Bùa Chú Thần Thông

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Bùa Chú Thần Thông

Người sống trong cõi dục thì họ ghi nhận thế giới này qua sáu căn. Và từ đó mà thế giới trong mắt của người sống mười giới nó có thiên hình vạn trạng, gồm có: nam nữ, đực cái, trống mái, sông núi, kênh rạch, đại dương. Rồi trời đất, trăng sao, hoa lá tùm lum hết. Và chính vì nó đa đoan như vậy cho nên người hưởng dục nó bị chia trí, không thể tập trung. Còn người ly dục tu thiền thì thế giới của họ chỉ có còn mười thứ thôi. Các vị thử tưởng tượng. Một bên thế giới có vô số thứ để biết, mà biết ở đây là gồm có thích và ghét, đúng không? Một bên thì nó có vô số thứ để nó thích và ghét. Một bên nó chỉ có mười thứ thôi. Các vị tưởng tưởng coi cái mức tập trung của nó cỡ nào. Một bên là số mười, còn một bên là countless, unlimited. Các vị nghĩ coi nó khác nhau cỡ nào. Quá nhiều. Chỉ cần một tỷ mà so với số 10 là thấy dễ sợ rồi. Còn đàng này là vô số mà so với mười thì các vị nghĩ sao.

Cho nên đối với người không có tu thiền, mở mắt ra là nhà cửa, nam nữ, xe cộ, tùm lum ... Còn với người tu thiền thì thế giới này nó chỉ có mười thứ thôi. Đó là : xanh, vàng, đỏ, trắng, đất, nước, lửa, gió, hư không và ánh sáng. Nó biết có mười thứ đó thôi. Nó ăn rồi nó cứ "đất, đất, đất... " Nó niệm tới lúc mà nó nhắm mắt lại nó cũng thấy đất. Và khi nó đắc thiền bằng đề mục đất, nó nhìn cái dòng sông nó nói "mình đi trên đó đi" cái là cái chỗ đó thành con đường đất cho nó đi. Là vì sao ? Vì qua một thời gian dài tu thiền, cái tâm của họ biến mọi thứ thành đất như họ muốn.

Lúc đó các vị nghe như phim kiếm hiệp. Sư phụ nói với đệ tử "Con cứ luyện đến mức kiếm và người là một." Quý vị có biết, có nghe cái chuyện đó không ? Học kiếm đến mức mà cái gì trong tay mình cũng là bảo kiếm hết. Bởi có nhiều cao thủ mà khi đối phương đâm nó chỉ lấy hai ngón tay nó kẹp lại thôi, quý vị biết không? Dĩ nhiên cái đó là chuyện trong phim. Nhưng mà đối với người học Phật thì cái đó là chuyện rất là hay. Đến một lúc người với kiếm là một thì nó đưa cái ngón tay lên kẹp thanh kiếm của đối phương, lúc bấy giờ đây là hai thanh kiếm chứ không phải hai ngón tay.

Hoặc như, Biện Trang là một cao thủ về bắn cung của Trung Quốc thời xưa. (Tôi giảng đi xa riết mà lát nữa tui quên là quý vị nhớ dắt tui về nha) Ổng bắn rất là giỏi. Có người tới xin học với ổng. Ổng mới lấy trái bưởi để cách xa 100 mét, ổng kêu cứ nhắm bắn trái bưởi. Cứ nhắm bắn hoài bắn hoài bắn riết tới một ngày bắn trúng được trái bưởi thì ổng đổi bưởi qua cam. Rồi từ cam chuyển qua trái chanh, rồi từ trái chanh chuyển qua trái chùm ruột. Ổng nói "Con nhìn sao mà tới hồi trái chùm ruột nó bằng trái bưởi con cho thầy hay." Thì cứ nhắm hoài nhắm riết. Đúng. Khi nó tập trung nó thấy bằng trái bưởi nó nói "Thầy ơi bằng rồi!" thì ổng mới bỏ trái chùm ruột ra, ổng mới bỏ cái hột me vô đó. Ổng để cái hột me, ổng nói "Con nhìn bao giờ mà cái hột me bằng trái bưởi con cho thầy hay." Và cuối cùng ổng lấy cái kim ổng để đó, ổng hỏi thằng học trò "Có thấy hay không ? Con bắn bay cái đầu kim được không?" Cái chuyện này có thể quý vị có quyền không tin nhưng mà cái đáng để lưu ý của chuyện này không phải là chuyện tin hay không tin mà là cái kỹ thuật từ trái bưởi xuống tới trái chùm ruột rồi tới được cây kim. Hiểu không?

