Danh Lợi

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Danh Lợi

Đau khổ là chấp nhận, chịu đựng cái mình không thích. Hạnh phúc là thưởng thức, hưởng thụ cái mình muốn. Nhưng mà cái mình muốn, mình thích ở đâu ra? Đó là do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lí, môi trường sống nó đã tác động làm cho mình thích cái này, ghét cái kia. Chính vì có thích, có ghét nên mới có đau khổ và hạnh phúc. Tại sao? Vì có được cái thích là hạnh phúc và chịu đựng cái ghét là đau khổ. Chỉ vậy thôi.

Một chuyện nữa, tất cả đau khổ trên đời này đều chỉ có hai nguồn, một là do có cái gì đó, hai là do không có cái gì đó. Hạnh phúc cũng vậy, tất cả những hạnh phúc trên đời này, dầu là hạnh phúc của nam nữ hay là của con nít, người già nó đều chỉ có hai nguồn thôi, đó là do có cái gì đó và do thiếu cái gì đó. Đó là hạnh phúc định nghĩa theo khía cạnh tổng quát. Còn nói theo khía cạnh tu chứng thì có hai thứ hạnh phúc. Hạnh phúc thứ nhất là do có cái gì đó, hạnh phúc thứ hai là do buông được cái gì đó. Bởi vì rõ ràng nói rằng hạnh phúc có hai nguồn do có cái gì đó và do không có cái gì đó, mà cái hạnh phúc còn lệ thuộc cái có, cái không là có vấn đề. Cho nên muốn hạnh phúc rốt ráo thì cái hạnh phúc đó phải nằm ngoài cái thích và ghét. Hạnh phúc của thế gian nó phải lệ thuộc cái có và cái không.

Đức Phật Ngài ra đời Ngài thấy sao mệt quá, vô số kiếp tụi con luân hồi, trốn khổ tìm vui, mà niềm vui và khổ của các con toàn là điều kiện không thôi. Mệt quá, mệt quá. Bây giờ cái cách mà Như Lai bày ở đây là hạnh phúc thật sự là không còn thích không còn ghét nữa.

Cho nên cái ngày chưa biết Đạo thì mình trốn khổ tìm vui. Biết Đạo ba mớ thì làm lành lánh dữ. Chưa biết Đạo thấy hạnh phúc là lớn chuyện, đau khổ là lớn chuyện. Biết ba mớ thấy thiện là lớn chuyện, ác là lớn chuyện. Biết thêm một bước nữa thì thấy thiện ác buồn vui chỉ là cái để mình nhìn thôi. Cứ tiếp tục làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ, cứ tiếp tục đi làm, cứ tiếp tục đi học nhưng mà luôn luôn nhớ rằng hạnh phúc nó là như vậy đó, đau khổ nó là như vậy đó. Tôi chưa có xúi quý vị cạo đầu đi tu, chưa xúi và cũng không bao giờ xúi dại như vậy. Tôi chỉ mong rằng quý vị luôn luôn nhớ hạnh phúc nó được định nghĩa như vậy đó. Định nghĩa ở thế gian hạnh phúc là do mình có cái gì hoặc không có cái gì, hạnh phúc và đau khổ nó đến từ cái thích và cái ghét, có được cái thích và không tránh được cái ghét thì đều là hạnh phúc và đau khổ.

Khi đức Phật ra đời Ngài nói hạnh phúc thật sự là không còn thích và không còn ghét nữa. Và tôi đã chứng minh rồi, có nhiều lúc trong đời mình sở hữu một món là hạnh phúc nhưng mà khi mình liệng được nó cũng là một thứ hạnh phúc. Tôi đã nói hoài, nhiều khi mình mua một món đồ về thấy hạnh phúc nhưng mà khi mình kiếm được cái chỗ đem trả mình hạnh phúc hơn. Có rất nhiều thứ trong đời này không có trả lại được. Chẳng hạn như hôn nhân. Bao giờ hôn nhân nó cũng "No refund" hết, "No exchange", không đổi và không trả được. Và nên nhớ mọi thứ trên đời này đều là "for sale" nhưng không phải tất cả đều "on sale". Và đồ "On sale" là đồ xài không được tốt lắm, tiền nào của nấy. Trong đời tu đừng ham tu tắt, tu dễ, tu sướng. Vì hễ nó càng tắt, càng dễ thì cái quý vị đạt được có ba xu thôi. Muốn thành Phật là đổ mồ hôi, xót con mắt, máu lệ tính bằng biển chứ không phải tính bằng lít.

