Mạt Pháp

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Mạt Pháp

Trong bài giảng này tôi đặc biệt chỉ nói về mỗi một chữ đó thôi, đó là chữ “Mạt Pháp”. Mạt pháp là sao?

Cái chuyện đầu tiên mình phải nói rõ với nhau là Đức Phật nói riêng và Chư Phật ba đời mười phương nói chung không phải là người sáng chế ra cái giáo lý. Không phải. Các Ngài chỉ là người phát hiện thôi, chứ không phải các Ngài là người tạo ra giáo lý đó. Các Ngài là những người phát hiện. Chư Phật phát hiện ra các sự thật muôn đời của chúng sinh, của vũ trụ. Và khi các ngài giác ngộ thì các ngài thấy được sự thật và đem dạy cho chúng sanh. Đó là chuyện thứ nhất.

Chuyện thứ hai là Mạt pháp không có nghĩa là Pháp bị mất mà có nghĩa là nó không được người ta biết tới nữa. Đó gọi là Mạt pháp. Thí dụ, như hôm nay căn cứ vào kết quả khảo cổ ta biết rằng, trong quá khứ lịch sử nhân loại không chỉ tồn tại nền văn minh duy nhất bây giờ mà chúng ta đang thấy, mà trước đây đã từng tồn tại những nền văn minh cũng không hề kém cạnh. Nhưng do vật đổi sao dời, biển dâu, thương hải hóa tang điền, biển xanh biến thành ruộng dâu, ruộng dâu biến thành biển xanh cho nên chúng ta mất dần những dấu vết (của những nền văn minh xa xưa). Những dấu vết trong lòng đất và trong đáy biển thì nó vẫn còn ở đó. Những cái nguyên tắc khoa học về toán, về lý, về hóa thì nó muôn đời như vậy. Nhưng có cái giai đoạn lịch sử, giai đoạn thời gian nào đó, vì một lý do nào đó, mà nền văn minh đó bị xóa sổ - và chúng sanh nhân loại lại chìm trong bóng đêm mê muội. Và sau một thời gian một nền văn minh khác được tái hiện. Nó cũng y chang như vậy và cũng được tồn tại tới một lúc nào đó, rồi tự nó mất. Nhưng những nguyên lý về khoa học thì muôn thuở vẫn là vậy. 3 với 3 muôn đời vẫn là 6. Thành tố hóa chất chemical cái này nó kết hợp cái kia nó tạo ra một tác dụng, một hiệu ứng như thế nào thì muôn thuở nó như vậy, không có khác. H2O muôn đời là H2O. Chỉ có một điều, có một lúc nhân loại không biết tới cái công thức đó, cho nên mình tạm gọi là thời kỳ vắng bóng khoa học, nhưng những nguyên tắc thì muôn thuở nó vẫn còn đó.

Thì cái chữ Mạt pháp ở đây nó có nghĩa là có một lúc lời Phật không còn được người ta biết tới nữa. Chứng minh là Kinh phật bây giờ mình thấy trong tam tạng kinh điển thì nó có những bộ phận giáo lý mà bây giờ không được bao nhiêu người cảm thấy hứng thú để mà nghiên cứu. Chỉ có một vài vấn đề trong giáo pháp được người ta đặc biệt lưu tâm. Ví dụ như: tin phật, lạy phật để cầu phúc, kính lễ tam bảo để có được công đức, rồi ráng làm vài ba thứ phước báu vặt vãnh nào đó để mà cầu giải thoát kiếp sau. Đó. Đó là một mảnh vụn của giáo lý mà bây giờ nó rất là phổ biến. Chứ còn cái chuyện tu hành giải thoát thì bây giờ nó nhạt nhòa, nó phai lạt lắm rồi. Và rất là nhiều lần tôi có đưa ra nhận xét mà làm buồn lòng không ít người, đó là phật tử Việt Nam, kể cả Thái lan, Tích lan, Lào, Campuchia, trừ ra Miến Điện thôi, thì trong 100 người phật tử thì chưa chắc có một người là phật tử đúng nghĩa. Phật tử đúng nghĩa là sao? Là biết chán sợ cái sự hiện hữu, biết chán sợ cái sự luân hồi. Là dốc tâm, ra sức tu tập để mà không có luân hồi sanh tử nữa. Thì trường hợp đó được gọi là phật tử đúng nghĩa. Còn tuyệt đại đa số là mình chỉ hành thiện lánh ác với mục đích là trốn khổ tìm vui. Có nghĩa là mình không muốn nghèo nữa, mình không muốn xấu, không muốn bệnh hoạn, tai họa, mình ráng mình tu mình bòn chút công đức để kiếp sau sinh ra khá hơn. Và cái khái niệm giải thoát trong lòng của đa số phật tử rất là mơ hồ.

