Nguyên Liệu Canh Chua

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Nguyên Liệu Canh Chua

Tôi kể hoài chuyện thằng bé theo má nó vô tiệm mua mấy lon nước ngọt. Má nó đang trả tiền thì nó lấy nó khui hết. Má nó giật mình mới hỏi tại sao thì nó nói tại vì nắp hộp bảo là "open here". Theo nó nghĩ thì "open here" nghĩa là mua ở đâu thì khui hết ở đó. Trong khi "open here" mình có thể hiểu cách khác. Nhưng mà thằng bé nó có hiểu sai không? Vừa sai mà vừa đúng. Trên văn phạm, trên chữ nghĩa, trên từ điển, thì nó hiểu đúng. Nhưng mà nó sai với cái "context". Trên cái bối cảnh thì nó hiểu sai.

Tôi tin rằng rất nhiều phật tử đã hiểu kinh Phật như thằng bé nó hiểu cái "open here" đó. Nhiều chuyện động trời lắm. Ở Việt Nam tôi nhớ chuyện cái cô cán bộ xuống vận động nông thôn hạn chế sanh con. Cổ hướng dẫn xài cái condom. Cổ nói dễ lắm: "Mỗi lần ban đêm ngủ cứ chụp lên vậy cái là ngủ, không có sợ." Một thời gian sau họ lên họ thấy vẫn con nít đông quá! Họ hỏi sao kỳ vậy thì người ta nói "Tụi tui ngủ vẫn chụp lên ngón tay vậy mà nó vẫn đẻ!" Nhưng mà cán bộ nói đúng hay sai? Đúng chứ. Chứ không lẽ họ minh họa bằng cách nào? Có nhiều người hiểu lầm bảo tôi đang nói chuyện bậy nhưng mà nhiều người hiểu kinh họ hiểu như vậy đó. Họ cứ hiểu kiểu "lấy chụp lên ngón tay là xong."

Hoặc là có một cô dược sĩ bên Thụy Sĩ kể tôi nghe thế này. Vào một đêm khuya cô đứng bán thuốc - ở bển ít có tiệm thuốc mở cửa khuya. Đêm đó một hai giờ sáng có một cái anh người Đông Âu, ảnh tới ảnh nói "Con tao bị sốt quá, nó bị làm mủ, lỗ tai nó sưng, nên nó sốt quá, nó không đủ nặng để đi nằm viện nhưng mà bác sĩ có đưa toa kêu về mua thuốc." Thì cô dược sĩ cô mới bán cho một loại thuốc, thuốc cầm sốt cho trẻ em, loại để nhét vô hậu môn. Đưa xong xuôi rồi. Cổ dặn cái này nhớ phải làm vậy, vậy, vậy đó. Bữa sau, ảnh trở lại ảnh nói: "Sao kỳ quá, nó vẫn sốt nữa!" Thì cái cô này cổ biết thuốc đó mạnh lắm. "Mà ông có làm đúng như lời tôi nói không?" Ổng nói: "Con của tao nó bị mủ lỗ tai, mà nó bị sốt lên trán, tao nghĩ nhét vô lỗ tai là đúng rồi! Mày kêu nhét lộn rồi, nên nhét ở tai." Có hiểu cái lý của ổng không? Nó đau đâu thì phải chữa đó chứ. Nó bị làm mủ lỗ tai và nó bị sốt trên trán đây nè, thì phải nhét lỗ tai chứ. Mà ổng có lý không? Mình đừng nói người ta ngu, người ta có lý. Cho nên một là ổng nghi ngờ trí nhớ của ổng dở, hai là ổng nghi ngờ bà kia nói nhầm. Thế là ổng về ổng cứ toang nó vô tai thằng nhỏ thì nó đâu có hết sốt được.