Có người hỏi "Tu khó vậy Sư?" Tôi không biết hành Ba-la-mật, bố thí thân xác, tình cảm, tôi chỉ biết một chuyện thôi. Nội mà gồng cho người khác chửi mà mình không giận, mà phải gồng nhiều kiếp mới đắc được. Chứ đừng có nghĩ đi chùa bố thí nguyện kiếp sau con đắc quả, giải thoát luân hồi, nó đâu phải đơn giản vậy. Trong Ba-la-mật có kham nhẫn, có hành xả. Hành xả ở đây không phải gia vị nấu ăn mà là dửng dưng trước vinh nhục, khen chê của đời, khó lắm, thưa quý vị.

Ở đây tôi nói luôn một chuyện: nhiều người tưởng mình không ham danh lợi. Sai. Ham danh nó có hai trường hợp, thô và tế. Ham danh thô và tế là sao? Ham danh thô là thích nổi tiếng, thích quyền lực, thích chức vụ, thích được người ta biết tới, đi đâu cũng được người ta cúi đầu ngưỡng mộ, ganh tị, suýt xoa, xì xào. Ham danh tế là mình biết rõ tiếng tăm chỉ là phù du, chức vụ chỉ là sương khói, biết rất là rõ, mình không có ham chức vụ, không ham nổi tiếng nhưng nghe ai đó chê là mình bị sốc. "Tôi không có thích nổi tiếng, tôi không có thích chức vụ, tôi không thích kèn, trống, đưa đón dù lộng, cờ, quạt, tôi không có ham." Nhưng mà tôi mà nghe ai đó chê tôi, tôi chịu không có nổi. Cái đó là ham danh tế.

Chưa hết, cái này còn độc hơn nữa: "Tôi không ham danh nhưng mà tôi muốn người khác biết là tôi không ham danh." Tôi rất muốn người khác biết là Sư Toại Khanh không có ham danh. Tôi tu quá mà, tôi muốn người ta biết là tôi tu. Tôi muốn người ta biết là tôi ở trên núi, tôi ít khi nào gặp Phật tử, tôi không thích ồn, tôi thích ngồi thiền.

Trong kinh nói rất rõ, người tu hành có nhiều hạng. Hạng thứ nhất là thích thú, chìm đắm trong danh lợi. Hạng thứ hai, không có tham đắm trong danh lợi nhưng muốn người khác biết là mình không có thích danh lợi. Và cái hạng thứ ba, không thích danh lợi và cũng không muốn người ta biết rằng mình không thích danh lợi.

Hạng thứ hai tôi có gặp, tức là không giữ tiền nhưng muốn người ta biết mình không giữ tiền. Người ta tới người ta đưa tiền, "Không, không! Sư không có giữ tiền cô!". Thực ra nó có nhiều cách lắm. Tôi biết nhiều vị không giữ tiền, đưa họ họ vẫn nhận rồi sau đó họ kín đáo họ nhét vô cái thùng phước điền của chùa và lúc họ nhét họ không muốn ai thấy hết, nó đẹp biết bao nhiêu. Còn đằng này, tiền đâu phải là trái lựu đạn đâu mà sợ dữ vậy "Thôi, thôi! Thầy không có nhận cô. Thầy chỉ thuyết pháp bằng lòng từ bi thôi. Tiền con biết luật cấm mà con!". Chi vậy? Đối với tôi cái đó không có đẹp, cái đó là gian.

Nên cái ham danh ham lợi nó có tế và có thô, nhiều khi mình không biết. Có dạng ham lợi thô là ngay cả của phi nghĩa họ vẫn lấy. Hoặc khá hơn chút là cái gì không phải của phi nghĩa nhưng mà hợp pháp hợp đạo mình cũng muốn lấy. Và là có một trường hợp nữa là cái nhỏ mình không thích mà cái lớn mình thích. Không thích lễ lạc, không thích nhận bao thư, vì trong đó có hai ba chục đồng bạc. Nhưng mà có một bà đại gia nào đó tới cúng hai chục ngàn thì hoan hỉ, hoặc là bả không cúng bao thư mà hỏi số tài khoản cúng vào đó trăm mấy, chuyện đó lại hoan hỉ. Trong trường hợp đó, ham lợi đó là không có thích thô mà thích tế. Có nhiều vị họ cần tiền không phải để hưởng thụ mà họ cần tiền để thực hiện một cái tâm nguyện gì đó. Nếu nói trên giấy trắng mực đen thì vị đó lành quá, họ cần tiền không phải sống sung sướng tiện nghi mà họ cần tiền để thực hiện một tâm nguyện gì đó nhưng mà chỉ có họ và trời mới biết. Khi tiền rót vô rồi, họ có vui hay không, cái vui đó là lành hay là bất thiện.

Trích bài giảng Thiện Ác
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép


Samaya jhāna | | Ma chướng và Trở lực

Bù Trừ | | Nguyên Liệu Canh Chua

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com