Bên đạo Chúa người ta có cái thiên đường. Bên Phật giáo Bắc truyền thì có cái Tây phương cực lạc mình cũng còn nghe mô tả ít nhiều. Nhưng riêng cái khái niệm Niết Bàn của Phật giáo Nam truyền thì người phật tử Nam tông theo tôi nhận xét một trăm người chưa chắc có một người hiểu đại khái cứu cánh Niết Bàn là sao. Dĩ nhiên, trạng thái Niết Bàn chỉ có thánh nhân mới hiểu. Nhưng hiểu đại khái theo thế trí của phàm phu thì mình đã thấy không mấy người hiểu rồi.

Tại sao phải chấm dứt sanh tử? Đa phần phật tử mình mong mỏi tu hành rồi nó sẽ sanh về cõi nào nữa tiếp tục hiện hữu, tồn tại trong một điều kiện tốt hơn, vui vẻ hơn, sạch, đẹp, lâu bền hơn. Tức là mình tu gì tu, miệng thì nói vô thường vô ngã, chứ thực ra mình luôn luôn chìm trong bốn cái điên đảo vọng tưởng: thường, lạc, ngã, tịnh. Nhớ cái này. Bên Nam truyền nhấn mạnh cái đó: thường, lạc, ngã, tịnh gọi là điên đảo vọng tưởng.

Tăng Chi Bộ IV (IX) (49) Tưởng Ðiên Ðảo
Trong vô thường, tưởng thường,
Trong khổ, tưởng là lạc,
Trong vô ngã, tưởng ngã,
Trong bất tịnh, tưởng tịnh,
Chúng sanh đến tà kiến,
Tâm động, tưởng tà vọng,
Bị ma trói buộc chặt,
Không thoát khỏi ách nạn,
Chúng sanh bị luân chuyển,
Trong sanh tử luân hồi.
Khi chư Phật xuất hiện,
Ở đời chói hào quang,
Tuyên thuyết diệu pháp này,
Ðưa đến khổ lắng dịu.
Nghe pháp, được trí tuệ,
Trở lại được tự tâm,
Thấy vô thường, không thường,
Thấy đau khổ, là khổ,
Thấy tự ngã, không ngã,
Thấy bất tịnh, không tịnh,
Do hành chánh tri kiến,
Vượt qua mọi đau khổ.

Trong bài giảng đầu tiên này để "Khai hội" chúng tôi chọn đề tài Mạt pháp. Muốn nói về Mạt pháp thì trước hết mình phải nói Chánh pháp. Bởi vì theo trong kinh mô tả, giai đoạn tồn tại giáo pháp của một Đức phật trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn chánh pháp. Nghĩa là lúc phật và chư thánh đệ tử còn tại thế, còn hiện diện ở đời thì số người hiểu đạo, học đạo, hành đạo, chứng đạo rất là nhiều, rất dễ dàng. Thời đó rất dễ dàng tìm thấy một vị xuất gia mà bên trong định tuệ và bên ngoài bát, y. Thời đó rất dễ dàng tìm thấy những người đi xuất gia, không màng danh lợi, không màng sự kính bái cúng dường của phật tử mà chỉ dốc lòng thậm chí bán mạng để mà hành đạo trong núi cao rừng thẳm. Thời đó rất là dễ tìm thấy những vị như vậy.

