Kẹo

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Kẹo

Tôi giảng về mấy cái duyên này không có theo thứ tự trong kinh. Vì sao ? Vì tôi xét, tôi lựa cái duyên nào mà tôi có thể nói về chuyện tu học thôi. Còn mấy cái duyên mà có thể lùa vào một góc thì tôi gom lại tôi nói cho nó gọn. Tôi nói trước cho biết. Chứ đêm nay chớ có về dò lại rồi nói "Ủa, sao ổng từ Quảng Nam mà ổng chạy vô Đà Lạt, Đà Lạt hướng về Bạc Liêu, từ Bạc Liêu ổng đưa trở về Bình Dương!" Không phải vậy. Miễn sao còn trong cái bản đồ chữ S thôi.

Bây giờ mình nói về cái Thường cận y duyên. Nghe cái tên nó rất là dài và nó rất là tối nghĩa nhưng mà cái nghĩa mà nôm na nhất đó là thói quen. Thường cận y là thói quen chứ không có gì hết. Tiếng Pali là pakatūpanissaya. pakatu từ chữ pakati có nghĩa là bình thường, tự nhiên. Còn cái chữ upanissaya có nghĩa là thói quen, lề lối . Như vậy, pakatūpanissaya dịch gọn lại là thói quen. Hết. Cái này nó rất là quan trọng. Bởi vì tôi đã nói nhiều lần:

Chúng sanh phàm phu 99.9% vốn không có thói quen active (chủ động) mà rất là passive (thụ động). Chúng ta không có khuynh hướng bốc hơi mà chúng ta chỉ có khuynh hướng chảy xuống. Phân biệt được hai cái này không? Nước mà dạng thể khí thì nó có khuynh hướng bốc lên, còn nước cái dạng thể lỏng thì nó đổ xuống. Muốn bốc lên thì anh phải chủ động một chút. Còn để cho nó chảy xuống thì anh cứ thụ động là được rồi. Muốn đứng lên thì phải dùng sức chứ muốn đổ cái ạch xuống đất thì hình như không cần dùng sức mấy, phải vậy không? Chính vì thói quen tai hại này cho nên trong vô số kiếp luân hồi chúng sinh có một khuynh hướng rất bậy là cái gì dễ, cái gì tiện thì theo đó mà đi. Cho nên 99.9% chúng sinh trong đời này là sống theo thói quen. Mà thói quen thiện nó khó hơn thói quen không tốt. Bởi vì mình muốn có được cái thiện mình phải có sự nỗ lực, mình phải có phấn đấu, phải có vô số điều kiện. Còn ác thì quơ đâu cũng gặp điều kiện để làm ác hết trơn. Chính vì cơ hội làm bậy nó nhiều cho nên người bậy mới nhiều. Chính vì người bậy nó nhiều nên bạn xấu nó nhiều. Chính vì bạn xấu nó nhiều cho nên mình dễ kiếm. Chính vì mình dễ kiếm bạn xấu cho nên mình dễ thành người xấu, dễ bị tụi nó lây thói xấu.

