái này nó trục trặc là coi như cái thân này nó nằm xuống vĩnh viễn. Cho nên có phải là cái thân này nó đang luôn luôn tồn tại trên những vấn đề không? Không có cái thứ gì trên đời này không tồn tại trên những vấn đề. Chiếc xe tại sao nó chạy trên đường được vì nó cần đến xăng, cần một bộ máy hoàn chỉnh. Qúy vị nói với tôi "Trên đời này ước gì mình được như làn gió không có lệ thuộc gì hết." Tôi hỏi quý vị, gió có lệ thuộc không? Không phải chỗ nào cũng có gió. Chỗ có chỗ không. Tại sao tôi ra ngoài sân gió quá chừng, tại sao trong đây không có? Nó bị che. Mình nghĩ nắng với gió là không bị ràng buộc. Đâu phải. Đâu phải chỗ nào cũng có nắng. Đó là tôi lựa hai cái nhẹ nhất trong cuộc đời này đó là nắng và gió. Rồi ngay cả oxy cũng đâu phải chỗ nào cũng có.

Thế giới này nó luôn luôn có vấn đề vì nó chỉ có một cách duy nhất để tồn tại đó là song hành với vấn đề.

Tại sao mình phải tu tập Tuệ quán? Tại sao phải tu tập Tứ niệm xứ? Là bởi vì anh không có sống chánh niệm thì anh không có thấy cái điều mà nãy giờ tôi nói. Những điều tôi nói nãy giờ, nhiều lắm là một năm tôi về giảng một lần, anh nghe anh gật gù nhưng mà tôi vừa đi là anh quên sạch. Nhưng nhờ anh sống chánh niệm từng ngày từng giờ anh sẽ thấy cái điều tôi nói. Tại sao thế giới này là song hành với những vấn đề? Anh sống chánh niệm anh sẽ thấy nó đủ thứ chuyện hết.

Nó đi một hồi cái nó mỏi nó muốn ngồi, nó ngồi hồi nó muốn nằm, nó nằm lát nó muốn đi, nó đi lát nó nói nó đói bụng, nó đi một hồi nó nói nó khát nước, mình "dộng" cho nó một ly, nó nói nó muốn đi tolet. Các vị nghĩ coi chịu nổi không?

Các vị có biết thế giới này đang có vấn đề với China không? Là vì họ làm hàng hóa quá rẻ cho nên ai cũng xài đồ Tàu, xài đồ Tàu là phải chấp nhận hệ lụy. Bỏ đồ Tàu thì xài đồ của ai bây giờ? Đất nước Thụy Sĩ là một đất nước mà tôi rất tin cậy về mặt quality nhưng mà hôm nay 70% hàng hóa lưu hành trên nước Thụy Sĩ là đồ Tàu. Tôi nói rõ luôn là vật liệu xây dựng, gạch dá, mấy cái đồ bằng nhựa, bằng sắt ... toàn đồ Tàu hết. Lý do là nó rẻ. Và người ta lý luận thế này: Một cái ban công bằng stainless steel chỉ có 1m thôi là 1000 đô la nếu nó làm tại Thụy Sĩ, trong khi nếu nó được nhập từ Tàu nó xuống còn có 300 đô la, theo quý vị nên chọn lựa cái nào. Cái ban công đó chỉ là chỗ mình đứng mình dựa thôi, làm gì tới 1000 đô 1m, nên mình sẽ lấy cái 300. Chính vì ai cũng nghĩ vậy nên đồ Tàu đi toàn cầu. Mà đồ Tàu luôn luôn có vấn đề, buồn buồn nó gãy, buồn buồn nó sút. "Đồ Tàu như cánh chuồn chuồn, khi vui nó đậu, khi buồn nó bay." Có ông chủ tiệm ăn, ổng kêu họa sĩ tới vẽ cho cái bảng hiệu, ổng hỏi giá cả ra sao. Họa sĩ mới nói có hai giá: Vẽ sư tử cột thì nó mắc, sử tử thả thì nó rẻ, chênh lệch nhau tới ba phần lận. Sư tử cột tôi làm cho ông 30 đồng, sư tử thả chỉ có 10 đồng thôi. Thì ông kia nói: thôi vẽ sư tử thả đi. Ông họa sĩ vẽ sư tử thiệt là đẹp để bảng "Tiệm ăn Sư Tử ký". Hai ba đêm sau, trời mưa, ông chủ ngủ dậy thấy còn tấm bảng không, màu mè trôi mất tiêu. Ổng kêu thằng thợ vẽ tới hỏi thì nó nói rằng "Sư tử thả là vẽ bằng sơn của Trung Quốc, mưa xuống là sư tử nó đi mất. Còn sư tử cột là vẽ bằng sơn Mỹ, outdoor painting, là coi như không có hư OK? Tại ông chọn thôi." Khi mà ta chấp nhận cái rẻ của Trung Quốc thì đừng hỏi vì sao mà nó mau hư, đã khoái cái rẻ thì anh phải chấp nhận vấn đề của nó. Bây giờ ngược lại, xài đồ của Anh, Mỹ, Nhật, Đức nó lại có vấn để nữa, nó quá mắc đi, cứ 1m là 1000 đô thì bán bà xã cũng chưa đủ làm cái hàng rào nữa...

Thế giới này luôn luôn gắn liền với những vấn đề vì sao? Vì nó chỉ có một cách duy nhất để tồn tại là song hành với các vấn đề. Anh không thể nào tách nó ra được. Giống như anh cưới một người bị lang beng thì anh phải cưới luôn cái phần bị lang beng đó. Anh không thể kêu nó để cái lang beng đó bên ngoài Giáo đường được, trừ phi là anh phải chữa lành cái lang beng đó chứ nó đang bị lang beng thì anh cưới em anh cưới cho bằng hết. Cho nên nhiều cái bi kịch hôn nhân là vì thương một nốt ruồi mà nó cưới luôn mấy chục kí còn lại, nó khổ một đời. Cho nên nhiều người đàn ông nói rằng bị xe mười tám bánh chết không tức bằng bị một nốt ruồi đó đè chết. Đời trai đang tung tăng, bị một cái nốt ruồi, bị một cái răng khểnh, rước nó về, hận mười tám năm vẫn còn hận vì cái răng khểnh nằm đúng chỗ quá. Nó cười có lủng cái lỗ trên mặt, má lún đồng tiền, cưới về mới biết là ngoài cái lỗ này ra có trăm ngàn cái lỗ khác phiền lắm.

Trích bài giảng Thế Giới Qua Cảm Thọ
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép


Gác Cổng Thành | | Tâm Dục Giới

Đã Có Vừa Mất Chưa Có | | Tu hay Tù?

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com