Thì ở đây, đối với người tu thiền cũng vậy. Buổi đầu khi mình còn chưa tập thiền cái đầu nó còn lăng xăng, còn bị chia trí, bị phân tâm bởi rất là nhiều thứ. Ví dụ như mình còn có cái để thích, trong cái thích có vô số thứ. Mà hễ có vô số thứ để thích thì có vô số thứ để ghét, đúng không? Nó chia trí dữ lắm. Các vị không tu thiền các vị không biết cái đầu của quý vị nó bấy hết trơn vì bị chia đủ thứ chuyện. Vô ngồi mới biết là nó nhớ tùm lum. Thử đi thì biết.

Tại sao hành giả nhiều khi ngồi thiền một lúc nghe cơ thể nó đau đớn giống như bị chẻ xương. Tại sao vậy ? Vì đó là lúc họ đang thành con người mới. Chánh niệm và trí tuệ nó đang biến họ thành con người mới. Có cái giai đoạn đau như đau đẻ vậy đó. Có người họ đau họ thấy cái bắp thịt như cái khăn bị vắt, có người họ đau như cái xương bị chẻ, có người họ tả cái đau giống như ai lấy kim mà chọt vô cái khớp mà gõ vậy. Đau đến mức như vậy. Nhưng mà thật ra cái đó là ảo, không thật. Mà phải qua được giai đoạn đó. Từ đó về sau ngồi phê luôn. Ngồi không biết mệt. Phải qua được cái giai đoạn Quỷ môn quan, Giai đoạn thập tử nhất sinh đó rồi thì mới khá. Nhưng mà nói như vậy không phải ai cũng như vậy. Không phải ai cũng phải qua cái giai đoạn đó. Có nhiều người họ nhanh lắm. Họ chỉ nghe Phật nói một câu họ là đắc; không cần ngồi xếp bằng. Tùy vào cách tu ba la mật mà đắc lâu hay mau, khó hay dễ.

Thế giới này đối với người không tu hành thì nó gồm vô số thứ để mình ghét và thích. Và vì ta sống trong vô số cái thích ghét đó mà ta bị chia trí. Nhưng riêng đối với người tu thiền thì thế giới chỉ còn có 10 thứ kể trên thôi. Chính vì vậy mà khả năng tập trung của họ rất cao. Và nhờ khả năng tập trung ấy cho nên họ thấy những thứ mình không thấy được, họ nghe được những thứ mà mình không nghe được. Khả năng thấy được đó gọi là Thiên nhãn. Khả năng nghe được thứ người thường không nghe được gọi là Thiên nhĩ. Rồi họ có khả năng hiểu được tâm người, gọi là Tha tâm thông. Khả năng nhớ được kiếp trước gọi là Túc mạng thông. Khả năng hiểu được nghiệp quả tuần hoàn thì gọi là Sanh tử thông. Khả năng biến hóa, dời non lấp biển, hô mưa gọi gió, thì gọi là Biến hóa thông. Những khả năng đó không có gì khó hiểu hết bởi vì thân và tâm họ đã làm một. Bước đầu, thân tâm là một. Bước tiếp theo Trời Đất với họ là một, muốn có núi là có núi, muốn có sông là có sông.

