Hatthisāriputta

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Hatthisāriputta

Ngài Hatthisāriputta tu trong thời gian rất ngắn nhưng Ngài đã thuộc lòng nguyên tạng A tỳ đàm và chú giải. Rồi trong một buổi nói chuyện về A tỳ đàm với các vị trưởng lão Ngài Hatthisāriputta mới muốn góp ý. Lúc đó Ngài Mahākotthita mới có lời nhắc nhở. Ngài nói: “Ở đây các vị tôn túc đang nói, Sư là tân thọ đừng có chen vào.” Ngài nói như vậy không phải là Ngài chèn ép đàn em. Mà vì 2 lý do:

1. Những vị đang nói chuyện lúc đó toàn là cao thủ võ lâm, toàn là những bậc đại thánh, đại hiền, đại trí. Khi những vị đó trao đổi thì coi như sẽ để lại những bài học lớn cho hậu tấn. Trong khi vị này còn là phàm, mới là con vẹt chùa thôi. Trong thế giới của chúng ta bây giờ thì nếu một vị cỡ như Ngài Hatthisāriputta dầu còn phàm, mà tinh thông như vậy thì phải nói là thạc đức, thạc học, là đỉnh cao trí tuệ cho tăng già hôm nay. Nhưng mà vào thời buổi Đức Phật thì một vị như thế lên tiếng chỉ làm mất phần cho hậu thế thôi. Mất phần là sao? Lẽ ra là các bậc đại thánh nói chuyện với nhau là để lại cho đời những bài học xuất sắc hơn. Còn đằng này người phàm chen vào chỉ làm mất thời gian thôi. Đó là lý do thứ nhất Ngài Mahākotthita không muốn gián đoạn buổi trao đổi, đàm luận giữa các vị tôn túc.

2. Ngài Mahākotthita thấy rõ căn tánh của Ngài Hatthisāriputta không phải tay vừa cho nên Ngài kềm lại để giúp cho vị này. Ngài nói rằng: “Sư đệ, đừng có chen vào khi các vị tôn túc nói chuyện như vậy.”

Ngài nói như vậy xong rồi Ngài mới nhắc lại cái nội dung y chang như bài Kinh Người đốn củi mà chúng ta vừa học. Ngài nói rằng: Không phải bất cứ ai mở miệng làm két chùa, nói đạo, nói pháp đều có một cái nội hàm tu tập hết. Kể cả những vị mà sống bên cạnh thầy, bạn, những vị thuộc lòng kinh điển, thậm chí là những vị có đắc thiền thì cũng vẫn còn có nhiều chuyện phải làm. Không phải vì ở gần thầy, gần bạn mà coi như đạo nghiệp hoàn tất. Không phải vì thuộc lòng giỏi giang kinh điển mà đạo nghiệp hoàn tất. Hoặc đắc ba mớ thiền định ngồi lim dim, hít thở vậy mà cho rằng đạo nghiệp hoàn tất. Mình còn nhiều chuyện phải làm. Cho đến bao giờ phiền não kết thúc, sanh tử chấm dứt, thì lúc đó là yên tâm để mà nằm xuôi tay. Chớ còn ba cái chuyện mà thầy, bạn, kiến thức, thiền định, đắc chứng, phù phép thì Ngài nói không nên dựa vào đó để mà mất thời gian cho mình và cho người.

Nguyên cái bài dài sọc chỉ có nội dung như vậy. Một người dầu có thầy, có bạn bên cạnh, một người dầu có tinh thông kinh điển, một người dầu có đắc thiền, đắc định nhưng mà hễ đạo nghiệp giải thoát chưa hoàn tất thì không nên làm mất thời giờ của mình và của người. Đại khái như vậy.

Các vị có biết không, lời nhắn nhủ này không phải chỉ riêng cho Ngài Hatthisāriputta mà nó còn đồng vọng đến ngàn sau. Bao nhiêu thế hệ chư tăng đã đến rồi đi trong giáo pháp này, đã biết bao nhiêu người, hàng ngàn người, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người đã chiêm nghiệm, thấm thía, gậm nhấm, tiêu hóa bài kinh này.

