Con Đường Giải Thoát

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Con Đường Giải Thoát


Video trích từ bài Giáo Lý Duyên Khởi
giảng tại Houston ngày 03/10/2019.

Con đường giải thoát có nhiểu cách giải thích: Mình nói Bát Chánh Đạo là con đường giải thoát cũng đúng. Mà nói gọn Bát Chánh Đạo trong Tam học là Giới Định Tuệ cũng đúng. Nói gọn con đường giải thoát là 37 pháp bồ đề (Thất giác chi, Bát Chánh Đạo, Ngũ quyền, Ngũ lực, Tứ như ý túc, Tứ chánh cần, Tứ Niệm Xứ) thì cũng đúng. Nhưng cách nói phổ biến nhất là Bát Chánh Đạo. Vì sao? Là vì thông quá Bát Chánh Đạo mình thấy rõ cái Tam Học trong đó. Chánh kiến, chánh tư duy là Tuệ học. Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thuộc về Giới học. Và còn lại là Định học. Hai nữa, nhìn vô con số tám của Bát chánh đạo thì mình thấy được trong đó gồm có thân, khẩu, ý. Chánh ngữ là về khẩu, chánh nghiệp là về thân và phần còn lại là về ý. Đó là một cách phân tích rất là nổi tiếng.

Và vì vậy cho nên đây là cách đối với con đường giải thoát, con số tám là cách nói nổi tiếng và phổ biến nhất. Tại sao tôi bắt đầu bài giảng chiều nay bằng cái chủ đề đó? Là bởi vì tôi muốn nhấn mạnh một điều là: Vì sao chúng ta phải học giáo lý duyên khởi? Là bởi vì nói về Bát chánh đạo là phải nói tới cái kiến đầu tiên. Bà con học về Bát chánh đạo chưa? Phật tử nhiều khi nói về Bát chánh đạo mà cứ lơ mơ lơ mơ.

Chánh kiến gồm có hai. Đó là: Một là thấy rằng mọi sự ở đời do duyên là có. Hai là có rồi phải mất. Như vậy, Chánh kiến gồm có hai, một là chánh kiến về nhân quả và hai là chánh kiến về tam tướng. Thấy được hai cái đó thì gọi là có chánh kiến. Chứ còn quý vị nói Chánh kiến có nghĩa là "tui tin Phật." Nói "tôi tin Pháp Phật" là hay nhất. Tui tin Pháp Phật là con đường giải thoát. Nói chung chung thì vậy nhưng cái rốt ráo là tin và thấy vào hai chuyện.

Thứ nhứt là thấy rằng: Mọi sự trên đời do duyên mà có. Khi các điều kiện mà nó hội đủ thì các pháp nó có mặt.

Khi tôi đưa bà con hộp quẹt thì nó có lửa trong đó không? Không có. Vậy một lát nữa tôi bật lửa thì tôi làm gì mà có lửa với cái hột quẹt đây? Khi các duyên hội đủ thì mới có lửa. Đó là: cái viên đá lửa, cái bánh xe, ga hoặc xăng, nếu là xăng hoặc dầu thì trong đó nó cần bông gòn, nó có cái tim; mà nó có ga thì nó cần cái van ga thôi. Đại khái mình nói sơ sơ là có ga, có xăng, có bánh xe, có viên đá lửa. Đó là nói nhẹ đó. Có bốn cái đó nó mới có lửa. Còn nếu cái bánh xe nó không mài vô viên đá thì không có xẹt được mà nó không có xẹt thì nó không có gì bén được xăng hoặc là ga. Cho nên việc đầu tiên phải thấy rằng mọi thứ do duyên mà có. Tức là, nếu thiếu duyên thì không có gì hết mà duyên có đủ thì mọi thứ có.

Tiếng đàn không có trên ngón tay, tiếng đàn không có trên sợi dây. Nhưng khi ngón tay sợi dây chạm vào nhau thì nó mới bật lên tiếng đàn. Khi ngón tay rời khỏi sợi dây thì tiếng đàn ở đâu? Thấy không? Nếu chỉ có ngón tay và chỉ có sợi dây mà mình không có ý khảy đàn. Là cũng không ra tiếng. Và con nít chạm vào đàn nó khác người lớn chạm vào. Đúng không? Một đứa con nít nó chạm vào thì nó không có ra gì hết chỉ có nghe “tưng tưng tưng” thôi. Nhưng người lớn chạm vào thì nào Pasodobe, Chachacha, Tango, Bolero tùm lum hết. Trong khi đứa con nít nó chạm vào không ra cái gì hết. Cho nên mình thấy để có tiếng đàn cho mình nghe là quá trời duyên luôn. Mấy ngón tay của Từ Công Phụng, Vũ Thành An với ngón tay mấy cha bán vé số bắc Mỹ Thuận nó khác. Cho nên tiếng đàn không có trên ngón tay, cũng không có trong sợi dây đàn. Nhưng khi cộng sợi dây đàn với ngón tay, cộng với ý muốn chơi đàn, cộng với kiến thức nhạc lý, kiến thức cầm phổ với tất cả những nhân duyên ấy ta mới có tiếng đàn. Nếu thiếu đi một trong những điều kiện này thì ta không có tiếng đàn để nghe.

