sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com | ||||
| ||||
Ngồi LâuTrong kinh kể thời Đức Phật có vị tỳ kheo đó đến nhập hạ ở một ngôi làng xa. Ổng đi bát người ta cho cái gì ăn cái nấy. Lâu dần ổng cũng thiếu chất vì đi bát thì có món ngon vật lạ mà vật lạ nhiều hơn món ngon. Ban đêm khi ngồi thiền, tự nhiên ổng thèm đậu bắp luộc chấm xì dầu pha với ớt hiểm. Tự nhiên ổng nghĩ vậy thôi, không biết có phóng tâm không, ổng tập trung vô, ổng không nghĩ chuyện khác, ổng hành thiền. Sáng hôm sau ổng đi bát ổng được nguyên một dĩa đậu bắp có xì dầu có ớt đàng hoàng. Ổng nghĩ đây là ngẫu nhiên. Hai, ba ngày sau ổng tinh tấn thiền định ban đêm vậy nữa, thì ổng lại thèm bánh xèo. Sáng hôm sau ổng gặp hai cái bánh xèo giòn rụm mà cái bà để bát bả canh ổng tới để bả đổ cho nó giòn. Trong kinh kể cái món khác mà tôi phải lựa cái món nào kể cho dễ hiểu, chứ Ấn Độ có cà ri không thôi. Một buổi nữa ổng lại thèm ăn ổi xá lị chấm muối ớt, xoài sống mắm đường. Thèm cái gì thì đi bát gặp y chóc món đó. Bây giờ ổng không còn tin đây là ngẫu nhiên nữa và bắt đầu ổng sợ "Chết rồi, cái này là tối mình nhớ cô Ba, cô Tám là bả biết hết". Bây giờ nó không còn khoái mà nó chuyển qua nó quê. (Các vị có biết là tôi đang cầu nguyện từng ngày cái đám ở đây đừng ai biết trong bụng tôi đang nghĩ gì các vị có biết không? Cái đám này mà biết tôi đang nghĩ gì là tôi trốn lớp học này luôn. Mà may mắn họ không biết cho nên tôi tiếp tục trườn cái mặt ra đây.) Rồi thì ổng khó chịu quá. Cuối cùng ổng thấy không xong. Từ nhột nó qua nhục. Cái người duy nhất để ổng chạy về gõ cửa đó là Đức Phật. Đức Phật ngài hỏi "Con tu có an lạc không?" - "Dạ, quá sức an lạc, an lạc quá luôn. Tức là người ta tu chỉ mong được hộ trì còn con được hộ trì quá lố luôn. Nghĩa là con muốn cái gì con có cái đó. Bây giờ con nhục quá không có tu được nữa. Con phải đi kiếm chỗ khác. Cái bà này đường tơ, kẽ tóc nào trong bụng con bả cũng biết, bả đi guốc trong đó làm sao con tu?" Đức Phật ngài nói "Không. Đây chính là cơ hội. Đây chính là cơ hội bằng vàng. Con phải quay trở lại đó". Lần này ổng không còn dám món này món kia nữa, xếp chân vô là chỉ thở ra, thở vào, thở ra, thở vào, không dám nhúc nhích. Khi mà ổng rốt ráo như vậy thì ổng đắc thần thông. Ổng đắc thần thông thì ổng mới quán coi cái bà này là gì mà sao tốt dữ vậy. Ổng thấy bả cách đây hai kiếp bả là một người mẹ hiền, một người mẹ hy sinh mạng sống cho ổng, nhường cho ổng từng chén cơm, từng ngụm nước. Ổng xúc động "Đúng rồi, mẹ hiền gặp vậy là lo đúng rồi". Ổng tiếp tục ổng quán thêm thì thấy bả là người vợ hiền của ổng. Đọc câu chuyện này quý vị mới thấy cái người đàn bà nào mình thương rất có thể đã là mẹ, là vợ, là em gái của mình mà theo vòng luân hồi mình không có nhớ. Chứ mình biết cái người đàn bà mình đang yêu, kiếp trước mình bú mớm là mình cũng oải phải không? Tại vòng luân hồi, cái nghiệp ái mà ra. Thì ổng quán thấy bà là vợ hiền, "Đúng rồi, vợ hiền là phải tốt với mình chứ". Ổng mới quán thêm một kiếp nữa, bả là bà mẹ theo chồng mới bỏ con. Quán thêm một