Chuột Trắng Chuột Đen

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Chuột Trắng Chuột Đen

Khi học về giáo lý mười hai duyên khởi là cùng lúc chúng ta học về nghiệp báo lẫn tái sinh. Nghiệp báo là sao mà tái sinh là sao?

Tất cả chúng sinh từ phạm thiên, đế thích xuống tới con trùng, con dế đều có điểm giống nhau là sống bằng sáu căn. Và sáu căn nó tồn tại là bằng cách tiếp xúc với sáu trần. Cái này không ghi lại không có được.

Thế giới này được gọi là ảo là bởi vì hai lẽ: Thứ nhứt, nó không có cái gì mà gọi là nam nữ, người tốt kẻ xấu. Không có cái gì mà gọi là núi non, kênh rạch, đất đá. Không có. Mà tất cả chỉ gồm có sáu thứ cộng lại thôi. Đó là: đất, nước, lửa, gió, là bốn, cộng với hư không và thức, là sáu. Là lục đại. Mình học có tứ đại thôi, mà thật ra nó là lục đại. Cho nên đất nước lửa gió, hư không và thức là sáu. Và sáu cái này nó cộng lại làm ra cái gọi là chúng sinh, làm ra cái gọi là vũ trụ. Ảo là ảo vậy đó. Nó là đồ ráp. Thế giới này được tạo ra bằng lục đại. Và ngoài lục đại thì không có cái gì là ông A bà B, con mèo con chó, con giun con dế. Không có. Và chính lục đại đó nó làm nên 12 thứ sau đây: là sáu căn và sáu trần. Vậy thì lẽ thứ nhất: Bản chất thế giới chỉ là lục đại cộng lại tạo ra sáu căn và sáu trần.

Tôi biết tôi nói này nhiều người rất là sốc nhưng mà không nói không được. Sáu trần chỉ được gọi là sáu trần khi nó được sáu căn biết. Và sáu căn chỉ được gọi là sáu căn khi nó biết là sáu trần. Có nghĩa là giả bên ngoài mà bên trong cũng giả luôn. Là sao? Tức là sáu căn sáu trần nó chỉ là lục đại thôi: đất nước lửa gió hư không và thức. Nó đã là đồ giả rồi mà cái giả thứ hai là lục căn chỉ được gọi là lục căn khi nó có biết sáu trần. Mà sáu trần được gọi là sáu trần khi nó là đối tượng của sáu căn.

Tôi chứng minh: Tôi hỏi các vị vậy chứ, cái (cây dùi chuông) này nó là trần nào trong sáu trần, sắc thinh khí vị xúc, nó là trần nào? Nó là cả sáu trần. Mình có thể thấy nó hay không? Có thể biết bằng lỗ tai không? Có thể ngửi hay không? Rồi mình có le lưỡi mình liếm, sờ chạm nó được không? Rồi mình liệng nó qua một bên mình nghĩ về nó có được không? Như vậy nó là sáu trần đúng không? Và khi mà mình nằm trong phòng mình ngủ, nó nằm ngoài này thì lúc đó đối với mình nó có là sáu trần không? Có. Rồi bây giờ mình nằm mình ngủ trong phòng thì nó không còn là trần nào hết. Tức là tôi để nó đây, tôi vô trong phòng tôi ngủ thì lúc bây giờ đối với tôi nó không là cái trần nào hết. Nó là cái trần của người khác, của cái người nào đang biết nó. Ví dụ như con kiến nó đang bò lên đây, thì đối với con kiến nó là bờ đê vì nó to lắm. Nhưng nếu có người nào đó đang dùng nó để đánh chuông thì nó là cái dùi chuông. Mà trong khi mới lúc nãy tôi mới nói nó là sáu trần của tui, mà giờ tui vô nằm tui ngủ hoặc tui thức mà tui làm chuyện khác tui không còn biết về nó thì nó trở thành trần của ai đang biết về nó. Có hiểu không?

Như vậy, sáu trần chỉ được gọi là sáu trần khi nó là đối tượng của sáu căn. Và ngược lại, sáu căn cũng chỉ được gọi là sáu căn khi nó nhận biết được sáu trần. Nếu bà con không tin, các vị lại nhà quàn Vĩnh Phước mà coi. Thì cũng mắt tai mũi lưỡi đó mà còn là căn hay không? Bởi vì lúc đó không còn khả năng nhận biết sáu trần nữa. Mà nếu lúc đó đưa vô hòm nó nằm mà nó vẫn mở mắt nó nháy thì ... Hiểu không? Cho nên sáu trần chỉ được gọi là sáu trần khi nó là đối tượng của sáu căn và sáu căn chỉ được gọi là sáu căn khi nó biết sáu trần. Rồi, vậy là ôn được rồi đó. Thì như vậy, tôi nhắc lại, cả thế giới này chỉ là con số mười hai đó thôi.

