Xá Lợi Pháp

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Xá Lợi Pháp

Cái từ xá lợi là từ tiếng Phạn Śarīra, phiên âm là "xá lợi". Mình nghe nó lạ.

Ngài Huyền Trang Ngài đưa ra cái luật phiên dịch "ngũ chủng bất phiên" (五種不翻) 1 là có những chữ mà người dịch kinh nên để nguyên không nên dịch. Bởi vì nhiều lý do. Cái chữ đó bên ngôn ngữ A cái nghĩa nó rộng lắm, đem dịch qua ngôn ngữ B cái nghĩa nó nghèo đi. Cái chữ đó bên kia nó tới 80 nghĩa lận, qua đây, nó còn có nghĩa một thôi. Cho nên trong trường hợp đó người ta đành phải giữ nguyên. Trường hợp thứ hai, có những trường hợp ngài nói là nếu dịch ra không còn linh thiêng nữa nên giữ nguyên là tốt. Thí dụ như, trong Hán tạng, có những từ mà các vị phật tử nghe qua rất là kỳ mà nghĩa rất là thường "Này các vị bật sô". Bên tiếng Pali chữ này có 2 chữ "k" bhikkhu, nhưng tiếng sanskrit là bhiksu. Cho nên có âm tất cả là sáu chữ : tỳ kheo, tỳ khưu, tỳ khiu, bật-sô. Nó âm ra rất nhiều chữ: kheo, khưu, khiu, bật-sô, ... Tại sao người ta không dịch mà người ta lại âm? Cũng giống như là "Washington" âm thành là "Hoa Thịnh Đốn". Đó không phải là dịch, là translation mà là transliberation. Một cái phiên âm một cái phiên dịch. Cái chữ "bhikhsu" nhiều nghĩa quá người ta để âm thôi. Đó là trường hợp thứ nhất. Trường hợp thứ hai là người ta muốn giữ tính linh thiêng. Ví dụ như, có nhiều chỗ người ta không dịch là rừng, mà họ dịch là "lan nhã", "tỳ kheo trú nơi lan nhã". Nếu nói theo ngôn ngữ mình bây giờ là "tỳ kheo sống ở rừng thì phải nhớ vầy vầy, vầy" Thì ở đây người ta muốn giữ cái mùi linh thiêng của kinh điển người ta để là "tỳ kheo trú nơi lan nhã". Mà bà cố tui cũng không hiểu cái "lan nhã" là cái gì. Lan nhã là viết âm theo trong tiếng Pali ārañña, còn tiếng sanskrit là aranna, araniya rồi âm là "lan nhã". Có cái chùa "Tịnh An Lan Nhã" đó. Lan nhã là cái rừng. Rồi là chữ "sa-môn". Chữ sa-môn nghĩa nó hay lắm. Sa-môn có nghĩa là người mà mọi thứ trong lòng đã được lắng xuống, "calm down". Nó từ chữ sameti, chữ samana, cùng một gốc với chữ samatha, nghĩa là sự lắng yên. Nhưng mà dịch ra vậy nó mất cái hay cho nên họ để nguyên. Samana âm là sa-môn.

Thì chữ Xá lợi cũng vậy. Từ "xá lợi" từ cái tiếng Phạn là Sarira, có nghĩa là body (thân thể) chứ không có gì hết. Mà Tàu họ muốn giữ cái tính linh thiêng họ âm thành "Xá lợi". Tôi xin nhắc lại một lần nữa là "Xá lợi" là xương người. Mình đừng có thêu dệt riết nó banh chành Đạo Phật. Xá lợi là xương người, Phật để lại bao nhiêu thì chia nhau mà thờ. Và, cho tôi nói cái này. Nếu xá lợi mà có thể "đẻ" ra như vậy việc gì phải chia? Cứ để tập trung một chỗ vậy là bữa nay nó lên một núi rồi. Mà tại sao phải chia? Là vì nó không có khả năng đẻ, do đó mới phải chia. Quý vị hiểu tôi nói không? Quý quá. "Phạm thiên thượng giới một tòa, xương vai bên tả cùng là tam y." Quý đến mức người ta thờ cái phần nào người ta nhớ phần đó. Chứ nó nhiều quá như bèo cám người ta đâu có cần ghi rõ là bèo đó ở đâu ra.