kiếp nữa thấy bả là người đàn bà tám chồng nên ổng mới bực. Khi ổng bực như vậy, bả ngồi ở nhà bả mới dùng thần thông bả nói "Quán tiếp nữa đi!". Ổng mới quán tiếp ổng lại thấy bả quay trở lại làm mẹ hiền, vợ hiền nữa. Lúc đó ở nhà bả mới nói "Ngài thấy chưa, luân hồi nó là vậy đó! Thấy ba mớ thì khổ ba mớ, sướng ba mớ, thấy kĩ rồi không còn gì hết". Ổng đắc A-la-hán Lục Thông. Bả đắc Tam Hỏa Ngũ Thông. Xong xuôi, người đầu tiên Ngài nhớ là Đức Phật, chỗ đầu tiên Ngài về là Đức Phật. Khi Ngài vừa vô tới Phật biết chuyện gì xảy ra rồi "Như Lai đã nói, cái chỗ đó là hoàn cảnh tốt để con tu hành". Cái chuyện đó tôi kể cho bà con nghe, mỗi người hiểu theo một cách nhưng mà cái rốt ráo tôi muốn bà con hiểu cái Khổ Đế và Tập Đế ở đây. Đức Phật mỗi lần ngài kể xong một câu chuyện ngài đúc kết "Này các tỳ kheo, những người, những nhân vật, những sự kiện xảy ra trong câu chuyện ta vừa kể đều là Khổ Đế hết. Và bất cứ một niềm đam mê nào trong chuỗi dài câu chuyện ấy đều là Tập Đế hết". Cái Khổ và Tập nó nuôi dưỡng lẫn nhau. Khi người ta gặp cái hạnh phúc, người ta chìm đắm trong đó, người ta lại gieo một cái mầm tái sanh sang một kiếp khác. Khi mà ta đau khổ ta đi tìm một cái giải pháp cho ta bớt đau khổ và cái ý niệm đi tìm giải pháp đó lại là con đường dẫn đến sanh tử nữa. Cho nên trong cái vui thì chìm đắm, trong cái khổ thì tìm giải pháp. Bởi vậy trong kinh mới nói rằng "Trên đời này không có hạnh phúc mà chỉ có giải pháp và đau khổ thôi". Hồi đó giờ mình nghe kinh mình không hiểu, bây giờ mình mới hiểu. Trên đời này không có hạnh phúc chỉ có đau khổ và giải pháp. Các vị ngồi lâu các vị tê chân, giờ cho các vị duỗi ra các vị thấy nó đã dữ lắm. Tôi cũng nói thiệt luôn, sau này khi Kalama làm xong, cái chỗ tôi ngồi tôi sẽ che lại để tôi tha hồ nhúc nhích. Tôi khổ lắm khi tôi ngồi mà người ta cứ nhìn tôi, nhìn thấy mình nhúc nhích người ta nói mình định không có mạnh, mà không nhúc nhích thì nó khổ quá! Mà chính vì mình sợ người ta nhìn nên mình ráng mình gồng, mà càng gồng nó càng đi sai cái tinh thần tuệ quán. Tinh thần tuệ quán là gì? Là không trốn chạy cái khổ và trông đợi cái sướng. Tinh thần tuệ quán là nó sao nhìn nó vậy. Cho nên có nhiều trường phái, có nhiều quan điểm khác nhau về cái chuyện ngồi thiền. Có trường phái cho rằng ngồi thiền càng đau thì càng phải ngồi gồng, chịu đựng. Họ giải thích, thứ nhất nếu thấy đau mà mình đổi thì nguyên một buổi mình đổi đến tám chục lần lận, như vậy mình trở thành nô lệ cho cơn đau, nó kêu đổi đi là mình bèn đổi. Thứ hai, cái đau này mà mình chịu không nổi thì mai này mình bị trọng bệnh, mình cận tử thì làm sao? Họ nói có lý, quá sức có lý. Thứ ba, anh phải đối diện với cơn đau anh mới hiểu thật sự cái khổ của sanh tử, cái khổ của thân xác này, chứ còn mình khổ sương sương thì chỉ giải thoát sương sương thôi, mà anh phải hiểu tận cùng cái khổ này thì anh mới ngán cái chuyện luân hồi. Vậy có ba lý do: Thứ nhất, không làm nô lệ cho cảm giác. Thứ hai, tập sự để mà mai này đối diện với cái khác lớn hơn. Thứ ba, phải như vậy mới thấy tới