Trần

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Trần

Tôi từng ở trong những ngôi nhà đồ sộ mấy triệu của Phật tử. Tôi cũng từng ở trong những ngôi nhà Phật tử bên Cali đi ra đi vô không cẩn thận lỗ mũi quẹt tường, chật ních. Ở trong hai ngôi nhà đó tôi thấy một điểm giống nhau là nếu gia chủ không có đời sống tâm linh thì hai cái nơi đó đều là hai cái nhà ngục. Vì tôi thấy nó quá vô vị. Trong khi tôi về cái am của tôi ở Florida, sách vở của tôi trùng trùng, một là tôi đọc online, hai là tôi đọc sách in, rất thoải mái. Còn ở mấy chỗ nhà Phật tử đó tôi thấy cái sự vô vị của nó. Đi ra đi vô gặp mặt nhau thì cứ cười cười. Mình muốn ăn gì họ nấu cho mình ăn cái đó. Lâu lâu họ gặp mặt mình họ hỏi Đạo thì còn đỡ. Tôi không hiểu là khi không có tôi ở đó thì hai vợ chồng hai đứa con họ gặp nhau họ nói cái gì nữa. Có nhiều cuộc hôn nhân mà tôi biết nó rã không phải là vì ai có lỗi hết mà chỉ vì sự vô nghĩa của nó, rất chán. Sống với nhau lâu ngày chúng ta không có gì để cho nhau, để nói với nhau, cứ lặp đi, lặp lại, lặp đi, lặp lại những cái điệp khúc rất là tẻ nhạt. Cuối cùng có một ngày nó mắc vào những cuộc tình công sở. Tại sao người ta thích ngoại tình? Không phải người ta tệ đâu mà vì nó lạ. Bởi vậy nhiều khi vợ mình là dĩa cơm nguội nhưng là dĩa cơm tấm đối với cha hàng xóm. Lý do là nó chán, cứ có nhiêu đó làm hoài. Ở đây tôi không muốn đụng chạm đến hôn nhân gia đình nhưng mà tôi muốn nói đến bậc thượng trí họ nhìn cuộc đời này có ba cái đáng chán.

Cái thứ nhất, có mặt ở đời là phải chấp nhận mất mát, lìa xa những thứ mình thích. Thứ hai, có mặt ở đời là sớm muộn gì cũng phải chấp nhận những thứ mình ghét. Thứ ba, chỉ cần có mặt trên đời này là mình có cơ hội để chịu hai cái khổ đó. Đồng thời bản thân sự có mặt đã là vô nghĩa, vô vị, tẻ nhạt. Và trong kinh nói rõ, chỉ có bậc thượng trí mới thấy rõ cái khổ thứ ba đó. Còn chúng ta thì chỉ cần không xa cái mình thích và không gần cái mình ghét là đã thấy hạnh phúc rồi.

Còn quý vị hỏi tôi là "Tại sao bậc thượng trí họ chán sự hiện hữu?" Là bởi vì khi đã nói 'thượng trí' là họ có niệm và có tuệ, chánh niệm và trí tuệ. Khi các vị sống với chánh niệm và trí tuệ thì sẽ thấy từng cái giây phút mà quý vị nói là hạnh phúc nó chớp nhoáng, chớp tắt, chớp tắt, chớp tắt. Khi họ thấy mọi thứ là chớp tắt, thì họ chán. Còn mình cứ nghe giảng đời là bể khổ nhưng không được nghe tới nơi tới chốn nên mình nghĩ "Khơi khơi tôi đang hạnh phúc quá, tôi đang sống trong mối tình đầu với một con nhỏ trang lứa với tôi đẹp lộng lẫy luôn, rồi bây giờ bắt tôi thấy đời là đau khổ, tôi thấy sao nỗi! Tôi đang tuổi trẻ sung sức mà! Tôi mới tậu được một chiếc xe rất là vừa ý! Tụi tôi đang có kế hoạch honeymoon ở Hawaii ... Bây giờ ông Sư ổng bắt tôi phải nhận đời là khổ, tôi không thấy nỗi!"

Tuy nhiên, đối với một hành giả Tứ Niệm Xứ thì lại khác. Khi mình sống chậm lại, chữ 'chậm' ở đây không phải là tốc độ, mà 'chậm' là không để cho sáu căn nó bôn ba theo sáu trần mà mình sống với những gì nó đang diễn ra trước mắt. Nên nhớ cái này: Hành giả Tứ Niệm Xứ không đi tìm sáu trần, mà ngồi yên quan sát những cái trần mà mình không tránh được. Không tránh được ở đây nó gồm có hai. Một là trần cần thiết. Hai là tự nó đủ duyên là nó có mặt.

"Trần cần thiết" là gì? Tới giờ mình có cần ăn không? Bữa ăn đó có là trần không? Qúy vị có cần đi tắm không? Cái chuyện nước nó dội vô mình có phải là sáu trần không?

Cái trần thứ hai mình không tránh được là vì nó đủ duyên. Như khi mình lái xe ra đường mà cấm không cho nhìn chiếc xe khác quý vị có dám lái không? Quý vị có muốn nhìn thấy chiếc xe khác không? Cái muốn này do thích hay do cần? Đó, bây giờ hiểu chưa? Cho nên hành giả Tứ Niệm Xứ không có đi tìm sáu trần để thưởng thức mà chỉ quan sát sáu trần khi không tránh được. Không tránh được ở đây gồm có hai, một là trần cần thiết, hai là khi nó đủ duyên là mình phải chịu thôi. Thí dụ như mình đang ngồi thiền, hàng xóm nó làm rớt cái thùng kêu cái 'đùng', thì hỏi mình tránh ngã nào? Cái đó không phải là cái cần thiết, đúng không? Nhưng nó lại lọt vô trường hợp thứ hai, nó đủ duyên thì mình chịu chết thôi. Thế giới này là thế giới của duyên mà!