Tôi kể hết mấy cái chuyện mà bà con tưởng là chuyện cười đó, thật ra đó là mấy cái chuyện nhức đầu, để bà con thấy rằng hiểu kinh không phải là chuyện dễ. Có hai con đường để tìm đến chân lý: Một là ta hiểu vấn đề như nó là. Hai là hiểu nó như mình muốn. Một cái là "As it is", hai là "As you like". Có hiểu không? Mà đa phần chúng ta có khuynh hướng hiểu như mình muốn. Cho nên đó là lý do tại sao hôm nay chúng ta đến với đạo Phật chúng ta có khuynh hướng thờ tổ hơn thờ Phật. Là bởi vì Phật nói thẳng một đường, còn tổ thì nói mỗi cha một kiểu, thì mình lựa cái cha nào giống cái goûts của mình thì mình theo cái cha đó. Có hiểu không ?

Như bên Miến Điện có nhiều cha thiền sư bị tiểu đường khi dạy thì cũng dạy đủ thứ, Tứ niệm xứ, A tỳ đàm, ... y như người ta nhưng mà mấy ngài đặc biệt quan trọng khuyên nên ăn uống đơn giản. Cuối cùng điều tra ra là thực đơn đó dành cho người tiểu đường! Thực ra không phải ngài ác, mà vì ngài nghĩ ăn cái đó tốt cho mọi người. Cho nên bên cạnh việc dạy thiền là ngài nói nhiều lắm, ngài hay nhắc cả chuyện ăn uống phải đơn giản, tốt cho sức khỏe tùm lum. Mấy ông thiền sư khác không quan tâm mấy chuyện này, nhưng mà Ngài thì ngài lại quan tâm, bởi vì ngài có một chế độ rất là kiêng khem. Rồi có vị thiền sư là đặt nặng vấn đề ngồi. Ngồi càng nhiều càng tốt, truy ra là vị ấy đi đứng không được thoải mái lắm. Đi không được thoái mái, cho nên nói một hồi nó lòi ra là vị này bắt ngồi nhiều đơn giản là vì cái chân của vị này rất là to, cho nên không biết là do ngồi nhiều mà to hay do to quá mà phải ngồi nhiều thì tôi không có biết. Nhưng mà vị này chủ trương, khích lệ ngồi càng nhiều càng tốt. Còn có vị thì khuyến khích là ... đi phân nửa, ngồi phân nửa. Thiền theo vị đó thì đi đứng thoải mái. Rồi có vị thiền sư chủ trương là trước khi vào ngồi thiền vị đó bắt mình phải qua lớp giáo lý. Ví dụ dòng Mogok chủ trương là Tứ niệm xứ không thể tách rời kiến thức về duyên khởi, không thể tách rời kiến thức về 12 duyên sinh. Cho nên muốn theo dòng Mogok là vừa vô là bị liền. Gọi là "bị" hay là "được" thì không rõ nhưng mà vừa vô là họ phát cho cuốn sách để đọc. Đọc xong, mỗi ngày hoặc mỗi tuần hoặc mỗi đêm mình lên trình pháp hay không là chuyện của mình. Nhưng mà ông thiền sư ổng đem lý duyên khởi ra ổng giảng hoài, giảng hoài. Bởi vì sao? Vì vị tổ sư của cái dòng này rất tâm đắc cái vụ 12 duyên khởi.

Cho nên phàm phu mình đi tu học thì các vị thiền sư, pháp sư, giảng sư, luận sư, đều luôn luôn đem cái dấu ấn riêng tư của họ ra mà gài vào trong lời giảng. Cha nào tâm đắc cái gì thì cha đó bèn bắt đệ tử ăn cái đó. Vì vậy khi mình học thầy là mình phải biết cái nào chung, cái nào riêng, cái nào của Phật, cái nào của tổ. Tổ nghĩa là mấy ông cố nội mình đây này. Mỗi cha đều có sở trường, sở đoản riêng. Chính mấy cái sở trường sở đoản đó được mấy cha lồng trong hướng dẫn. Mình nhào vô đó mình lấy nó làm của quý mình thờ. Thờ được mấy bữa, mình qua ông thầy khác, thì ông thầy khác ổng có tuyệt chiêu khác, thì mình bắt đầu hoang mang! Lẽ ra mình theo Phật thì không hoang mang. Mà đàng này khi mình theo tổ là bắt đầu mình hoang mang.