Như trong kinh nói, lúc chia xá lợi Thế Tôn làm tám phần thì Vua A-xà-thế được một trong tám phần đó. Vua thỉnh chư tôn túc trưởng lão, gồm có: Ngài Ca Diếp, Ngài Anan, Ngài Anurudha về dự lễ tôn trí xá lợi vào tháp. Thì khi đó ngài Ca Diếp, đệ nhất đầu đà được xem là đại diện lớn nhất trong tăng, Ngài bưng cái tháp vàng đựng xá lợi Thế Tôn đặt vào trong lòng tháp. Ngài tôn trí đèn và hoa bên cạnh và ngài chú nguyện thế này: "Từ hôm nay cho đến 218 năm sau, xin đèn này đừng tắt, xin hoa này đừng héo, và dầu có trời long đất lở, động đất thiên tai, xin lòng tháp hãy yên vị như thế đừng thay đổi cho đến bao giờ Vua A Dục nhìn thấy cái tháp này thì mới tính." Ngài chú nguyện xong, Ngài lùi ra lễ tháp ba lạy, và vua A-xà-thế cho người khóa tháp lại. Vua A–xà-thế sống cũng được ít lâu sau đó khi sắp già thì cũng bị con giết, con vua A–xà-thế làm vua ít lâu thì bị cháu nội giết, cháu nội làm vua ít lâu thì bị cháu cố giết, cháu cố làm vua ít lâu thì bị cháu sơ giết. Tổng cộng là bảy đời như vậy. Dân chúng thấy dòng họ này ngộ quá, quởn quởn là con giết cha, họ mới đảo chánh. Hiểu không ? Nó đưa cái dòng khác lên. Qua hết cái đời đó. Rồi qua nhiều triều đại sau này đến đời vua A-Dục là một triều đại khác. Vua A-Dục ác lắm. Chuyện nó dài nhưng tôi chỉ kể vắn tắt là vua ác lắm nhưng may được một vị sa-di giống như là A-la-hán dùng thần thông cảm hóa Vua thành một Phật tử. Vua nghe pháp thích quá nên việc đầu tiên Vua muốn là đảnh lễ cái người gọi là Thế Tôn, là Chánh Đẳng Giác, là Cha lành của ba cõi, là bậc thầy đã dạy nên cái giáo pháp hay ho này. Vua muốn lắm. Thì vị sa-di này mới dắt Vua đi đảnh lễ. "Đây là tháp của tôn giả Xá Lợi Phất – đệ nhất trí tuệ, đệ nhất thinh văn, Đây là tôn giả Mục Kiền Liên, v.v... " Rồi họ tới cái tháp của Đức Phật, thì vị Sa-di nói "Đây là Tháp thờ xá lợi của Thế Tôn. Thầy của các vị tôn giả. Thầy của ba cõi. Tứ sanh từ phụ" Vua chảy nước mắt. Vua quỳ xuống đảnh lễ và Vua thấy cái tháp bị đổ nát. Hai trăm mười mấy năm rồi, đổ nát rêu phong. Vua mới xin được làm tháp mới. Nói xin chứ thật ra ổng là Vua làm gì chẳng được. Và vì muốn làm Tháp mới nên phải rước xá lợi ra. Thì khi ổng cho người khai tháp ổng mới chết điếng luôn: đèn vẫn cháy, hoa vẫn tươi như vừa đặt cách đây hai phút.

Thì đó là thần thông.

Người không có học đạo biết kiến thức khoa học lơ mơ thì họ có quyền không tin. Nhưng người biết vật lý một chút xíu xìu xiu, có biết về cosmology, biết về physics một chút thì có lẽ họ tin chuyện này. Trong một cái điều kiện khí hậu nhiệt độ đặc biệt nào đó cái tuổi thọ bền bỉ của mọi thứ nó sẽ khác đi một chút. Ví dụ như người ta thử rằng: một trái cà chua tươi mà đem vào lòng kim tự tháp đó, thời gian mà nó tươi giòn nó gấp 10 lần để ở bên ngoài. Tôi muốn nói cái gì? Tôi gởi thêm một chuyện nữa. Thỉnh thoảng người ta bắt gặp những chiếc tàu ma đã mất tích mấy chục năm mà đồ đạc trên đó còn nguyên. Qua bao nhiêu sóng gió giông tố trên biển mà tại sao mọi thứ trên tàu nó không bị hư? Và cái đám thủy thủ đoàn trên đó nó đã đi về đâu? Thì người ta đành phải nghi ngờ là chiếc tàu đó trong một thời gian dài đã ở vào một cái góc không gian nào đó mà nó không có bị ảnh hưởng bởi xuân hạ thu đông, nắng mưa lạnh nóng. Cái đó nó vượt quá cái tầm suy nghĩ của mình.