Và có một điều là sau buổi nói chuyện này không lâu thì tôn giả Hatthisāriputta đã hoàn tục. Trong chánh kinh nói không có nhiều, chỉ nói đại khái là hoàn tục thôi. Nhưng trong chú giải thì nói rằng vị này tổng thời gian trước sau trong đời tu là hoàn tục 7 lần. Mà thời gian của mỗi lần không cách nhau bao xa. Vô rồi ra, vô rồi ra, vô rồi ra, ...

Ta đi, ta về lại nhớ trăng treo.


Nghĩa là đi thì nhớ ở nhà mà về thì lại nhớ vầng trăng ở viễn phương. Cái dạng Ngài như vậy. Ngài cứ về nhà thì Ngài thấy Ngài sống trong một cái chỗ hôi hám, chật chội, bụi bặm, Ngài đã lìa bỏ một cõi tu giải thoát, thanh tịnh, có Phật, có thánh chúng, có thầy, có bạn. Nhưng khi Ngài vào rồi thì lòng lại không yên. Ngài thấy làm như mình có cái gì đó nó ray rứt, bồn chồn, áy náy. Thì lại phải đi ra. Tới 7 lần như vậy. Trong chú giải có ghi rõ rằng đây là do tiền nghiệp quá khứ.

Và sẵn ở đây tôi nhắc lại một chuyện trước khi tôi quên. Đức Phật Ngài dạy rằng:

1. Cho rằng cái gì cũng là nghiệp quá khứ, đây là một cực đoan.

2. Cho rằng mọi thứ ngẫu nhiên mà có, đây cũng là cực đoan.

3. Cho rằng mọi thứ là do một đấng cao siêu nào đó an bài, cũng là cực đoan.

Trong đó 2 điều sau là dễ hiểu rồi. Cho rằng ngẫu nhiên là sai. Cho rằng do đấng cao siêu nào đó an bài cũng là sai. Nhưng riêng cái điều đầu tiên, Ngài dạy rằng tin rằng mọi thứ là do tiền nghiệp hết là sai. Vì nếu tin như vậy thì bây giờ mình tu làm cái gì? Mình cứ ngồi ở đây mình chờ nghiệp cũ, khỏi phải tu làm gì, đúng không? Hôm nay là ngày 12, mình cứ chờ cái quả của ngày 13 nó trổ, nên ngày 12 mình khỏi có tu. Nghe vậy được không? Tại hôm nay là ngày 13, mình cứ chờ cái quả của ngày 12, cho nên mình khỏi có tu hành gì hết. Như vậy tới ngày 14 thì sao? Các vị có hiểu không?

Cho nên mỗi ngày là phải gieo nhân lành hiện tại. Hễ còn là phàm thì dầu muốn dầu không, tôi ghi bằng mực đỏ "dầu muốn dầu không", miễn là chưa chứng La hán thì "dầu muốn dầu không" trong từng giây ta đều tạo nghiệp hết. Nhưng có một điều là tạo nghiệp có 3:

1. Tạo nghiệp trong sự thiếu kiểm soát.

2. Tạo nghiệp trong sự kiểm soát để cầu quả sanh tử.

3. Tạo nghiệp trong sự kiểm soát và chỉ hướng đến quả giải thoát.

Tạo nghiệp không kiểm soát là muốn làm gì thì làm, thất niệm, thất định, phóng dật. Cái thứ hai là gieo nhân sanh tử. Nghĩa là làm lành, làm phước nhưng còn cầu quả nhân thiên. Còn trường hợp thứ ba là thường xuyên sống chánh niệm.

Tôi nói không biết bao nhiêu lần bài học vô cùng quan trọng này. Học giáo lý và sống chánh niệm. Chỉ bao nhiêu đó là đủ rồi. Nhiều người nghe như vậy họ tưởng thiếu. Không thiếu đâu. Tôi bảo đảm bằng cái mạng cùi của tôi. Chỉ học giáo lý căn bản rồi sống chánh niệm là không thiếu gì hết. Là tại sao? Bởi vì khi anh có giáo lý căn bản và anh sống chánh niệm thì anh không hề bỏ qua cơ hội bố thí, không hề bỏ qua cơ hội nghe pháp, phục vụ, hồi hướng. Tin tôi đi. Chỉ cần anh có giáo lý và có chánh niệm thì anh không hề bỏ sót một cơ hội làm phước nào hết. Đồng thời anh sẽ làm phước bằng sự kiểm soát của hành giả "làm gì biết nấy". Và công đức của người hành giả như vậy, hành giả mà có giáo lý, có chánh niệm thì công đức đó mình mới hy vọng "hợp trí vô trợ thọ hỷ."

