So sánh

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

So sánh

Khi hành giả ngồi thiền phải có những tỉnh giác. Một là công phu này nó có lợi ích gì hay không. Thứ hai là cách làm việc của mình có thuận lợi không. Cái công việc này nó có đưa mình ra khỏi cảnh giới chánh niệm không. Hãy nhớ rằng từng giây phút tu tập là danh sắc tu tập chứ không phải ai đó đang tu tập. Và phải ghi câu này

"Chỉ có sự khổ chứ không có người bị khổ.
Chỉ có nguyên nhân sanh khổ chứ không có ai tạo khổ.
Chỉ có cứu cánh thoát khổ chứ không có người thoát khổ.
Chỉ có con đường hành trì thoát khổ chứ không có người nào hành trì con đường đó."

Có nghĩa là mỗi lần quý vị tu hành chỉ có chánh niệm và trí tuệ làm việc chứ không có "Tôi đang có chánh niệm". Nghĩ vậy là sai rồi. Không có "Tôi đang có chánh niệm" mà chỉ ghi nhận "Chánh niệm đang có mặt. Từ tâm đang có mặt. Tâm tham đang có mặt. Tâm sân đang có mặt. Cơn đau đang có mặt. Sự thoải mái đang có mặt, ...". Chỉ vậy thôi. Bây giờ nghe rất là kỳ, nhưng mai này bị trọng bệnh mới cám ơn tôi. Ghi nhận "Sự sợ hãi đang có mặt" nó tốt hơn là "Tôi đang sợ hãi". Nhớ cái này. Sống chết phải nhớ cái này. Đau quá, chỉ biết rằng "Cơn đau đang có mặt" thôi. Siêu hơn nữa là "Cơn đau vừa biến mất".

Khi chánh niệm mình dày dặn thì lúc đó mình sẽ thấy rằng mọi cái mình ghi nhận được nó "vừa biến mất" chứ không phải "đang có mặt" nữa. Tôi nhắc lại tất cả những gì thuộc về Tâm Pháp, khi ta ghi nhận được nó thì nó đã "vừa biến mất" chứ không phải là "đang có mặt". Thí dụ, tôi đang bực mình, tôi biết rằng cái sự bực mình nó vừa biến mất. Vì sao? Vì khi cái tâm bực mình được ghi nhận thì lúc đó nó đã nhường chỗ cho chánh niệm rồi. Cái đó là nói rốt ráo. Còn cách nói thế gian là mình sống trong hiện tại. Mình nói mình tâm sân mình biết mình đang có tâm sân. Đó là cách nói phổ thông dành cho người không biết giáo lý. Những người biết giáo lý thì phải hiểu rằng khi ta nhận diện được tâm tham, nhận diện được tâm sân, thì ngay lúc đó nó vừa biến mất. Bởi vì nó phải biến mất để nó mới nhường chỗ cho cái chánh niệm ghi nhận nó. Không bao giờ hai cái tâm thiện, ác cùng có mặt một lúc. Hai tâm thiện không cùng có mặt thì làm gì có chuyện hai tâm thiện và ác cùng có mặt được? Phải nhớ cái này. Một đoàn tàu chạy trên đường rầy, trong từng khoảnh khác trên mỗi đường rầy chỉ có một toa chứ không có hai toa. Hai đường rầy thì được, chứ trên một đường rầy thì phải có toa trước toa sau. Mình học về luân hồi phải học kỹ như vậy.

Tức là đang trong cuộc sống, đang trong lúc tu tập thiền định, ngay trong cuộc sống này luôn luôn nhớ "Ta đang có mặt trong một cuộc luân hồi vi mô". Và "Luân hồi vi mô là mở đường, là nền tảng cho luân hồi vĩ mô". Luân hồi vĩ mô là đầu thai kiếp này qua kiếp kia. Luân hồi vi mô là sự chuyển đổi từ buồn, vui, sướng, khổ, thiện, ác trong từng phút. Chính cái luân hồi vi mô nó mới tạo ra luân hồi vĩ mô. Và ai là người nhận ra cái đó? Người chánh niệm. Cứ đọc như câu thần chú "Ta sống nhiều với cái gì thì ta sẽ đi với cái đó".