Xin lỗi, cho tôi nói thêm chuyện nữa. Bây giờ nhớ nhiêu nói nhiêu. Trong cái tiệm ăn của châu Âu, khi mình kêu steak trong đó nó có cái hình. Mỗi phần của con bò nó có tên khác nhau để mình chọn. Trong khi đó là khi mình kêu nó hỏi mình là ăn với corn, với rice, với potato. Thì mình nói rice. Khi nó đem cơm ra thì mình có cần hỏi là cơm này múc chỗ nào trong cái nồi không? Không. Vì sao? Vì cơm chỗ nào trong nồi cũng giống nhau thôi. Nhưng mà con bò thì không. Thịt con bò ở phần đùi nó khác, thịt phần sườn nó khác, thịt trên vai nó khác. Đó. Bây giờ hiểu chưa ? Nếu mà xá lợi có thể đẻ ra trùng trùng như vậy thì cũng giống như cơm, múc chỗ nào cũng là cơm hết, thì làm gì có cái vụ quý đến độ "Phạm thiên thượng giới một tòa"? Hơn nữa, nếu xá lợi mà có khả năng đẻ ra như vậy thì khỏi chia. Còn gì đâu là quý đâu. Và nếu nói xá lợi có thể sanh ra như vậy đó thì nó không còn linh nữa. Nó phải có giới hạn thì nó mới linh. Còn đàng này lại nói "nếu có đức tin nhiều nó sẽ ra". Nói vậy thì cả thế giới này sẽ có một lúc đầy xá lợi hết! Nếu mà cứ "thờ là ra, thờ là ra" vậy thì mai mốt tôi làm toilet ở đâu? Khi các vị nói xá lợi cứ tràn ra như vậy thì tôi xin nói thiệt, tôi xin quý vị bớt tu đi. Bởi vì quý vị tu nhiều quá mai mốt xá lợi nó đầy mặt đất thì tui ở đâu?

Ngài Anan hỏi Đức Phật "Bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn tịch rồi, chúng con tỷ kheo sẽ làm gì với di hài Thế Tôn?" Đức Phật nói: "Này, Anan, chuyện đó hãy để cho cư sĩ. Chuyện mà thờ lạy cái này của Như Lai hãy để cho đám cư sĩ. Còn các ngươi chỉ có con số 37 thôi: ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo, tứ niệm xứ, tứ như ý túc, tứ chánh cần. Chỉ có 37 cái này thôi. Còn cái chuyện mà xá lợi một ký hai ký giao lại cho cái đám có tóc." Không phải cho phép mà ngài giao. Chữ "giao" với chữ "cho phép" nó khác nhau. Thí dụ: Tôi đưa cái chìa khóa tôi nói "Cô lên chánh điện cô mở cửa dùm". Nghe vậy là nói "Vậy là sư cho phép con giữ chìa khóa". Đâu phải! Tôi đâu có cho phép, mà là tui giao. Giao khác cho phép chớ. Nó ác một chỗ là phật tử mình bị một cái chứng tâm bệnh rất là nặng mà thuật ngữ y học nó kêu "chứng sợ kinh cắn". Nghĩa là không dám coi kinh. Và coi tăng ni giống như là thần. Họ ban cho cái gì bèn đội cái đó về. Tăng ni không ban cho thì về không có dám coi kinh. Những điều tôi nói đều có hết trong kinh. Không phải sư giảng mà trong kinh ghi. Mà không có dám đọc. Cái vụ xá lợi đó là trong kinh này, tôi cho địa chỉ luôn đây. Kinh Đại Bát Niết Bàn phần cuối ghi chuyện xá lợi chia ra làm sao rất rõ.

Xá lợi Pháp thân mới thực sự là linh hồn của Phật giáo. Nếu không có bộ Tam tạng mà chỉ toàn xá lợi không thôi thì hôm nay các vị tu là tu cái gì? Nếu mà không có giáo lý mà toàn là mấy cái tháp thôi, thì bây giờ vô chùa "Thưa thầy, chồng con chết, ba con chết, vợ con chết bây giờ con khổ quá, con phải làm sao?" "Lạy cái tháp đi con." Tại vì không có giáo pháp, chỉ có cái tháp đó thôi.

Nói một cách khác. Toàn bộ nền y học và dược khoa dẹp hết. Chỉ cần chụp hình mấy viên thuốc thôi, Vậy có thể chữa bệnh được không? Chụp hình mấy ông bác sĩ thôi, bác sĩ nổi tiếng, chụp xong làm hình đeo trên cổ, không cần thuốc men, không cần mổ xẻ, không cần trị liệu, không cần gì hết, cứ việc làm mấy cái hình thôi. Có được không?

Xá lợi chỉ là hình bóng của Đức Phật, rất mờ nhạt. Phải nói rất là mờ nhạt. Tôi nói quý vị nghe mà hết hồn: Bức tượng phật đẹp nhất trên thế giới nằm ở đâu? Bức tượng giống Đức Phật nhất nằm ở đâu? Bức tượng đẹp nhất, giống Phật nhất nằm ở đâu? Hình ảnh đẹp nhất của Đức Phật, giống nhất của Đức Phật là ở những người có trí tuệ, có chánh niệm, có từ bi. Người ta nhìn mấy người đó, người ta nhân lên một ngàn lần, là hình dung ra Đức Phật. Tôi nói thật, mấy cái tượng mà quý vị nói đẹp thế này đẹp thế kia, nếu tôi chỉ nhìn mấy cái đó mà tôi không học giáo lý, không học phật pháp gì hết, thì nhiều lắm tôi nói "Ông này đẹp trai thiệt". Hết. Nhưng mà nhờ tôi nhìn những tăng ni, những phật tử, tôi thấy họ có từ bi, có trí tuệ, có thiền định, có nhẫn nại, có chịu đựng, có tha thứ, mà họ lại là những người tu Phật, tôi sẽ nói "Đệ tử mà còn dễ thương như vậy thì ông Sư phụ còn tới cỡ nào nữa!"