Cho nên cái đầu tiên: Chánh Kiến của Đạo Phật là gì? Cái đầu tiên là phải thấy: Mọi sự do duyên mà có. Mà cái đó không chỉ đơn giản như vậy. Nó còn phải xa thêm mức nữa.

Khi mà anh hiểu mọi thứ do duyên mà có thì anh trừ được đoạn kiến. Bởi vì đoạn kiến gồm có ba:

Một là vô nhân kiến - cho rằng mọi thứ ngẫu nhiên mà có. Đó gọi là vô nhân kiến.

Hai là vô hành kiến - cho rằng không có thiện ác gì hết. Thích thì cứ làm thoải mái. Thích thì chiều. Thiều thì chích chứ không có thiện ác gì ở đây hết. Đó là vô hành kiến.

Ba là vô hữu kiến - là cái gì mình không thấy được, mình không chứng minh được thì không có thật. Suy nghĩ vậy đúng hay sai?

Bởi vì, nếu lý luận như vậy thì máy bay không có thật. Bởi vì tôi không có cách nào mà chứng minh được một cục sắt mà bay được. Thế là tôi phán một cái xanh lè là: Máy bay không có thật. Bởi vì là Trẫm không thể nào, với trình độ lớp ba của Trẫm, Trẫm không thể nào Trẫm hiểu được cái nguyên tắc vật lý để điều động một khối vật chất mấy chục tấn mà nhấc khỏi mặt đất. Trẫm không chứng minh được điều đó. Mà khi Trẫm không chứng minh được thì điều đó không có thật. Đúng không?

Nhắc lại, đoạn kiến là gì? Đoạn kiến là gồm có ba: vô nhân kiến cho rằng mọi thứ ngẫu nhiên mà có, vô hành kiến cho rằng không có thiện ác gì hết, và vô hữu kiến, cái gì tôi không chứng minh được, tôi không hiểu được, tôi không thấy được, thì tôi tin là cái đó không có. Ba cái này cộng lại được gọi là đoạn kiến.

Còn thường kiến là sao? Thường kiến cũng có ba:

Một là tin vào sự hiện hữu của một cái tôi, có một cái linh hồn đi từ đời này sang kiếp khác. Một cái tôi của Bà A, một cái tôi của Bà B, Bà C, Bà E, có một cái tôi, một linh hồn đi từ nơi này sang nơi khác. Lẽ ra mình phải hiểu là không có cái gì gọi là Marxist, là Socialise. Mà tất cả là sự cộng ghép, cộng hưởng, cộng sinh, cộng tác nó mới có. Thí dụ như : được gọi là Ông A bà B là nó do sáu thứ cộng lại là: đất nước lửa gió hư không và thức. Mà đằng này mình lại không biết cái đó. Mình cho rằng là có một cái tôi nào đó nó hiện hữu từ đời này sang đời khác. Đó là cái thường kiến thứ nhất.

Thường kiến thứ hai là tin vào sự hiện hữu của một đấng chí tôn quyết định, an bài, sáng tạo ra muôn loài. Ví dụ như : Chúa Trời, Thánh Alla, Thượng Đế, Ngọc Hoàng thượng đế gì gì đó. Tức là sự hiện hữu của một đấng chí tôn an bài, sắp đặt mọi thứ.

Thường kiến thứ ba là tin vào sự hiện hữu tồn tại một cảnh giới vĩnh hằng bất tử. đời đời bất diệt.

Tin vào ba cái này nè được gọi là thường kiến.

Mà Thường với Đoạn cộng lại là Tà Kiến. Và Tà Kiến đi ngược lại với Chánh Kiến. Mà Chánh Kiến được định nghĩa như trên rất đơn giản: Một là cái thấy về lý Nhân Quả. Hai là cái thấy về lý Tam Tướng.

Thấy lý Nhân Quả là sao? Là thấy rằng: mọi thứ do duyên mà có. Khi duyên hội đủ thì mọi thứ mới có. Nếu mình chết rồi mà duyên luân hồi nó chưa hết thì tiếp tục đi nữa. Còn đằng này cái anh đoạn kiến ảnh nghĩ là khi ảnh thấy chết rồi là hết, ảnh không xét thêm nữa. Còn anh Chánh kiến thì ảnh thấy rằng dầu tắt thở nhưng cái nhân duyên mà tái sinh nó còn đó thì nó vẫn chưa có dứt.