Còn sanh tử là gì? Sanh tử có nghĩa là do vô minh trong bốn đế không biết được rằng: sáu căn sáu trần là của nợ, là gánh nặng, là khổ. Mà mình cứ thấy cái trần nào khó chịu mình giải quyết bằng cách đi tìm trần khác. Chính vì mình giải quyết cái khổ như vậy mà không thể thoát khổ, giống như khát nước mà đi uống nước muối vậy đó. Còn có người bất mãn cuộc hôn nhân là ly dị lấy thằng khác. Cũng thế thôi. Người ta nói đàn ông là lần đầu mà lấy vợ đó là mạo hiểm. Lấy được vợ mà không ly dị là nghị lực. Mà ly dị được vợ là sáng suốt. Mà ly dị rồi mà lấy lại lần nữa là u mê. Tui biết tui nói các vị nhiều người tự ái. Mà nói thiệt là ở trong chăn mới biết chăn có rận. Nó khổ kinh dị lắm.

Cho nên, cái chuyện đầu tiên là do vô minh trong bốn đế không biết sáu căn sáu trần là khổ nên người ta đã trốn khổ tìm vui bằng cách là hoạt động thiện hoặc là ác. Có người trốn khổ tìm vui bằng sát sanh, săn bắn, câu cá, bài bạc, shopping, nấu ăn tùm lum hết. Đó là cách trốn khổ tìm vui. Cách thứ hai là người ta trốn khổ tìm vui là đi vào chùa ngồi thiền nghe pháp tụng kinh để kiếp sau khá hơn. Nhưng họ không biết rằng, kiếp sau có khá hơn thì cũng là một cách quay lại con đường cũ. Vì trong kinh nói: Cảnh giới nào cũng chỉ là những con đường trong khu rừng. Và những ai đã từng đi rừng, đi park thì biết. Chỗ có gai và chỗ không có gai cách nhau có một mét thôi. Nghe kịp không? Các vị có dám nói với tôi là các vị đang trong một con đường mòn trong rừng các vị an toàn hơn cái đứa trong bụi hay không? Khi màn đêm phủ xuống, con cọp nó đâu có thèm biết trong đường mòn hay trong bụi, nó nghe cái mùi thịt là nó tới thôi. Con rắn nó cắn mọi người, nó đâu chỉ cắn người trong bụi mà nó tha người đi trên đường đúng không? Trong rừng mà. Đúng không?

Cho nên trong kinh nói: Cảnh giới nào thì cũng chỉ là những nơi chốn ẩn nấp trong một khu rừng hoang mà thôi. Mà khi màn đêm nó phủ xuống thì không có nơi nào trong khu rừng là an toàn hết. Chẳng qua là mình thấy mình thấy chỗ mình là gò đất hơi cao cao, còn cái bà này bà ở nơi chỗ sình thì mình thấy mình hơn bả. Nhưng màn đêm phủ xuống thì gò cao hay bãi sình thì hình như cũng như nhau. Chính vì cái chuyện vô rừng cho nên nó có cái chữ nibbana, nghĩa là ra khỏi rừng.

Chữ nibbana có nhiều nghĩa lắm. Nghĩa một của chữ nibbana là ra khỏi rừng. Nghĩa hai là sự chữa lành vết thương. Nghĩa ba là sự tháo gỡ những gì đã được đan dệt. Bởi vì thế giới này sự tồn tại của những chúng sinh chỉ là sự cộng ghép của những gì được đan dệt. Có đúng vậy không?