Còn thời nay thì đa phần mình đi xuất gia là mình phải sống trong tiện nghi. Cũng có trường hợp vị nào hơi có chút biệt hạnh, ví dụ như không nhận tiền, hay là sống bằng hạnh khất thực, không mang dép, hạnh ở rừng - cho tôi sám hối trước khi tôi nói ra chuyện này - tức là đa phần mình thích sống tiện nghi mà hễ lọt ra được cái vị nào hơi có vẻ kiêng khem khổ hạnh thì vị đó cũng thầm mong người khác biết mình là khổ hạnh. Cái đó vẫn chưa được. Vì trong kinh nói rất rõ, có ba hạng:

Hạng thứ nhứt, chìm đắm trong tiện nghi sung sướng. Hạng này tệ nhất.

Hạng thứ hai, thiểu dục tri túc nhưng mong người ta biết mình thiểu dục tri túc. Cái hạng này chỉ khá hơn hạng một thôi.

Hạng thứ ba là khá nhất, chân thành thiết tha thiểu dục tri túc và không hề có lòng mong mỏi người khác biết mình là thiểu dục tri túc. Dầu qua biểu hiện hay ngôn từ, cũng không hề mong người khác biết. Cứ chúi mũi cắm đầu mà đi con đường của mình chứ không có màng nhận xét của người khác.

Thì đó là ba hạng. Giai đoạn chánh pháp là giai đoạn hạng thứ ba rất là nhiều, có nghĩa là chân tâm chân thành tu hành mà không mong người khác biết. Thì đó là giai đoạn chánh pháp. Đó là giai đoạn mà người ta bỏ thời gian ra để học hỏi tam tạng giáo pháp một cách rất là dễ dàng. Học dễ dàng, hiểu dễ dàng, hành trì dễ dàng và chứng ngộ dễ dàng. Đó gọi là giai đoạn chánh pháp.

Và trong chánh kinh, tức là chánh tạng, Đức Phật xác nhận rằng trong giáo pháp của ngài, giai đoạn chánh pháp chỉ có 500 năm thôi.

Bà con nào trong buổi giảng này mà có lòng nghi ngờ "Không biết ổng nói ổng dựa kinh nào?" thì tôi cho địa chỉ tự tìm chứ tui mệt quá. Đó là Tăng chi bộ kinh, phẩm Gotami, phần tám pháp, bài kinh nói về bà Gotami và tám trọng pháp. Tức là tám điều kiện tối thiểu để một người nữ được đắp áo tỳ kheo ni. Đó là vào thời Đức Phật chứ còn thời này thì tôi không có ý kiến. Theo trong kinh điển thì tỳ kheo ni đã kết thúc chính thức vào thế kỷ thứ 4 Phật lịch, tức là sau khi Phật niết bàn được 400 năm là coi như Tỳ kheo ni đóng sổ. Còn sau đó mình ráng, mình tiếc nuối mình nắm níu thêm thì đó là chuyện của sau này. Chứ còn cái gọi là ni chúng chính thức được Đức Phật chính thức ban hành, cho phép, quy định, ấn định thì đã chính thức kết thúc 400 năm sau khi Ngài niết bàn. Vị ni trưởng thánh nhân sau cùng là bà Sankhamitta con gái của vua A-Dục. Chính bà cũng thấy rằng sau khi bà tịch rồi thì ni chúng lụi tàn dần dần. Bà và chư thánh tăng đều thấy rằng: Hãy để nó lụi tàn tự nhiên, không ra sức duy trì, níu kéo nữa. Vì trong kinh (cũng cái địa chỉ bài kinh tôi đưa) dạy rằng: Chính cư sĩ nữ, tín nữ khoác áo tỳ kheo làm giảm thọ giáo pháp. Lẽ ra thời kỳ chánh pháp sẽ kéo dài 1000 năm, nhưng mà vì cái sự có mặt của các vị bên ni chúng mà nó giảm mất một nửa.

Nhắc lại, thời kỳ chánh pháp là thời kỳ học dễ, hiểu dễ, hành dễ và đắc dễ.

