Ai Bấm Chuông

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Ai Bấm Chuông

Tại sao phải tu Tứ Niệm Xứ? Vì khi anh tu Tứ Niệm Xứ anh thấy cả thế giới này nó có thiên hình vạn trạng mấy đi nữa nó chỉ còn gom lại trong sáu thứ. Đó là những gì thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, biết thôi. Khi anh sống đơn giản, thu gọn thế giới mình lại như vậy, thì tự nhiên nhu cầu của anh đơn giản. Và khi nhu cầu đơn giản thì đòi hỏi sẽ đơn giản. Và khi đòi hỏi đơn giản thì chúng ta không có tàn phá thiên nhiên, không có làm phiền người xung quanh. Cho nên một người sống chánh niệm là một người đang đóng góp rất tích cực cho thế giới.

Khi xưa giờ mình nghĩ tôi là một cá thể, cá nhân không thấm thía gì với cái vũ trụ bao la này. Sai. Tôi hỏi quý vị, trước khi thành Phật ngài có phải là một cá thể nhỏ bé như mình không? Và cái cá thể đó sau bao nhiêu kiếp tu hành đã để lại ảnh hưởng cho vô lượng kiếp vũ trụ đúng không? Như vậy không có cá thể nào là nhỏ, đúng không? Không có cái gì là nhỏ hết. Đức Phật trước khi ngài thành Phật ngài là một cá thể rất là nhỏ bé, vô danh như mình, nhưng sau vô lượng kiếp thì Ngài trở thành một nhân vật có sức ảnh hưởng thiên hạ lớn như vậy. Hôm nay quý vị về quý vị nghe tôi cũng là nhờ Đức Phật. Vì không có lời dạy của Đức Phật chúng ta không có dịp gặp nhau để chia sẻ mấy cái này.

Cho nên pháp môn Tứ Niệm Xứ nó quan trọng vô cùng.

Thứ nhất là Thân Quán Niệm Xứ, là một trong bốn cách để làm chủ sáu căn. Biết rõ từng cái hoạt động của thân mình từ cái nhỏ nhất là hơi thở cho đến cái lớn nhất là đi, đứng, nằm, ngồi, chạy, nhảy đều được ghi nhận đầy đủ. Bây giờ tôi đang ngồi, tôi không có làm gì hết, tôi theo dõi hơi thở, ra biết ra, vào biết vào, đó là bước đầu.

Bây giờ qua bước hai. Thọ Quán Niệm Xứ là biết rõ cảm giác của thân tâm ra sao. Tôi thở ra bằng sự khó chịu tôi biết rõ tôi thở ra bằng sự khó chịu, tôi đang thở ra bằng sự dễ chịu tôi biết rõ tôi đang thở ra bằng sự dễ chịu. Lúc bấy giờ tôi đang kết hợp vừa thân mà vừa thọ.

Qua đến cái thứ ba, Tâm Quán Niệm Xứ. Tôi đang thở ra bằng cái tâm bực mình tôi biết rõ tôi đang thở ra bằng sự bực mình, tôi đang thở vào bằng sự bực mình tôi biết rõ tôi đang thở vào bằng sự bực mình. Tôi đang thở ra bằng sự thích thú tôi biết rõ tôi đang thở ra bằng sự thích thú. Như vậy là qua Tâm Quán Niệm Xứ.

Còn Pháp Quán Niệm Xứ là gì? Là nó gom ba cái kia lại một cách thiện nghệ. Khi tu Tâm Quán Niệm Xứ, tâm sân có mặt thì tôi ghi nhận là tâm sân nhưng khi tôi tu Pháp Quán Niệm Xứ tâm sân xuất hiện tôi phải ghi nhận đây là sân triền cái.

Hay nói cách khác như tôi ví dụ hoài mà bà con hay quên. Bà má đang làm bếp nghe tiếng bấm chuông, kêu thằng nhóc nhỏ nhất chạy ra "Ra coi ai bấm chuông con". Nó mới có bốn tuổi à, lẫm đẫm chạy vô "Má, cái ông nào mập ú, đen xì à." Bà mà nghe vậy sao bả biết ai. Bả mới kêu thằng tám tuổi "Mày ra mày coi ai. Nó nói tao không có hiểu." "Ồ, ông hàng xóm mình đó má". Như vậy câu trả lời của thằng tám tuổi nó rõ hơn thằng kia. Tức là cái đầu của thằng tám tuổi nó phải khá hơn cái thằng kia, nó qua khỏi cái "mập ú, đen xì" mà nó biết là "hàng xóm." Bà mẹ tay bả đang dơ, bả vẫn đứng đó làm bếp, bả thấy thằng lớn đi xuống "Mày ra mày coi ai, hai thằng này nó nói tao không hiểu. Ai vậy?" - "Ông nha sĩ vừa rồi nhổ răng cho má đó." Qúy vị phải đồng ý với tôi, nó phải có kiến thức nó mới biết nha sĩ là gì, nhổ răng là gì. Không phải ai trên đời này cũng biết xài chữ nha sĩ. Ở cái tuổi nào đó với một cái trình độ nhất định nào đó người ta mới biết xài cái chữ "nha sĩ", mới biết xài mấy cái chữ chuyên môn. Trước sau ba anh em, thằng nhóc thì "mập ú, đen xì", thằng lớn hơn thì là "ông hàng xóm", thằng lớn nhất là "ông nha sĩ".

Thì ở đây cũng vậy, Pháp Quán Niệm Xứ chỉ là ghi nhận tất cả nhưng nó ghi nhận chuyên nghiệp hơn. Qúy vị có biết năm triền cái không? Tham, sân, hoài nghi, trạo hối, hôn trầm. Các vị có biết Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo không? Người tu Tâm Quán Niệm Xứ họ chỉ biết mình đang có niệm, đang có định thôi. Nhưng qua Pháp Quán Niệm Xứ họ mới biết đây là chánh niệm, chánh định trong Bát Chánh Đạo.

Tại sao bốn cái này nó quan trọng? Vì nó tạo điều kiện cho quý vị biết rõ mình là ai, và mình đang như thế nào. Cái đó có cần không? Quá cần. Các vị sẽ thấy một điều là mình an lạc hơn khi học giáo lý. Vậy thì tại sao mình không học sớm hơn?

Trích bài giảng Sống Chánh Niệm (1)
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép


Người Học Trò Hiểu Thầy | | Sợi Tóc Chẻ Bảy

Kham Nhẫn | | Chừng Nào Đắc Đạo?

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com