Cuộc đời của quý vị chỉ là sự đan dệt của bốn thứ : Thiện – Ác – Buồn – Vui. Niềm vui của đời này là quả lành của việc thiện đời trước. Nỗi khổ đời này, buồn khổ đời này là quả xấu của những việc ác đời trước. Cái ác đời này là nhân của khổ đời sau. Cái thiện đời này là nhân của vui sướng đời sau. Như vậy cả quý vị trong một đời một tháng một năm một tuần một giờ và trong từng phút các vị sống với hai thứ nhân – quả, thiện – ác. Thiện ác buồn vui nó cứ đan xen lẫn nhau. Chính nó đan xen như vậy, chúng ta cứ luẩn quẩn, chúng ta ra không có được. Chính vì vậy, Niết bàn là Nibbana là sự tháo gỡ những cái gì được đan dệt. Mình không có tiếp tục đan nữa, mình chỉ tháo bung bung nó ra. Ai đó từng nhìn thấy một cái cuộn chỉ rối mới thấy. Mình nhìn cái rối mình mệt rồi. Cái gì được tháo gỡ mình thấy khỏe. Khi tui thấy ai mà dẹp cái bụi rậm, tui nhìn cái bụi rậm được dẹp tui thích lắm. Tui nhìn cái cuộn chỉ mà rối là tui mệt lắm. Cho nên niết bàn là tháo dỡ cái gì đan dệt, rối rắm. Thứ hai, Niết Bàn là sự chữa lành vết thương. Thứ ba, Niết Bàn là sự ra khỏi rừng. Nibbana là ra khỏi rừng.

Và vì mình không hiểu rằng mình đang có mặt trong một khu rừng hoang, mình không hiểu rằng mình đang bị rất là nhiều thương tích, mình không hiểu rằng mình là một cái gì đó rất là rối rắm, nên mình mới bắt đầu có cái sự đầu tư hết cái này tới cái khác. Tôi nói rất là nhiều lần, nếu bà con biết rằng bà con đang bị kẻ thù truy sát, bà con đang bị nhà nước, pháp luật truy nã, bà con biết rằng bà con đang bị một chứng nan y thời kỳ cuối, bà con biết rằng bà con đang bị chủ nợ kiếm tìm, nếu mà mình biết rằng mình đang bị ở trong một trong những hoàn cảnh ấy thì tôi nghĩ rằng là bà con không có cái hứng thú đi shopping nữa. Có đúng không? Như vậy tại sao mình vẫn có cái gan đi shoppin ? Bởi vì mình nghĩ là mình ok. Hiểu không? Tại sao mình yêu đời được? Bởi vì là mình không ngờ rằng mình đang bị rất nhiều chủ nợ rượt mà mình không biết. Có biết chủ nợ đó là ai không? Tuổi già, cái bệnh, cái chết, sự sa đọa. Mà đó toàn là những chủ nợ thú dữ. Khi mình lọt lòng mẹ thì trong hình hài một đứa bé nó đã ẩn tàng trong đó một cái tuổi già hom hem gầy yếu, nó đã ẩn tàng trong đó những chiếc băng ca của bệnh viện, những dao mổ, những ngọn đèn không hắt bóng, phòng mổ đó. Trong hình hài một đứa bè nó đã ẩn tàng những thứ đó mà mình không biết. Các vị tưởng tượng là giờ mình còn duyên gặp nhau ở đây, chứ mình không biết là nay mai ai sẽ là người được nằm trên một cái giường trên cái bánh xe được y tá đẩy vào. Rồi trước khi vào, nếu mình chưa hôn mê, mình nhìn lại mình thấy người thân họ đứng bên ngoài cửa họ vẫy tay, họ đâu có theo mình được. Nếu may mắn còn trở ra mà không may mắn thì đi thẳng ra Vĩnh Phước kiếm bà Kim chủ nhà quàn.

Tôi biết bà chủ kia có con chó. Bả cưng lắm. Nó chết. Bả bỏ ra cả ngàn đô làm cái bia: "Nơi đây đời đời an nghỉ con chó dấu yêu của trẫm." Chắc có lẽ bây giờ vẫn còn đó. Cái bia nó nằm ở trước nhà quàn. Tui còn nhớ nó. Hồi đó bên đây tui đi đám ma hoài. Hỏi: Tụng kinh chi thầy? Kiếm tiền đổ xăng. Hỏi: Mua xăng chi thầy. Để đi đám ma. Đi đám ma để chi? Kiếm tiền đổ xăng. Mà đổ xăng chi? Kiếm tiền đi đám ma. Bởi vì sao ? Bởi vì "hai con một hột". Bả nghe bả nhớ cái chuyện đó. có ai biết chuyện đó không ? Ở đây có người mới tới họ không biết. Tức là, đời sống của mình là một cái hành trình của con kiến nó tha cái gạo thôi. Cứ hai con một hột hai con một hột. Sáng ra đi làm, đi làm có tiền bỏ vô nhà băng, bỏ vô nhà băng để có tiền đi làm, đi làm có tiền bỏ vô nhà băng, tiền nó vô nhà băng thì lấy cái tiền nhà băng đó đi mua gạo, mua gạo ăn, ăn để đi làm, đi làm rồi bỏ tiền nhà băng. Tiền vô nhà băng rồi từ nhà băng lấy tiền mua gạo ăn rồi đi làm lấy tiền bỏ nhà băng mà nó cứ như vậy vòng vòng cứ vậy: "hai con một hột, hai con một hột". Lâu lâu nó có chen vô một vài cái giọt mật thì gọi là hạnh phúc.