Ở đây thể nào cũng có người thắc mắc: Đức Phật biết rõ sự có mặt của các vị tỳ kheo ni sẽ làm giảm thọ giáo pháp, tại sao Ngài lại cho phép tỳ kheo ni được thành lập ni đoàn, ni chúng? Trước hết là do Ngài Anan Ngài đã vào xin Đức Phật ba lần vì một lý do duyên sự rất đơn giản: Ngài nhìn thấy bà Gotami là dì ruột của Đức Phật, đầu trần chân đất. Từ một bà đệ nhất phu nhân, bỏ ngôi, bỏ hết mọi thứ, bỏ ngôi vị hoàng hậu, đầu trần chân đất, cạo đầu, mặc áo nâu sòng, đi chân không mà vượt ngàn dặm đến để mà xin xuất gia, mấy cái bàn chân sưng phù, tươm máu. Ngài Anan vào xin Đức Phật, Đức Phật Ngài từ chối ba lần. Thì Ngài Anan mới hỏi "Bạch Thế Tôn, người nữ có khả năng Đắc đạo hay không?" Đức Thế Tôn ngài dạy rằng: "Có, người nữ có khả năng đắc đạo." Ngài Anan nói "Bạch Thế Tôn, dì ruột của Ngài là bà Gotami có công nuôi dưỡng Ngài khi bà Maya băng hà." Thì Đức Thế Tôn nhận lời không phải vì cái chuyện riêng tư trong gia đình, không phải vì bả là dì ruột của mình, mà là trường hợp bất đắc dĩ.

Đây là chuyện mà phật tử phải nhớ: Tất cả Chư Phật ba đời mười phương đều có giáo hội tỳ kheo ni nhưng mà đó là trường hợp bất đắc dĩ, cực kỳ bất đắc dĩ. Là vì sao ? Là vì khi chư Phật ra đời thì có vô số người nữ chứng quả A-la-hán, có vô số người nữ đắc A-la-hán. Lúc mà Ngài còn tại thế có vô số, tức là đếm không xuể, có vô số người nữ đắc A-la-hán. Mà các vị A-la-hán dầu là nam hay nữ, đắc A-la-hán rồi nếu không được xuất gia, tiếp tục mặc áo cư sĩ, thì tối đa một tuần lễ vị đó phải từ trần. Vị A-la-hán không thể tiếp tục mang hình thức cư sĩ quá một tuần lễ, có chỗ nói một ngày, có chỗ nói một tuần. Tôi chọn cái một tuần cho nó chắc ăn. Có nghĩa là trong vòng một tuần lễ thì vị đó phải sống ở đời xuất gia. Về tinh thần thì khỏi nói nhưng về hình thức thì phải là vị xuất gia, còn không thì vị ấy phải viên tịch Niết Bàn, hay nói theo mình bây giờ là phải từ trần, qua đời, quá cố, quá vãng trong vòng một tuần. Chính vì sự kiện này mà Chư Phật ban hành luật thành lập ni chúng. Vì không lẽ người ta mới đắc xong giờ cứ để người ta tịch hết sao? Chính vì các vị thánh nữ A-la-hán mà có giáo hội tỳ kheo ni. Tôi đặc biệt không có muốn nói nhiều về cái chuyện này, nhưng mà đang nói về vấn đề chánh pháp tôi phải nói luôn. Thời kỳ Chánh pháp là thời kỳ mà người ta thành tựu bốn cái - hiểu đạo, học đạo, hành đạo và chứng đạo - rất là dễ dàng.

Còn thời nào mà lý tưởng đến với Đạo không có thì bốn cái kia nó không có. Lý tưởng đến với Đạo là gì? Thật sự thấy cái thân này là gánh nặng, thấy cái chuyện ăn uống, tắm rửa, tiểu tiện, đi đứng, nằm ngồi, giao tiếp là gánh nặng, là phiền, là mất công, là tào lao, là vô nghĩa, là vô ích, là vô bổ, là vô dụng. Người ta thấy cái chuyện kéo dài hiện hữu này không có ý nghĩa gì hết. Cái người như vậy, cái người có cái cảm nhận, có cái nhận thức như vậy đó, khi mà họ đến với Đạo họ mới thiết tha học đạo, tìm hiểu, hành trì. Và nếu đủ duyên thì mới chứng đạo. Trong thời kỳ chánh pháp loại người này nó nhiều còn cái giai đoạn thứ hai.