Ông Einstein nói rằng: "kiến thức không quan trọng bằng sức tưởng tượng." Cái kiến thức của mình nó lè tè lắm nhưng cái tưởng tượng, suy diễn nó cho phép mình đi xa, nó chắp cánh có cái biết của mình bay xa hơn rất nhiều. Cho nên có những ví dụ như thần thông là dùng sức mạnh tâm linh. Chính sức mạnh tâm linh nó đã tạo ra một mô trường đặc biệt cho cái vật đó. Vì mình chưa khai thác được hết các cái nguồn năng lượng, mình khai thác chưa có hết nên cái biết của mình về mặt đất nó không là gì so với ở dưới lòng đất, và cái biết trên lục địa nó không bằng cái biết trong lòng biển và sự khai thác hết mức sức mạnh của gió của nước của nắng nhân loại bây giờ vẫn bị hạn chế. Hôm nay người ta vẫn còn lệ thuộc dầu hỏa Trung Đông. Phải có đến một ngày, đến một ngày mà người ta không còn xài dầu lửa nữa mà người ta chỉ còn sức điện từ gió, nước và nắng thì nhân loại mới khá được. Còn bây giờ trên lý thuyết thì đúng, cả ba cái nguồn đó: thủy điện, phong điện, và điện do dầu lửa thì phải nói là đến bây giờ ai cũng biết là thế giới có nhiều cái nguồn điện do nước, do nắng và do gió. Nói thì nói vậy thôi, bây giờ chưa khai thác hết thì cũng vậy.

Cái nguồn năng lượng thứ tư mà nhân loại chưa biết đến đó là tâm thức. Theo trong kinh thì mọi thứ vô thường theo phương hướng đỉnh và đáy. Mọi thứ cực thịnh thì tất suy mà suy hết mức thì lại trở lên đỉnh. Cùng tắc biến biến tắc thông thì mọi thứ nó vận hành theo mô hình đỉnh và đáy. Nhân loại có lúc phát triển về tâm linh thì lại xuống về vật chất mà khi phát triển về vật chất thì nó xuống về tâm linh. Cái thời kỳ này là đỉnh về vật chất mà tâm linh nó rất là tệ. Cho nên ở vào thời kỳ vật chất phát triển cao, người ta chỉ có thể phát hiện được năng lượng về vật chất chứ người ta không thấy được năng lượng tâm linh. Hiểu không? Và bây giờ tin cái đó chưa? Vào thời Đức Phật, vật chất nó không bằng bây giờ nên tâm linh nó phát triển.

Bây giờ tôi kể các vị nghe cái chuyện này, các vị nghe có quyền không tin nhưng mà nói pháp thì cũng phải nói thiệt chứ, đừng bắt tui giấu hoài. Ngài Huyền Trang vào thế kỷ thứ 7. Trước khi Ngài đi thỉnh kinh Ngài đi ngang Tây Vực thì bị bão cát lớn. Lúc thì bão cát, lúc thì bão tuyết. Ngài mới thấy có lửa xa xa Ngài mới tới xin trọ qua đêm. Người thì lạnh cóng, bụng thì đói. Ông chủ của cái lều, chứ không phải cái nhà đó, ổng có cái lò lửa ông đang làm bánh mì, nướng thịt ổng ăn. Ổng mời ngài vô. Ổng hiếu khách lắm. Ổng biết Ngài lỡ đường, và ổng đón khách kiểu vậy hoài à. Rồi ổng chỉ chỗ cho nằm, uống sữa tươi sữa cừu sữa dê gì đó rồi ăn chay thì có bánh mà ăn mặn thì có ba cái đồ thịt. Khi ổng đang làm bếp thì đứa bé con ổng nó khóc quá khóc. Đứa bé nó khóc mắc thở. Thì ổng liếc mắt ổng thấy. Mình ở nhà người ta mình thấy con nít khóc mình cũng thấy khó chịu vậy. Cái lều thì bằng cái lỗ mũi mà nó khóc bằng 128 decibel chịu không nổi. Bà vợ bà liếc thấy Ngài, bà lại bả nắm thằng nhỏ, nắm ngay cái cổ nó đem tới cái lò đang cháy, bả liệng nó vô trỏng, bà đậy nắp lại. Rồi bà làm bếp tiếp, bả dọn tỉnh bơ. Thì ngài rụng rời. Con nít nó khóc Ngài thấy tội nghiệp Ngài tính lại Ngài dỗ, mà vì con người ta mình đụng tới thì không có tiện, nên Ngài đang ngần ngại thì bà mẹ cầm thằng nhỏ bả liệng nó trong lò. Thì liệng trong lò là coi như thằng nhỏ tắt đài đúng không? Liệng vô đó là nó tắt rồi. Xong bả làm bếp xong, bả mới mời Ngài. Ngài ăn hết nổi, Ngài cứ dòm vô cái lò không à. Cái bả nói "À, hiểu rồi, hiểu rồi" Bả mới thò tay vô lôi thằng nhỏ ra, bả phủi bụi rồi thảy ra cho nó bò lổm ngổm nó chơi. Thì ra đó là một cái bộ lạc sở hữu một cái thứ bùa nhiều đời. Bùa để tránh kẻ thù. Kẻ thù mà tới thì tất cả chui vô trong lửa nằm. Kẻ thù nó thấy lửa cháy như vậy thì nó còn kiếm gì nữa, hiểu không? Ông tổ ngày xưa ổng là một đạo sĩ rất giỏi bùa, và ổng vì thương mấy người đệ tử nên trước khi ổng tịch ổng dạy cho một cái món bùa phòng thân. Có nghĩa là sau này tụi nó có gây lộn đốt nhà thì hai đứa cứ chun vô đó. Thì hai vợ chồng này mới sanh con đẻ cái, lập ra một cái bộ lạc trên núi, và cứ truyền với nhau cái bùa đó. Có nghĩa là, hồi đầu thì họ dùng để tránh kẻ thù, rồi sau từ từ xài giải quyết mấy cái vụ rắc rối, như là con nít khóc thì cho nó vô trong đó luôn. Xong rồi thì lôi nó ra, phủi phủi là được.

