sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com | ||||
| ||||
Cuốn Sổ TayXin bà con nhớ kỹ dùm một chuyện. Con đường trên tấm bản đồ không phải là con đường ngoài thực tế. Và nếu vậy mình có cần xài bản đồ không? Nó không phải mà tại sao lại cần? Nếu mà bà con nhìn tấm bản đồ, bà con nghĩ con đường ở ngoài nó y chang như vậy là bà con nghĩ sai. Nhưng mà nếu bà con nghĩ rằng vì nó không giống vậy thôi bỏ, khỏi xài, thì lại sai nữa. Cũng vậy, những cái giáo lý mà bà con học về Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo, cái mô tả về Niết Bàn, phải nói rằng nó là tấm bản đồ vô hồn nhưng mà mình phải theo cái đó. Khi mà bà con hiểu được, thì Bát Chánh Đạo, Thất Giác Chi nó không có giống như cái mình học ngày xưa nữa. Nhưng đừng có nghĩ rằng nó không giống nên không học là chết. Các vị xài app bản đồ, thấy nó để cây xăng, nhà hàng, cửa tiệm... nhưng mà cửa tiệm, cây xăng trên đó không có giống ngoài đời. Tuy nó không giống nhưng mình phải nương theo đó để mình lái xe. Ví dụ tôi đi với nhiều người quen họ chở tôi đi, họ muốn tìm Starbucks bằng app bản đồ. Họ chỉ cần đánh chữ "Starbucks" là nó cho họ kết quả một rừng luôn. hưng mà cái hình ảnh trong đó nó đâu có giống như ngoài đời, nhưng mà tôi nhìn tôi hiểu ngầm cứ đi theo đường đó là tới Starbucks. Cái quan trọng nhất quý vị Phật tử hỏi tôi là quý vị đi nghe Pháp nhiều, đi chùa nhiều, gặp gỡ Tăng Ni nhiều, mỗi thầy giảng một cách, bây giờ bị rối, quý vị phải làm cái gì. Bây giờ tôi xin nói một câu gọn thôi: Tôi không biết các vị là Nam hay Bắc tông, tôi không biết các vị mến thầy nào, tôi không biết. Tôi chỉ có nói vắn tắt là bất kể là Nam hay Bắc, bất kể là đệ tử của thầy nào, cái quan trọng nhất là học giáo lý và sống chánh niệm. Qua hai cái đó là bà con sẽ thấy Đức Phật ngồi đằng trước. Thờ Phật chứ không nên thờ Tổ, mặc dù Tổ là người hướng dẫn trước mắt của mình nhưng vẫn lấy cái chuẩn là lời Phật, kinh Phật. Mà muốn tu cho đúng kinh Phật thì chuyện đầu tiên phải học giáo lý trước cái đã. Tôi đã nói rồi: mỗi thiền sư, mỗi giáo sư, họ đều mang cái dấu ấn cá nhân của họ vào trong từng trang viết, trong từng lời giảng. Họ có sở trường, sở đoản của họ và họ đem sở trường, sở đoản ấy họ gắn vào trong những gì họ viết và họ nói. Và nếu mình cứ ôm sở trường, sở đoản đó mình sẽ trở thành con chuột bạch của họ. Hôm nay tôi giảng cho quý vị về cái chữ Hạnh phúc và Đau khổ trong kinh Phật. Và cái điều rốt ráo tôi muốn nhắn nhủ đó là trong cái chuyện tu tập Tuệ quán, trong khi ngồi thiền đã đành mà trong đời sống cũng vậy, khi ta có lòng theo đuổi, trông đợi, kiếm tìm cái gì đó là ta đang chuốc khổ rồi đó. Vì trông đợi mà không được là khổ, kiếm tìm không được là khổ, tìm được rồi phải giữ là khổ. Cho nên người tu Phật coi nặng cái chữ "Tùy duyên". Có thân thì phải ăn, phải uống, phải tắm rửa nhưng không để những cái đó nó trở thành ông chủ của mình, mình không làm nô lệ cho những cái đó. Thứ hai, có những