Sẵn đây tôi nhắc lại bài học cũ. Trong kinh nói không nên gần người xấu, kể cả trường hợp ta là người tốt. Tại sao? Là bởi vì buổi đầu mình sống với họ bằng tâm thức đối kháng, có nghĩa là mình không đồng ý, sau đó bằng tâm thức miễn cưỡng, sau miễn cưỡng là thỏa hiệp, sau thỏa hiệp là đồng thuận. Và khi đồng thuận rồi là cá mè một lứa, có lúc mình sẽ thấy nó hay hay. Chuyện nhẹ thôi. Tôi không phải là người bủn xỉn nhưng mà khi tôi ở gần một người kẹo lâu ngày tôi thấy họ hay. Trước đây mình thấy ai dễ thương, ai tội nghiệp là mình giúp liền. Còn bây giờ khi ở gần người kẹo là mình nghĩ tiếp "họ có nhờ mình chưa mà mình giúp?" , "họ chưa đến nỗi mà tại sao mình giúp?". Mà lẽ ra trước đây là tôi thấy ai dễ thương, thấy tội nghiệp là tôi giúp liền. Còn giờ ở gần người kẹo lâu ngày tôi mới tăng đô lên. Có nghĩa là tôi nghĩ thêm: "họ đã đến nước mà cần giúp hay chưa?", "họ có đúng là khổ như mình thấy hay không?" Lúc đó bắt đầu tôi mới giật mình "Ồ, thì ra mình đã bị nhiễm!" Trước đây mình không có để ý mấy cái đồng bạc cắc, nó chỉ để dành bơm bánh xe nhưng bây giờ mình biết để dành để đậu xe. Từ cái chỗ mà bơm bánh xe mà biết tiết kiệm để mà bắt đầu dùng trong chuyện đậu xe. Tôi không phải nói vậy để bà con coi thường mấy cái đồng bạc cắc, nhưng mà tôi giật mình khi tôi thấy tôi đã thay đổi. Bởi vì không phải tôi giàu nhưng mà ở Mỹ cái đồng bạc cắc nó không có giá trị nhiều mà giữ nó rất là nặng túi. Rồi khi về Châu Âu tôi mới biết người bên đó họ xài hơi kỹ. Đồng bạc cắc bên Thụy sĩ nó rất là có giá, mà cộng với mấy người họ hơi kỹ nữa, lâu ngày tôi về Mỹ tôi kẹo lúc nào tôi không hay.

Người ta nói người Bulgaria rất là kẹo, kẹo lắm, họ bủn xỉn lắm, tại vì họ là dân miền núi, thêm chế độ cộng sản làm cho họ nghèo nữa cho nên họ bủn xỉn. Có câu chuyện một du khách ngoại quốc đi qua Bulgari. Ổng bị tai nạn mất máu nặng lắm. Trong bệnh viện ổng cần vô máu, người ta vô đợt một ổng còn cảm ơn, vô đợt hai ổng hết biết cảm ơn - là bởi vì máu Bulgaria đã quá nhiều trong người ổng. Cái câu chuyện đó, có thể quý vị nghĩ là câu chuyện cười nhưng mà không phải chỉ vậy. Người ta muốn nói về sự tập nhiễm. Tức là vô lần đầu ổng nói cảm ơn, vô lần hai ổng thấy chuyện bình thường: "tui bị tai nạn bên nước mấy người, mấy người phải có trách nhiệm vô máu cho tui." Có nghĩa là lúc đó ảnh chỉ biết lợi dụng người khác thôi, chứ không còn cái ơn nghĩa gì hết. Nhưng mà may là tôi chưa vô máu, mới ở bển có mấy tháng mà giờ bắt đầu tôi kẹo rồi.

Thường cận y duyên nó quan trọng lắm. Nó là cái thói quen. Thói quen nếu mà nói một cách hình ảnh sinh động thì thói quen là một thùng hột giống, có đủ thứ hột hết. Chỉ cần mình gần cái môi trường nào thì trong đó cái hột nào nó sẽ phát triển. Mình có nhiều thói quen lắm quý vị, thói quen tốt, thói quen xấu, thói quen hiếu học, thói quen lười biếng, thói quen lừa đảo, thói quen chân thật, thói quen đa tình, thói quen chung thủy, mình có một thùng. Mà hễ mình gặp cái môi trường nào thì cái hột giống đó nó phát triển. Như cái hột đậu xanh mà nó nghe cái mùi nước là nó ra giá liền. Hồi đó có người cho tôi một cái giò lan. Giò lan nó không cần đất, nó không cần nước. Cứ treo nó cho có gió, có sương, là chàng bèn ra hoa. Bây giờ tôi về tôi tìm lại cái đó mà không thấy.

Trích bài giảng Thường cận y duyên
Kalama xin tri ân bạn vuihtv ghi chép


Kế Hoạch Lâu Dài | | Thân hành niệm

Kiếm Chuyện | | Chí Thiện

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com