Nếu quý vị đọc kinh Phật thì sẽ thấy một điều đặc biệt: Đức Phật tránh nói chi tiết. Vì sao? Vì càng vào chi tiết ta càng đóng khung vấn đề. Ví dụ như Ngài nói cách nấu canh chua như sau: "Con phải chuẩn bị nước, rau mùi, đồ chua, đường muối rồi phần còn lại là tùy duyên." Biết rau mùi không? Là rau ngò, rau ôm, rau cần gì đó. Còn đồ chua là như me, hay giấm, hay cơm mẻ, trái bần, lá giang gì gì đó. Ngài không có nói rõ, Ngài chỉ nói chung chung thôi. Đó là Phật nói. Tới vị thiền sư bên này thì thiền sư mới thêm vô: đậu bắp, khóm, nấm, tàu hũ, gía, cà chua,... Có cha thì thêm hải sản, có cha thì nấu bằng lươn, cá trê, cá lóc, cá lòng tong. Hiểu không? Có nghĩa là mỗi cha có một kiểu nấu. Mà canh chua ba miền hình như không giống nhau, đúng không? Thế là mình hoang mang. Rồi mình mà gặp phải cha nào quá mê nghiên cứu, chả dành nguyên cuốn sách 1000 trang để nói về tác dụng của đậu bắp, ý nghĩa giá trị sinh học của đậu bắp: "Bà con phải ăn đậu bắp!" Quý vị cứ tưởng tượng: nó chưa nấu được nồi canh chua mà nó phải đọc 1000 trang về đậu bắp, 2000 trang về nấm rơm, mà nấm búp khác nấm nở. Rồi tới bột nêm gồm có các loại nêm chay và nêm mặn. Nêm mặn gồm có các xuất xứ như sau: Thụy Sĩ khác Đức, Pháp, Thụy Điển, Ba Lan và Do Thái, ... Chỉ riêng cái khoản nấm rơm và bột nêm là đệ tử nó học 8000 trang mà nó vẫn chưa nấu được nồi canh chua! Trong khi Phật nói: "Con chỉ chuẩn bị nước, rau mùi, đồ chua, muối, phần còn lại... là xong." Còn đằng này, mỗi cha bày mỗi kiểu - quá nhiều.

Thậm chí, có ngài thiền sư viết một cuốn sách 5000 trang với một tựa đề "Sự đơn giản của Thiền". Mà cái câu đầu tiên của cuốn sách ghi thế này: "Thiền là một vấn đề vốn dĩ không thể nói hết bằng lời, và rất khó hiểu với mọi người nên nay tôi mạo muội viết cuốn sách mỏng này để hướng dẫn cho bà con." Đệ tử nó khóc, nó nói "Hên là mỏng". Mà cái tựa đề là "Sự đơn giản của Thiền". Có hiểu chuyện đó không? Quý vị không tin? Tôi dám nói sách thiền của Phật giáo nó nhiều như quân Nguyên vậy đó, quý vị có biết không ? Nhiều dữ lắm. Mà cuốn nào cũng mới vô là nói "Thiền là bất lập danh tự", "Thiền là vô ngôn", "Thiền là không thể nói được." Rồi còn có ngữ lục của thiền còn kể ghê gớm lắm: Có một người miệng ngậm một nhánh cây nhô ra ngoài vực núi. Có người nào đi ngang hỏi một câu gì đó thì người này có nên trả lời hay không? Bởi vì nếu người này không trả lời thì phụ lòng người hỏi mà trả lời là rớt, chết chắc. Có nghĩa là càng nói về thiền là càng nói sai về thiền. Nhưng mà lại đi viết một cuốn sách xác định "Thiền không nói được" dài khoảng 6000 trang! Nó quá phiền. Phiền nhất là cái tựa "Sự đơn giản của Thiền". Tôi rầu quá.