Tại sao tôi dám nói người có giáo lý thì làm phước dễ được cái tâm hợp trí? Là vì hợp trí có 3: văn, tư, tu. Một người có giáo lý nếu khi họ làm phước cái tư nó chưa kịp tới thì tối thiểu nó cũng có trí văn. Tối thiểu là vậy. Bởi vì họ có giáo lý nên mấy cái đó nó nằm trong người họ chớ đi đâu? Cho nên người có giáo lý thì khi họ làm công đức gì, chuyện đầu tiên phải là hợp trí, đương nhiên là hợp trí, vì dầu gì họ làm bằng cái nhận thức của người có hiểu biết.

Họ cũng có ly trí nhưng rất hiếm. Khi mình có giáo lý thì mình khó bề mà làm cái gì mà ly trí.

Tôi ví dụ. Một dược sĩ, bác sĩ hoặc một y tá có biết về thuốc, về y, về dược, có nhiều lúc họ quên mất cái bằng cấp của họ. Như khi họ nấu ăn, khi họ chọn rau, chọn trái để họ mua, lúc đó làm gì thì làm, họ quên mất cái bằng của họ rồi, nhưng mà ngộ lắm, đa phần trong đời sống họ vẫn ăn, vẫn nấu, vẫn mua sắm, vẫn sinh hoạt theo cái kiến thức của một người có biết về y, về dược. Tôi bảo đảm cái đó. Nó ngộ lắm. Tuy lúc đó họ không có nhớ tới cái nghề nhưng họ vừa đưa tay họ bóc cái chôm chôm là họ nhớ: "Ủa, Châu Âu làm gì có chôm chôm đây trời? Trái này là nhập từ Châu Á, mà hể nhập từ Châu Á thế nào cũng có phân, cũng có thuốc sâu." Họ vừa đưa tay cầm trái bưởi lên, họ thấy chữ "China", không phải họ ghét Tàu, không phải họ ghét trên quan điểm chính trị, mà trên cái góc độ khoa học. Họ vừa cầm trái bưởi, họ thấy chữ "China" là họ đặt xuống. Cầm trái thanh long, thèm lắm, nhưng chực nhớ "Ủa, xứ này đâu có thanh long trời? Vậy là đồ nhập từ Châu Á rồi." Thế là không xong, phải để xuống. Ngộ lắm. Tôi có từng đi chợ với mấy người đó, họ ngộ, họ bén lắm. Củ tỏi họ cầm lên, thấy chữ "China" là họ để cái cụp xuống liền. Họ phải mua tỏi Peru, tỏi của Nam Mỹ, tỏi của Turkey, Thổ Nhĩ Kỳ. Vì sao? Là vì tuy lúc đó họ quên mất bằng cấp học vị, họ quên mất chuyên môn, nhưng mà cái biết đó đã thành cái là cái nền, cái lõi suy nghĩ của họ.

Cho nên người có kiến thức giáo lý họ làm phước rất dễ có tâm đại thiện hợp trí là chỗ đó. Bài học hôm nay hiểu được Ngài Hatthisāriputta hoàn tục 7 lần là vì sao? Là vì cái nghiệp. Nhưng mà đừng có nghe như vậy rồi mai mốt các vị cứ hoàn tục hoài, rồi ra vô, ra vô, coi cái chùa như cái chợ - "Tại cái nghiệp của em như thế thì em phải chịu." Sai bét. Không phải lúc nào cũng móc cái nghiệp ra mà đổ thừa. Bởi vì chính Đức Phật đã dạy "Đổ hết mọi sự cho nghiệp cũng là một ngộ nhận".