Có những cái chuyện mà nó quá mức, mà tui kể tui hơi ngại là bà con năm châu nghe sẽ nói ông này sao hôm nay ổng chuyển qua phong thần vầy nè. Như bên Hà Tiên ở Việt nam mình có một cái truyền thuyết. Hôm nào mình vô trong thạch động mình gặp cái tảng đá dài hình con cá sấu. Thì đó là một vị sư sa-di, sư nhỏ, sư giỏi bùa lắm. Thì lâu lâu sư rùng mình thành con cá sấu cho người ta coi vậy đó. Nhưng có một điều thế này, mỗi lần mà người ta muốn thấy vậy đó, thì sư có dặn. Sư đưa một ly nước sư tụng kinh, sư nói: "Coi cho đã rồi lấy cái này tạt vô người của sư đặng sư quay lại hoàn hình." Thì có cái bữa sư rùng mình xong thì nó thấy bự quá nó sợ, nó vất cha cái chén, bỏ chạy luôn. Rồi ổng thành cái con cá sấu đá đó tới giờ luôn. Thì chuyện đó có hay không trời biết. Nhưng mà quý vị hiểu không? Có nghĩa là thế giới thần thông, thế giới tâm linh là một cái thế giới mà mình không biết được.

Hoặc một lần khác, trong một kỳ thi tuyển Lạt Ma của Tây Tạng, sau 20 năm học, ông thầy mới nói "Đã tới lúc là tụi con thi tốt nghiệp rồi, thi ở đây là ngày mai bốn giờ nghe tiếng chuông thì tụi con lên thi hết nghe. Nhưng mà khoan, trước khi thi phải chuẩn bị. Thì ổng phát cho mỗi đứa một cục than. Cục than nấu bếp. Ổng phát cho mỗi đứa cục than xong xuôi rồi chia tay "Bốn giờ lên nghe, các con". Rồi mỗi đứa đi về. Thì cái thằng trưởng lớp, tiếng Tàu nó kêu là Trưởng tràng, nó mới vừa về tới nà thì gió thổi vù vù, gió tuyết lạnh lắm. Nó vô nó đốt lửa, nó nghe tiếng người con gái ở ngoài "Lạnh quá Thầy ơi!" Ổng mới he hé cửa thấy con nhỏ đẹp quá. "Vô đây, có lửa nè con, vô đi con!" Nó vô thì cái mình nó bị ướt. Rồi nó ngồi nó run. "Có đói không?" Lấy miếng bánh khui cho nó ăn rồi hỏi thăm này kia vậy đó. "Thầy có cần sữa gì, mai mốt có sữa cừu dê con cúng thầy." Rồi tâm sự sao mà ông thầy chết luôn. Sáng hôm sau lúc đánh chuông lên, để thi thì hai trăm ông tăng mà tăng sinh lên thi. Ông nào ông nấy như mo cau, ông nào ông nấy mặt đen thui. Ông này nhìn ông kia, nguyên cái mặt thằng cha kia dính than không à. Thì ông này nhìn ông kia cười thì ông kia ông ngạc nhiên ổng dòm lại mình. Hai trăm ông đều mặt dình than hết. Thì ông Thầy ổng nhìn nói "Rồi, cục than hồi tối thầy cho đâu?" Tụi nó móc ra thì có cục còn nhiều nhiều, có cục mòn hết. Thì ra hai trăm ông đó về phòng riêng đều thấy một cô gái. Mà cái cô đó chính là cái cục than mà ông thầy ổng phát. Thì ra ôm ấp hun hít sờ mó mà không biết là cục than. Hỏi nguyên cái cục than mà ôm nó hỏi sao mà không đen thui được. Ông Thầy ổng dùng thần thông ổng thử. Ổng phát mỗi đứa cục than, chỉ có cục than mới biết là thiệt hay giả. Thì cũng trang nghiêm nhưng nếu mà là tui vào đêm đó chắc tui cũng đen xì chứ chịu sao nổi. Tui đọc truyện đó mà tui còn run. Tui sợ "Chết cha mình mà đêm đó chắc mình thành cái mặt như là Bao Công luôn!" Ông thấy thấy ra chùa toàn Bao Công không. Giờ hiểu chưa? Có nghĩa là có những thế giới mà ta không thể hiểu được.