nơi tới chốn cái khổ luân hồi. Đó là cái trường phái thứ nhất cho rằng thiền là phải gồng. Đau chết bỏ cũng phải gồng. Sẵn đây tôi nói luôn, có người ngồi thiền buổi đầu họ cảm thấy mấy mấy bắp thịt giống như cái khăn bị vắt vậy, có người nói như có ai đóng đinh vô đầu gối, còn mấy bà có sanh con giống như sanh đứa nữa. Tôi chưa có sanh đứa nào tôi không biết nhưng tôi nghe tôi hiểu. Vì tôi thấy mấy lần bị bón là tôi khổ rồi. Cho nên bên Đài Loan cái ngày Vu Lan họ đâu có kêu là Vu Lan, là cái ngày Mẫu thân nạn, là ngày mẹ chịu nạn, mẹ vượt cạn, mẹ sanh ra mình. Chưa hết, Tây nó có một câu rất là hay "Sinh nhật không phải là ngày vui của ta mà là ngày đau của mẹ". Nó nói tại sao phải mừng sinh nhật, phải mừng cái ngày mình chui ra? Có khỉ gì đâu mà vui? Mà ngày đó bà má mình bả khổ thấu trời, bả thấy mười hai ông trời giăng ngang, các vị biết không? Cũng sẵn tôi mượn cái lớp học này tôi tiết lộ cho bà con một cái chuyện tôi cho rằng quan trọng. Đó là tuyệt đối không bao giờ thờ Tổ, chỉ có thờ Phật. Vì sao? Là vì khi mình cắm đầu mình theo một sư phụ nào đó là như Việt Nam mình có câu là "đạp phân". Các vị biết không? Tức là mỗi sư phụ có cái lý của ổng. Mình mê ổng mà mình phủ nhận ông khác là bậy. Vì trời cao đất rộng, có biết bao nhiêu hoa cỏ, ong bướm mà mình chỉ chết với một loài hoa cỏ, ong bướm thì nó hoang phí đúng không? Mỗi trường phái nó có nhiều thiền sư. Bên Miến Điện giờ có nhiều thiền sư chủ trương là phải gồng, có nhiều thiền sư nói không, không có gồng, thấy đau là đổi. Họ giải thích: Một, tại sao mình nên đổi? Vì không đổi nó đau quá khỏi tu luôn. Nó nghe nói thiền là nó vắt giò bỏ dép chạy rồi. Chưa thấy nó đắc cái gì, nghe nói thiền là nó sợ rồi mà trong khi Phật pháp không phải là cái pháp môn làm người ta sợ. Phật pháp là khi anh tu anh phải an lạc, anh tu anh thoải mái. Còn chuyện mai này anh thành Thánh anh an lạc kiểu thánh nhân thì tôi không biết nhưng bây giờ anh tu anh phải an lạc trước cái đã. Cho nên chuyện đầu tiên Phật pháp phải là suối nguồn an lạc cho người tu. Các vị đặt câu hỏi "Tu thoải mái và tu đau đớn, cái tu nào hay?". Thoải mái hay hơn chứ! Đó là cái lý thứ nhất. Cái lý thứ hai nói về A Tỳ Đàm, đau khổ có phải là cảm thọ không? Thoải mái có phải là cảm thọ không? Vậy thì tại sao mình tiếp tục nhìn cảm giác đau đớn mà không chịu nhìn cảm giác thoải mái. Nhìn cảm giác thoải mái nó cũng là nhìn, đúng không? Cái quan trọng nhất là khi anh đau anh biết rằng anh đang đau, khi anh biết rằng anh muốn đổi tư thế anh biết rằng anh muốn đổi tư thế, anh phải chánh niệm. Và khi anh đổi anh biết rõ là anh đang đổi, khi anh đổi rồi anh thoải mái anh vẫn tiếp tục chánh niệm. Như vậy có phải anh đang tu không? Như vậy so với cái anh gồng, cái anh này có tu không? Cũng là tu đó chứ. Anh thì nhìn đề mục hoa hồng, anh thì nhìn đề mục hoa héo. Cái nào cũng nhìn hết. Trường phái hai này họ nói thế này: Tại sao không nhìn hoa tươi mà nhìn hoa héo? Nhìn hoa tươi cũng tu được vậy. Họ có lý không? Họ có lý. Cho nên trường phái thứ hai họ nói tu là phải thoải