Kham Nhẫn

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Kham Nhẫn

Trích bài giảng Kinh Pháp Cú 77.


Những người hay khuyên dạy, Ngăn người khác làm ác,
Ðược người hiền kính yêu, Bị người ác không thích.
Ovadeyyānusāseyya, asabbhā ca nivāraye;
Satañhi so piyo hoti, asataṃ hoti appiyo.

Mỗi chúng sanh phàm phu cũng giống như một người bịnh vậy. Chúng ta có biết được mình bịnh, biết được nhu cầu thuốc men của mình thì mình mới chịu đi bác sĩ, mới chấp nhận các liệu pháp, các thứ thuốc men cay đắng, mặn chát. Còn nếu như mình có bịnh mà mình không có biết rõ, không ý thức được, không nhận ra được tình trạng căn bịnh của mình, và từ đó mà mình khó chấp nhận hay xử dụng các liệu pháp, phương thức phục dược, nói chi là tìm đến các vị lương y, thầy thuốc.

Thì trong đời sống hay cuộc tu chứng của mỗi người phật tử cũng như vậy. Khi chúng ta không nhận ra được nhu cầu tu học của mình thì chúng ta không thể nào chấp nhận được những lời giáo hóa. Chúng sanh trong đời là vậy thôi. Ở đây Đức Phật cũng đã nói rõ có hai hạng người, tốt (santa) và xấu (asanta). Người xấu là người không nhận ra được tam nghiệp của mình nên không chấp nhận những cái liệu pháp mà người khác họ giúp đỡ cho mình để mình tự chữa trị giải quyết những vấn đề của chính mình. Đó là lý do Đức Phật dạy rằng người ác thì không thể kham được, không thể cam được hay chấp nhận được những lời giáo hóa. Vì họ là một bịnh nhân mà không nhận ra là mình bị bịnh, không nhận ra được những vần đề của bản thân. Còn người thiện thì trong quá trình hoàn chỉnh bản thân thì cái đầu tiên là họ nhận ra được những vấn đề của bản thân họ.

Giống như một câu pháp cú mà chúng ta cũng đã bàn qua rồi: Người ngu mà biết mình ngu thì nhờ vậy là có được trí. Còn người ngu mà tưởng là mình trí thì đó mới thật là kẻ ngu. Chúng ta có thể hiểu câu kệ này qua một hướng khác, tương tự như vậy. Người bịnh mà biết mình bịnh thì nhờ vậy mà có thể có lúc hết bịnh. Còn người bịnh mà cứ ngỡ là mình khỏe thì không cách chi hết bịnh được. Khi mình thấy ra được các vấn đề của bản thân thì mình mới chấp nhận những đóng góp, những giải pháp mà người khác họ đề nghị cho mình. Nếu bản thân mình có vần đề với thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, nhưng mình không nhận ra được những vấn đề đó thì mình không thể nào cam tâm tiếp nhận những giải pháp mà người khác họ đề nghị cho mình.

Câu kệ này thì cũng giống như vô vàn những câu kệ trong kinh điển. Đó là có nhiều khi xét trên mặt chữ nghĩa thì rất là bình thường, chỉ cần liếc mắt qua cũng thấy là chuyện rất là dễ hiểu, ai xem qua cũng thấy cả. Nhưng khi đọc phải có lao tâm, có khổ công thì chúng ta mới nhận ra được tôn ý của Đức Thế Tôn sâu sắc hơn cái nghĩa bình thường nhiều. Câu kệ này không chỉ áp dụng cho đời tu mà còn áp dụng cho cuộc sống thường nhật của mình trong xã hội. Câu kệ này không chỉ dành cho hạng xuất gia mà còn có tác dụng hiệu quả nhất định cho hạng cư sĩ tại gia.

Chúng ta đi chùa thì có thể vì lý do duy nhất là cầu phúc, gầy dựng công đức cho riêng mình. Nhưng có thể một thời pháp, một câu nói nào đó của chư tăng làm cho mình bị sốc. Và từ đó mình không đi chùa nữa. Mình bị sốc mình không tiếp tục nghe pháp nữa. Đó cũng là một cái thiệt thòi cho mình.