Trong kinh kể hình ảnh nghe khiếp lắm. Có anh kia ảnh đang ngủ trong một cái căn nhà thì nghe tiếng đập cửa. Ảnh liếc ra ảnh thấy những kẻ thù lâu năm của ảnh đã tìm tới nơi ảnh nấp, cho nên anh tông cửa bỏ chạy. Khi đang chạy thì anh lọt xuống một cái giếng cạn. Ảnh lọt xuống ảnh sợ lắm. Khi lọt xuống thì phản xạ ảnh chụp được gì ảnh chụp. Thì ảnh chụp được cái rễ cây. Kẻ thù đang rượt ở trên. Anh đang đu toòng teng trên cái rễ cây mà dưới chân anh là nguyên một bầy rắn độc. Mà cái rễ cây mà anh đang đu là nó có hai con chuột, một con chuột trắng, một con chuột đen nó cạp cái rễ cây đó. Mà con chuột nó cạp đứt thì ảnh lọt xuống ổ rắn. Mà giờ ảnh sợ ảnh leo trở lên thì kẻ thù đang chờ ở trên. Lúc mà ảnh đang tiến thoái lưỡng nan tự nhiên có một cái tổ ong ở trên nó bị vỡ có vài cái giọt mật nó nhiễu xuống. Ảnh nếm thì thấy mật ngọt thiệt. Hiểu không?

Câu chuyện đó là câu chuyện ví dụ. Trong kinh nói chúng ta bị cái già, cái bệnh, cái chết nó rượt đuổi. Và cái sợi dây đu toòng teng tượng trưng cho cái hơi thở mà chúng ta còn sống. Mà hai con chuột tượng trưng cho ngày đêm đang gặm nhấm mạng sống của mình. Dưới chân mình bầy rắn đó tượng trưng cho tứ đại đang trong tình trạng xáo trộn. Mình sẵn sàng bệnh mà. Trên đầu mình là bao nhiêu thứ cái tai nạn, tai ương, già, bệnh, chết. Cái sợi dây mình đu hơi thở là mạng sống mà trong khi hai con chuột ngày và đêm nó đang gặm cái mạng sống. Mật ngọt là những cái vị ngọt lâu lâu mới có một lần : shopping, du lịch, gặp người thân, thăm người nam, nhổ tóc sâu, lâu lâu nó lọt thấy đã. Mà chỉ vì mấy giọt mật đó mà quên bầy rắn dưới chân. Quên hai con chuột đang cạp cái dây. Quên một lũ cầm mã tấu đang trên đầu. Câu chuyện rất là khiếp. Tức là mình chỉ vì vài giọt mật mà mình quên sạch nguyên bầy rắn, hai con chuột và một đám kẻ thù. Hai con chuột đó là ngày và đêm nó đang gặm gặm gặm tuổi đời của mình. Nếu mà thấy các vị mới khiếp.

Các vị biết hình trôn ốc không ? Nếu bây giờ mình có cái hình trôn ốc thật là lớn. Cái băng chuyền của phi trường mà nó chuyển hàng hóa đó. Nếu bây giờ mà có cái băng chuyền hình dạng trôn ốc thiệt là lớn trên cái băng chuyền để cái quan tài để tên mình là mình từng phút mình mới lúc đó mình mới khiếp. Chiều dài đó tới đây 8000 cây số, mỗi phút nó di chuyển khoảng chừng 1 feet mà 8000km thôi cho 8000 miles đi. Mỗi phút nó di chuyển được 1 feet thì lúc đó mình mới thấy nó di chuyển rất nhanh. 8000 miles là xa lắm. Mình biết là nó lên tới nơi là mình tắt thở rồi. Là mình chán chứ không có cái gì hết. Tức là 8000 miles mà một chiếc xe di chuyển mà một giờ đi 1 feet thì quá chậm đúng không? Nhưng nếu là cái quan tài của mình thì quý vị thấy là nó đi rất là nhanh. Và lúc đó quý vị thấy 8000 miles hình như không có dài lắm, không có lâu lắm. Nó bò từ từ từng chút.

Trích bài giảng 24 Duyên Hệ
Kalama xin tri ân bạn vuihtv ghi chép


Kính Hội Tụ | | Giải Thoát

Đạo Phật | | Con Đường Giải Thoát

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com