Hành giả Tứ Niệm Xứ sống miên mật với chánh niệm và trí tuệ. Chánh niệm là gì là biết rõ 'How' và trí tuệ là biết rõ 'What'. 'How' là biết rõ cái activities của mình, biết mình đang đi, đang đứng, đang nằm, đang ngồi. Biết cái 'What' là biết cái này là thiện, cái này là ác, cái này là đất, nước, lửa, gió. Tôi cầm cái ly lên, vừa cầm lên là biết: cái cứng, cái mềm là "đất", cái nóng, cái lạnh là "lửa". Nhưng có hai trường hợp: Khi tôi tu Tâm thì khi tôi cầm tôi biết là tôi muốn cầm. Tôi tu Thân Tứ Niệm Xứ thì khi tôi cầm lên tôi biết đây là cứng, mềm (đất), nóng, lạnh (lửa). Tùy tôi tu đề mục nào thôi. Miễn là khi tôi cầm cái ly tôi không để cho phiền não có mặt. Còn cái chuyện tôi lưu ý đến khía cạnh nào là tùy đề mục tôi chọn.

Có hai cái lưu ý: một là mình lưu ý cái mình cần nhìn, hai là lưu ý cái mình không cần nhìn. Trong kinh Đức Phật nói khi mình cưa gỗ mình không cần nhìn hai cái đầu lưỡi cưa, đầu này đi đến đâu, đầu kia đi đến đâu. Mình chỉ cần nhìn chỗ lưỡi cưa nó ăn vô khúc cây thôi để mình bảo đảm rằng lưỡi cưa nó đang đi đúng đường mực. Còn cái phần đầu nó đi đến đâu kệ nó, phần đuôi nó lùi đến đâu kệ nó, mà mình chỉ ngó ngay lưỡi cưa nó đang nằm chỗ nào mình nhìn chỗ đó thôi. Hành giả Tứ Niệm Xứ quan sát sáu căn là quan sát như vậy. Nghe người ta la hét là mình chỉ ghi nhận người ta đang la, bực mình mình chỉ biết đang bực mình, tức là mình chỉ quan sát chỗ lưỡi cưa nó cứa vào khúc gỗ thôi, chứ không có quan sát ra ngoài vì nó không có cần thiết. Các vị không tu các vị nghe sẽ thấy nó kỳ. "Ủa sao Pháp môn gì nghe nó lạ dữ vậy?". Nhưng mà cứ làm thử đi. Nó an lạc vô cùng. Bởi vì, như tôi đã nói cái này không biết bao nhiêu lần, thế giới này nó chỉ tồn tại trong giây phút hiện tại thôi. Cái gì đã xảy ra cách đây một giây bây giờ nó không còn nữa và cái sẽ xảy ra tiếp đây một giây là cái chưa có. Thế giới nó đang tồn tại trong từng giây phút hiện tại. Mình tu Tứ Niệm Xứ, Tuệ Quán, Minh Sát, Vipassana là mình đang sống hết mình với những gì đang xảy ra ngay bây giờ. Mà tại sao phải sống hết mình với những cái xảy ra bây giờ? Bởi vì cái quá khứ nó qua rồi nhớ lại chỉ vô ích thôi. Cái quá khứ nó chỉ có giá trị khi nào nó là một bài học, nó là một cái ấn tượng cần thiết.

Một vị A-La-Hán Ngài không phóng dật, không thất niệm nhưng mà có những lúc Ngài phải nhớ chuyện đã qua. Thí dụ như ngày hôm qua có người thỉnh Ngài hôm nay đến nhà ăn cơm. Vậy buổi sáng hôm nay Ngài có nên nhớ lại lời hứa của ngày hôm qua không? "Dạ có!" Tại sao vậy? Hôm qua bà Loan mời. Ngài A-La-Hán vì không cần phải nhớ chuyện cũ nên hôm nay đi theo lại nhà bà Nga bên này. Chiều bà Loan bên kia bả tới là bả đốt chùa! Hiểu không? Cho nên, A-La-Hán vẫn phải biết chuyện cũ nhưng người ta biết một cách cần thiết. Còn mình là như vầy: Mình toàn là nhớ cái không cần thiết không thôi! Mình tới mình đậu xe trước nhà này. Lát sau mình đi ra mình thấy có chiếc xe khác nó đậu xéo làm mình ra không được. Thế là mình dòm kỹ biển số "Xe này của con nhỏ mới hôm qua mình gây lộn nè! Đậu vậy là đậu để kiếm chuyện nè!". Tức là mình phăng ra những cái chuyện mà lẽ ra mình không có chắc người ta có ý đó hay không; nhưng mà mình moi ra cho bằng được. Cái hồi nó ghét nhau nó moi ra những cái li ti li ti. Đi vô nhà bếp ngồi ăn chung, nó ngồi kế bên mình mà nó để cái chén xuống hơi mạnh là mình nghĩ nó để ngay mặt của mình. Cái đó có không? Khủng khiếp.

Trích bài giảng Thiện Ác
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép


Chánh Tư Duy | | Thân hành niệm

Năm Chi Thiền | | Kiếm Chuyện

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com