Và nói như vậy thì cái chuyện cầu an, cầu siêu có cần thiết hay không thì tự quý vị hiểu rồi. Cái vi mô của quý vị mà dỏm quá nó mới cần cầu siêu. Mà nói vậy thôi chứ cầu sao nổi mà cầu? Bởi vì nếu nói rằng nhờ cầu mà cứu được người cà chớn thì mình tha hồ cà chớn. Cứ ngáp ngáp rồi mời Tăng Ni tới quất cho một chầu rồi nó siêu tới đâu luôn, nghe vậy có thấy đúng không? Rất tiếc chuyện đó không được. Nói rằng nhờ Tăng Ni cầu mà siêu được thì cõi trời chắc dành cho mấy tay nhà giàu không, phải không? Ở xa thì xa, quý vị mua cho tôi vé first class với 10.000 trong bao thơ, tôi hứa tôi tới tụng. Như vậy thì rẻ quá. Cái vé lên cõi trời có 12.000 đồng bạc thôi sao? Cõi trời mà nó rẻ như cải bẹ xanh vậy? Nhưng mà rất tiếc, cõi lành không thể mua bằng tiền. Một bà cụ bán vé số vẫn có cơ hội sanh thiên nhiều hơn cái ông tỷ phú, nếu mà bả có tu tập.

Câu chuyện này tôi kể rồi. Có một ông hành giả hỏi vị thiền sư "Có cách nào thu gọn Phật pháp trong một câu nói không?". Vị thiền sư mới lấy một cây que vạch một đường dưới đất, rồi hỏi "Đường vạch này dài hay ngắn?". Ông hành giả nói "Thưa Ngài, nói không được, bởi vì muốn nói dài hay ngắn mình phải so với cái gì đó." Thiền sư mới nói "Đó, Phật pháp là gom trong đó đó."

Tại sao Phật pháp gom trong câu đó? Là vì mình có so sánh nên mình mới ghét cái này thích cái kia. Vì mình có thích ghét mình mới làm các việc thiện ác. Quý vị có phân biệt được cái mịn với cái nhám không? Chính vì có phân biệt mịn nhám nên mình mới thích mịn, không thích nhám, đúng không? Chứ nếu từ nhỏ đến lớn quý vị chỉ có xài một thứ thôi thì quý vị đâu có phân biệt. Tôi biết có nhiều người họ xài áo ấm, poliester nó khác, đồ ấm bằng len nó khác, bằng cashmere nó khác, bằng angora nó khác. Mình có xài mình mới biết cashmere nó khác len. Rồi từ đó mình mới khoái cái cashmere. Tại sao mình có thích có ghét? Tại sao tôi ghét cái bà này? Một là bả đã làm những cái chuyện chống lại lợi ích của tôi, cách hành động của bả không giống với cách hành động của những người thương tôi. Tôi phải có "so sánh" trong đó. Có trường hợp còn vô duyên nữa, tôi ghét cái cô này vì cổ giống người tôi ghét. Rồi có trường hợp vợ chết rồi đi kiếm cái bà khác phải giống vợ mình. Chưa hết có người đi kiếm vợ vì cô đó có nét giống má người đó nữa. Có thằng con trai nói "Ba, con mới có nhỏ bạn gái dễ thương lắm, tính dẫn về cho Ba coi". Ông cha hỏi "Tính tình sao?" "Dạ, từ mặt mũi đến tính tình y như má vậy đó." "Trời ơi, một mình tao ngu đủ rồi, mày đừng có ngu hai thế hệ như vậy!".

Đời sống này nó là một sự so sánh. Tại sao thích ăn cay? Là vì cái cay nó ngon hơn cái không cay. Tại sao sợ cay? Là vì cái không cay nó ngon hơn cái cay. Tại sao có những món mình phải ăn nóng? Là vì ăn nóng nó ngon hơn không nóng. Có nhiều món là mình phải ăn lạnh nó ngon hơn không lạnh. Như trưa hè nóng nực mình ăn chén chè đậu xanh ấm ấm nó không ngon bằng chén chè đậu xanh mà có đá. Cho nên có nhiều lúc lạnh nó ngon hơn không lạnh. Có nhiều lúc nóng nó ngon hơn không nóng. Có nghĩa là ghét và thích nó đều đi ra từ so sánh. Từ có so sánh mới có thích ghét. Từ có thích ghét nên người ta mới có trốn ghét tìm thích. Và có nhiều con đường trốn ghét tìm thích. Con đường thứ nhất là thiện ác bất chấp. Con đường thứ hai là làm lành lánh dữ. Để chi? Để kiếm được cái thích và né được cái ghét. Như vậy toàn bộ Phật pháp nằm trong đường vạch đó. Đúng không?

Trích bài giảng Luân Hồi và Giải Thoát (1)
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép


Hai Con Một Hột | | Hai Đồng Tiền Vàng

Đường Ra Khỏi Rừng | | 52 Tâm Sở

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com