người chết rồi mà chưa chôn là sao? Là đi, đứng, nằm, ngồi, sinh hoạt mà không biết rằng mình đang sinh hoạt như thế nào, họ chỉ là cái xác chết chưa có chôn thôi. Mình đừng có nghĩ mình đang là ông này bà nọ, hãy nhớ là mình chỉ là cái xác chưa có chôn nếu mình sống thất niệm. Và hôm qua tôi nói rồi, thế giới này nó chỉ gồm có ba thứ: thứ đã mất thuộc về quá khứ, những thứ chưa có thuộc về tương lai và những thứ mình nói đang có thì nó lại vừa ra đi. Như vậy chỉ có người sống chánh niệm là người có đời sống sinh động nhất, tức là họ sống với giây phút hiện tại. Chứ còn sống thất niệm là mình sống kiểu của người khùng, trong kinh Đức Phật có xài chữ sabbe puthujjanā ummattakā - tất cả phàm phu đều là người loạn trí. Không coi giải thích trong kinh mình sẽ không hiểu tại sao. Bởi vì Ngài nói tất cả phàm phu không biết sống với cái hiện tại trước mắt mà chỉ sống nhiều với ấn tượng, hồi ức về quá khứ, sống với những toan tính, những dự trù cho tương lai, còn hiện tại thì bỏ qua. Tây nó có câu rất là hay "Nếu ngay bây giờ không biết cười thì suốt đời sẽ không cười". Câu này nghe rất là kỳ, đúng không? Nếu ngay bây giờ bạn không có cười thì cả đời này bạn không có biết cười. Hồi đó tôi nghe tôi ngạc nhiên lắm, giờ tôi không cười thì lát nữa tôi cười. Nhưng mà không phải, người ta nói cái ý khác. Ngay bây giờ, tại đây, right now và right here, nếu mà anh không có an lạc được thì biết chừng nào anh mới an lạc, bởi vì đời sống nó chỉ diễn ra ngay bây giờ thôi. Sáng nay tôi có việc tôi phải đi ra Galleria một chuyến. Trong lúc tôi ngồi chờ xe, theo thói quen tôi rút cuốn sổ tay ghi chép những chuyện cần phải nhớ. Tôi mở ra thì thấy cái trang ghi từ chiều hôm qua. Tôi nhìn nó tôi có tí chạnh lòng là con người viết hàng chữ này bây giờ không còn nữa, và những dòng suy nghĩ trong lúc viết hàng chữ này đã ra đi không còn dấu vết. Chẳng qua bây giờ tôi chưa có chết và cuốn sổ đó nó chưa có cháy nên nhìn vào người ta nói đó là chữ viết của tôi và suy nghĩ của tôi, chứ thật ra con người viết cái đó đã không còn nữa. Trong kinh nói chúng ta có hai cái chết, cái chết trong từng phút và cái chết lúc vào quan tài. Tất cả phàm phu chỉ sợ cái chết lúc vào quan tài chứ không có sợ cái chết từng phút. Nếu ta sống chánh niệm ta thấy rằng mình chết trong từng phút thì ta không còn sợ cái chết cuối đời nữa. Tôi nhắc lại nếu mà các vị biết rằng mình đang chết trong từng phút, thường xuyên sống như vậy, sống với nhận thức rằng "Tôi đang chết trong từng phút" thì khi sống quen với cái đó, mai này đối diện với cái chết thiệt quý vị không còn bị sốc nữa. Và nhiều người khi nghe vậy hiểu lầm là đạo gì buồn quá, suốt ngày bị ám ảnh bởi cái chết. Sai! Khi các vị sống nhiều với cái chết các vị sẽ sống yêu đời hơn, dễ tha thứ hơn, dễ buông bỏ, dễ bao dung hơn.
Trích bài giảng Hạnh Phúc và Đau Khổ (2)
|
zoom ||
tk ||
youtube ||
facebook ||
bài giảng ||
suy gẫm ||
hỏi & đáp
kalama ||
hình ảnh ||
sách ||
english