Ngắm hoa

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Ngắm hoa

Sắc, thinh, khí, vị, xúc là những gì ta thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng trong từng phút cùng với những gì ta suy tư trong từng phút gọi chung là sáu trần. Khi mình dành quá nhiều thời gian cho những tiếp xúc trần cảnh mà nó không có lợi ích cho đời sống tâm linh, cho sức khỏe thì có nghĩa là ta đã tiêu hoang cái thời gian cho những thứ vô ích và thậm chí là có hại.

Đừng có coi thường những cái mình thấy, mình nghe, mình ngửi. "Thì tôi thấy cái đó đẹp tôi nhìn; có gì đâu?". Lão Tử có một câu rất giống với Đạo Phật đó là "Đừng coi thường những thứ gì thoáng qua trong đầu của mình". Bởi vì nhiều lần thoáng qua nó sẽ trở thành ấn tượng, và khi nó trở thành ấn tượng nó có thể trở thành cái nguồn động lực để mình nói và làm, mình biến nó thành hành động. Tức là nhiều lần thoáng qua nó sẽ đi vào trong ký ức của mình, trong tiềm thức, trở thành ấn tượng tâm lý và khi trở thành ấn tượng tâm lý nó sẽ dễ dàng biểu hiện ra bằng ngôn từ và hành động. Ngôn từ, hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành thói quen.

Ví dụ mình thấy bông hoa mình hay nhìn, mà khi nhìn nhiều lần như vậy trong đầu mình nó hình thành ra một cái sở thích là ngắm hoa. Qua khỏi ngắm hoa đi tới một bước nữa là mua hoa về trưng, xa hơn nữa là trồng hoa. Cuối cùng mình tiêu phần lớn thời gian trong tuần cho cái chuyện trồng hoa mà ngày đầu mình không có ngờ. Tôi phải nói rõ tôi không có cực đoan đến mức mà tôi lên án cái chuyện ngắm hoa. Tôi nói theo tinh thần trong kinh (Tương Ưng Bộ kinh), Đức Phật ngài dạy rằng "Hạn chế cái thích ở đời." Bởi vì có nhiều cái thích thì tự nhiên có nhiều cái ghét. Cái thích nó càng nhiều thì nó sẽ kéo theo nhiều cái ghét. Khi mình thích êm ấm thì mình ghét cái gì sần sùi, thích mát mẻ thì mình sợ cái gì nóng nực, thích ấm áp thì mình sợ cái gì đó lạnh lẽo, mình tưởng đó là cái chuyện bình thường. Nhưng mà không. Nó quan trọng lắm. Có những người họ lạ chỗ họ ngủ không được vì nệm nó không có giống cái nệm ở nhà. Họ bị lệ thuộc đủ thứ. Tôi hình như cái ghế nào tôi ngồi cũng được, chỉ là đừng để vỏ sầu riêng là tôi không có ngồi được thôi. Chứ còn có nhiều người cái ghế phải ra sao họ mới ngồi được. Đó là lý do tại sao bên Thụy Sĩ có những cái ghế giá 1200 đô một cái. Cái ghế đó ngồi sướng thiệt, ngồi bốn đến sáu tiếng không có mệt. Nhưng mà giả sử như mình không có điều kiện để tậu cái ghế đó tính sao đây? Khi mình chìm sâu trong một nhu cầu nào đó thì chính mình trở thành nô lệ cho nhu cầu. Lẽ ra tiện nghi nó phục vụ cho mình thì mình trở thành nô lệ cho tiện nghi. Hai cái khác nhau. Cũng giống như mình nói mình làm chủ chiếc xe nhưng nếu mình nghĩ kỹ thì chiếc xe nó làm chủ mình. Bởi vì chiếc xe nó bị gì mình lo dữ lắm, chứ mình bị gì chiếc xe nó đâu có lo. Có mấy người Phật tử họ mới mua xe, họ nói với tôi "Khổ lắm Sư! Mỗi lần đi chợ, đi siêu thị ra đâu dám lên xe, phải đi một vòng coi nó có trầy không." Trong khi má của mình đi chợ ra mình không có dòm xem má mình có bị trầy xước gì không. Bà già mình mà mình không có nhìn mà lo nhìn chiếc xe. Điều đó có nghĩa là nhiều khi mình nói mình làm chủ nó nhưng thực ra nó làm chủ mình. Chưa hết, có những cái chữ rất là quan trọng mà bà con nghe nhiều mỗi ngày nhưng trong Đạo Phật nó rất là quan trọng. Đó là chữ "Có" và chữ "Của". "Tôi có cái nhà", chữ "có" này nó rất là mơ hồ, trừu tượng. Vì sao? Vì chỉ cần mình tắt thở một cái là chữ "có" đó không còn, đúng không? "Tôi có một cuộc tình". Thì cái chữ "có" đó mình rất hãnh diện nhưng thực ra nó rất mơ hồ. Từ "có" qua "không" cái khoảng cách nó mỏng hơn sợi tóc. Rồi "Cái đó là của tôi". Chữ "của" đó là do mình nghĩ nhiều hơn. Biết dựa vào đâu để gọi là "của"? Chỉ cần có một biến cố, một bất trắc, một trục trặc tí ti thì chữ "có" và chữ "của" đó trở nên vô nghĩa ngay.