Tôi đã nói không biết bao nhiêu lần: Nếu bây giờ các vị có thu nhập mỗi ngày 1 triệu đô la hoặc là mỗi tháng các vị có được 1 triệu, và sức khỏe của các vị là hoàn hảo, thì liệu các vị có còn thiết tha tìm đến đạo nữa hay không? Và nếu bây giờ có một phép lạ nào đó mà các vị sống được đến 1000 tuổi, 2000 tuổi, 1 triệu tuổi thì các vị có thiết tha đến với Phật Pháp hay không? Đa phần bây giờ chúng ta đến với Đạo là do có chuyện buồn gì đó. Chuyện buồn về gia đình, chuyện buồn về sức khỏe, chuyện buồn về tình cảm, chuyện buồn về vật chất, tài sản có vấn đề ... Nói chung chúng ta phải có vấn đề gì đó chúng ta mới tìm đến đạo. Chứ trong đáy lòng sâu thẳm của chúng ta, chúng ta không phải là cái người thực sự chán sợ sanh tử đâu quý vị. Tôi nói không biết bao nhiêu lần, nếu bây giờ mà bà con mình có được cái phép lạ mà có thể sống triệu tuổi, rồi có khả năng đi mây về gió, sống bên cạnh người mình thương, ở được chỗ mình thích, muốn bay đi đâu đó thì bay, hào quang chói lòa, ăn mặc ở hoàn hảo, trong điều kiện tốt nhất thì thử hỏi bà con có nghĩ đến cái chuyện mà sanh-già-đau-chết, nghĩ đến chuyện giữ giới, thiền định. Còn khuya! Chuyện đó không có. Chẳng qua mình khổ quá thì mình muốn trốn nhất thời. Giống như con cù lần mà nó bị người ta rung cây thì nó lấy tay nó che mặt, con đà điểu mà bị rượt thì nó vùi đầu vô trong cát. Còn mình khổ quá thì mình chạy vô chùa, nghe kinh, cầu công đức, nguyện kiếp sau khá hơn. Vậy thôi. Chứ còn mà thật lòng chán sợ sanh tử, chán sợ sự hiện hữu thì trăm người chưa được một. Người mà tu đúng, mỗi lần ăn, múc miếng ăn đưa vô trong miệng là người ta thấy là phiền. Vì cái cục nợ này nó mới có cái nhu cầu ăn uống, mà khi nó đói thì ăn nó mới ngon. Các vị nghĩ kỹ đi. Vì có cái thân này mình mới có nhu cầu ăn uống, mà vì có nhu cầu ăn uống cho nên nó mới biết cái ngon, cái dở, cay, mặn, chua, đắng, ngọt, bùi. Rồi từ đó mới đi kiếm cái mình thích.

Nếu mà mình tu đúng, hiểu đúng thì mình mới thấy sự có mặt của cái thân này đã là khổ. Mỗi lần ăn là mỗi lần mình mở thùng rác mình liệng rác trong đó rồi đậy nắp lại. Khép môi kêu là đậy nắp. Mình nhai nhai mình khép môi lại là mình đang đậy nắp, đút vô có nghĩa là mình đang đổ rác, mình nhai nhai có nghĩa là mình đang nghiền rác, rồi mình ngậm miệng lại là mình đang đậy nắp thùng rác, nguyên thủy nó là như vậy. Bà con có thể nghĩ tôi nói quá lời nhưng mà đó là sự thật. Hoặc là bà con không tin thì bà con cứ lấy thức ăn nhai nhai rồi bà con nhả vô cái bịch, rồi uống nước, ăn tráng miệng cũng nhổ vô cái bịch đó rồi đeo cái bịch đó trước ngực. Lúc đó bà con mới thấy đó là gánh nặng. Nhưng mà tại vì mình nuốt vô trong nó khuất, mình không có thấy, chứ thật ra mỗi lần ăn là mỗi lần mình đang băng bó vết thương, mỗi lần mình đổ rác, mỗi lần mình ăn là mỗi lần mình ráng mình thêm cái sinh tố để minh nuôi cái của nợ mấy chục kilo này. Phải thấy như vậy mới là học đạo, hành đạo đúng mức. Còn đa phần mình toàn là trốn khổ tìm vui.