mái, đừng làm người ta sợ. Tôi có nghe Phật tử nói "Sư ơi con ngồi không nổi, cái chân con lớn tuổi rồi con ngồi được có mười phút thôi à". Lúc đó tôi không có thời gian tôi chỉ nói nhanh "Về nghe kĩ lại đi. Thiền nó không phải chỉ có ngồi". Bởi vì đối với ổng thiền là phải ngồi mà ổng ngồi được có mười phút thôi. Qúy vị nghe ghê không? Tức là ổng chưa có tu hành gì hết, chuyện đầu tiên là ổng sợ trước cái đã. Như vậy cái đó là cái cũng hơi có vấn đề. Vấn đề thứ hai là mình quan sát cái khó chịu cũng là tu mà quan sát cái dễ chịu cũng là tu. Ngày mình còn học sơ sơ mình mặc cảm "Sao lúc này tôi thất niệm, lúc này tôi tham nhiều, lúc này tôi sân nhiều!" Nhưng mà tu lên một mức độ nào đó mình không còn mặc cảm nữa mà cái gì đến mình đều nhìn hết. Mình nhìn cái chánh niệm của mình, mình nhìn từ tâm của mình cũng là tu. Mình biết mình đang khó chịu, đang sợ ma, đang bực bội cũng là tu. Lên chánh điện mà có chánh niệm là tu đã đành. Vô nhà cầu ngồi rặn bằng chánh niệm cũng là tu. Cho nên trường phái hai họ nói tại sao phải nhìn hoa héo mà sao không nhìn hoa tươi, đau thì cứ đổi vì nhìn cái nào cũng là nhìn. Lý do thứ ba, khi mà mình bị đau đớn tức là thân và tâm mình có vấn đề, tại sao mình phải tu với tâm sân? Tham, sân đều là phiền não. Chịu cái đau không nổi là sân, thích cái thoải mái là tham. Cái nào cũng phiền não hết, tại sao đặc biệt sợ tham mà không sợ cái sân? Họ nói vậy có lý chứ. Họ nói cả hai đều là phiền não hết, cái vấn đề là cái niệm của anh có đủ mạnh hay không?. Như vậy các vị phải nhớ có hai trường phái. Hôm nay tôi phải nói hết để sau này bà con đi hành thiền bà con không bị phân vân, không biết mình nên thế nào. Có hai trường phái, tùy bà con lựa thôi. Trường phái một, gồng, có ba lý do: thứ nhất, nếu ta không cố sức chịu đựng thì ta sẽ là nô lệ cho cảm giác. Thứ hai, cái khổ nhỏ không chịu nổi thì đừng hòng chịu nổi cái khổ lớn mai này. Thứ ba, phải chịu đựng cái đau đớn rốt ráo mới hiểu được cái rốt ráo của sanh tử, mới thấy sợ sanh tử. Không cần phải đọa, chỉ cần bị cái đau bây giờ là không muốn luân hồi nữa rồi, bởi vì mình biết nếu mình tiếp tục bị luân hồi thì cái đau này nó sẽ tái hiện vô số lần nữa. Họ có lý chứ. Nhưng cái trường phái hai tôi cho rằng không có tệ. Họ nói rằng chưa gì hết mà đã thấy sợ. Đúng, hồi nãy tôi chứng minh chuyện đó có thiệt. Cái ông đó ổng nói thẳng với tôi là "Con hỗ trợ làm trường thiền thì con hỗ trợ nhưng mà con nói trước con không thiền bởi vì con ngồi không quá mười phút". Ổng còn nói tôi nghe thêm chi tiết nữa "Coi phim Đại Hàn ba tiếng thì lại không mỏi giò." Vì ngồi chờ cái thằng đó phục hồi trí nhớ, (phim Hàn hay có màn mất trí nhớ), vì thương cái thằng đó mất trí nhớ, con nhỏ đó mất trí nhớ mà mình mất trí nhớ ngồi chờ nó ba tiếng không có thấy mỏi. Trong khi đó cái đầu chỉ cần nói "thiền mười phút" là bỏ chạy. Bây giờ các vị mới tin cái tâm mình nó quan trọng thế nào. Trích bài giảng Hạnh Phúc và Đau Khổ
|
zoom ||
tk ||
youtube ||
facebook ||
bài giảng ||
suy gẫm ||
hỏi & đáp
kalama ||
hình ảnh ||
sách ||
english