Sẵn đây tôi cũng nói luôn. Đừng có ăn rồi mà nhắm mắt chổng mông chửi Mật Tông. Đúng. Từ góc độ Nam truyền nguyên thủy thì Mật Tông không có phải là chính thống. Nhưng mà bên Mật Tông họ có những cái hay nhất định mà ta không thể phủ nhận. Ví dụ như nguyên thủy họ sử dụng các cái câu Mật chú, mà đó là chữ viết tắt của những giáo lý. Ví dụ như: Khổ - Tập – Diệt – Đạo thì Khổ là dukkha, Tập là samudaya, Diệt là nirodha, Đạo là magga. Thì chữ dukkha họ lấy chữ Du, samudaya họ lấy chữ Sa, nirodha họ lấy chữ Ni, magga họ lấy chữ Ma. Thì cộng lại Dukkha – Samudaya – Nirodha – Magga họ lấy thành DuSaNiMa họ lấy ra họ đọc. Người đệ tử nghe DuSaNiMa là người ta hiểu đó là Khổ Tập Diệt Đạo.

Còn bên Thái có cái loại bùa, bùa để đi khất thực. Quý vị có nghe từ "tứ vật dụng" không? Tứ vật dụng là Y của ông sư là Civara, còn cái bát khất thực là Pindapata. Chữ Civara là họ lấy chữ Ci, còn Pindapata là họ lấy chữ Pi. Rồi cái chỗ ở ông sư là Senasana họ lấy chứ Se, còn thuốc chữa bệnh là Gilana ... họ lấy chữ Gi. Như vậy thì, tứ vật dụng đọc tắt lại là CiPiSeGi. Họ cứ đọc riết vậy. Đi bát họ cứ đọc riết. Trước khi đi bát là họ viết bốn chữ đó, vừa đọc vừa viết. Đi bát nó cúng ăn mỏi miệng luôn. Ngộ lắm. Tự nhiên đi nguyên đám nó nhìn cái mặt ông đó sao bữa nay nó sáng hơn mấy ông khác, cái bát nó lấp lánh lấp lánh, nó nhìn nó khoái. Còn mấy ông không ghi cái bát nó sệt như cục đất sét bên đường. Nhưng mà hễ mà ghi chữ đó thì cái bát nó sáng lắm. Nhìn tướng đi làm như hơi ngộ ngộ vậy. Thì nó cứ tập trung nó để bát cho họ, về ăn banh miệng luôn. Đó là Chú thuật. Thì Nguyên thủy cái gọi là chú là viết tắt của giáo lý.