Xin thưa với tất cả bà con cha mẹ ở đây, ai muốn biết cà phê là cái gì thì tôi chỉ cho ra Starbucks kêu một ly quất tại chỗ rồi lết về đây. Chứ còn đọc một cuốn sách ngàn trang để nghe nó tả về cà phê thì tới rằm tháng tám cũng chưa biết cà phê nó có mùi gì nữa. Cho nên, đừng có ăn rồi cứ ngồi mà bàn. Bây giờ có cái lớp trên mạng online, lâu lâu bàn "Thế nào là Niết Bàn?" Trong khi phiền não nó một bụng, đi ngang nó tanh rình, thúi hoắc thì không thấy mà đi bàn về Niết Bàn. Nắp bàn còn hiểu chưa hết nữa mà đòi bàn về Niết Bàn.

"Thiền là thiền cái gì?" Con lạy các bố, các bố ráng học giáo lý dùm. Học giáo lý đàng hoàng cho có căn bản, và sống chánh niệm. "That’s it! No more!" Nhiêu đó đủ rồi. Rồi trên cái nền tảng kiến thức ấy, cộng với đời sống chánh niệm thì tự nhiên một ngày đẹp trời, một ngày "mùa thu lá bay, mùa hè đỏ lửa" nào đó, tự nhiên nó bừng, nó sáng ra. Chánh niệm cộng với kiến thức giáo lý. Đừng có chê nó. Thấy nó vậy chứ nó cần thiết lắm. Bởi vì chuyện đầu tiên là khi có nó, nó giải nghi cho mình rất là nhiều thứ. Ngày hôm qua tôi nói rồi. Không thèm học, cứ nói "Thiền đi con!" Nghe thì nó thấy cũng sang. Nó vô nó ngồi, nó ngồi một hồi tự nhiên nó thấy tùm lum hết, mà nó không biết cái tùm lum đó là cái gì. Nó rối cái chỗ tùm lum đó. Nghe rất là sướng. Không cần học nhiều, học nhiều là "đa thư loạn tâm", "học nhiều dễ khùng lắm con." Nghe rất là sướng. Nhưng mà tới lúc nó vô nó ngồi rồi nó mới biết.

Học không tu là tủ kinh. Tu không học là tu mù. Không có cái nào nên hết. Đạo Phật là một sự kết hợp hoàn hảo giữa những điều cần thiết. Đó chính là Đạo Phật. Ta không thể nhắm mắt nhắm mũi bài bác cái này hoặc nhắm mắt nhắm mũi mà suy tôn thờ phụng cái kia. Chúng ta phải nhớ rằng, cốt lõi tinh thần của Đạo Phật chính là sự kết hợp hoàn hảo của những thứ cần thiết. Hết. Không có cái câu nào rõ hơn về Đạo Phật.

Auguste Rodin là nhà điêu khắc người Pháp rất nổi tiếng. Có người hỏi ổng bí quyết điêu khắc, ổng nói rằng: "Đem về một tảng đá, bỏ đi cái thừa, phần còn lại là tác phẩm." Phật là gì? Là gọt bỏ đi cái thừa, cái còn sót lại được gọi là Phật. Nhưng mà Ngài gọt hơi kỹ. Còn mình, mình gọt chưa kỹ lắm. Tạc tượng một cô gái thì chỗ nào cô gái không có thì mình bỏ, chỗ nào cô gái có thì mình thêm. Tạc một ông già thì mình thấy chỗ nào cần có thì mình cho có mà chỗ nào không cần thì mình bỏ. Còn đàng này tạc ông già thì quất một cục chỗ đây. Còn tạc cô gái lại quất một chùm râu chỗ đây. Là sai! Để tạc một tác phẩm cứ nhớ công thức đơn giản: Tha về một tảng đá, một khối gỗ, một khối kim loại, bỏ đi chỗ thừa, phần còn lại là tác phẩm.

Và đó cũng là một công thức của duyên hệ: Sự vắng mặt một cách cần thiết thì sẽ đem lại vô vàn lợi ích. Sự vắng mặt một cách thiếu thốn, sự vắng mặt mà để lại cái thiếu thốn, là để lại vô số cái di họa. Có nhiều cái không cần thiết là họa. Mà có quá ít cái cần thiết cũng là họa.

Trích bài giảng Duyên Hệ và Tu Hành
Kalama xin tri ân bạn vuihtv ghi chép


Noãn Thai Thấp Hóa | | Giải Thoát

Danh Lợi | | Năm Chi Thiền

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com