Tôi nói hoài: Chúng sanh trong đời này có nhiều hạng.

Hạng thứ nhứt không biết phật pháp thì chỉ biết chạy theo cái thích và trốn cái ghét bất phân thiện ác. Loại này dầu mang thân người nhưng không có khác súc vật. Nghĩa là chỉ biết chạy theo cái mình thích, chạy trốn cái mình ghét thôi, không phân thiện ác.

Hạng thứ hai, khá hơn một chút. Vẫn tiếp tục trốn khổ tìm vui nhưng mà biết phân biệt thiện ác.

Hạng thứ ba, họ thấy thiện ác buồn vui đều là đáng sợ đáng chán bởi vì đó là sự quẩn quanh. Tu cho đã nếu không được Niết Bàn thì cũng về trời, về trển sống hết tuổi thọ thì lại lọt xuống làm trùn làm dế làm dòi làm bọ địa ngục, ngạ quỷ. Lâu lâu nó đủ duyên nó trồi lên nó làm trời làm người vài kiếp gì đó rồi nó lại lọt trở lại. Mà cái cơ hội trồi lên nó cực hiếm. Trong kinh nói con rùa mù cả trăm năm nó trồi đầu lên một lần, mà trong một lần nào đó nó chọt cái đầu nó vô cái lỗ ván trôi trên biển. Đức Phật Ngài nói đó là một cái cơ hội cực kỳ hiếm, một sự ngẫu nhiên mà cực kỳ khó bao giờ xảy ra. Ngài nói cái chuyện con rùa mù nó chun cái đầu vô lỗ ván dễ hơn cơ hội chúng sanh đã bị đọa mà trồi lên được làm người. Khó lắm.

Cho nên, hạng chúng sanh thứ nhất, chỉ biết trốn khổ tìm vui. Hạng thứ hai biết hành thiện lánh ác, nhưng vẫn tiếp tục trốn khổ tìm vui. Chỉ có cái hạng thứ ba họ thấy thiện ác buồn vui đều là đáng sợ như nhau, đều là đáng sợ hết.

Cái thiện thì nó đem lại hạnh phúc, cái ác thì nó đem lại đau khổ. Nhưng mà thật ra cái khổ, cái vui là hai mặt của một đồng tiền. Vui là gì? Vui có nghĩa là mình có được cái mình thích, mà khi mình có được cái mình thích thì dứt khoát phải có cái mình ghét. Khi tôi thích ấm thì tôi ghét lạnh. Khi tôi thích mát thì tôi ghét nực. Khi tôi thích êm ấm thì tôi ghét cái gì đó thô ráp sần sùi. Khi tôi thích một vật gì đó có nghĩa là tôi có một cái ghét ngược lại. Khi tôi muốn gần một người có nghĩa là tôi sợ sự chia cách với người đó. Khi tôi ghét một người thì tôi sẽ thích sự xa cách người đó. Cho nên, cái thích và cái ghét, cái khổ và cái vui là một cặp không rời nhau được. Vì họ thấy được điều này nên những bậc hữu trí, những bậc mà gọi là có huệ căn, là người ta vẫn hành thiện lánh ác, nhưng mục đích không phải để trốn khổ tìm vui mà mục đích của họ là không còn thiện ác buồn vui nữa. Thời kỳ chánh pháp là thời kỳ mà số người hiểu được mấy điều nãy giờ tôi nói nhiều lắm, nhiều lắm. Còn cái thời nay của mình thì không có những người như vậy, rất là hiếm.

Trích bài giảng Bài Khai Hội
Kalama xin tri ân bạn vuihtv ghi chép


Sợi Tóc Chẻ Bảy | | Quan Hệ Giữa Nhân và Quả

52 Tâm Sở | | Quay Lưng

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com