Trích bài giảng KTC.6.59 Người Bán Củi
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép

Kinh Tăng Chi Bộ (VI) VI. Ðại Phẩm (60) Hatthisàriputta

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn trú ở Bàrànasi tại Isipatana, vườn Lộc Uyển. Lúc bấy giờ, nhiều vị Tỷ-kheo trưởng lão, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại ngôi nhà hình tròn và thuyết về Thắng pháp luận. Tại đấy, Tôn giả Hatthisàriputta, trong khi các Tỷ-kheo trưởng lão đang thuyết về Thắng pháp luận, lại nói xen vào chặng giữa. Rồi Tôn giả Mahàkotthita nói với Tôn giả Hatthisàriputta:

- Tôn giả Citta Hatthisàriputta, trong khi các Tỷ-kheo trưởng lão đang thuyết về Thắng pháp luận, chớ có nói xen vào chặng giữa! Tôn giả Citta hãy chờ cho đến cuối câu chuyện.

Ðược nghe nói vậy, các Tỷ-kheo bạn bè của Tôn giả Citta Hatthisàriputta nói với Tôn giả Mahàkotthita:

- Tôn giả Kotthita chớ có bất mãn Tôn giả Citta Hatthisàriputta! Tôn giả Citta Hatthisàriputta là bậc Hiền trí. Tôn giả Citta Hatthisàriputta có thể nói chuyện về Thắng pháp luận với các Tỷ-kheo trưởng lão và thật rất khó lòng cho các Hiền giả để biết được tâm tư của người khác.

2. Ở đây, thưa các Hiền giả, có hạng người, khi còn sống gần vị Bổn sư hay sống gần một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, trong khi ấy, là người nhu hòa nhất trong những người nhu hòa, là người khiêm tốn nhất trong những người khiêm tốn, là người an tịnh nhất trong những người an tịnh. Khi người ấy rời khỏi bậc Ðạo Sư, rời khỏi các vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, vị ấy sống giao thiệp với các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo-ni, với các nam cư sĩ, nữ cư sĩ, với các vua chúa, các đại thần của vua, với các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo. Do vị ấy sống giao thiệp, phóng túng, thô lỗ, đam mê nói chuyện, tham ái tấn công tâm vị ấy. Vị ấy, với tâm bị tham ái tấn công, liền từ bỏ học pháp và hoàn tục. Ví như, này các Hiền giả, một con bò ăn lúa, bị dây cột lại, hay bị nhốt trong chuồng. Này Hiền giả, nếu có ai nói như sau: "Con bò ăn lúa này sẽ không bao giờ đi xuống ruộng lúa nữa", nói như vậy, thưa các Hiền Giả, là nói một cách chơn chánh không?

- Thưa không, thưa Hiền giả, sự kiện này, thưa Hiền giả, có xảy ra: Con bò ăn lúa ấy, sau khi bứt dây, hay phá sập chuồng, có thể xuống ruộng lúa nữa.

Cũng vậy, này các Hiền giả, ở đây, một số người khi còn sống gần vị Bổn Sư, hay sống gần một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, trong khi ấy, là người nhu hòa nhất trong những người nhu hòa, là người khiêm tốn nhất trong những người khiêm tốn, là người an tịnh nhất trong những người an tịnh. Khi người ấy rời khỏi bậc Ðạo Sư, rời khỏi vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, vị ấy sống giao thiệp với các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo-ni, với các nam cư sĩ, nữ cư sĩ, với các vua chúa, các đại thần của vua, với các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo. Do vị ấy sống giao thiệp, phóng túng, thô lỗ, đam mê nói chuyện, tham ái tấn công tâm vị ấy. Vị ấy, với tâm bị tham ái tấn công, liền từ bỏ học pháp và hoàn tục.

3. Ví như có hạng người ly dục..., chứng và trú sơ Thiền. Với tư tưởng: "Ta đã được sơ Thiền", vị ấy sống giao thiệp với các Tỷ-kheo... từ bỏ học pháp và hoàn tục. Ví như, này các Hiền giả, một cơn mưa to lớn xảy ra tại ngã tư đường, khiến cho bụi bặm biến mất và bùn hiện ra. Này các Hiền giả, nếu có ai nói như sau: "Nay tại ngã tư đường này, bụi sẽ không hiện ra nữa". Người ấy nói như vậy có nói một cách chơn chánh không?

- Thưa không, thưa Hiền giả. Sự kiện này có xảy ra, thưa Hiền giả: "Tại ngã tư đường này, có người đi qua, hay có trâu bò đi qua, hay gió và nóng có thể làm cho khô khí ẩm ướt và bụi sẽ hiện ra trở lại.