Nhiều lần và rất nhiều lần tôi nói, trong đời tôi có hai đối tượng mà tôi nể lắm: Một là người tu hành, bao gồm các bậc hiền thánh nói chung. Cái hạng người thứ hai tôi nể là người có vợ có chồng, tôi nể hơn. Bởi vì họ đã can đảm vô cùng. Họ đã dấn thân vào một cuộc chơi, một ván bài, một canh bạc cực kỳ mạo hiểm. Mình dựa vào cái gì để mình nói mình có nhau, mình giữ nhau, thuộc về nhau. Mình dựa vào cái gì? Mình gồng. Đến một lúc nào đó phải gồng để mà chịu đựng nhau, gồng riết nó quen.

Cái hạnh phúc nhất trên đời này đó là biết Phật pháp và được sống độc thân. Nếu ai hỏi tôi đời sống nào là hạnh phúc thì tôi sẽ nói "hạnh phúc nhất là sống một mình và biết Phật pháp". Tôi nói như vậy không có nghĩa là kêu quý vị sau buổi học này về là ly dị sạch. Không. Sáp vô được thì sáp cho đỡ mùa đông nhưng mà có một điều là tôi ngán lắm. Bởi vì chiếc xe mình ngán mình còn giải quyết được, cái nhà mình ngán mình còn giải quyết được, miếng đất mình ngán cũng giải quyết được, cái đồng hồ, mắt kính, tất cả mình đều giải quyết được. Nhưng mà cái mối hôn nhân nó đâu phải dễ giải quyết.

Những điều nãy giờ tôi nói nó có ý gì? Đức Phật ngài dạy "Con hãy cẩn thận với sáu trần của con. Đời sống của con nó được hạnh phúc hay nó bị đau khổ hoàn toàn do cái cách con nhìn đối với đời sống". Cho nên có câu này quý vị phải ghi: "Trình độ dẫn đến thái độ." Thái độ dẫn đến buồn khổ hay là hạnh phúc. Thái độ đối với đời sống, mà thái độ nó đến từ trình độ. Trình độ là khả năng mình ghi nhận, đón nhận thế giới này ra sao. Điều này rất là quan trọng. Mỹ nó nói rằng "The world is what you see", thế giới này chính là những gì anh thấy. Ngày còn trẻ còn nhỏ tôi biết cái câu đó mà tôi không có thấm bằng khi tôi lớn. Có nghĩa là mình nói rằng cái nhà của mình nó diện tích là bao nhiêu, miếng đất của mình diện tích là bao nhiêu, Houston này diện tích là bao nhiêu, Mỹ diện tích bao nhiêu, rồi Trái đất này diện tích là bao nhiêu. Cái đó là mình tính cho vui thôi chứ thực ra cái rộng hay hẹp của ngôi nhà này nó còn tùy thuộc vào cái tâm cảm của người sống trong ngôi nhà này nữa. Cái người chơi game họ chỉ biết có cái màn hình thôi. Có người thế giới này đối với họ chỉ là căn phòng hoặc căn nhà thôi. Có những người Phật tử mà tôi biết, họ ghen tuông nhiều quá cho nên thế giới này đối với họ chỉ là đối tượng họ đang ghen thôi, tối ngày chỉ biết cái người đó, ăn rồi chỉ muốn biết cái người đó đang ở đâu, đang làm gì, với ai, tối ngày chỉ biết anh chàng đó, khổ vậy đó. Thậm chí ở Houston này người ta có thể bắn nhau vì ghen, chuyện xưa rồi tôi không nhắc lại, họ chấp nhận ở tu mà, miễn là thỏa cái cơn đó thôi. Lúc quý vị đụng chuyện quý vị sẽ nhớ vô cùng cái câu của tôi trưa nay đó là: Thế giới này chính là những gì anh cảm nhận và anh cảm nhận nó ra sao.

Tôi nói tới nói lui hoài: Đời sống này và cái cuộc tu hành nó chỉ gói gọn trong có hai chữ thôi quý vị. Đó là chữ "What" và " chữ "How". Anh sống với cái gì và anh sống ra sao với nó. Cái đó mới lớn chuyện, chứ anh đừng có khoe với tôi anh có nhiều xe. Đối với tôi cái đó vô nghĩa. Anh làm gì với mấy chiếc xe đó? "What" là anh có cái gì, anh đang sống với cái gì, anh đang sở hữu cái gì, đó là "What". Nhưng mà cái "How" mới quan trọng.

Trích bài giảng Sống Chánh Niệm (1)
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép


Thiền Đắc | | Đơn Vị Gốc

Để qua một bên | | Phấn Son

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com