Tôi từng biết có một số phật tử vào chương trình này nghe giảng. Rồi trong một lúc nào đó họ nghe chư tăng trả lời những câu thắc mắc mà vô tình nó chạm vào một cái mụn nhọt tự ái, mun nhọt ngã chấp nào đó của họ. Thế là họ không đi nghe pháp nữa. Họ tránh qua một chương trình giảng khác hoặc là lập một trương mục khác. Đó là trường hợp mình bị bịnh mà mình không nhận ra căn bịnh của mình.

Phải nhận rằng có một điều mà chúng ta ít để ý. Đó là khi mình được người khác khen mình không có khả năng kham nhẫn.

Chữ kham nhẫn lâu nay vẫn thường bị nhiều phật tử hiểu một cách rất là chật hẹp. Tức là chỉ hiểu kham nhẫn là sự chịu đựng trước những thử thách cay đắng, nghiệt ngã của cuộc đời, trước những tấn công của cuộc đời vào cái ngã cách của mình. Mình gọi cái khả năng chịu đựng những tấn công cay đằng đó là kham nhẫn. Nhưng thật ra trong kinh điển chữ kham nhẫn nghĩa rất là rộng. Kham nhẫn là sự chịu đựng, sự tăng cường bản năng trước mọi áp lực của phiền não, dầu là tham hay ưu.

Ở đây có sự trùng hợp ngẫu nhiên về ngữ âm rất thú vị và giúp cho mình dễ nhớ. Trong chữ Hán có chữ Kham (堪) và chữ Cam (甘) là sự cam chịu, chịu đựng. Trong tiếng Pali lại có chữ khamati cũng có nghĩa là chịu đựng, kham nhẫn.

Chịu đựng hay dằn lòng trước một cám dỗ là kham nhẫn. Và chịu đựng hay dằn lòng trước một thử thách nghiệt ngã cũng là kham nhẫn.

Khi mình được người khác khen mà mình không có tự chủ, mình để cho lòng mình chìm theo vào đó, đam mê, thích thú, đắm đuối theo đó, quen cái thói tật theo đó thì đến khi mà mình bị người khác họ chê hay họ chửi mình chịu không nổi. Vì mình là một đứa bé baby trong trường đời, quen ăn ngọt, nghiện ăn kẹo, nghiện ăn bánh, không tự chủ trước những bánh kẹo, trước những vị ngọt của trần gian nên khi mình gặp vị đắng mình chịu không nổi. Con nít nó mê kẹo mê bánh nên khi nó bị rơi vào hoàn cảnh phải uống thuốc đắng nó rất lấy làm đau khổ. Người lớn mình thì khác. Trước những cái vị ngọt của bánh kẹo mình có sự tự chủ, có khả năng kềm chế của mình. Thì chính cái khả năng đó vô tình nó trở thành một nguồn tâm lực để mình có thể chịu đựng được trong trường hợp mình phải uống hay ăn cái gì đắng, chát, cay, mặn; như uống thuốc chẳng hạn. Đó là một kinh nghiệm tu chứng rất là quan trọng.

Những cái gì Đức Phật Ngài dạy mà chúng ta chưa có thời giờ, cơ hội hoặc chưa chịu tu học thì mình không thể hiểu được tôn ý của Đức Thế Tôn. Tất cả những lời dạy của Đức Phật đều có dụng ý rất là quan trọng, rất là sâu sắc. Cái chánh niệm tỉnh giác của một hành giả trước mọi cảnh đời ngọt ngào hay cay đắng, như Đức Phật đã dạy qua kinh Tứ Niệm Xứ, có một giá trị tuyệt đối quan trọng. Đó là một khi mình có sự bình tĩnh đối với vị ngọt thì mình cũng sẽ có sự bình tĩnh với vị đắng. Khi người ta khen mình mà mình chịu được thì khi người ta chê mình mình cũng chịu được. Và khi người ta nhắc nhở dạy dỗ mình bằng một phương thức nghiêm khắc mình cũng có thể chịu đựng được. Vì sao? Vì nói theo ngôn ngữ đời thường thì chúng ta đã có được một sự trưởng thành ở trong tâm tưởng, có được sự già dặn trong khả năng chịu đựng cuộc đời. Những cơn bão tố trong cuộc sống luôn được khởi đi từ những cơn gió nhẹ.


Ngộ Mộ Nộ | | Nhật Tụng Kalama

Uống trà Lặt rau | | Ai Bấm Chuông

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com