- Cũng như vậy, thưa các Hiền giả, ở đây có hạng người ly dục... chứng và trú Thiền thứ nhất. Vị ấy, với ý nghĩa: "Ta đã chứng sơ thiền", sống giao thiệp với các Tỷ-kheo... từ bỏ học pháp và hoàn tục.

4. Ở đây, này các Hiền giả, có hạng người làm cho tịnh chỉ tầm và tứ... chứng và trú Thiền thứ hai. Vị ấy, với ý nghĩa: "Ta đã chứng được Thiền thứ hai", giao thiệp với các Tỷ-kheo... từ bỏ học pháp và hoàn tục. Ví như, thưa các Hiền giả, một hồ nước lớn gần một làng hay thị trấn. Tại đấy, một cơn mưa to xảy đến, khiến cho các loài sò ốc, các đá sỏi biến mất.

Thưa các Hiền giả, nếu có ai nói như sau: "Nay tại hồ nước này, các loại sò ốc, các đá sỏi sẽ không xuất hiện ra nữa". Người ấy nói như vậy có nói một cách chơn chánh không?

- Thưa không, thưa Hiền giả. Sự kiện này có xảy ra, thưa Hiền giả: Tại hồ nước này, loài Người có thể uống, hay loài trâu bò có thể uống, hay gió và sức nóng có thể làm cho khô khí ẩm ướt, và các loài sò ốc, các đá sỏi có thể xuất hiện ra lại.

- Cũng vậy, thưa các Hiền giả, ở đây có hạng người làm cho tịnh chỉ tầm và tứ... chứng và trú Thiền thứ hai. Vị ấy với ý nghĩ: "Ta đã chứng được Thiền thứ hai", giao thiệp với các Tỷ-kheo... từ bỏ học pháp và hoàn tục.

5. Ở đây, thưa các Hiền giả, có hạng người từ bỏ hỷ... chứng và trú Thiền thứ ba. Vị ấy với ý nghĩ: "Ta đã chứng được Thiền thứ ba", giao thiệp với các Tỷ-kheo... từ bỏ học pháp và hoàn tục. Ví như, thưa các Hiền giả, có người đã ăn đồ ăn thượng vị, không ưa thích các đồ ăn hôm qua để lại. Thưa các Hiền giả, nếu ai nói như sau: "Nay người này không còn ưa thích đồ ăn nữa", thưa các Hiền giả, người ấy nói như vậy có nói một cách chơn chánh không?

- Thưa không, thưa Hiền giả. Sự kiện có xảy ra: Người này, thưa Hiền giả, khi ăn đồ ăn thượng vị, cho đến khi nào chất dinh dưỡng còn tồn tại trong thân, cho đến khi ấy, không có một món ăn nào khác sẽ làm vị ấy ưa thích. Cho đến khi chất dinh dưỡng tiêu mất, khi ấy món ăn có thể làm cho vị ấy ưa thích.

- Cũng vậy, này các Hiền giả, ở đây có hạng người từ bỏ hỷ... chứng và trú Thiền thứ ba, vị ấy với ý nghĩ: "Ta đã chứng được Thiền thứ ba", giao thiệp với các Tỷ-kheo... từ bỏ học pháp và hoàn tục.

6. Ví như, này các Hiền giả, có hạng người từ bỏ lạc, từ bỏ khổ... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy với ý nghĩ: "Ta đã chứng được Thiền thứ tư", giao thiệp với các Tỷ-kheo... từ bỏ học pháp và hoàn tục. Ví như, này các Hiền giả, một hồ nước trong khe núi, không có gió, không có sóng. Rồi thưa các Hiền giả, nếu có ai nói như sau: "Nay trong hồ nước này sẽ không hiện ra sóng nữa", người ấy, thưa các Hiền giả, có nói một cách chơn chánh không?

- Thưa không, thưa Hiền giả. Sự kiện này có thể xảy ra: Nếu từ phương Ðông, mưa to gió lớn đến, mưa to gió lớn ấy làm cho hồ nước ấy khởi sóng; nếu từ phương Tây... nếu từ phương Bắc... nếu từ phương Nam, mưa to gió lớn đến, mưa to gió lớn ấy làm cho hồ nước ấy khởi sóng.