Cho nên bức tượng Phật đẹp nhất không phải ở đâu xa mà chính là ở những người tu phật đàng hoàng, thêm chữ "đàng hoàng", có gạch dưới. Tôi lạy mấy ông cao tăng tôi thích hơn lạy một bức tượng đẹp. Tôi lạy mấy ông cao tăng mà tôi quý, tôi thấy sung sướng hơn lạy một bức tượng đẹp. Đó là riêng tôi.

Vừa rồi tôi có gặp Ngài Sukinhda, 30 năm không nằm. Tôi ở đó 7 ngày mà tôi đến thăm ngài 3 lần. Ngài ở trên núi, tôi ở dưới phố, không gần, tôi phải đi xe hơi lên. Khi đảnh lễ ngài, tôi thấy cái phong cách của ngài rất khiêm cung từ tốn. Ngài nói tiếng Miến điện cho ông sư kia (ổng nói tiếng Mỹ), mà giọng nói của ngài êm đềm. Khi tôi lạy Ngài tôi lấy cái trán tôi chạm vô cái bàn chân ngài mà nó mát lạnh một vùng vậy. Chứ có cái tượng phật nào tôi làm được chuyện đó đâu.


Các vị biết tôi từng đến lạy cái tượng Phật bằng vàng 5 tấn ở chùa Traimit ở trung tâm Băng–cốc. Tôi nói thật, tôi nhìn cái tượng đó tôi chỉ nhớ tới vàng thôi. Tôi từng tới gặp tượng Phật ngọc ở bên Thái. Tôi nhìn tôi chỉ nghĩ "cái tượng này bao nhiêu tiền" thôi. Các vị nói tôi tham tôi chịu. Tại vì, đối với tôi, cái đó nó vô hồn. Trong khi đó, cảm giác khi tôi mở ra phần kinh điển, chú giải, Tam tạng, tôi phải nói là cảm xúc tôi trào dâng nhiều hơn.

Ví dụ như tôi đang mở phần chú giải kinh tạng. Các vị không có thấy hình ảnh đó. Bữa nay tôi xì ra sự thật luôn. Sau này tôi giảng bằng youtube thì khác, chứ còn nhiều khi tôi giảng một mình tôi, trời nực tôi ở trần, tôi mở kinh ra tôi ngồi tôi dò, tôi coi, kinh tạng như vậy, chú giải như vậy. Có nhiều cái bài kinh tôi đọc qua cái commentary (lời bàn) đó nó sung sướng cực kỳ. Nó sung sướng tới mức tôi không muốn đem ra giảng cho người ta bởi vì nó mất thời giờ quá. Nó đã quá tôi không muốn đem ra đãi, tui để tui ăn một mình tui. Có nhiều bài kinh khi đem ra giảng sẽ mất rất là nhiều thời gian. Mà muốn nghe cái đó phải có một cái background (căn bản), phải có một căn bản khá vững. Trong khi đó mình không biết trong số người nghe có bao nhiêu người có được cái căn bản cỡ đó. Thôi thì để một mình trẫm đọc sướng hơn nhiều. Lúc đó mình mới thấy, cái xá lợi pháp thân đã đời hơn xá lợi sắc thân.

Nãy giờ tôi đã nói cạn lời, từ cái việc tôi đảnh lễ một cao tăng cho đến việc tôi coi kinh, lúc nào cũng hơn cái chuyện tôi lạy một bức tượng đẹp hết. Rất là lạnh lùng. Lạnh lắm. Cô chủ nhà cổ nói cái tượng này là bằng vàng khối, bằng trầm hương thỉnh trên Hy Mã Lạp Sơn. Hai vợ chồng quỳ lạy 3 tháng trên núi, rước từ trên núi tuyết về. Lúc rước có hào quang xẹt qua tùm lum. Họ nổ banh xác mà tôi nói thiệt tôi thấy trớt quớt. Tui có thấy gì đâu, xẹt mà xẹt ở đâu, chứ đâu có xẹt vô tui! Mà trong khi đó kinh điển là khác. Đọc trang nào sướng trang đó. Mỗi một trang kinh mình đi vào nó phá được một cục ngu văng ra. Bởi vì hồi nãy tôi nói rồi: Cứ có một cái gì tốt vào thì có một cái xấu bật ra. Có một cái xấu nhét vào thì có một đống cái tốt bật ra, khổ vậy đó. Làm phật tử mà lại sợ học giáo lý, cứ đi tin tùm lum.

Trích bài giảng Duyên Hệ và Tu Hành
Kalama xin tri ân bạn vuihtv ghi chép


1 Năm trường hợp không phiên dịch mà phải giữ âm tiếng Phạn: 1. Vì bí mật. 2. Một chữ bao hàm nhiều nghĩa. 3. Vì ở Trung quốc không có cái đó. 4. Theo thông lệ từ xưa. 5. Vì lòng tôn trọng.


Chìm Nổi | | Giáo lý Tứ Đế

Chí Thiện | | Vô Lượng Phật

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com