Như các vị thấy, tôi hay ví dụ có những loại cây mình chặt ngang nó chết luôn. Có những loại cây mình chặt ngang nó nằm xuống đất nó tiếp tục mọc nhánh thêm nữa. Ví dụ như cây dừa, cây cau mình chặt ngang là nó đi luôn. Nhưng mà cái cây gòn, mình chặt ngang nó nằm xuống đất, nó lại mọc nữa. Và có những loại cây rất là lạ. Nó phát triển như thế này nó mới mọc rễ, rễ bò lên đất, rồi cái rễ đó lại ra cây mới. Nhiều lắm. Nhiều cây quái đản lắm.

Cho nên hễ nhân duyên còn thì mọi thứ tiếp tục hiện hữu. Duyên hết thì mọi thứ hết.

Khi mình hiểu mọi thứ do duyên mà có thì mình trừ được cái đoạn kiến.

Rồi cái thứ hai, khi mình hiểu những gì đã có phải mất đi, thì mình trừ được cái thường kiến.

Sẵn ở đây tôi cũng nói luôn. Ai đó mà tin rằng có một đấng chí tôn thì bản thân cái niềm tin đó là một sự u mê. Vì sao ? Vì Chính Đức Phật đã xác nhận: "Này các tỳ kheo, nếu một đấng chí tôn sáng tạo ra muôn loài thì ta nói rằng đấng chí tôn đó là một con người rất tàn nhẫn vì đã tạo ra một thế giới vui ít buồn nhiều, tràn đầy máu lệ." Nếu Đức Chúa Trời tạo ra mọi thứ thì tại sao mà Đức Chúa Trời lại tạo ra tám mươi phần trăm thế giới là máu lệ không vậy? Chúa tạo chi mà Hít-le rồi Mao Trạch Đông, chi vậy ? Nếu Chúa tạo vậy để Chúa thử thách loài người thì sản phẩm của Chúa bị lỗi. Hiểu không ? Sản phẩm của Chúa bị lỗi.

Như ông Henry Ford, ổng chết, ổng lên gặp Chúa ổng nói: "Sản phẩm của tui nó vẫn là ưu việt hơn sản phẩm của Chúa. Chúa tạo ra đàn bà nó nhiều cái trục trặc quá đi."

Chúa nói: "Ta biết ta sai nhưng mà hầu hết đàn ông đều xài đồ của ta."

"Tui bị khổ tâm sản phẩm của Chúa. Chứ cái xe hơi tui không có khổ tâm bằng."

Thầy chùa không có tóc cũng khổ tâm vì sản phẩm của chúa nhiều lắm. Chiều nay tôi có hẹn với sản phẩm của chúa lúc 5 giờ nè. Mà hẹn gặp tui, mà hẹn như thế này: “Con tìm được đường thì con tới. Mà không được đường thì sư đi uber tới gặp con”. Hồi nãy tôi nằm ngủ mà tôi nhớ tới mà tui tức. Bà làm như mỗi lần bả gặp tôi như bả xức thuốc rửa tội hay ban gì cho tôi. Bả gặp mình mà bả hẹn thấy ghét vậy đó. Nếu mà tình đầu, hay là tình cuối là chia tay: “Em đến gặp anh đêm ba mươi mà em đến không được anh đi uber!” Okay. Tôi nói chuyện mà tức quá đi. Hẹn đi uber mà địa điểm thì không có. Lạ thiệt. Đúng là dân Bắc Tông, vì Bắc Tông có cái câu “ưng vô sở trụ”, hẹn không có chỗ mới ra cái tùy duyên. Quá kỳ.

Khi mà mình tin có một đấng chí tôn tạo ra muôn loài là mình đã vô minh. Là vì sao? Vì Cái Đấng đó quá ác đi. Tạo ra thế giới mà nó quá nhiều vấn đề. Còn nếu mình cho rằng mọi thứ ngẫu nhiên mà có thì lại là một cái vô minh nữa. Bởi vì chúng ta còn nhớ: Nguyên tắc của trí tuệ là gì? Là cái gì cũng phải suy lý. Đúng không? Ta muốn phủ nhận cái gì thì ta cũng phải tìm lý do, mà ta muốn tin cái gì ta cũng phải tìm lý do. Mà tôi bảo đảm, tôi đoan chắc bà con, những ai nói họ không tin cái này không tin cái kia là bởi vì họ không tìm ra lý do để chứng minh nó có. Và cho tới bây giờ họ vẫn đang hì hục chưa tìm ra lý do để chứng minh nó không có. Nghe hiểu không? Cho nên nói là mọi thứ do ngẫu nhiên mà có bản thân nó là vô lý. Bởi vì mình tìm trong trời đất có cái gì trong cái thấy của mình là không có lý do xuất hiện không? Không có. Nó có đủ điều kiện là nó ra. Kể cả những chuyện mình nói là vô lý nhất thì bản thân cái vô lý ấy cũng là điều kiện để nó có mặt. Chẳng qua là mình không thấy được cái điều kiện của nó mà thôi.

Trích bài giảng Giáo lý Duyên Khởi
Kalama xin tri ân bạn vuihtv ghi chép


Phục Vụ Quý Sư | | Tam Tướng

Chuột Trắng Chuột Đen | | Ngồi Lâu

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com