- Cũng vậy, này các Hiền giả, ở đây có hạng người từ bỏ lạc, từ bỏ khổ... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy với ý nghĩ: "Ta đã chứng được Thiền thứ tư", giao thiệp với Tỷ-kheo... từ bỏ học pháp và hoàn tục.

7. Ở đây, này các Hiền giả, có hạng người không tác ý tất cả các tướng, chứng đạt và an trú vô tướng tâm định. Vị ấy, với ý nghĩ: "Ta đã chứng đạt được vô tướng tâm định", sống giao thiệp với các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo-ni, với các nam cư sĩ, nữ cư sĩ, với các vua chúa, đại thần các vua chúa, với các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo. Do vị ấy sống giao thiệp, phóng túng, thô lỗ, đam mê nói chuyện, nên tham ái tấn công tâm vị ấy. Vị ấy, với tâm bị tham ái tấn công, liền từ bỏ học pháp và hoàn tục. Ví như, thưa các Hiền giả, một vị vua, hay đại thần của vua, đang đi giữa đường cùng với bốn loại binh chủng, đến trú ở một đêm tại một khóm rừng. Ở đấy, do tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng bộ binh, tiếng trống lớn, trống nhỏ, tiếng tù và, nên tiếng của con dế biến mất. Rồi này các Hiền giả, có người nói như sau: "Nay trong khóm rừng này, tiếng kêu của con dế không hiện ra nữa". Người ấy nói như vậy, thưa các Hiền giả, có nói một cách chơn chánh không?

- Thưa không, thưa Hiền giả. Sự kiện này có xảy ra, thưa Hiền giả: Khi nào vua hay vị đại thần của vua ra đi khỏi khóm rừng này, khi ấy tiếng con dế kêu sẽ hiện hữu.

- Cũng vậy, thưa các Hiền giả, ở đây, có hạng người do không tác ý tất cả các tướng, chứng đạt và an trú vô tướng tâm định. Vị ấy, với ý nghĩ: "Ta đạt được vô tướng tâm định", sống giao thiệp với các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo-ni, với các nam cư sĩ, nữ cư sĩ, với các vua chúa, các đại thần của vua, với các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo. Do vị ấy sống giao thiệp, phóng túng, thô lỗ, đam mê nói chuyện, nên tham ái tấn công tâm vị ấy. Vị ấy, với tâm bị tham ái tấn công, liền từ bỏ học pháp và hoàn tục.

8. Rồi Tôn giả Citta Hatthisàriputta sau một thời gian từ bỏ học pháp và hoàn tục. Rồi các Tỷ-kheo, bạn của Tôn giả Citta Hatthisàriputta đi đến Tôn giả Mahàkotthita, sau khi đến nói với Tôn giả Mahàkotthita:

- Có phải Tôn giả Mahàkotthita biết được tâm của Citta Hatthisàriputta với tâm của mình: "Citta Hatthisàriputta đã chứng quả chứng này, quả chứng này, hay là chư Thiên báo cho biết về vấn đề này; tuy vậy, vị ấy sẽ từ bỏ học pháp và hoàn tục"?

- Thưa chư Hiền, tôi biết được tâm của Citta Hatthisàriputta với tâm của tôi, rằng Citta đã chứng được quả chứng này, quả chứng này, và chư Thiên cũng báo cho biết về vấn đề này: "Thưa Tôn giả, Citta Hatthisàriputta đã chứng được quả chứng này, quả chứng này, nhưng vị ấy sẽ từ bỏ học pháp và hoàn tục".

Rồi các bạn bè của Citta Hatthisàriputta đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, Citta Hatthisàriputta đã chứng được quả chứng này, quả chứng này, nhưng đã từ bỏ học pháp và hoàn tục.

- Này các Tỷ-kheo, Citta không bao lâu sẽ nghĩ đến xuất ly.

9. Rồi Citta Hatthisàriputta không bao lâu cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Rồi Tôn giả Citta Hatthisàriputta sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu chứng được mục đích mà các thiện nam tử chân chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, hướng đến. Ðó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, vị ấy ngay trong hiện tại đã tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ rằng: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

Và Tôn giả Citta Hatthisàriputta trở thành một vị A-la-hán.


Xúc | | Hộ Niệm

Bùa Chú Thần Thông | | Khờ

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com