Rồi có bốn cái thao tác mà người học đạo cần phải nhớ đó là: SuCiPuLi. Su là sunati nghe cho kỹ. Ci là cinteti là nghĩ cho kỹ. Pu, chữ Pu là pucchati là hỏi cho kỹ. Li là likhati là ghi chép cho kỹ. Như vậy từ cái chỗ đó tăng sinh học lấy bốn chữ đó họ làm chữ bùa. Họ nói đọc cái đó học bài mau thuộc hơn. Giống như con nít học sinh Việt Nam nó lấy lá thuộc bài nó ép vô học cho mau thuộc vậy đó. Nhưng mà tôi có nghe cô giáo già cổ nói là thật ra lá thuộc bài nó không là cái gì hết, nó lấy nó làm dấu bookmark thôi. Thì ở đây cũng vậy, từ từ họ mới lấy cái chữ viết tắt đó đó họ mới lấy làm thành bùa. Mỗi lần đọc vậy là họ nhớ giáo lý. Và theo trong kinh Phật thì cái gì mà tập trung lâu ngày thì nó thành nguồn sức mạnh. Cũng ánh nắng mặt trời nhưng mà nhiệt lượng nó bị lan tỏa không có tập trung. Nhưng mà với cái kính lúp thì nó gom lại nó có thể làm cho cháy.

Thì đây cũng vậy. Cái tâm nó lăng xăng lăng xăng mình không có tập trung được sức mạnh của tâm lực. Tâm lực là cái nguồn năng lực kinh khủng lắm. Cho nên khi nói đến chuyện thần thông hay chú thuật thì tui phải khen ngợi bên Tây Tạng. Buổi đầu họ làm gọn giáo lý để họ học, rồi từ từ họ mới phát hiện ra khi tập trung thì sẽ có được tâm lực. Từ đó, khi họ có được tâm lực thì họ có những cái năng lực mà người bình thường không có. Thí dụ như khi mình sống chánh niệm lâu ngày thì cái khả năng đọc hiểu tâm lý người khác dễ hơn người bình thường rất nhiều. Các vị ở đây có thể không tin, nhưng tôi tuyệt đối tôi tin chuyện đó. Sống chánh niệm là làm gì biết đó, cứ làm gì biết đó. Sau một thời gian, mà cũng tùy người, nếu hỏi bao lâu thì có trời biết, tùy đứa, tùy căn cơ thôi. Nhưng mà đến một lúc nào đó ngồi nói chuyện mình có thể biết người ta nghĩ gì.

Còn tu thiền hơi thở có cái hay là biết trước ngày chết. Vì nó theo dõi riết, nó cứ theo dõi riết, nó biết cái lực thở này này không thể sống quá ba ngày, trừ ra cái chết vì tai nạn thì người ta không biết thôi. Nhưng nếu chết vì tuổi già chết vì bệnh thì họ biết được, tự nhiên họ biết thôi. Với cái kiểu thở này này không quá ba ngày, tự nhiên họ biết vậy đó. Cho nên họ có thể nói đệ tử thu xếp đi chiều mai Thầy đi. Thì mình nghe mình tưởng họ đắc cái gì. Chưa hẳn. Vì họ tu thiền lâu ngày họ nhạy hơn người bình thường.

Tôi biết có những người quen họ ngộ lắm. Họ cũng ăn vậy, họ ăn chung với mình vậy, mà họ hỏi cái người nấu:"Bộ bà xài bột nấm hả?" Tại sao họ hỏi kỹ? Vì họ biết chín mươi chín phần trăm bột nấm là xài đồ tàu, đồ Trung Quốc. Họ rất ghét đồ Trung Quốc. Khi họ ăn, nhất là họ là dân nấu ăn giỏi nữa, họ nhai nếm biết liền, rất giỏi.

Ngày hôm qua tôi kể cái chuyện ông ăn mày uống trà. Trong nguyên cái ấm trà có một cái vỏ trấu mà ổng vẫn nhận ra. Có nghĩa là cái gì đó khi mà tập trung lâu ngày họ sẽ đạt đến một trình độ ảo diệu và tinh tế hơn người bình thường. Mà khổ thay bà con mình thì cứ "cơm, gạo, áo, tiền" riết cái đầu nó bị trơ hết trơn. Nói thì không tin, mắt thì chữ o, mồm thì chữ a; vậy đó. Mà trong khi không có tu hành cái khỉ mốc gì hết.

Trích bài giảng Giáo lý Duyên Khởi
Kalama xin tri ân bạn vuihtv ghi chép


Học Pháp Vô Thượng | | Akkosaka

Cuốn Sổ Tay | | Hatthisāriputta

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com